//= SITE_URL ?>
Hiểu biết thấu đáo về các loại ung thư tuyến giáp và cách điều trị ung thư tuyến giáp là điều tối quan trọng trong việc đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào tuyến giáp. Tỷ lệ mắc bệnh đang tăng đều đặn trên toàn thế giới.
Theo bác sĩ Trần Hải Bình, hiện nay có nhiều phương pháp mới điều trị ung thư tuyến giáp tiến triển mang lại nhiều hy vọng, tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.
Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính của các tế bào tuyến giáp. Nhu mô tuyến giáp bao gồm hai loại tế bào chính, tế bào nang giáp gây ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (DTC) và tế bào cận nang hoặc tế bào C làm phát sinh ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC).
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bao gồm ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC), ung thư tuyến giáp thể nang (FTC) và ung thư tế bào Hurthle, chiếm 90-95% tất cả các khối u ác tính tuyến giáp. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy chiếm khoảng 1-2% tất cả các loại ung thư tuyến giáp, trong khi ung thư biểu mô tuyến giáp bất sản chiếm ít hơn chỉ 1%. (1)
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp: Có thể do đột biến một số loại gen di truyền, tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, tiền sử tiếp xúc với bức xạ và hay gặp ở giới nữ.
Theo bác sĩ Hải Bình, tùy vào loại ung thư tuyến giáp, giai đoạn và thể trạng của mỗi cá nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định hoặc tư vấn các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp khác nhau để người bệnh có thể lựa chọn. Nhưng về cơ bản, điều trị ung thư tuyến giáp như sau: (2)
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp chính. Phẫu thuật nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, có thể kèm theo mổ vét hạch cổ. Cuộc phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân và hầu hết người bệnh có thể xuất viện sau đó vài ngày. Sau phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà trong vài tuần và tránh các hoạt động có thể gây căng thẳng cho cổ, chẳng hạn như nâng vật nặng.
Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp biệt hóa có thể bao gồm:
Ở ung thư tuyến giáp thể tủy, với mức độ tổn thương đa ổ cao, tình trạng ác tính cộng với nguy cơ tái phát tại chỗ cao nên các chỉ định phẫu thuật có thể bao gồm cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp với vét hạch cổ, sau đó, điều trị ung thư tuyến giáp bằng xạ trị bổ trợ.
Các phẫu thuật có thể bao gồm:
Bác sĩ Hải Bình cho biết, phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp có một số biến chứng có thể xảy ra như chảy máu và nhiễm trùng. Tổn thương tuyến cận giáp cũng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật và gây ra tình trạng hạ canxi máu tạm thời.
Ngoài ra, một số biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp phải như nguy cơ khàn giọng, thay đổi giọng nói do các dây thần kinh điều khiển dây thanh bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị chuyên khoa Tai Mũi Họng để hồi phục giọng nói.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cũng có thể tiếp tục bị đau vết mổ. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào thể trạng mỗi người và loại phẫu thuật. Tuy nhiên, thông thường thời gian phục hồi cần khoảng 10-14 ngày sau phẫu thuật và trong thời gian này, người bệnh nên tránh các hoạt động gắng sức.
Hoá trị không phải là phương pháp điều trị phổ biến trong ung thư tuyến giáp. Hóa trị chỉ được chỉ định đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Người bệnh sẽ uống các loại thuốc có tác dụng mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mặc dù thuốc này không chữa khỏi ung thư tuyến giáp nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
Liệu pháp hormone tuyến giáp là một phương pháp điều trị để thay thế hoặc bổ sung các hormone được sản sinh bởi tuyến giáp. (3)
Thuốc điều trị hormone tuyến giáp thường được dùng ở dạng viên nén nhằm mục đích:
Điều trị bằng i-ốt phóng xạ được chỉ định cho người bệnh sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và có nguy cơ tái phát cao.
Sau điều trị, tùy vào liều i-ốt phóng xạ, có thể người bệnh sẽ cần nằm viện vài ngày và cách ly trong phòng riêng do cơ thể phát tia bức xạ. Sau khi liều bức xạ giảm xuống, người bệnh có thể tiếp xúc bình thường với người xung quanh và được xuất viện.
