Sau 1 giờ thực hiện thay khớp gối nhân tạo, người bệnh được giải phóng khỏi cơn đau kéo dài nhiều năm, khôi phục hình dáng chân và khả năng đi lại.
Bà Vũ Thị Thu Hà (54 tuổi, Tây Ninh) cho biết đã mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gây sưng đau chân, đi lại khó khăn trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh nên không thể tập trung điều trị. Theo thời gian, tình trạng chân ngày càng chuyển biến xấu, đến năm 2019, bà Hà mất hẳn khả năng đi lại trong gần 2 năm. Hiện nay, mặc dù tình trạng bệnh có cải thiện nhưng không nhiều, đi lại vẫn còn khó khăn và đặc biệt là biến dạng hình dáng chân, làm bà tự ti. Vì vậy, bà Hà quyết định tập trung điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết người bệnh đến thăm khám trong tình trạng teo chân, không thể tự đi lại, phải sử dụng xe lăn. Hình ảnh X-quang cho thấy khớp gối ở cả hai chân của người bệnh đã thoái hóa, mất đi toàn bộ sụn, xuất hiện gai xương và những tổ chức hoại tử. Ngoài ra, phần chi dưới của người bệnh đã biến dạng, teo cơ đùi, sức cơ yếu; hai chân vẹo sang trái, trong đó, khớp gối phải vẹo trong 13 độ, khớp gối trái vẹo ngoài 7 độ. Kết quả đo mật độ xương cũng cho thấy người bệnh bị loãng xương nặng.
Người bệnh được chỉ định thay khớp gối để nhanh chóng khôi phục khả năng đi lại và trả lại hình dáng đôi chân bình thường. Với tình trạng bệnh lý phức tạp, bác sĩ đã quyết định thực hiện đồng thời ba kỹ thuật là không buộc garo, mở đường mổ bên và sử dụng khớp nhân tạo chuyển động xoay. Trong đó, không sử dụng garo trong quá trình phẫu thuật giúp hạn chế tổn thương cơ, giảm đau và phục hồi chức năng sau mổ tốt hơn.
Nhờ đó, người bệnh có thể sớm đi lại, giảm nguy cơ hình thành huyết khối do nằm lâu và phù nề. Huyết khối là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ. Kỹ thuật thứ hai là mở đường mổ bên ngoài giúp tránh được những dây thần kinh bên trong, giảm tình trạng dị cảm sau phẫu thuật.
Sau đó, người bệnh được thay khớp gối nhân tạo có cấu phần xoay với kích thước phù hợp. Đây là loại khớp gối xoay chuyển, có độ linh hoạt cao và hao mòn ít. Ngoài ra, người bệnh còn được ghép xương nhân tạo và sử dụng xi măng sinh học để bù lại phần xương đã mất do bệnh tật trong nhiều năm qua.
8 giờ sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, có thể đi lại nhẹ nhàng mà không cần sử dụng xe lăn, cảm giác đau giảm rõ rệt, ăn uống bình thường. Người bệnh được hẹn 3 tuần sau tiếp tục thay khớp còn lại. Người bệnh cho biết: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ có thể hồi phục nhanh như thế. Mặc dù chỉ mới thay một bên gối phải nhưng chân đã thẳng ra rõ rệt và đi lại được. Tôi mừng lắm. Mấy năm nay tôi không dám đi đâu, một phần vì đau nhức, một phần cũng vì tự ti nữa”.
Bác sĩ Dương cho biết, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh bên trong cơ thể. Bệnh làm ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, rồi dần dần huỷ hoại xương và gây biến dạng các khớp. Bệnh thường tấn công vào nhiều khớp cùng lúc và xảy ra ở hai bên cơ thể.
Nếu không được điều trị đúng cách, viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, mà còn gây ra các biến chứng liên quan đến mắt, miệng, tim, phổi… Vì vậy, người bệnh nên lưu ý các dấu hiệu bệnh để kịp thời thăm khám.
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp từ nhẹ đến nặng, có thể bao gồm: khớp sưng đau, người mệt mỏi, sốt; viêm khớp gia tăng và lan ra các mô; mô xương xuất hiện, sụn khớp bị phá hủy; khớp sưng cứng nhiều hơn, khó khăn khi cử động; mất chức năng khớp, xuất hiện biến dạng…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH