Trên máy bay từ Hàn Quốc về Singapore, ông Gae sùi bọt mép. Máy bay hạ cánh khẩn xuống TP.HCM để đưa người bệnh vào BVĐK Tâm Anh. Bác sĩ tiên lượng, chỉ chậm 1 phút nữa, bệnh nhân chắc chắn tử vong.
0h15 phút khuya 20/11, chuông báo động vang lên giữa bệnh viện khi xe cứu thương từ sân bay Tân Sơn Nhất thắng gấp trước cửa khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Trên băng ca, bệnh nhân Toh Gae (48 tuổi, quốc tịch Singapore) có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp, rung nhĩ, suy thận mạn lọc máu định kỳ… đang sùi bọt mép, suy hô hấp, ho đàm bọt hồng và nhiều vết bầm.
Êkip bác sĩ và điều dưỡng khoa Cấp cứu không đo được huyết áp, dấu hiệu điện tâm đồ trên màn hình máy monitor 10 thông số giãn gần như thành một đường thẳng, nhịp tim chỉ 30 – 40 lần/phút, điều này có nghĩa người bệnh nguy kịch khi không tạo được nhịp tim. Nhanh trí, BS.CKI Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Cấp cứu nỗ lực sốc điện khi phát hiện rung thất, nhịp tim bắt đầu đập lại bình thường trên 60 lần/phút. Người bệnh thoát chết trong 60 giây.
Ngay lúc này, TS.BS Trần Minh Giang – Phó khoa ICU chạy nhanh về hướng khoa Cấp cứu. Thấy điện tâm đồ vẫn còn giãn, tay người bệnh nổi u cục, có nhiều cầu nối lọc máu AVF để chạy thận, BS Giang nhận định bệnh nhân suy thận mạn tính dẫn đến tăng kali máu. Nếu không cấp cứu bước tiếp theo sẽ chắc chắn ngưng tim trở lại!
Đúng như nhận định của BS Giang và BS Nguyên, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số kali trong máu người bệnh tăng đến 8.4 mEq/l (bình thường 3,5 -5 mEq/l), chỉ cần từ 5.5 – 6.0 đã nguy cơ ngưng tim. Đồng thời, chỉ số xét nghiệm đánh giá khả năng đông cầm máu cao gấp 10 lần bình thường (INR ổn định từ 0.8 – 1.2). Điều này cho thấy nguy cơ chảy máu trong thủ thuật hay chảy máu tự nhiên, khả năng tử vong và biến chứng cao.
Để kéo bệnh nhân khỏi “cửa tử”, BS Giang đưa ra phương án tiêm canxi để giải cứu người bệnh. Một điều dưỡng được phân công lấy ven ở cổ để tiêm canxi, song song đó, một điều dưỡng khác truyền bicarbonate loại đặc biệt ở cánh tay để chống toan máu (tồn dư acid trong máu). Cùng lúc, người bệnh được truyền 50 đơn vị insulin vô chai dịch glucose 30% để truyền liên tiếp và phun khí dung với thuốc kích thích beta 2, kích hoạt ngay “biệt đội thận nhân tạo” để lọc máu… với mục tiêu cứu mạng bệnh nhân vừa điều trị nguyên nhân gốc rễ tăng kali máu.
Thông thường bệnh nhân được tiêm 1-2 ống canxi để điều trị tăng kali. Tuy nhiên, ông Gae không có dấu hiệu diễn tiến khả quan. Trước tình huống không có người nhà bên cạnh, vì tính mạng người bệnh và cả bản lĩnh nhiều năm chinh chiến trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, từng điều trị cho nhiều ca tăng kali đe dọa ngưng tim nặng, BS Giang giữ vững phương án: “Tiếp tục tiêm canxi đến khi nhịp tim cải thiện”.
Đến ống canxi thứ 10, nhịp tim người bệnh cải thiện, đập ổn định 60 lần/phút. Ngay lập tức, người bệnh được chuyển đến khoa ICU được khởi động sẵn máy chạy thận, lọc máu. Sau khi chạy thận, huyết áp, nhịp tim ổn định, đủ sức khỏe bay về Singapore.
Tỉnh dậy sau nguy kịch, bệnh nhân người Singapore ngỡ ngàng, tự véo mình thật đau để cảm nhận sự thật hồi sinh từ “cửa tử”. Ông không ngừng cảm ơn êkip điều dưỡng, bác sĩ khoa Cấp cứu và ICU đã nỗ lực cứu sống mình. Ông cho biết bị suy thận mạn tính, lọc máu 4 năm nay, mỗi tuần 3 lần. Nhưng lần lọc máu cuối cùng của ông diễn ra cách đây 10 ngày do bay sang Hàn Quốc du lịch. Và khi đang trên chuyến bay trở về Singapore, ông mệt mỏi, khó thở, ho dữ dội có đờm, té ngã nên bầm tím người.
Đoàn bay thông báo với đội y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị phương tiện cứu chữa cho người bệnh. Vừa đáp xuống sân bay, ông được thở oxy, chuyển ngay đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Các bác sĩ cho rằng nếu xe cứu thương chạy vụt qua khỏi BVĐK Tâm Anh chừng 300m, chắc chắn bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân may mắn, “1 phút vàng” đã giữ được mạng sống.
“Lúc đó, tôi đang theo dõi bệnh nhân ở tầng 6 khoa ICU, khi nghe chuông điện thoại reo “bác Giang ơi, có ca bệnh khẩn!”. Đầu dây bên kia cúp máy ngang, tôi linh tính ca bệnh rất nặng, mình phải chạy hết tốc lực”, BS Giang nhớ lại.
Chia sẻ về sự quyết đoán khi tiêm canxi cứu bệnh nhân, BS Trần Minh Giang cho biết 20 năm trước, ông từng điều trị cho nữ bệnh nhân 70 tuổi ở chợ Bà Chiểu bị khó thở, tăng kali máu đến 8.6 mEq/l, gần như mất nhịp tim. Tại thời điểm đó, ông cũng quyết định kết hợp sốc điện và tiêm canxi đến khi nhịp tim trở lại. Ca thành công ngoạn mục này đã được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học. Quá trình cứu chữa người bệnh cần kiến thức chuyên môn sâu rộng và bản lĩnh của người bác sĩ.
BS Giang khuyên người bệnh suy thận được lọc máu định kỳ không nên đi xa. Nếu có việc quan trọng bắt buộc di chuyển thì chỉ nên đi trong 3- 5 ngày, người bệnh cần mang theo máy lọc máu cá nhân, có thể lọc liên tục 24 giờ để an toàn tính mạng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH