Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giúp cải thiện các triệu chứng, tăng hiệu quả các phương pháp điều trị và nâng cao chất lượng sống trong điều trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chăm sóc giảm nhẹ là hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với các vấn đề liên quan tới sự ốm đau đe dọa đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện, điều trị đau và các vấn đề khác, thể chất, tâm lý, xã hội…
Bệnh nhân ung thư gặp phải nhiều triệu chứng nặng nề do căn bệnh cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Điều trị chăm sóc giảm nhẹ giúp cải thiện các triệu chứng, tối ưu hiệu quả điều trị, tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trong quá trình điều trị. (1)
Hàng năm trên thế giới có khoảng 20,4 triệu người bệnh ung thư cần chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn cuối đời, tương đương trung bình 377/100.000 (người lớn), 63/100.000 (trẻ em). Ước tính tại Việt Nam: dân số 96,4 triệu (tháng 06/2018), mỗi năm có ít nhất khoảng 271.800 người lớn và 15.000 trẻ em cần CSGN.
Điều trị bệnh và duy trì sự sống có nhiệm vụ nhằm mục đích giảm nỗi đau khổ của con người. Với sự tiến bộ của khoa học, y học hiện đại tập trung ngày càng nhiều vào bệnh tật, các cơ quan, phân tử, nhưng đôi khi quên đi sự đau khổ của bệnh nhân và thân nhân. CSGN như một mảnh ghép cần thiết nhằm hoàn thiện bức tranh chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh nhân ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ có thể cải thiện sự tuân thủ điều trị ung thư thông qua giảm tác dụng phụ, làm giảm các triệu chứng và những đau khổ về tâm lý, xã hội, do đó làm giảm bệnh tật và tử vong do ung thư. (2)
Nếu thiếu chăm sóc giảm nhẹ, việc chăm sóc bệnh nhân ung thư có thể:
Chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu từ khi mới chẩn đoán bệnh ung thư và trong suốt quá trình điều trị. Liệu pháp CSGN trong quá trình điều trị được phối hợp cùng những liệu pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Vai trò CSGN đặc biệt quan trọng khi các liệu pháp điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả, không khả thi hoặc không còn phù hợp. Thậm chí sau khi bệnh nhân mất, CSGN vẫn cần được cung cấp cho gia quyến nhằm hỗ trợ thân nhân vượt qua nỗi đau mất mát. (3)
Hiện nay, nhiều người vẫn hiểu nhầm “chăm sóc giảm nhẹ” là “chăm sóc cuối đời”, “chăm sóc cận tử”. Trên thực tế, các khái niệm này có những điểm khác biệt.
Chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp cùng lúc với các liệu pháp điều trị đặc hiệu ung thư, có thể được chỉ định bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị. Trong điều kiện lý tưởng, CSGN nên được bắt đầu từ khi mới chẩn đoán bệnh ung thư.
Chăm sóc cuối đời (chăm sóc cận tử) dành cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hoặc các bệnh lý nặng có tiên lượng sống dưới 6 tháng. Trong giai đoạn này, các liệu pháp điều trị đặc hiệu thường không còn hiệu quả hoặc không còn phù hợp. Chăm sóc cuối đời tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng gây đau khổ cho bệnh nhân. Dựa trên cơ sở niềm tin, nguyện vọng của mỗi bệnh nhân, chăm sóc cuối đời có thể xác định mục tiêu chăm sóc và lập kế hoạch điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân, thân nhân.
Nội dung chăm sóc giảm nhẹ ung thư bao gồm một số điểm chính: (4)
Bệnh nhân ung thư có thể gặp phải nhiều triệu chứng gây khó chịu do ung thư gây ra hoặc do các tác dụng phụ của điều trị. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm: đau nhức, khó thở, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói… Giai đoạn bệnh càng tiến triển, mức độ các triệu chứng càng nặng. CSGN đánh giá toàn diện các triệu chứng về thể chất, từ đó đưa ra phương pháp chăm sóc và điều trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nhẹ sự đau khổ cho bệnh nhân. Một trong những vai trò quan trọng nhất của CSGN chính là giúp bệnh nhân tiếp cận với những phương pháp điều trị giảm đau, trong đó có thuốc Opioid đối với những trường hợp bệnh nhân đau hoặc khó thở nhiều.
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện và kéo dài vài tháng đến nhiều năm sau điều trị. Các bác sĩ có thể tư vấn điều trị giảm nhẹ, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và hỗ trợ bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Quá trình điều trị ung thư có thể kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế, công việc của bệnh nhân và thân nhân. Vấn đề tài chính có thể khiến bệnh nhân lo âu, căng thẳng, hoặc thậm chí khiến bệnh nhân có mặc cảm tội lỗi, ảnh hưởng đến tâm lý điều trị.
Thân nhân hoặc các nhân viên y tế xã hội có thể:
Bệnh nhân ung thư có thể gặp trở ngại khi giao tiếp với người thân, người chăm sóc mình hoặc có hoàn cảnh xã hội khó khăn. Vì vậy, bệnh nhân rất cần sự hỗ trợ kết nối với những người chăm sóc mình cũng như được tiếp cận các chương trình, chính sách xã hội phù hợp.
Người bệnh có thể trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc như lo lắng, buồn phiền, trầm cảm… khi đón nhận tin mắc bệnh ung thư, hoặc trong quá trình điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc trao đổi, chia sẻ cảm xúc khiến các rối loạn tâm lý càng trở nên nghiêm trọng. Trường hợp này, cố vấn, chuyên gia, bác sĩ tâm lý hoặc thành viên ngoài gia đình có thể hỗ trợ người bệnh. Bệnh nhân nên chia sẻ những cảm xúc với bác sĩ điều trị nếu có thể, để được bác sĩ tư vấn và có phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.
Hiện nay, điều trị y khoa thường chỉ tập trung vào bệnh nhân, tuy nhiên thân nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân có thể gặp các tình trạng căng thẳng, lo âu, mệt mỏi trong thời gian dài chăm sóc người bệnh ung thư, đồng thời người chăm sóc có thể cũng đang mắc những bệnh lý mạn tính. Vì vậy, việc chăm sóc y tế, trong đó có CSGN, cần lưu ý đến thân nhân, người chăm sóc bệnh nhân để hướng dẫn kỹ năng và hỗ trợ các vấn đề phát sinh nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Đối với con của bệnh nhân ung thư, gia đình có thể cần thêm sự hỗ trợ như đưa đón, nấu ăn và chăm sóc trẻ. Gia đình sẽ cần sự hỗ trợ từ họ hàng, thân nhân. Nếu cần thiết, nhân viên y tế xã hội có thể giúp gia đình bệnh nhân tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ trong gia đình hoặc từ cộng đồng.
Bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện, cơ sở y tế có thể cung cấp điều trị chuyên khoa kết hợp điều trị giảm nhẹ, giúp kiểm soát các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân hạn chế khả năng đến thăm khám trực tiếp tại bệnh viện, bệnh nhân có thể cân nhắc các dịch vụ thăm khám tại nhà. Đối với những trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối đang sử dụng các thuốc Opioid…
Nhân viên y tế xã hội là người đưa ra những lời tư vấn phù hợp với điều kiện của bệnh nhân và gia đình. Họ có thể giúp gia đình bệnh nhân tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ tài chính, phương tiện đi lại, sắp xếp các công việc trong gia đình, kết nối người bệnh với các chương trình cộng đồng. (5)
Trong những trường hợp đau khó kiểm soát, bác sĩ điều trị có thể hội chẩn với bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về điều trị đau và nhóm điều trị giảm nhẹ. Thông qua nhóm liên chuyên ngành, các phương pháp điều trị giảm đau dùng thuốc và không dùng thuốc, hoặc các liệu pháp giảm đau can thiệp có thể được thảo luận nhằm đưa ra kế hoạch điều trị đau toàn diện cho bệnh nhân.
Việc can thiệp dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cần phù hợp tình trạng bệnh và mục tiêu chăm sóc chung. Gia đình có thể tư vấn các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cách bổ sung dưỡng chất, hỗ trợ người bệnh ăn ngon miệng hơn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân. Các trường hợp bệnh nhân đặt ống nuôi ăn hoặc truyền dinh dưỡng tĩnh mạch, cần được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng về lợi ích, nguy cơ và phù hợp mục tiêu chăm sóc bệnh nhân.
Các hoạt động tập vật lý trị liệu thường được chỉ định trong quá trình điều trị, đặc biệt là người bệnh sau phẫu thuật, giúp tối ưu khả năng tự chăm sóc, sinh hoạt của bệnh nhân.
Thân nhân là những người đồng hành quan trọng của bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Sự quan tâm, chăm sóc, động viên từ thân nhân sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tâm lý, có thêm nghị lực để tiếp tục điều trị bệnh. (6)
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và cơ sở y tế, chăm sóc giảm nhẹ có thể được cung cấp tại bệnh viện, phòng khám hoặc tại nhà của bệnh nhân.
BVĐK Tâm Anh sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau điều trị.
Không chỉ đơn thuần giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh còn hỗ trợ tâm lý, chăm sóc bệnh nhân từ những điều nhỏ nhất:
Để nhận tư vấn chương trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân được điều trị giảm nhẹ thường có ít triệu chứng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, và hài lòng với kế hoạch điều trị hơn. Do đó, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư được cung cấp trong suốt quá trình điều trị, giúp người bệnh bớt đau đớt và vững tin vào kế hoạch điều trị.