Việc điều trị ung thư thanh quản phần lớn phụ thuộc vào kích thước của khối u. Phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị là những phương pháp điều trị chính đối với ung thư thanh quản.
Mặc dù không phổ biến như ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi… song ung thư thanh quản cũng chiếm tỷ lệ đáng lo ngại. Theo số liệu của Globocal năm 2020 có khoảng 184 615 trường hợp được ghi nhận.
Tỷ lệ mắc ung thư thanh quản ngày càng gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nam giới mắc nhiều hơn nữ giới, đặc biệt bệnh có xu hướng phổ biến hơn ở nam giới sau tuổi 65. Hút thuốc lá và lạm dụng rượu góp phần gây ra khoảng 90% tỷ lệ tử vong vì ung thư thanh quản trên toàn thế giới.
Đối với người mắc ung thư thanh quản, các phương pháp điều trị chính để giúp loại bỏ khối u và kéo dài sự sống cho người bệnh hiện nay chủ yếu là phẫu thuật kết hợp xạ trị, hoặc xạ trị kết hợp hóa trị. Việc phát hiện và điều trị ung thư thanh quản ở giai đoạn càng sớm thì cơ hội kéo dài sự sống càng cao và ngược lại – bác sĩ Hằng cho biết. Ung thư thanh quản giai đoạn sớm có khả năng chữa khỏi cao, với tỷ lệ từ 90%-95% đối với ung thư tại dây thanh âm ở giai đoạn T1 và khoảng 80%-90% đối với ung thư thượng thanh quản.(1)
Hút thuốc lá và lạm dụng rượu góp phần gây ra khoảng 90% tỷ lệ tử vong vì ung thư thanh quản trên toàn thế giới
Các phương pháp điều trị ung thư thanh quản
Việc điều trị ung thư thanh quản cần dựa vào từng giai đoạn của ung thư.(2)
1. Đối với khối u giai đoạn T1
Phẫu thuật: Ở giai đoạn này, việc điều trị chủ yếu là bằng phẫu thuật, có thể phẫu thuật với laser CO2. Phẫu thuật này được thực hiện dưới soi treo vi phẫu, thường không phải mở khí quản. Trong trường hợp khối u lan nhiều vào mép trước dây thanh, người bệnh có thể cần được phẫu thuật bằng phương pháp mở sụn giáp cắt dây thanh hoặc cắt thanh quản trán bên. Phẫu thuật ở giai đoạn T1 này thường không nặng nề, nhất là khi được áp dụng phương tiện vi phẫu thuật thanh quản với laser CO2. Người bệnh vẫn giữ được chất lượng giọng khá tốt và tránh được các biến chứng do tia xạ.
Xạ trị: Thường được chỉ định cho khối u T1b, lan rộng cả hai dây thanh. Liệu trình tia xạ phải mất 6 tuần, phương pháp này giúp bảo tồn thanh quản tốt hơn. Nếu thất bại có thể vớt lại bằng phẫu thuật. Biến chứng sớm của xạ trị là nuốt đau, phù nề thanh quản. Biến chứng muộn là xơ thanh quản, hoại tử sụn hoặc suy giáp.
2. Đối với ung thư thanh quản giai đoạn T2
Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần trên nhẫn: Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần trên nhẫn cho các ung thư giai đoạn T2, một số T3. Phẫu thuật này giúp có thể lấy hết bệnh tích mà vẫn giữ được chức năng của thanh quản. Hiện nay với các trung tâm có hệ thống chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán giải phẫu bệnh lý tốt, có thể phẫu thuật bằng laser CO2 trong một số trường hợp khối u T2.
Xạ trị: Thường chỉ định trong các trường hợp chống chỉ định phẫu thuật hoặc bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật.
3. Ung thư giai đoạn muộn T3, T4
Phẫu thuật: Việc chữa trị ung thư thanh quản giai đoạn muộn T3, T4 chủ yếu hiện nay ở Việt Nam vẫn là cắt bỏ thanh quản toàn bộ kèm nạo vét hạch cổ, phối hợp với xạ trị sau mổ. Liều tia vào diện u là 60-70Gy, vào hạch cổ là 50Gy nếu hạch âm tính và 60-70Gy nếu hạch có di căn. Khó khăn nhất của phương pháp điều trị này là sẽ làm người bệnh bị mất thanh quản và không thể nói được. Tuy nhiên, với sự phát triển vấn đề phục hồi phát âm, người bệnh vẫn có thể lắp van phát âm khí thực quản, tập nói giọng thực quản hoặc sử dụng thanh quản điện để lấy lại giọng nói.
Hóa xạ trị: Một xu hướng khác cho điều trị ung thư thanh quản giai đoạn muộn là vẫn bảo tồn thanh quản với hóa xạ trị đồng thời, thuốc hóa trị gồm Cisplatin và 5 FU.
Xạ trị: Phương pháp này đơn thuần chỉ áp dụng cho những trường hợp ung thư lan rộng, không còn khả năng phẫu thuật, hoặc những trường hợp bị tái phát tại chỗ, di căn xa.(5)
Các tác dụng phụ khi điều trị ung thư thanh quản hoá trị
Hầu hết các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau ở mỗi người, có thể kể đến như:
Thiếu máu; chảy máu và bầm tím (giảm tiểu cầu)
Ăn không ngon, mất ngủ, ngủ không ngon giấc
Táo bón, tiêu chảy
Phù nề, phù bạch huyết
Mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa
Các vấn đề về khả năng sinh sản ở cả người lớn và trẻ em
Nhiễm trùng và giảm bạch cầu trung tính
Suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém
Các vấn đề về miệng và cổ họng
Các vấn đề về thần kinh ngoại biên
Những thay đổi về da và móng, rụng tóc
Các vấn đề về tiết niệu và bàng quang
Chăm sóc người bệnh sau khi điều trị ung thư thanh quản
Tái khám định kỳ: Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và sớm phát hiện các tình trạng bất lợi mới có thể xảy ra, chẳng hạn như sự phát triển trở lại của các tế bào ung thư để có thể can thiệp kịp thời.(3)
Bỏ hẳn thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến ung thư thanh quản. Người sau điều trị ung thư thanh quản tiếp tục hút thuốc lá sẽ có nguy cơ tái phát và tử vong đến 90%. Do đó, các bác sĩ điều trị ung thư thanh quản khuyến cáo người bệnh cần bỏ thuốc lá vĩnh viễn.
Chế độ ăn uống: Người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, đáp ứng tốt với thể trạng hiện thời nhằm phục hồi tốt và ngăn ngừa các yếu tố độc hại làm ung thư tái phát hoặc tiến triển. Theo đó, bạn nên ăn các thực phẩm lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng bao gồm rau xanh, trái cây, các loại củ, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại cá, trứng, đậu hũ…; hạn chế ăn thịt đỏ, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, các loại nước ngọt đóng chai, nước lạnh…
Chế độ vận động và nghỉ ngơi: Người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi nhằm giúp cơ thể phục hồi; tránh căng thẳng, lo lắng; đi ngủ sớm và đủ giấc mỗi ngày; vận động nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, tập các động tác yoga đơn giản…
Bảo vệ và phục hồi vùng cổ họng: Luôn giữ ấm vùng cổ họng; kiên trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng đã được bác sĩ hướng dẫn.
Các thắc mắc khi điều trị ung thư thanh quản
Trong quá trình khám chữa bệnh chuyên khoa, chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc của người bệnh về ung thư dây thanh quản và xin được giải đáp theo thứ tự từng câu hỏi như sau.
1. Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị ung thư thanh quản?
Sau khi điều trị ung thư thanh quản, người bệnh cần tiếp tục đến bệnh viện tái khám để phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra ví dụ như vấn đề về nuốt hoặc viêm niêm mạc đường tiêu hóa. Trong những lần tái khám, bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc giúp lành vết thương sau mổ và cho bạn tập vật lý trị liệu để kiểm soát tốt các hoạt động của họng. Ngoài ra, bác sĩ có thể tư vấn thêm về vấn đề ăn uống để giúp bạn phục hồi tốt.(4)
2. Làm thế nào có thể nói sau khi cắt thanh quản?
Sau khi cắt bỏ thanh quản, người bệnh có thể được phục hồi chức năng nói bằng các phương pháp sau.
Phương pháp nói giọng thực quản: Ở những người bệnh đã cắt toàn bộ thanh quản thì phần thực quản cổ có khả năng hoạt động như một thanh quản mới. Phương pháp này không cần phẫu thuật hay vật liệu nhân tạo, không gây biến chứng nguy hiểm, nhưng người bệnh cần thực hiện các bài tập thở bụng và cách tạo ra luồng hơi với sự giúp đỡ của bác sĩ tai mũi họng.
Thanh quản điện tử (electrolarynx): Người bệnh chỉ cần giữ thiết bị hỗ trợ tiếng nói này áp vào cổ hoặc má hoặc đưa vào miệng để tạo ra âm thanh. Phương pháp này không cần phẫu thuật mà vẫn có thể giúp bạn nói được, tuy nhiên cần có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn.
Đặt van phát âm: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một lỗ trên cổ họng, giữa thực quản và khí quản rồi đặt một bộ phận nhân tạo có van một chiều vào lỗ. Khi không khí đi qua, chiếc van sẽ mở và bạn sẽ ép không khí từ phổi vào cổ họng. Khi không khí đến thực quản nó tạo ra các rung động để giúp bạn nói. Ưu điểm của phương pháp này là có thể giúp giọng nói trong rõ nhưng bạn cần phải luyện tập thường xuyên.
3. Làm thế nào để bệnh nhân thở sau khi cắt thanh quản?
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ thở bằng cách lấy không khí qua lỗ thoát khí ở cổ. Bạn sẽ được trang bị nắp và bộ lọc khí quản giúp trao đổi nhiệt và độ ẩm. Dụng cụ này sẽ giúp bạn hít thở không khí được làm ấm và dưỡng ẩm để tiết ít chất nhầy trong đường thở, đồng thời giúp giảm ho sau khi phẫu thuật.
4. Liệu có thể ăn uống sau khi phẫu thuật cắt thanh quản không?
Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì qua đường miệng. Thay vào đó, bạn sẽ nhận được dinh dưỡng thông qua một đường ống. Một vài ngày sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu bạn có thể nuốt thức ăn và chất lỏng được không. Nếu có thể nuốt một cách an toàn, bạn bắt đầu được ăn thức ăn mềm như súp, cháo và sau đó sẽ chuyển sang chế độ ăn bình thường.
5. Ung thư thanh quản tái phát có chữa được không?
Triển vọng hồi phục sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào các yếu tố như giai đoạn ung thư, tuổi tác và sức khỏe chung của người bệnh. Nói chung, ung thư thanh quản giai đoạn đầu có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn. Ung thư tiến triển lan rộng sang các khu vực khác có tỷ lệ sống sót thấp hơn.
Ung thư thanh quản có thể tái phát trong vòng 2 hoặc 3 năm đầu tiên sau khi điều trị. Sau 5 năm, nguy cơ ung thư quay trở lại là rất thấp.
6. Chi phí điều trị ung thư thanh quản là bao nhiêu?
Chi phí điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, phương pháp phẫu thuật, xạ trị hay hoá trị, mà bác sĩ chỉ định điều trị cũng như dịch vụ của từng đơn vị điều trị. Do đó, để biết chi phí chữa ung thư thanh quản bạn nên liên hệ trực tiếp cho bệnh viện mà bản thân muốn được điều trị ở đó để được tư vấn.
Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội