Tuân thủ lịch khám thai định kỳ, ứng dụng công nghệ y học bào thai trong điều trị dự phòng sinh non cùng một chế độ chăm sóc đúng cách là 3 lớp “hàng rào” giúp trẻ sinh non khỏe mạnh.
Livestream tư vấn “Tiến bộ trong điều trị dự phòng sinh non và chăm sóc trẻ sinh non” do BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, BĐT VnExpress tổ chức ngày 23/10 đã nhận được hàng ngàn câu hỏi từ khán giả trên khắp cả nước.
Các chuyên gia hàng đầu về Sản khoa và Sơ sinh đến từ Hệ thống BVĐK Tâm Anh là Ths.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp Khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh HN; TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM; Ths.BS Cao Thị Thuý Hà – Khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh HN; Ths.BS Nguyễn Thu Vân – Phó trưởng Khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh HN.
Tại buổi tư vấn, các chuyên gia đã chỉ ra 3 “hàng rào” quan trọng cần chủ động xây dựng ngay khi bắt đầu thai kỳ để trẻ sinh non có cơ hội chào đời an toàn với một nền tảng sức khỏe tốt nhất.
Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM, một em bé được gọi là sinh non khi chào đời trước ngày dự sinh khoảng 3 tuần trở lên, tức sớm hơn 37 tuần tuổi. Y học hiện đại phân loại trẻ sinh non thành 4 nhóm, trong đó trẻ sinh cực non khi dưới 28 tuần tuổi, sinh rất non khi từ 28 đến dưới 32 tuần tuổi, sinh non vừa khi từ 32 đến dưới 34 tuần tuổi và non muộn khi thai kỳ đạt 34 đến dưới 37 tuần tuổi.
“Ở nhóm trẻ sinh cực non, tỷ lệ sống được là không nhiều. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, chúng ta đã có những lần cứu và nuôi sống khỏe mạnh được trẻ sinh cực non khi chỉ mới 23 tuần tuổi và nặng chưa đến 500 gram” – TS.BS Cam Ngọc Phượng cho biết.
Trẻ sinh non rất dễ bị lạnh do cơ thể chưa có khả năng tự ổn định thân nhiệt, trong khi lớp mỡ dự trữ dưới da không có hoặc rất ít. Do đó bé cần được điều trị và hỗ trợ tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh gọi là NICU, với lồng ấp giữ ấm cơ thể (incubator) cùng một hệ thống sưởi ấm đặc biệt (warmer).
Chăm sóc và nuôi sống trẻ sơ sinh thành công còn cần đến những thiết bị hiện đại, phục vụ cho các kỹ thuật điều trị phức tạp như thở khí Nitric oxide (NO) giúp cải thiện trao đổi khí, tăng oxy hóa máu ở trẻ cao áp phổi; hệ thống ECMO lọc máu tuần hoàn ngoài cơ thể để điều trị một số bệnh lý sơ sinh nguy hiểm như bệnh viêm phổi, hít phân su…
Cùng với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tối tân, rất nhiều các ca sinh non do những tai biến sản khoa khác cũng được các bác sĩ can thiệp, điều trị thành công dựa trên “phác đồ giờ vàng”, thậm chí là phút vàng.
“Ngay sau khi lọt lòng mẹ, trẻ sinh non cần được ổn định sức khỏe trong 60 phút đầu về hô hấp, nhiệt độ, tuần hoàn… Khâu ổn định này cần tiến hành nhanh chóng để chuyển bé về khoa hồi sức sơ sinh, tại đây bé được nằm lồng ấp và thực hiện các kỹ thuật can thiệp chuyên sâu hơn như đặt đường truyền dịch. Tất cả đều phải được hoàn thiện trong 1h đầu sau sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ. Đó là lý do tại sao những trung tâm có sự kết hợp liên khoa Sản – Nhi – Sơ sinh với khả năng hội chẩn nhanh và toàn diện, cùng một chiến lược bảo vệ và phát triển thần kinh cho bé là lựa chọn tối ưu nhất cho bà mẹ mang thai hiện nay”, Ths.BS Nguyễn Thu Vân – Phó trưởng Khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh HN khẳng định.
Mặc dù sinh non không loại trừ bất cứ thai phụ nào, nhưng các chuyên gia lưu ý có những đối tượng nguy cơ cần đặc biệt cẩn trọng, đó là khi người mẹ có cổ tử cung ngắn, tiền sử khoét chóp cổ tử cung, tiền sử sinh non, mắc các bệnh lý thai kỳ… đặc biệt là mang thai đôi chung 1 bánh nhau hoặc chung 1 buồng ối.
Ths.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp Khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh HN cho biết hiện nay tỷ lệ sinh con non ở phụ nữ mang song thai lên đến 50%, tức là cứ 2 trường hợp thai đôi thì có 1 trường hợp đẻ non. Đây cũng là vấn đề trăn trở của y học thế giới chứ không riêng tại Việt Nam.
Vậy đâu mới là phương pháp dự phòng sinh non tối ưu cho mẹ bầu mang song thai? Giải đáp mối quan tâm chung của nhiều độc giả, Ths.BS Hiền Lê khẳng định việc tuân thủ nghiêm túc lịch khám thai định kỳ chính là chìa khóa để mẹ bầu mang thai đôi có cơ hội sinh con khỏe mạnh, đủ cân đủ tháng.
“Tốt nhất, sản phụ mang song thai nên đi khám 2 tuần/lần. Khi thăm khám, ngoài việc theo dõi sự thay đổi cân nặng của thai nhi, bác sĩ còn phải tìm hiểu xem người mẹ có bị cơn gò tử cung không, chiều dài cổ tử cung có biến đổi sau mỗi lần khám không. Vì nếu cứ cách 2 tuần cổ tử cung ngắn đi 6mm, đó chính là dấu hiệu đầu tiên của sinh non. Khi người mẹ đã có nguy cơ hoặc tiền sử sinh non, bác sĩ sẽ cân nhắc cho mẹ sử dụng một số loại thuốc phù hợp để loại bỏ hoặc giảm thiểu tối đa những nguy cơ này”, Ths.BS Hiền Lê nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về tầm quan trọng của theo dõi, sàng lọc từ sớm các yếu tố nguy cơ gây sinh non, Ths.BS Cao Thị Thuý Hà – Khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh HN cho rằng: “Yếu tố tâm lý cũng đóng góp một phần quyết định sự thành công khi điều trị dự phòng sinh non. Bởi stress quá mức có thể tạo nên các cơn gò tử cung dẫn đến sinh non tháng, trong khi nhiều bà mẹ có tiền sử sinh non lại dễ có tâm lý căng thẳng, lo lắng khi mang thai lần kế tiếp. Điều này rất không tốt cho quá trình điều trị”.
Hiện nay, những tiến bộ vượt bậc trong xử trí các ca sinh non do vỡ tử cung, hội chứng truyền máu song thai và kỹ thuật hồi sức cấp cứu sơ sinh đã đem lại niềm hạnh phúc “mẹ tròn, con vuông” cho nhiều trường hợp sinh non.
Chuyên gia hàng đầu về y học bào thai tại Việt Nam và cũng là người đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật vỡ tử cung ngoạn mục, thậm chí có cả những trường hợp ối đã vỡ, chân bé đã thò ra khỏi âm đạo – Ths.BS Hiền Lê cho biết: “Mục đích của chúng tôi là để bé được nằm trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Nếu bé có nguy cơ sinh rất non, cực non thì phấn đấu làm sao để bé sinh non muộn hoặc non vừa để gia tăng cơ hội sống cho bé. Bằng các biện pháp như chống nhiễm trùng, chống cơn gò, thậm chí khâu vòng cổ tử cung để cổ tử cung đóng lại, chúng tôi cố gắng kéo dài thời gian bé nằm trong bụng mẹ đủ lâu, ít nhất đến thời điểm mà bác sĩ có thể chăm sóc an toàn cho bé”.
Cũng liên quan đến các tai biến sản khoa nguy hiểm, độc giả của BĐT VnExpress đặt câu hỏi: “Nếu bị chẩn đoán mắc truyền máu song thai thì chỉ giữ được một bé, điều đó có đúng không? Tôi có thể đưa vợ và nên đi khám và phẫu thuật ở đâu là tốt nhất?”
Theo chuyên gia ThS.BS Hiền Lê, thai phụ mắc truyền máu song thai nếu được can thiệp sớm và đúng cách ngay giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể có kết quả khả quan cho cả mẹ và hai bé. Tốt nhất thai phụ nên được đưa đến những bệnh viện có chuyên môn trong lĩnh vực y học bào thai, nơi có đủ các phương pháp kỹ thuật và máy móc hiện đại để điều trị hội chứng này.
Là chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật điều trị truyền máu thai đôi, Ths.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết hiện nay ngay cả những ca truyền máu song thai cấp độ nặng như độ 4 đã có thể can thiệp cứu sống cả 2 em bé. Với những tiến bộ vượt bậc của ngành y học bào thai, tỷ lệ điều trị truyền máu thai đôi thành công ở BVĐK Tâm Anh đã đạt đến 90%, so với chỉ 60-70% của hơn 1 năm trước. Tỷ lệ này tiệm cận với tỷ lệ thành công của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, giúp trẻ sinh non có một tiến trình phát triển thể chất và tinh thần toàn diện, sớm bắt kịp đà tăng trưởng bình thường cũng là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Trong đó không ít bà mẹ bày tỏ nghi ngại việc liệu con sinh thiếu tháng có thực sự đạt được các mốc phát triển tương đương với trẻ đủ tháng hay không.
Ths.BS Nguyễn Thu Vân cho biết trẻ sinh non có nhiều vấn đề sức khỏe, do cơ thể bé chưa trưởng thành và những can thiệp sau sinh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bé đã qua giai đoạn sinh non và phát triển tương đối ổn định thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Với một chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng kế hoạch phát triển thể chất khoa học, trẻ sinh non hoàn toàn có thể bắt kịp các mốc phát triển bình thường.
Ngoài ra, một số em bé sinh thiếu tháng sau khi xuất viện về nhà có thể xuất hiện các triệu chứng khò khè, khó thở cùng các vấn đề hô hấp khác. Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, đây là biểu hiện thường gặp ở bé sinh rất non, cực non. Nó có thể liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản (do lượng sữa bú mẹ tăng lên gây trào ngược) hoặc cũng không loại trừ khả năng bé mắc các bệnh lý hô hấp.
Do đó, TS.BS Phượng lưu ý 4 vấn đề cha mẹ cần làm trong quá trình chăm sóc bé sinh non sau khi xuất viện:
Trẻ sinh non cũng có thể thực hiện tầm soát sau sinh khi được 37 tuần và cân nặng đạt 2,5kg trở lên. Thông qua phương pháp lấy máu gót chân, 73 bệnh sẽ được tầm soát, trong đó có những bệnh nghiêm trọng như chuyển hóa chất đạm, chất béo, bệnh về hemoglobin,…
Ngoài ra, thông qua thăm khám, bác sĩ cũng có thể yêu cầu trẻ sinh non làm thêm siêu âm não, siêu âm bụng, các xét nghiệm chuyên sâu như chụp CT, MRI não, xét nghiệm di truyền…. Hiện nay BVĐK Tâm Anh đang triển khai việc tầm soát này rất hiệu quả, giúp hàng ngàn trẻ sinh non được theo dõi, đánh giá toàn diện những nguy cơ sức khỏe có thể có, từ đó can thiệp kịp thời, đem lại nền tảng sức khỏe tốt nhất cho bé về sau.
Trung tâm Sản phụ khoa là một trong những đơn vị mũi nhọn tại – BVĐK Tâm Anh, với sự tham gia công tác của những chuyên gia, bác sĩ hàng đầu giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trên cả nước. Trung tâm triển khai đa dạng các gói khám và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ trước sinh, trong sinh và sau sinh, giúp phát hiện và can thiệp hiệu quả các ca sinh non ngay từ giai đoạn sớm.
Trung tâm Sơ sinh – BVĐK Tâm Anh được thành lập với mục tiêu mang lại cho trẻ sơ sinh một nền tảng thể lực và trí tuệ bền vững ngay từ giai đoạn đầu đời. Được dẫn dắt bởi các chuyên gia đầu ngành như TS.BS Cam Ngọc Phượng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), BS.CKII Lê Tố Như (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), Trung tâm đã mang đến niềm vui cho hàng nghìn gia đình có trẻ sinh ra thiếu tháng, nhẹ cân, hệ hô hấp chưa hoàn thiện.
Sự kết hợp liên khoa Sản – Sơ sinh tại BVĐK Tâm Anh sẽ mang lại những phác đồ điều trị dự phòng và chăm sóc toàn diện, hiệu quả cho trẻ sinh non. Nhờ ứng dụng công nghệ y học bào thai, cùng thế mạnh cơ sở vật chất toàn diện với phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu vô trùng, lồng ấp Giraffe – GE, Máy thở cao cấp Babylog VN600 Drager thế hệ mới… mẹ và bé có thể hoàn toàn yên tâm vượt cạn thành công với thể trạng tốt nhất.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH