//= SITE_URL ?>
Người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể tự tiêm insulin tại nhà nhưng để đạt hiệu quả nhất, cần biết cách lựa vị trí tiêm phù hợp và thao tác tiêm đúng cách.
Insulin là một loại hormone giúp tế bào sử dụng glucose (đường) làm năng lượng nuôi cơ thể. Insulin hoạt động như “chiếc chìa khóa”, mở cửa để glucose đi từ máu vào tế bào. Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể không tạo ra insulin. Trong bệnh tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy lại không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả.
Người bệnh cần kiểm soát lượng đường huyết bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục, uống thuốc, tiêm insulin. Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong điều trị đái tháo đường, người bệnh đái tháo đường tuýp 1 được chỉ định tiêm insulin suốt đời. Người bệnh đái tháo đường type 2 được tiêm insulin khi mang thai, bị nhiễm trùng, mất ngủ do stress, vết thương cấp, tăng đường huyết với tăng ceton máu cấp nặng, mất cân bằng không kiểm soát,…
Phụ nữ bị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 trước đó và khi mang thai bắt buộc vẫn phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ. Với thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ (xảy ra trong quá trình mang thai) thì cần áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong 1-2 tuần, nếu không đạt được mục tiêu điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin.
Insulin có tác dụng nhanh chóng từ 5 – 30 phút sau tiêm. Tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh biết số lượng insulin cần tiêm mỗi lần và số lần tiêm trong ngày (1 lần hoặc tối đa 4 lần mỗi ngày). Có nhiều cách khác nhau để tiêm insulin, bao gồm ống tiêm, bút tiêm insulin, máy bơm insulin. Tại Việt Nam, phương pháp tiêm insulin phổ biến vẫn là dùng ống tiêm và bút tiêm. Bác sĩ sẽ tư vấn cho từng người bệnh để lựa chọn kỹ thuật tiêm nào là phù hợp, hiệu quả nhất.
Người bệnh cần thay đổi luân phiên các vị trí tiêm, nếu tiêm vào cùng một chỗ, da sẽ dày lên và loạn dưỡng mỡ. Insulin cũng sẽ không hấp thụ ở những điểm này. Để giúp bạn nhớ dễ dàng, hãy đánh dấu các vị trí đã tiêm theo thời gian vào cuốn sổ (gồm cánh tay, chân, bụng và mông). Người bệnh có thể bắt đầu với cánh tay trái, cánh tay phải, chân trái, chân phải, bên phải bụng, sau đó sang trái, sau đó phải và mông trái.
Lưu ý: Rửa tay sạch trước khi tiêm và sau tiêm, chuẩn bị hộp đựng kim nhọn đã qua sử dụng. Insulin chưa sử dụng cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 2°C – 8°C). Insulin còn thừa có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 4 – 6 tuần. Trước khi tiêm insulin, hãy kiểm tra chất lượng của thuốc như không bị đục, có hạt, đặc hoặc đổi màu và không lắc lọ.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH