Covid-19 và bệnh tim mạch có liên quan thế nào? Với bệnh nhân tim mạch, những triệu chứng nào cần đi khám ngay? Huyết áp lúc tăng, lúc bình thường phải làm sao? Không đi tái khám có tiếp tục dùng toa thuốc cũ được không? Đang dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch có tiêm vaccine Covid-19 được không?… PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp tất cả thắc mắc cho người bệnh tim mạch để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch…
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết: Với những người khỏe mạnh, việc nhiễm Covid-19 đã là mối nguy đe dọa tính mạng, nhưng những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý tim mạch thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 do khi mắc bệnh sẽ làm tăng tình trạng stress trên tim qua vài cơ chế, bao gồm cả viêm cơ tim.
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 sẽ làm tăng những cục máu đông trong người, làm tổn thương trực tiếp tim, tổn thương các mạch máu, do đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, loại virus này còn gây tổn thương cho các cơ quan khác như gan, thận và đặc biệt là phổi.
Ngay cả khi điều trị khỏi Covid-19 thì phổi vẫn có thể bị tổn thương lâu dài. Do đó, Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu, tất cả bệnh nhân tim mạch nên tiêm vaccine COVID-19. Việc chủng ngừa không những giúp giảm khả năng mắc bệnh mà còn giảm nguy cơ nhập viện khi mắc bệnh và giảm nguy cơ tử vong.
Thưa bác sĩ! Mẹ con tối qua đau ngực vã mồ hôi, trưa nay lại có cơn tương tự. Nhà con ở trong khu vực phong tỏa quận 10. Mong bác sĩ tư vấn mẹ con nên làm gì lúc này ạ?
Câu hỏi của bạn chưa rõ một điểm là tôi chưa biết mẹ bạn năm nay bao nhiêu tuổi, tuy nhiên tôi ví dụ nếu mẹ bạn khoảng từ 50-60 tuổi mà gặp tình trạng đau ngực, đau 2 lần nếu kéo dài trên 15 phút thì có thể là bệnh mạch vành ở tim, trong trường hợp đó tôi nghĩ bạn cố gắng đưa mẹ đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch gần nhà để được chẩn đoán và điều trị.
Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tim mạch là gì ạ? Độ tuổi nào dễ mắc bệnh ạ? Mẹ em cứ bảo đau ngực nhưng dịch bệnh em chưa đưa mẹ đi khám được ạ. Mong bác sĩ tư vấn.
Nếu mẹ của em là người có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường thì chỉ cần 2 yếu tố nguy cơ đó nếu mẹ có đau tức ngực nhiều lần, mỗi lần kéo dài 5-10 phút hoặc đau nhiều kéo dài trên 15 phút, trong vòng mấy tháng nay đi đứng có đau tức ngực không, nếu có chúng ta sẽ nghĩ đến bệnh mạch vành.
Thứ 2 trong y khoa, chúng tôi thường dựa vào 4 nguy cơ của xơ vữa động mạch: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá (chủ động và thụ động) và rối loạn lipid máu. Nếu có 4 nguy cơ đó kèm đau ngực kéo dài và từ từ ngày càng nặng thì người thầy thuốc cũng sẽ nghĩ bệnh nhân có thể bị bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành có liên quan đến độ tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, tôi đã gặp những bệnh nhân nam 25 tuổi hút thuốc lá nhiều có thể bị bệnh mạch vành, còn nữ thường 45-50 tuổi trở lên thì chúng ta mới nghĩ đến bệnh mạch vành.
Bạn nên sắp xếp đưa mẹ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Thưa bác sĩ, tháng rồi mẹ con có đi khám tại Bệnh viện Tâm Anh và được Giáo sư hẹn gắn máy Holter ECG do chẩn đoán tim có lỗi nhịp ngoại tâm thu thất. Hiện tại sau khi uống toa thuốc bác sĩ cho, mẹ con chỉ thỉnh thoảng có tim đập mạnh, hồi hộp nhẹ, thắt ngực nhẹ. Nhưng nhịp tim đo có lúc không đều và máy đo báo dưới 50 lần/phút. Huyết áp và mọi cái khác của mẹ con bình thường. Do dịch quá mẹ con chưa tới bệnh viện được. Liệu mẹ con có thể dời lịch gắn máy và lịch khám không ạ?
