Sỏi đường mật trong gan nếu không có biện pháp can thiệp sớm có thể gây nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe của người bệnh. Vì thế, trang bị kiến thức về bệnh sẽ giúp phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Sỏi đường mật trong gan là gì?
Sỏi đường mật trong gan (sỏi gan) là những viên sỏi có nhiều trong ống gan phải, ống gan trái và các ống mật phân thùy. Thành phần chủ yếu của sỏi này là bilirubin. Nguyên nhân gây sỏi mật trong gan là do nhiễm trùng đường mật do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng
Gan là một cơ quan quan trọng. Chức năng là sản xuất mật để tiêu hóa chất béo, khử độc, loại bỏ những chất thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi sỏi xuất hiện, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, áp xe gan, ung thư gan…
Nguyên nhân sỏi đường mật trong gan do đâu?
Vị trí của sỏi là ở đường dẫn mật trong gan. Chủ yếu là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Ở Việt Nam, loại sỏi thường gặp là sỏi sắc tố, thành phần chủ yếu là bilirubin.
Nguyên nhân tạo sỏi đường mật trong gan là do ký sinh trùng đường ruột xâm nhập vào đường mật, cùng với vi khuẩn khiến bilirubin không hoàn toàn hòa tan, từ đó kết hợp với trứng, xác giun trong gan hình thành sỏi.
Ngoài ra, bệnh lý này còn do dịch mật bị ứ đọng do chít hẹp đường mật, dị dạng đường mật hoặc tắc nghẽn do khối u, do sản xuất dư thừa bilirubin như trong bệnh huyết tán. Người béo phì, lười vận động cũng nhóm đối tượng dễ mắc phải sỏi đường mật trong gan do giảm vận động đường mật.
Triệu chứng sỏi đường mật trong gan
Người bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng, đi khám tình cờ phát hiện ra sỏi đường mật trong gan hoặc đi khám bệnh vì những triệu chứng như:
Đau bụng: thường xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ hoặc về đêm. Cơn đau ở hạ sườn phải, đau quặn gan dữ dội và đột ngột, có thể lan đến vai phải. Người bệnh khi đau thường đi kèm nôn, không dám thở mạnh. Cơn đau kéo dài khoảng 15 phút tới vài giờ, có tính chất chu kỳ.
Sốt: Triệu chứng này thường liên quan tới viêm đường mật. Người bệnh bị sốt cao đột ngột, có thể rét run và vã mồ hôi. Cơn sốt thường đi kèm với cơn đau hạ sườn phải.
Vàng da: Sỏi trong gan gây ứ đọng dịch mật ở gan, bilirubin – sắc tố mật có màu vàng thấm vào máu, gây vàng da và vàng mắt. Tình trạng này thường xảy ra sau khi đau và sốt 1,2 ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể thấy nước tiểu đậm màu, màu phân nhạt hơn bình thường.(1)
Phương pháp chẩn đoán sỏi đường mật trong gan
1. Chẩn đoán lâm sàng
Sỏi đường mật gây ra những triệu chứng lâm sàng tùy theo kích thước, tính chất và vị trí của sỏi. Một số triệu chứng thường gặp như:
Cơn đau quặn gan: Cơn đau thường khởi phát đột ngột.
Vàng da: Tình trạng vàng da thường nhẹ. Nước tiểu đậm màu và màu phân nhạt. Sỏi đường mật trong gan thường phải xuất hiện ở cả hai thùy gan mới gây vàng da trên lâm sàng.
Sốt: Triệu chứng này là dấu hiệu của viêm đường mật.
Chẩn đoán cận lâm sàng
2. Xét nghiệm
Tùy theo thể lâm sàng của người bệnh, kết quả xét nghiệm có thể là:
Gia tăng bilirubin huyết tương (bilirubin trực tiếp).
Gia tăng aminotransferase huyết tương.
Gia tăng amylase và lipase huyết tương.
Gia tăng số lượng bạch cầu và tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính. Đối với người bệnh viêm đường mật, số lượng bạch cầu thường khoảng 12000 – 18000.
Thời gian prothrombin (xét nghiệm đánh giá toàn thể quá trình đông máu) kéo dài.
Cấy máu: Cho kết quả dương tính trong 50% những trường hợp.
Ngoài ra, xét nghiệm máu có thể tìm ra những biến chứng như nhiễm trùng, viêm tụy hay những biến chứng khác do sỏi mật.
2. Chẩn đoán hình ảnh
Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho các trường hợp sỏi đường mật trong gan gồm:
Siêu âm: Siêu âm cho kết quả hạn chế. Tuy vậy, siêu âm là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn và tiết kiệm. Do đó, siêu âm thường là lựa chọn đầu tiên khi nghi ngờ sỏi đường mật.
Chụp CT: Phương pháp này có giá trị cao trong chẩn đoán giãn đường mật trong và ngoài gan cũng như chẩn đoán sỏi đường mật trong gan.
Chụp cộng hưởng từ đường mật với Gadolinium có giá trị chẩn đoán cao, có độ nhạy khoảng 95% và độ đặc hiệu khoảng 89%.
Nội soi chụp mật tụy ngược dòng ERCP: hiện nay đây chủ yếu là phương pháp can thiệp điều trị sỏi ống mật chủ, không dùng để chẩn đoán sỏi mật đặc biệt là sỏi đường mật trong gan.
Chụp đường mật xuyên qua da PTC: Phương pháp này hiện nay cũng ít được sử dụng để chẩn đoán sỏi đường mật trong gan.
3. Chẩn đoán phân biệt
Những triệu chứng của sỏi đường mật trong gan có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý như hẹp đường mật, viêm tụy cấp, viêm đường mật… Do đó, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, cụ thể:
Hẹp đường mật: Hẹp đường mật có thể là do viêm đường mật nhiễm trùng, viêm đường mật tự miễn và viêm xơ hóa đường mật nguyên phát. Các nguyên nhân gây hẹp đường mật thường là tổn thương đường mật khi cắt túi mật.
Ung thư đường mật và ung thư bóng Vater: Người bệnh bị vàng da tăng dần, không có sốt và đau bụng. Chẩn đoán bệnh dựa vào chụp CT ổ bụng, MRCP, siêu âm nội soi….
Viêm tụy mạn: Người bệnh bị đau bụng âm ỉ, liên tục, lan đến sau lưng, đau tăng khi ăn uống. Tiêu chảy xảy ra khi chức năng tụy giảm tới 90%. Chụp X-quang bụng có thể thấy tụy hóa vôi. Chẩn đoán xác định dựa theo CT ổ bụng, MRCP, siêu âm nội soi
Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát: Đây là tình trạng xơ hóa đường mật trong và ngoài gan không do bất kỳ một nguyên nhân thực thể nào. Người bệnh thường bị vàng da kèm ngứa, ít trường hợp bị nhiễm trùng đường mật. Chẩn đoán dựa theo MRCP, ERCP.
Biến chứng của sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm đến gan. Các biến chứng thường gặp như:(2)
Xơ gan: Khi xảy ra viêm nhiễm tại gan, tổn thương mô gan phục hồi chậm có thể gây xơ gan và suy giảm chức năng của gan.
Áp xe gan: Dịch mật ứ đọng lâu ngày tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào gan, hình thành những ổ mủ, dẫn đến tình trạng áp xe gan
Ung thư đường mật trong gan: Tỉ lệ người gặp biến chứng này không cao. Tuy vậy, đây lại là biến chứng nguy hiểm nhất. Người bệnh phát hiện ung thư thường ở giai đoạn muộn nên rất khó cứu chữa.
Nhiễm trùng máu: Biến chứng này rất nguy kịch, nếu không xử trí nhanh sẽ dẫn đến mất mạng.
Sỏi đường mật trong gan có thể dẫn tới biến chứng viêm gan
Điều trị sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan không có triệu chứng: không có chỉ định điều trị
Sỏi đường mật trong gan có triệu chứng
1. Tán sỏi và lấy sỏi qua da
Đây là kỹ thuật bác sĩ sẽ tạo đường hầm qua da tới gan, sau đó đưa ống nội soi vào tán sỏi, sử dụng dụng cụ bơm rửa hay dùng rọ gắp sỏi ra ngoài cơ thể. Đây là kỹ thuật khó, yêu cầu phẫu thuật viên phải có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm cao. Các trường hợp không đảm bảo điều kiện này rất dễ xảy ra biến chứng viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết.
2. Phẫu thuật cắt một phần gan
Cắt một phần gan sẽ được bác sĩ chỉ định ở bệnh nhân sỏi đường mật trong gan có kèm với teo gan hoặc ung thư đường mật.
Nội soi đường mật lấy sỏi
Ở bệnh nhân đã tạo hình đường mật, bác sỹ sẽ đưa ống nội soi qua đường miệng trực tiếp đi vào đường mật để lấy sỏi. Với các sỏi lớn bác sỹ sẽ tán sỏi trước khi lấy.
Tán sỏi đường mật trong gan có hiệu quả không?
Tán sỏi đường mật qua da chính là phương pháp can thiệp ít xâm lấn tiên tiến. Phương pháp này có thể tán sỏi tại các vị trí khó, không lo sót sỏi, chảy máu, nhiễm trùng, thời gian phục hồi nhanh. Hơn nữa, tán sỏi đường mật qua da là phương pháp an toàn với người bệnh lớn tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh lý nền hay trường hợp có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần.
Cách phòng sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan là bệnh lý nguy hiểm. Tuy vậy, vẫn có cách để phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi, hạn chế tối đa các biến chứng do sỏi, cụ thể:
Không uống rượu bia; không sử dụng các chất kích thích; không hút thuốc.
Hạn chế bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol, đồ ăn chiên, rán, đóng hộp.
Đảm bảo ăn uống vệ sinh, tránh ăn đồ ăn sống, tái nhằm phòng ngừa nhiễm giun sán từ thức ăn. Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và uống nhiều nước.
Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần để tránh phòng ngừa nhiễm khuẩn do giun sán.
Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm sẽ giúp phát hiện sớm những nguy cơ của bệnh lý này.
Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga để tăng vận động đường mật và tránh ứ mật trong gan.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Sỏi đường mật trong gan là bệnh lý nguy hiểm. Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.