Điều trị i-ốt phóng xạ có thể gây ra một số phản ứng phụ nhưng không phổ biến như đau cổ hoặc sưng tấy, mệt mỏi, khô miệng, miệng có vị khó chịu. (4)
Sau khi điều trị i-ốt phóng xạ 6-12 tháng người bệnh có thể sinh con bình thường.
Là phương pháp chiếu tia từ bên ngoài vào khối u. Xạ trị được chỉ định điều trị bổ trợ cho ung thư tuyến giáp không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy. Xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính.
Liệu trình xạ trị bên ngoài thường bao gồm điều trị mỗi ngày một lần từ thứ Hai đến thứ Sáu, với thời gian nghỉ vào cuối tuần. Thời gian điều trị kéo dài liên tục trong 4-7 tuần.
Các tác dụng phụ của xạ trị người bệnh có thể gặp phải bao gồm mệt mỏi, suy nhược, đau khi nuốt, miệng khô. Tuy nhiên, vài tuần sau khi điều trị các triệu chứng này có thể sẽ biến mất.
Một số loại ung thư tuyến giáp có thể được điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Đó là việc sử dụng các loại thuốc mới như lenvatinib và sorafenib để “tấn công” trực diện đến các tế bào ung thư, hạn chế gây hại cho các tế bào khỏe mạnh. (5)
Liệu pháp nhắm trúng đích có thể được khuyến nghị cho các trường hợp ung thư tuyến giáp đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể (ung thư tuyến giáp di căn) và không đáp ứng với điều trị bằng i-ốt phóng xạ.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần duy trì thăm khám định kỳ nhằm kiểm soát bệnh và xử trí kịp thời các vấn đề có thể xảy ra. Ví dụ như khám lâm sàng để phát hiện u, hạch tái phát hoặc dấu hiệu ung thư di căn xa.
Khi khám lại, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như làm xét nghiệm FT3, FT4, TSH, Tg, anti Tg; xét nghiệm calcitonin và CEA đối với ung thư tuyến giáp thể tủy; chụp X-quang phổi để tìm dấu ấn di căn; Siêu âm cổ và một số trường hợp làm xạ hình tuyến giáp /toàn thân với I-ốt phóng xạ. Hoặc chụp PET-CT với 18F-FDG để tìm tổn thương tuyến giáp tái phát, di căn mà các phương pháp xạ hình tuyến giáp, siêu âm, chụp CT không phát hiện được.
Thăm khám sức khỏe định kỳ sau điều trị ung thư tuyến giáp để quản lý bệnh, ngăn ngừa tái phát
Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị hỗ trợ giúp giảm các triệu chứng, nâng cao thể trạng bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ như bổ sung vitamin, thảo mộc.
Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn áp dụng bất kỳ một phương pháp hỗ trợ nào.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tương tự như các loại ung thư khác.
Điều này bao gồm:
ThS.BS Lê Thị Hải cũng khuyến cáo, bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên hạn chế nạp I-ốt. Bởi vì hấp thu nhiều I-ốt sẽ làm tăng nguy cơ cường giáp. Bệnh cường giáp sẽ khiến cho ung thư tuyến giáp tiến triển nhanh hơn.
Người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn một chế độ dinh dưỡng đa dạng, lành mạnh
Khoa Ung bướu bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi nghề, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại bậc nhất như:
Bên cạnh đó, sự kết hợp mật thiết giữa các chuyên khoa Ung bướu, Tiêu hóa, Tim mạch, Thần Kinh, Tai Mũi Họng, Sản Phụ khoa, Nội tiết, Tiết niệu – Thận học… giúp điều trị chuyên biệt, cá thể hóa, mang đến cơ hội sống cao hơn cho bệnh nhân ung thư.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Theo bác sĩ Hải Bình, việc điều trị ung thư tuyến giáp là một quá trình mang tính cá thể hóa cao cần tính đến nguy cơ tái phát và nguyện vọng của người bệnh. Do vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bác sĩ phẫu thuật tuyến giáp, bác sĩ nội tiết, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ ung bướu đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra cách điều trị ung thư tuyến giáp thích hợp nhất cho người bệnh.