//= SITE_URL ?>
Đã mãn kinh chị Hoa quyết định xin trứng của phụ nữ khác để kết hợp với tinh trùng chồng, làm thụ tinh ống nghiệm tại IVFTA-HCM. Họ có con sau 25 năm ngóng đợi.
Hội bạn thân khoe cháu ngoại ở tuổi 50, trong khi chị Hoa (Bình Phước) chưa một lần được làm mẹ dù chị đã lấy chồng cách đây 25 năm.
4 năm sau ngày cưới, anh chị không có tin vui dù rất yêu thương nhau và quan hệ vợ chồng đều đặn. Uống đủ thuốc Bắc, thuốc Nam không có kết quả, đến năm thứ 5, họ đi TP.HCM khám hiếm muộn.
Chị kể, khi ấy ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam mới phát triển, nhu cầu cần chữa bệnh đông nhưng không có nhiều lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh. Hai vợ chồng khá vất vả trong việc đăng ký, chờ đợi để được thăm khám. Sau chuỗi ngày thấp thỏm, chồng chị lặng đi khi bác sĩ thông báo nguyên nhân 2 vợ chồng muộn con do chồng tinh trùng yếu, 3% di động.
Anh chị được thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Kiên trì làm 3 lần IUI đều không đậu thai, họ tiếp tục gom góp kinh phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau khi hút được 8 trứng, bác sĩ tạo cho họ được 3 phôi, và quyết định chuyển 3 phôi tươi vào buồng tử cung. Hai vợ chồng không dám về quê mà thuê một phòng trọ ở gần bệnh viện để nghỉ ngơi, đợi chờ kết quả.
Thời điểm đó vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm chưa thực sự được quan tâm bởi định kiến xã hội xem đó là chuyện vô cùng xa xỉ. Tỷ lệ thành công từ IVF khi đó được báo cáo chỉ ở mức 30-35%, trong khi chi phí đầu tư TTTON cao, thu nhập người dân còn quá thấp. Chưa kể, công nghệ hỗ trợ sinh sản còn đơn giản, thiếu các phương tiện khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị hiện đại; thuốc men chưa hiện đại và hiệu quả như bây giờ. Nhiều cặp vợ chồng như chị Hoa chỉ đủ tiền để theo đuổi ước mơ có con. Sau 1 năm điều trị thất bại với bao hy vọng rồi tuyệt vọng, cảm xúc mất mát, thất bại đè nặng lên vai cả vợ lẫn chồng. Tiền bạc dần cạn kiệt, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… anh chị trắng tay rời thành phố.
2 vợ chồng cưới nhau đã lâu mà không có con là bi kịch. Xóm giềng dị nghị. Từ ngày biết tin mình “yếu”, anh Nam suy sụp, rồi biến thành con người khác. “Anh ít nói, sống thu mình, không bè bạn. Thương anh lắm, nhưng mình không biết làm sao”, chị rơi nước mắt kể.
Chị Hoa nhận ra, phụ nữ có khả năng chịu đựng được mọi đau khổ, buồn tủi, nhưng với đàn ông thì khác. Đối mặt với chuyện vô sinh, họ trở nên cô đơn, thu mình. Mỗi lần về Bắc thăm quê, anh lẩn tránh họ hàng. Anh lao vào làm ăn, lo cho gia đình đầy đủ. Kinh tế dần ổn định, họ đưa nhau đi du lịch khắp nơi, nhưng anh vẫn đau đáu khát vọng có con “chính chủ”.
Nhiều năm trước, họ hàng động viên 2 vợ chồng thử tiếp tục chạy chữa tìm con, vì nếu chậm trễ, chị không còn cơ hội mang thai. Sau 15 năm dừng lại hành trình tìm con, bỗng một ngày anh Hùng, chồng chị, bày tỏ ước muốn có một đứa con vì kinh tế gia đình ổn định. Chị bật khóc vì thương chồng. “Nhưng trứng đã cạn, tuổi đã cao thì làm sao chạm tới ước mơ đó?”, chị bần thần lo lắng.
Chị Hoa lên mạng tìm hiểu thông tin, ngụp lặn trong các group cộng đồng hiếm muộn. Phần lớn họ tuổi đời rất trẻ dưới 35 tuổi đã đi tìm con, khi ấy chị 45 tuổi nên sợ thất bại. Mỗi lần thất bại sẽ thêm một “nhát dao” cứa sâu vào tim chồng nên chị gạt bỏ ý định. Nhưng mắt thấy tai nghe nhiều trường hợp phụ nữ mãn kinh vẫn có thể mang thai và sinh con nhờ xin noãn, nên hai vợ chồng bàn nhau tiếp tục đến TP.HCM để tìm con.
BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Đầu tháng 6/2022 họ tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM). Chị Hoa được BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến thăm khám. Khi nhận điều trị cho vợ chồng chị Hoa, bác sĩ Yến đánh giá đây là ca bệnh khó, phức tạp vì hiếm muộn xuất phát ở cả 2 vợ chồng. Người chồng tinh trùng yếu, người vợ mãn kinh, có tình trạng ứ dịch 2 tai vòi, rất khó đậu thai sau chuyển phôi. Bệnh nhân quá lớn tuổi, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mang thai, tỷ lệ thành công sau chuyển phôi cũng thấp.
“Người ngoài có thể phản đối chuyện chị Hoa đi tìm con tuổi xế chiều, chỉ có bác sĩ hiếm muộn trực tiếp điều trị như chúng tôi mới thấy sự khát khao có con của 2 vợ chồng. Người vợ đã chờ 25 năm để được mang thai, sinh con”, bác sĩ Yến xúc động kể.
Trước ý nguyện quá lớn cho 2 vợ chồng, thôi thúc bác sĩ Yến nhận lời giúp đỡ họ. Chị trao đổi với bệnh nhân dù tình trạng tắc vòi trứng nhưng sẽ tiến hành chuyển phôi thử, nếu lần đầu chuyển phôi không đậu sẽ phải phẫu thuật khắc phục tình trạng ứ dịch.
Khác hẳn với 20 năm trước, công nghệ hỗ trợ sinh sản Việt Nam ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc.
Từ năm 1984, ngành hỗ trợ sinh sản trên thế giới đã áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm từ trứng hiến tặng, để hiện thực hóa giấc mơ làm mẹ cho những phụ nữ như chị Hoa: đã 50 tuổi, bước vào tuổi mãn kinh nên không còn dự trữ buồng trứng. Kỹ thuật này hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ở các trung tâm hỗ trợ sinh sản toàn cầu và tỷ lệ thành công cao. Từ đó, những phụ nữ lớn tuổi, buồng trứng suy yếu hoặc không còn hoạt động, vẫn có thể mang thai, sinh đẻ, thực hiện thiên chức thiêng liêng của phụ nữ.
Công nghệ hiện đại giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu ngành hỗ trợ sinh sản trên toàn cầu. Tại IVFTA-HCM, tỷ lệ IVF thành công cao – lên tới 65%. Nhiều phụ nữ trên 40 tuổi, đã mãn kinh vẫn được làm mẹ. Trong đó, sản phụ cao tuổi nhất mang thai, sinh con khỏe mạnh khi ngoài 50 tuổi.
BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến thực hiện nội soi buồng tử cung chẩn đoán cho bệnh nhân hiếm muộn nữ.
“Tử cung của người phụ nữ vẫn còn khả năng mang thai một thời gian khá lâu, hơn 10 năm sau khi buồng trứng ngưng hoạt động (sau khi mãn kinh). Do đó, phụ nữ mãn kinh vẫn có thể sinh con nhờ xin phôi, xin trứng”, bác sĩ Yến giải thích. Bác sĩ Yến tư vấn họ thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người hiến tặng và tinh trùng của người chồng. Sau đó, phôi có được sẽ được cấy vào buồng tử cung của chị Hoa.
Sau lần đầu chuyển phôi, chị Hoa thử thai, chỉ số beta cao. Quá xúc động chị khóc nhiều đến tăng cả huyết áp, bác sĩ phải trấn an. Hành trình mang thai kéo dài 9 tháng 10 ngày, chị Hoa không biết sắp tới mình sẽ gặp phải những khó khăn gì, cứ lo lắng, trăn trở. Đến tuần thai thứ 6, thai bị bóc tách 30%, túi thai tuột gây xuất huyết. Sợ mất con, chị lại khóc. Bác sĩ Yến động viên: “Chị lo một, nhưng bác sĩ lo 10. Chúng ta cùng cố gắng giữ bé”.
Tất cả thuốc men tốt nhất được đem sử dụng để hỗ trợ giữ thai, nhưng bác sĩ tiên lượng chỉ 30% hy vọng. “Niềm tin, khát khao làm mẹ của chị Hoa đã chiến thắng tất cả, bào thai trụ vững trong tử cung, tiếp tục phát triển thuận lợi”, khi ấy bác sĩ Yến mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Nhờ theo sát quá trình chăm sóc thai kỳ IVF, chị Hoa từng bước vượt qua mốc nguy hiểm dọa sẩy thai trong 3 tháng đầu. Thai kỳ của chị tiếp tục được Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chăm sóc, chờ ngày sinh nở.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH