Kỹ thuật chụp X quang dạ dày đang được ứng dụng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế. Thông qua hình ảnh chụp X quang dạ dày, bác sĩ có thể chẩn đoán nhiều bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản, u đường tiêu hóa…, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Với quy trình đơn giản, an toàn, chụp X quang dạ dày là phương pháp chẩn đoán hình ảnh với mức giá phải chăng, phù hợp với khả năng tài chính của hầu hết người bệnh. Vậy quy trình chụp Xquang dạ dày ra sao? Khi nào cần thực hiện?
Chụp X quang dạ dày là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa. Phương pháp chụp X quang dạ dày sử dụng tia X được phát từ bóng X quang qua cơ thể người bệnh đến tấm thu nhận, các tín hiệu sẽ được mã hóa và cho ra hình ảnh.
Khác với cách chụp X quang thông thường, khi chụp X quang dạ dày, người bệnh cần uống thuốc cản quang (barium). Thuốc cản quang giúp hiện rõ hình ảnh những tổn thương tại vùng thực quản, dạ dày và tá tràng. Thuốc cản quang barium là một loại muối kim loại không hòa tan trong nước hay dung môi hữu cơ nên sẽ an toàn với cơ thể. Các trường hợp dị ứng với thuốc cản quang rất hiếm gặp. Barium được bào chế ở dạng bột, thường được sử dụng khi chụp Xquang dạ dày, thực quản hay trong quá trình thụt hậu môn để chụp X quang đại tràng. Hiện nay, kỹ thuật chụp Xquang dạ dày thường được kết hợp với chụp cắt lớp vi tính, nội soi sinh thiết để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh thuận lợi, chính xác.
Dưới đây là một số bệnh lý bác sĩ có thể chẩn đoán được thông qua phương pháp chụp X quang dạ dày:
Cơ tâm vị nằm giữa dạ dày và thực quản có nhiệm vụ ngăn không cho dịch acid dạ dày, thức ăn trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà cơ chế hoạt động của cơ tâm vị rối loạn khiến cho acid dạ dày, thức ăn bị trào ngược lên vùng thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản có các biểu hiện như ợ hơi, khó nuốt, nóng rát cổ họng, đau tức ngực… làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có những biểu hiện như đau bụng từng cơn hoặc đau âm ỉ, ợ chua, đau tức thượng vị, chán ăn, đầy bụng… Tùy vào vị trí của ổ loét mà bệnh viêm loét dạ dày tá tràng sẽ được chẩn đoán với các tên gọi khác nhau như loét bờ cong lớn/nhỏ, loét hang vị…
Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu niêm mạc dạ dày. Phần lớn nguyên nhân gây ra tình trạng này đến từ việc người bệnh duy trì các thói quen xấu như uống bia rượu, ăn món nhiều dầu mỡ, cay nóng… hoặc dạ dày xuất hiện khối u hay ổ viêm loét. Xuất huyết dạ dày có thể khiến người bệnh thường xuyên đi ngoài hoặc nôn ra máu. Người bệnh cần sớm thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm…
Tắc nghẽn thực quản là tình trạng khó lưu thông nước uống, thức ăn qua vùng thực quản. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm hóc dị vật, khối u tại thực quản gây hẹp lòng thực quản…
Chụp X quang dạ dày còn giúp bác sĩ phát hiện những vấn đề khác bao gồm thoát vị qua khe hoành, hẹp phì đại môn vị ở trẻ em, kiểm tra sự lưu thông miệng nối ở những bệnh nhân đã phẫu thuật nối dạ dày ruột, rối loạn vận động cơ thực quản…
Triệu chứng lâm sàng của các bệnh lý dạ dày thường rõ rệt và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu không sớm điều trị, bệnh dạ dày có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, ung thư dạ dày… Người bệnh thường xuyên xuất hiện các triệu chứng sau đây sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện chụp Xquang dạ dày:
Kỹ thuật chụp X quang dạ dày được chỉ định thực hiện khi bác sĩ cần đánh giá tình trạng bệnh lý tại dạ dày như loét bờ cong nhỏ/lớn, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày… Chụp X quang dạ dày cũng có thể được áp dụng khi người bệnh không thể nội soi tiêu hóa (do sợ hãi hoặc nguyên nhân khác).
Để có góc nhìn cụ thể hơn về kỹ thuật chụp X quang dạ dày, mời bạn đọc cùng tham khảo quy trình thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này:
Trước khi chụp X quang, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn về quy trình và nguy cơ có thể gặp trong lúc thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng yêu cầu bạn nhịn ăn trong khoảng 10-12 giờ, không uống các chất cản quang ít nhất 03 ngày trước chụp, tháo bỏ trang sức, đồ dùng kim loại (kể cả khuyên rốn nếu có) trước khi tiến hành kỹ thuật chụp X quang dạ dày. Đồng thời, người bệnh cũng cần hoàn tất các thủ tục hành chính trước khi chụp X quang như bổ sung đầy đủ thông tin cá nhân, tiền sử bệnh lý, tiền sử dị ứng, lịch sử chụp X quang… vào phiếu thông tin do bệnh viện cung cấp.
Người bệnh sẽ tiến hành chụp X quang trước khi uống hợp chất cản quang barium, sau đó bác sĩ yêu cầu bạn nuốt hợp chất này nhiều lần trong suốt quá trình chụp. Bác sĩ sẽ thông báo khi nào cần uống hợp chất barium và uống với lượng bao nhiêu. Thông thường, một người cần uống từ 240 – 600 ml hợp chất cản quang trong suốt quá trình chụp X-quang dạ dày.
Bác sĩ chụp X quang sẽ quan sát lượng barium xuống đường tiêu hóa nhờ tia X và hình ảnh huỳnh quang. Trong quá trình này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi tư thế chụp để thu được hình ảnh chính xác.
Nếu chụp Xquang dạ dày có sử dụng chất tương phản khí, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng ống hút để uống ngụm chất lỏng barium. Nhờ lượng thuốc tạo khí trong dạ dày mà bác sĩ có thể quan sát niêm mạc dạ dày và niêm mạc ruột. Nếu cần kiểm tra hình ảnh ruột non, bác sĩ phải nhìn dòng chảy barium từ ruột non đến ruột già.
Thời gian thực hiện chụp X quang dạ dày không xét nghiệm ruột non kéo dài khoảng 30 – 40 phút. Khi cần kiểm tra hình ảnh ruột non thì quá trình chụp kéo dài từ 2 – 6 giờ đồng hồ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, để bác sĩ thu thập đủ tư liệu hình ảnh cần thiết phục vụ cho quá trình chẩn đoán bệnh, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện thêm 1 lần chụp X quang dạ dày (cách lần chụp đầu tiên tối thiểu 24 giờ đồng hồ).
Sau khi chụp X quang dạ dày, người bệnh có thể ăn uống bình thường (trừ trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhịn ăn thêm). Đồng thời, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định uống thuốc nhuận tràng để thải barium ra ngoài. Việc làm này giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón sau khi chụp X quang có sử dụng thuốc cản quang. Ngoài ra, bạn cần uống nhiều nước trong vài ngày sau để barium được thải ra khỏi cơ thể một cách hoàn toàn.
Ngoài những thông tin ở trên, bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải đáp một số thắc mắc thường gặp về phương pháp chụp X quang dạ dày, cụ thể như sau:
Ung thư dạ dày xuất hiện ngày càng phổ biến và đứng đầu trong danh sách bệnh ung thư đường tiêu hóa. Để chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện nội soi sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính, chụp X quang dạ dày. Trong đó, chụp X quang được xem là kỹ thuật giúp ích cho quá trình chẩn đoán ung thư dạ dày nhờ kết quả hình ảnh khách quan, quy trình đơn giản dễ thực hiện.
Chụp X quang nói chung và chụp X quang dạ dày nói riêng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến tại hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước. Kỹ thuật chụp X quang dạ dày có chi phí hợp lý (từ 130.000 nghìn đồng). Chi phí chụp X quang tại mỗi cơ sở y tế sẽ có sự chênh lệch phụ thuộc vào các yếu tố như cơ sở vật chất, trang thiết bị chụp X quang, có xét nghiệm ruột non hay không…
Để tham khảo chi phí thăm khám bệnh dạ dày nói chung và chi phí chụp X quang dạ dày nói riêng, bạn có thể đến trực tiếp cơ sở y tế hoặc liên hệ qua số Hotline, Website (nếu có).
Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế uy tín, được hàng trăm nghìn người bệnh tin tưởng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chụp X quang kỹ thuật số hiện đại bậc nhất, đảm bảo hình ảnh X quang có độ tương phản tốt, độ chi tiết cao, an toàn.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Tóm lại, chụp X quang dạ dày với quy trình đơn giản dễ thực hiện giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh về thực quản dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét, xuất huyết, ung thư dạ dày …với chi phí hợp lý. Nếu cảm thấy bản thân có các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, trào ngược dạ dày, đau tức ngực sau khi ăn no…, bạn hãy sớm đi khám để được tầm soát, chẩn đoán và điều trị kịp thời.