Đi khám vì khó thở, phát hiện hẹp mạch vành “kín đáo”

29/05/2023

Người đàn ông khó thở khi gắng sức suốt một tháng, bác sĩ phát hiện 3 nhánh mạch vành hẹp nặng, nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu không nong kịp thời.

Một ngày sau ca can thiệp đặt stent 3 nhánh mạch vành tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ông Ngô Trịnh (64 tuổi, quận 3, TP.HCM) không còn mệt mỏi, khó thở. Ông ăn uống ngon miệng, ngủ sâu giấc, tinh thần thoải mái vì các nhánh mạch vành đã được tái thông hoàn toàn. Hai ngày sau, ông xuất viện, không quên gửi lời cảm ơn các bác sĩ vì đã cứu mình khỏi nguy cơ nhồi máu cơ tim trong gang tấc.

Ông Trịnh có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều năm nay. Ông uống thuốc đều đặn, đo huyết áp thường xuyên thì chỉ số trong giới hạn cho phép (<130/80 mmHg) nên rất yên tâm. Từ đầu tháng 5/2023, ông hay bị khó thở khi gắng sức, giảm khi nghỉ, hụt hơi khi leo cầu thang. Nghĩ mình tuổi cao, triệu chứng này là bình thường nên ông không đi khám mà tiếp tục uống thuốc theo toa. Nhưng gần một tháng sau, tình trạng chẳng những không cải thiện mà cơn khó thở xuất hiện dày và nghiêm trọng hơn, khiến sức khỏe ông suy giảm.

Thăm khám tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, TS.BS Trần Minh Giang, khoa Nội tổng hợp cho biết, ông Trịnh không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng triệu chứng gặp phải cho thấy ông có khả năng bị hội chứng mạch vành mạn tính. Khác với bệnh mạch vành cấp tính, hội chứng mạch vành mạn tính không biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực đặc trưng mà diễn tiến âm thầm trong nhiều năm. Đến khi bệnh nhân cảm thấy khó thở khi gắng sức với mức độ tăng dần, đó là lúc các nhánh mạch vành đã hẹp rất nặng. Chính vì âm thầm tiến triển và rất khó phát hiện nên hội chứng này còn được ví là tình trạng hẹp mạch vành “kín đáo”.

Ông Trịnh được chỉ định chụp mạch vành tìm nguyên nhân gây khó thở. Đúng như chẩn đoán bệnh ban đầu của bác sĩ Giang, kết quả cho thấy bệnh nhân hẹp nặng (>90%) cả ba nhánh mạch vành. Nếu không kịp thời can thiệp để khơi thông lòng mạch tăng lượng máu đến tim, bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào.

trước và sau khi đặt stent tái thông
Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy động mạch vành phải hẹp 90% (hình A) và sau khi được đặt stent tái thông (hình B).

Ngay lập tức, ca can thiệp nong mạch đặt stent cấp cứu cho ông Trịnh được tiến hành. Thử thách cho êkip là phải đặt đoạn stent kích thước lớn nhất với độ dài ngắn nhất nhằm giảm tối đa nguy cơ tái hẹp. Muốn vậy, bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để xác định chính xác kích thước lòng mạch, từ đó chọn stent phù hợp. Ngoài ra, vì stent lớn nên trong quá trình nong bóng, phải hết sức khéo léo, cẩn trọng để không làm vỡ mạch máu.

Chưa đầy 60 phút sau, thủ thuật kết thúc thành công. Cả 3 stent đặt vào 3 nhánh mạch máu nuôi tim đều đạt kích thước lý tưởng: 4.5×0.8 mm, 4.0×12 mm và 4.0×15 mm. Chụp lại mạch vành sau thủ thuật cho thấy stent bung tốt, áp sát thành mạch nhưng không gây tổn thương mạch máu, dòng máu được khơi thông và không có biến chứng.

đặt stent khẩn cấp để cứu 3 nhành mạch máu
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cùng êkip nong mạch đặt stent khẩn cấp để cứu 3 nhánh mạch máu nuôi tim cho bệnh nhân

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, khi quyết định chọn 3 stent “khổng lồ” để nong mạch cho bệnh nhân Trịnh, êkip có nghĩ đến rủi ro tổn thương, thậm chí vỡ mạch máu. Nhưng bệnh nhân hẹp gần hết cả 3 nhánh, nếu không liều lĩnh mà chọn giải pháp an toàn là stent nhỏ (đường kính 3.0 – 3.5 mm), khả năng tái hẹp rất cao. Đường kính stent càng lớn thì nguy cơ tăng sinh lớp nội mạc càng thấp; và độ dài stent càng ngắn, vừa đủ để bao phủ đoạn mạch bị hẹp, thì càng hạn chế nguy cơ tái hẹp về sau.

Bệnh mạch vành còn có tên gọi khác là suy mạch vành hay thiếu máu cơ tim, gồm có 2 thể: hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn. Hội chứng động mạch vành cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp, xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối. Triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở xảy ra đột ngột, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút kèm theo cảm giác vã mồ hôi, hoảng loạn, ngộp thở sắp chết. Những trường hợp này người bệnh thường đến bệnh viện sớm hoặc phải đi cấp cứu ngay. Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng thông tim để chụp và nong mạch vành khẩn cấp.

Ngược lại, bệnh mạch vành mạn thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng của bệnh xuất hiện và tăng dần khi diễn tiến của hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian.

Để phòng tránh bệnh mạch vành, những người trẻ (kể cả các bạn ở độ tuổi 20-30), đặc biệt người có bố mắc bệnh này và tử vong khi dưới 65 tuổi và mẹ dưới 60 tuổi thì cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, tránh thừa cân – béo phì, tập thể dục đều đặn và có kế hoạch khám sức khỏe tim mạch 6 tháng/lần để tầm soát sớm.

18:44 29/05/2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM