//= SITE_URL ?>
Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) thống kê: hiện có hơn 3,5 triệu người đang “chung sống” với bệnh đái tháo đường. Mỗi ngày, cả nước có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Dự báo, số người mắc bệnh tăng lên 6,3 triệu người vào năm 2045.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến nhất hiện nay, số người mắc bệnh chiếm 8,8% dân số thế giới. Đây cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng nặng, tăng nguy cơ tai biến và tử vong sau phẫu thuật. Bởi vậy, chuẩn bị trước phẫu thuật cho bệnh nhân đái tháo đường là việc làm rất quan trọng nhằm giúp người bệnh tránh những biến chứng nguy hiểm trước trong và sau phẫu thuật.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính ảnh hướng lớn đến cơ chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Thông thường, sau khi chúng ta ăn uống, cơ thể sẽ chuyển hóa thực phẩm thành dạng đường (glucose) để đưa vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể sẽ báo hiệu tuyến tụy tiết ra insulin. Insulin có vai trò như chiếc chìa khóa để giúp đường trong máu chuyển hóa thành năng lượng đi nuôi các tế bào.
Nhưng với người bệnh đái tháo đường, cơ thể sẽ không sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin, hoặc không thể sử dụng insulin do các tế bào ngừng phản ứng với insulin (kháng insulin). Việc này gây ra tình trạng không chuyển hóa được hết đường thành năng lượng, gây ùn ứ lượng đường trong máu chưa được giải quyết. Theo thời gian, đường huyết cao có thể kéo theo các bệnh khác như tim mạch, bệnh lý mạch máu não, giảm thị lực, suy thận,…
Bệnh đái tháo đường được chia ra 3 loại chính, đái tháo đường type 1, type 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Bệnh nhân đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong chu phẫu tức là trước trong và sau phẫu thuật. Vì vậy việc thăm khám và đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước mổ rất quan trọng. Cần đánh giá các yếu tố như: loại đái tháo đường, phác đồ điều trị, tình trạng ổn định đường huyết, các biến chứng lên cơ quan đích như tim, não, mắt, thận, mạch máu thần kinh ngoại biên,… Đường huyết ổn định là yếu tố bắt buộc trước phẫu thuật, để đánh giá tình trạng đường huyết thường dựa vào xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch. Tuy nhiên đường huyết rất dễ thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau, nên nhiều khuyến cáo sử dụng nồng độ HbA1c là tiêu chí quan trọng để đánh giá ổn định đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường trước phẫu thuật.
Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ rối loạn hệ thống thần kinh tự động, biểu hiện nặng hơn ở người bệnh cao tuổi, và người bị bệnh đái tháo đường lâu năm, người kèm theo bệnh động mạch vành, hoặc sử dụng thuốc chẹn beta. Rối loạn hệ thống thần kinh tự động làm tăng nguy cơ bị hạ huyết áp, hạ đường huyết trong và sau phẫu thuật không triệu chứng gây khó khăn trong việc phát hiện kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nhịn ăn trước phẫu thuật làm tăng nguy cơ hạ đường huyết đặc biệt với người đang điều trị đái tháo đường với insulin, cụ thể người bệnh xuất hiện các biểu hiện như: vã mồ hôi, chóng mặt, mờ mắt, tay chân run… người bệnh cần được kiểm tra đường huyết và xử lý kịp thời.
Trong giai đoạn chu phẫu việc kiểm soát được đường huyết tốt sẽ giúp ích rất nhiều trong phẫu thuật. Mức đường huyết tăng làm tăng áp lực thẩm thấu máu, tăng thể ceton gây toan hóa máu, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn, chậm lành vết thương. Cách kiểm soát đường huyết phổ biến chu phẫu cho các bệnh nhân đái tháo đường là liều nhỏ insulin hoặc truyền liên tục. Để giúp hạn chế thiếu dịch, đường truyền tĩnh mạch bổ sung dextrose cùng các dịch truyền khác.
Người bệnh đái tháo đường là cơ địa suy giảm miễn dịch. Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết tối ưu chu phẫu, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh dự phòng hay điều trị đúng thời điểm cần phải được theo dõi và thực hiện đầy đủ.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi kỹ đường huyết, cân nhắc sử dụng insulin truyền tĩnh mạch để ổn định đường huyết cũng như kết hợp phòng ngừa nguy cơ hạ kali máu đi kèm. Tích cực hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để có kế hoạch ổn định đường huyết một cách tối ưu nhất.
Người bệnh đái tháo đường khi phẫu thuật nếu gây mê hồi sức theo dõi không đúng cách có nguy cơ bị các biến chứng thần kinh mạch máu cũng như các vấn đề về nhiễm trùng, chuyển hóa đi kèm. Đặc biệt người bệnh đái tháo đường đường thường đi kèm các biến chứng lên các cơ quan đích như tim, não, mắt, thận, hệ thần kinh tự chủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng tỉ lệ của các tai biến chu phẫu. Các tai biến, biến chứng mà người bệnh đái tháo đường có thể phải đối mặt như:
Tùy vào tình trạng nội khoa của từng cá thể, loại phẫu thuật, thời gian phẫu thuật mà các bác sĩ Nội tiết và GMHS sẽ thống nhất kế hoạch kiểm soát đường huyết chu phẫu cho người bệnh.
Gây mê hồi sức trên người bệnh đái tháo đường là một quá trình chuẩn bị, tư vấn, khám và chọn lựa kế hoạch gây mê hồi sức chi tiết cẩn thận vì người bệnh đái tháo đường thường đi kèm các biến chứng tổn thương các cơ quan đích quan trọng. Người bệnh đái tháo đường cần nhận thức tốt tình trạng bệnh của mình để hợp tác chặt chẽ cùng bác sĩ trong công tác điều trị, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phẫu thuật.