Nếu mẹ bạn có ngoại tâm thu thì nhiệm vụ của người thầy thuốc phải tìm nguyên nhân gây ngoại tâm thu, trong trường hợp người cao tuổi thì phải suy nghĩ liệu có bệnh mạch vành hay không
Đối với người bệnh như vậy chúng tôi sẽ cho làm các xét nghiệm về máu, siêu âm, điện tâm đồ, gắn Holter ECG đo điện tâm đồ 24h, 48h tìm xem ngoại tâm thu kiểu gì, số ngoại tâm thu 24h là bao nhiêu và từ đó tìm thêm nguyên nhân, có thể trong kết quả Holter 24h có những đoạn chứng minh thiếu máu cục bộ của cơ tim.
Trường hợp của mẹ bạn vẫn đi gắn được, tuy nhiên tâm lý người bệnh bây giờ sợ đến bệnh viện nên mẹ em muốn hoãn gắn máy vẫn có thể hoãn được, nếu các triệu chứng của mẹ em có giảm đi.
Với người cao tuổi, trong ngày có những lúc mạch dưới 50 mà không có triệu chứng cơ năng, không mệt, khó thở thì cũng đừng lo lắng quá. Bạn cứ yên tâm hết dịch rồi đưa mẹ đi khám cũng được. Bạn cũng có thể đặt lịch khám online với các bác sĩ trung tâm tim mạch qua Tổng đài, website, fanpage của Bệnh viện Tâm Anh để được hỗ trợ.
Chào bác sĩ! Con tôi bị tim bẩm sinh đã mổ Fontan. Hiện tại cháu khỏe, không có dấu hiệu khó thở hay tím. Cháu đã tới hẹn tái khám nhưng tôi lo cháu đã mổ nhiều lần, đi khám trong mùa dịch này sợ cháu nhiễm bệnh, mà không tái khám cũng lo tình trạng bệnh tim của cháu trở nặng. Mong bác sĩ tư vấn tôi nên làm gì ạ?
Phẫu thuật Fontan là một trong những phẫu thuật khó, khi phẫu thuật chúng ta phải theo dõi sát, tuy nhiên trong hoàn cảnh này nếu chúng ta theo dõi không thấy cháu tím hơn, cháu vẫn đi bộ được hàng ngày thì chúng ta vẫn có thể chờ 2,3 tháng sau khi hết dịch đi khám lại.
Tôi có lưu ý thêm là trong trường hợp này mẹ vẫn cho bé sinh hoạt bình thường nhưng không để cháu chạy, chơi nhiều quá. Thứ 2 là cho bé uống nước đầy đủ, thứ 3 cho cháu chế độ ăn như trước, nếu cháu không than mệt nhiều hơn, không bị phù thì vẫn cho cháu ở nhà. Với trường hợp bé sau phẫu thuật Fontan ổn định thì có thể 6 tháng mới tái khám, tuy nhiên vẫn phải để ý và theo dõi kỹ các triệu chứng nếu nặng hơn cần đưa đi khám ngay.
Lời khuyên cho gia đình là vẫn duy trì toa thuốc của bác sĩ, chế độ ăn bình thường, không bồi bổ quá, cố gắng tránh để bé bị nhiễm trùng phổi, đêm nhớ mặc ấm cho cháu ngủ. Nếu cháu trên 18 tuổi thì vẫn tiêm vaccine Covid-19 được.
Thưa bác sĩ, tôi đang đặt stent uống thuốc của bác nhưng vì dịch bệnh không vào tái khám được. Vậy có thể tiếp tục uống thuốc theo toa của bác sĩ được không ạ?
Đây là vấn đề rất nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi cho chúng tôi, do dịch bệnh, khu vực phong tỏa không đi tái khám được thì có mua thuốc theo toa cũ được không? Đó là lý do chúng tôi mở Phòng khám online tim mạch từ thứ 2 – thứ 7 hàng tuần để hỗ trợ những bệnh nhân tới hẹn tái khám cũng như các bệnh nhân đang có vấn đề tim mạch nhưng chưa đi khám được.
Bạn có thể liên hệ đăng ký với Tổng đài, website, fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ đặt lịch khám online với các chuyên gia của Trung tâm Tim mạch. Từ đó, chúng tôi có thể xem hồ sơ, thăm hỏi bệnh sử, tình trạng hiện tại để hỗ trợ bạn tốt nhất.
Tôi năm nay 67 tuổi, hiện đang uống thuốc tăng huyết áp, mỡ máu cao, loạn nhịp tim không xác định. Vừa rồi phường có đăng ký cho tôi chích vaccine ngừa Covid. Tôi bị bệnh tim vậy có đi chích được không thưa bác sĩ? Liệu thuốc tim mạch tôi đang uống có tương tác với vaccine không? Tôi có phải ngưng uống thuốc vào ngày đi chích không? Cảm ơn bác sĩ.
Cách đây 2 ngày có một bệnh nhân có gọi điện cho tôi, bác 67 tuổi bị nhồi máu cơ tim cách đây 2 tuần và có đặt stent mạch vành bác hỏi lịch phường chích ngừa covid-19 được không và tôi trả lời ngay là nếu không may bị bệnh thì covid sẽ giết mình trước khi bệnh mạch vành, vậy bác vẫn uống thuốc mạch vành và vẫn đi chích ngừa. Vì vậy, trong trường hợp của bác vẫn nên đi chích ngừa để không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ người thân, gia đình.
Bệnh nhân tim mạch đi chích ngừa Covid-19 thì khi vaccine đưa vào cơ thể có làm cho bệnh tim nặng hơn không bác sĩ?
Đây là câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều từ những bệnh nhân tim mạch của tôi. Như chúng ta biết, vaccine được tạo từ 1 thành phần của virus SARS-CoV-2, đó có thể là thành phần di truyền… khi đưa vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể và hoàn toàn không có hại cho bệnh nền. Theo y học, những người có bệnh nền, những người cao tuổi càng cần chích ngừa Covid-19. Những người có bệnh nền yên tâm chích ngừa đừng lo lắng.
Thưa bác sĩ, con đọc báo thấy những ai bị bệnh mãn tính thì được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Mẹ con bị rối loạn lipid máu nhiều năm nay ko biết có thuộc đối tượng ưu tiên không, nếu được thì mẹ con cần chuẩn bị gì trước khi tiêm để hạn chế tác dụng phụ ạ?
Người rối loạn lipid máu thường kèm theo những bệnh tim khác vì rối loạn lipid máu có thể là nguyên nhân của bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại vi chi dưới… Lipid máu cao hoàn toàn không chống chỉ định chích ngừa. Do đó, tôi nghĩ mẹ em nên chích ngừa. Điều quan trọng đừng để huyết áp cao khi đi chích ngừa, nên uống thuốc chẹn beta trước để đảm bảo ổn định huyết áp trước.
Cho em hỏi, mẹ em bị rối loạn chức năng đông máu, suy tim độ 2, nên chích loại vaccine nào ạ?
Mọi người cứ nghĩ vaccine AstraZeneca không tốt bằng vaccine Pfizer hay vaccine Moderna vì có tỷ lệ biến cố gây huyết khối ở mạch máu não, huyết khối ở bụng, huyết khối ngoại vi… Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bạn có vaccine nào bạn nên chích ngay, theo tôi không có vaccine nào “xịn” hơn vaccine nào. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh chúng tôi đang thực hiện một quyển sách hỏi đáp những vấn đề liên quan đến Bệnh tim mạch và Covid-19.
Quý độc giả có thể tìm tất cả các câu trả lời có trong cuốn sách đó. Và chúng ta sẽ thấy là không có vaccine nào là xịn nhất, chúng ta có vaccine nào thì nên chích vaccine đó. Vaccine Pfizer cũng sẽ có biến chứng chứ không phải không có. Người ta tìm thấy có 300 ca chích ngừa vaccine Pfizer bị biến chứng viêm cơ tim, nhưng rất may là viêm cơ tim thể nhẹ.
Còn vaccine AstraZeneca cũng có một số trường hợp bị đông máu ở mạch máu, nhưng thường là phụ nữ dưới 50 tuổi, hiện chưa tìm được lý do tại sao lại bị nhiều hơn, còn nam lại ít hơn.
Do đó, chúng ta cần biết một số triệu chứng để phòng ngừa, quan sát biểu hiện từng ngày sau chích vaccine để báo bác sĩ. Trong những trường hợp sau chích vaccine có triệu chứng lạ, bạn vẫn có thể gọi điện đến Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh, chúng tôi sẽ giải đáp và tùy trường hợp mà chúng tôi sẽ khuyến cáo khách hàng đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Tôi bị tiểu đường tuýp 2, bị nhồi máu cơ tim đã đặt 6 stent và phẫu thuật bắc cầu 4 vị trí các nhánh động mạch vành. Tôi hiện uống thuốc tiểu đường, tim mạch và Aspirin hằng ngày. Tôi bị dị ứng thuốc trong lúc can thiệp đặt stent thì có tiêm vaccine Covid-19 được hay không? Trường hợp của tôi nếu không thể đi tái khám thì cần phải lưu ý những gì?
Trường hợp của bạn, dù có uống Aspirin vẫn có thể chủng ngừa được và càng nên chủng ngừa để phòng bệnh. Về việc dị ứng, dù bạn có dị ứng cái gì vẫn có thể chủng ngừa được, trừ trường hợp bạn dị ứng với thuốc chủng ngừa.
Ví dụ bây giờ tôi ăn cá biển, tôi ăn đồ hải sản bị dị ứng, hay tôi chích penicillin bị dị ứng… tôi vẫn có thể chủng ngừa được. Trong tài liệu có nói rõ một câu: chỉ khi nào bạn dị ứng với thuốc chủng ngừa hoặc với thành phần dung môi bào chế thuốc chủng ngừa bạn mới không nên chích ngừa, còn lại phải nên chích ngừa. Cho nên chúng ta vẫn chủng ngừa được mặc dù bị dị ứng.
Về vấn đề tái khám, tôi nghĩ là độc giả đang theo khám bác sĩ nào thì bạn nên liên lạc với bác sĩ đó. Bạn nên chụp toa thuốc, chụp kết quả đo huyết áp và tần suất tim để gửi đến bác sĩ nếu không thể đi khám được. Bạn cũng có thể đăng ký khám online với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh.
Tôi năm nay 57 tuổi, là nữ. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn dạng cơ thể và cho uống thuốc. Xin hỏi là tôi uống thuốc rồi có chích được vaccine Covid-19 được hay không? Và tôi nên tiêm loại vaccine nào? Uống xong cách bao nhiêu ngày thì mới tiêm vaccine được? Và nếu chưa được tiêm thì tôi có bị ảnh hưởng bởi Covid nhiều không? Cảm ơn bác sĩ.
Rối loạn cơ thể thì tôi hiểu là rối loạn thần kinh tim, nếu vậy bạn đừng lo lắng quá. Như tôi đã nói, bệnh tim dù nặng hay nhẹ đều cần chích ngừa Covid-19. Và bạn nên đi chích ngừa càng sớm càng tốt.
Sáng hôm đó bạn uống thuốc, rồi đến 9h đi chích ngừa vẫn không sao. Tức là việc chích vaccine không ảnh hưởng đến thuốc tim bạn đang uống. Thứ hai, như tôi đã nói, có thuốc ngừa nào thì chích cũng được, đừng kén chọn và chờ đợi. Hiệu quả của mỗi loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng và ngừa tử vong gần giống nhau. Tại các nước tiên tiến như châu Âu và Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyên chủng ngừa ngay khi có vaccine.
Xin hỏi bác sĩ, em 33 tuổi là nam. Sau khi tiêm vắc xin Covid đến nay được 3 ngày thì tim có cảm giác hồi hộp, thường xuất hiện vào buổi sáng khi ngủ dậy. Nhờ bác sĩ tư vấn ạ.
Tôi nghĩ là em nên đến BVĐK Tâm Anh khám, đo điện tâm đồ để chúng tôi chẩn đoán, nếu cần chúng tôi sẽ làm Holter ECG. Thường thường những triệu chứng đó không liên quan đến chủng ngừa, một số bạn đi chích ngừa về lo lắng, chứ không có gì nguy hiểm. Nếu bạn không thể đến bệnh viện, bạn có thể đặt lịch khám online với các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch để được tư vấn và hỗ trợ.
Chào bác sĩ, tôi nghe nói người đang dùng thuốc chống đông máu nếu tiêm vắc xin sẽ bị chảy máu ở vị trí tiêm, không biết thông tin này có đúng hay không ạ? Nếu đúng thì hiện tượng chảy máu là bình thường hay bất thường vậy bác sĩ? Nếu đang tiêm thấy chảy máu thì có nên tiêm nữa hay không, hay phải làm gì? Nhờ bác sĩ hướng dẫn.
Câu hỏi này rất hay. Người dùng thuốc đông máu mạnh nhất là người thay van cơ học ở vị trí 2 lá, thường thường chúng ta phải giữ INR ở mức 3 – 3,5. Mức trung bình là 3 nhưng có nhiều trường hợp chúng ta giữ đến mức 3,5. Thường những bệnh nhân này nếu chích vaccine Covid-19 thì nên xin chích bằng kim 25 (kim 25 sẽ nhỏ hơn kim 23 thường được dùng để tiêm chủng).
Thứ hai, sau khi tiêm xong mình sẽ lấy tay ấn vào vị trí tiêm tầm 2 phút thì sẽ không chảy máu. Nhưng phải nhớ trước khi tiêm chúng ta nên ngưng kháng đông 1 ngày giữ mức INR khoảng là 3 hoặc dưới 3 một chút, tầm 2.8 thì sẽ ít chảy máu hơn.
Nhưng có lỡ mình đi tiêm mà chảy máu 1 chút thì cũng không có gì nguy hiểm, chảy máu chỗ đó không sao. Trong trường hợp uống thuốc chống kết tập tiểu cầu thì cứ thoải mái đi chích và cũng lấy tay ấn như vậy, không ảnh hưởng gì hết.
Nhà em có người bị dương tính, em bị tim bẩm sinh hiện em đang âm tính nhưng em lo lắm. Mong bác sĩ tư vấn cách tăng cường sức khỏe và biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả ạ. Nếu em không may dương tính thì nguy hiểm không ạ?
Cách tăng cường sức khỏe để chúng ta chống lại Covid thực ra không có nghiên cứu nào rõ ràng. Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch làm tăng viêm, tăng đông máu. Để phòng ngừa Covid-19, tôi nghĩ là chúng ta cứ ăn uống bình thường, có gì ăn đó, nếu có rau quả thì cứ ăn, tập thể dục, không đến phòng tập hay đi ra ngoài được thì tập tại nhà, đảm bảo 5K.
Và theo tôi quan trọng nhất là chúng ta nên thư giãn, đừng để lo lắng quá, ai mà biết yoga thì càng nên tập để thư giãn. Vì lo lắng sẽ làm hại cho mình. Theo tôi chỉ cần chống lo lắng tốt, bớt stress, bớt ảnh hưởng hiện tượng viêm trong người là có lợi thôi chứ thực ra không có nghiên cứu nào rõ ràng.
Thưa Phó giáo sư, hiện nay có rất nhiều người truyền trên facebook có dung dịch HOCL tinh khiết phun xịt và thậm chí phun khí dung, phun sương thẳng vào phổi để điều trị Covid. Nhiều người chia sẻ rằng họ bị Covid nặng điều trị bằng phương pháp này hoàn toàn khỏi. Tôi hoang mang không biết có nên mua dung dịch HOCL và máy phun khí dung về phun dự phòng cho bản thân và gia đình hay không ạ?
Theo tôi thì cái điều đó không có cơ sở. Vấn đề chúng ta phải phun khí dung hàng ngày để bớt Covid thì cũng không đúng. Tôi đọc trên mạng cũng thấy là bây giờ Covid chúng ta nên xông, uống nhiều nước cái đó tôi không hề phản đối. Uống nước nhiều cũng tốt. Nhưng mà khi đã bị lây nhiễm thì phải đi khai báo. Nếu mắc Covid-19 gây biến chứng tim có thể làm mình đột tử. Do đó tôi nghĩ chúng ta nên khai báo với y tế địa phương để được hỗ trợ.
Vừa qua trên mạng có truyền nhau về các loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có Xuyên Tâm Liên. Phó giáo sư đánh giá thế nào về thông tin này ạ?
Cách đây hơn 40 năm, nước mình truyền tai nhau chữa bệnh bằng Sâm Đại Hải và Xuyên Tâm Liên. Lúc đó, tôi có làm ở BV Y học Dân tộc nên có học về châm cứu, về thuốc Nam nên cũng biết chút ít về lĩnh vực này.
Theo tôi, châm cứu và thuốc Nam có một nhược điểm là không hề có nghiên cứu khoa học chứng minh là có tác dụng tốt. Ví dụ như châm cứu, tôi đọc một số sách của Trung Quốc và Nhật thì cũng chỉ chứng minh được một số điểm đó thôi. Thuốc Nam cũng vậy, không thể phòng ngừa được bệnh tật trong đó có Covid-19.
Trong khi đó, các loại vaccine muốn đưa vào sử dụng cần được khoa học chứng minh hiệu quả. Vì thế, theo tôi không nên cổ súy sử dụng những loại thuốc Nam cổ truyền trong phòng ngừa và điều trị Covid-19. Chúng ta nên dùng những loại thuốc đã được chứng minh hiệu quả.
Cảm ơn Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh đã tận tình giải đáp thắc mắc và cung cấp những thông tin khoa học, hữu ích cho độc giả!
Trong đại dịch Covid-19, một số tỉnh thành, vùng dịch bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người bệnh không thể đi khám hoặc phải trì hoãn lịch tái khám. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, độc giả có thể tiếp tục gửi câu hỏi để được PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh và các chuyên gia Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giải đáp tại đây. Bên cạnh đó, độc giả cũng có thể đặt hẹn “Khám bệnh Online” miễn phí với các chuyên gia qua:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH