Ngất xỉu là tình trạng cơ thể mất ý thức đột ngột do lưu lượng máu đến não không đủ. Tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Vậy có những cách sơ cứu người bị ngất xỉu nào có thể áp dụng?
Bài viết được tư vấn bởi BS.CKI Hồ Văn Mót, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Cần biết gì về tình trạng ngất xỉu?
Người bị ngất xỉu thường sẽ hồi tỉnh sau một thời gian ngắn, từ vài giây đến vài phút. Đôi khi người bị ngất cần thời gian nhiều hơn để tỉnh táo hoàn toàn, khôi phục lại trạng thái bình thường. Sau ngất, người bệnh vẫn còn cảm thấy mệt nhiều. (1)
Ngất xỉu có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý hoặc sức khỏe suy giảm. Nhiều trường hợp ngất xỉu đột ngột có thể do các vấn đề liên quan đến tâm lý, gặp biến cố bất ngờ, yếu tố tác động từ môi trường,…
Một số bệnh lý nguy hiểm như bệnh liên quan đến tim (rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, vấn đề ở van tim,…), bệnh về phổi (thuyên tắc phổi,…), bị thiếu máu, mất nước hoặc do tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến tim mạch hoặc thần kinh.
Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng ngất xỉu. Nhất là đối với người trẻ hiện nay có lối sống thiếu lành mạnh, làm việc quá áp lực, ăn uống không khoa học thì càng làm tăng nguy cơ bị ngất xỉu. Đối với những người sau 40 tuổi, bị ngất xỉu lần đầu tiên thì đó có thể là dấu hiệu bệnh lý liên quan đến tim mạch, hoặc thần kinh. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi bị ngất xỉu đột ngột.
Ngất xỉu là tình trạng phổ biến, diễn ra ở khoảng 20% dân số toàn cầu
Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngất xỉu
Người thân hoặc người xung quanh nhanh chóng liên hệ ngay sự hỗ trợ y tế hoặc đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất nếu có các biểu hiện:
Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến nơi, chúng ta có thể áp dụng một số cách sơ cứu người bị ngất xỉu sau:
Đặt nạn nhân nằm ngửa;
Lắc mạnh, vỗ mạnh hoặc gọi lớn nếu nạn nhân có dấu hiệu mất tri giác;
Kiểm tra mạch, nhịp tim, nhịp thở;
Hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở;
Nếu có máy khử rung tim ngoài tự động (AED), có thể sử dụng để hỗ trợ nạn nhân;
Đặt nạn nhân nằm nghiêng đầu quay sang một bên nếu họ bị nôn, chảy máu từ miệng để tránh hít ngược chất nôn, máu gây ngạt thở;
Nâng chân cao hơn tầm tim khoảng 30-35cm để tăng cường lưu lượng máu về tim và lên não;
Nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo để nạn nhân dễ thở.
Thực hiện biện pháp sơ cứu người bị ngất và nhanh chóng liên hệ hỗ trợ y tế
Cần làm gì nếu bản thân xuất hiện các triệu chứng ngất xỉu?
Những triệu chứng cảnh báo ngất xỉu thường xảy ra rất nhanh. Vì vậy, khi nhận thấy hơi choáng váng, hoa mắt, tay chân bị run, đổ mồ hôi,… bạn nên:
Dừng ngay công việc đang làm lại;
Nhanh chóng ngồi hoặc nằm xuống chỗ thoáng mát, có bóng râm. Hoặc bạn có thể ngồi ở tư thế gục đầu xuống giữa hai đầu gối. Việc này sẽ giúp hạn chế được chấn thương vì nếu bạn ngất xỉu khi đang đứng sẽ nguy hiểm hơn.
Bạn cố gắng hạ thấp cơ thể của mình xuống và đưa hai chân lên cao hơn so với thân mình. Như vậy sẽ giúp máu trở về tim và lên não tốt hơn.
Bạn cần hết sức bình tĩnh, hít thở sâu để giảm bớt lo lắng và giúp điều hòa lại nhịp tim;
Ra tín hiệu cho người xung quanh đến giúp đỡ. Vì trong trường hợp bạn ngất xỉu lâu, hay bị chấn thương, họ có thể hỗ trợ đưa bạn đến bệnh viện;
Sau khi nghỉ ngơi và tỉnh lại, bạn đừng vội đứng lên làm việc ngay. Tốt hơn hết là bạn ngồi nghỉ thêm khoảng 15 phút nữa để khỏe lại hoàn toàn.
Bắt đầu lại công việc ở mức độ nhẹ nhàng, từ từ để chắc chắn cơ thể không bị mệt hay ngất xỉu thêm lần nữa;
Trường hợp sau khi ngất xỉu tỉnh dậy, bạn nhận thấy vẫn không khỏe lại hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác thì nên nhờ người thân đưa đến bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn. Bạn không nên lái xe trong trường hợp này vì bạn có thể bị choáng hoặc ngất trong khi tham gia giao thông. (3)
Theo các chuyên gia y tế, những biện pháp sơ cứu người bị ngất nên được thực hiện theo các khuyến cáo y khoa hiện đại. Các biện pháp điều trị dân gian hiện nay chưa được chứng minh có tính an toàn và hiệu quả. Do đó nếu thực hiện sơ cứu sai cách, bạn có thể khiến người ngất xỉu gặp biến chứng nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Bác sĩ khuyến nghị một số cách đơn giản sơ cứu người ngất xỉu có thể áp dụng như:
Đắp chăn ấm nếu người ngất bị hạ thân nhiệt, nhiệt độ <36 độ;
Nếu có dầu gió hoặc dầu nóng, bạn có thể cho người ngất ngửi mùi dầu;
Day ấn nhân trung mạnh, nhanh, dứt khoát để người xỉu tỉnh lại trong khi chờ các biện pháp hỗ trợ y tế;
Cho người bệnh uống nước ấm, hoặc nước đường nếu biết nạn nhân bị hạ đường huyết.
Cần trang bị các kiến thức sơ cứu người bị ngất xỉu đúng cách
Ngoài ra bạn cần lưu ý:
Không tập trung đông quanh người ngất xỉu để họ có không gian hít thở;
Không châm kim vào các đầu ngón tay của người ngất xỉu để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Cần làm gì nếu nạn nhân tỉnh táo trở lại?
Nếu nạn nhân hồi tỉnh sau ngất xỉu, người thân hoặc những người xung quanh nên:
Cho nạn nhân uống nước ấm;
Thăm hỏi, tìm hiểu thông tin nhằm xác định nguyên nhân gây ngất xỉu;
Kiểm tra các chấn thương trên cơ thể, nếu có các vết thương gây chảy máu, cần nhanh chóng cầm máu và đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất. (4)
Để đăng ký kiểm tra sức khỏe tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ theo thông tin:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngất xỉu đột đột, trong đó rất nhiều trường hợp liên quan đến bệnh lý tim mạch. Do đó nếu bạn hoặc người thân từng gặp tình trạng ngất xỉu nhiều lần, cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe để sớm có phương án phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe phù hợp. Đồng thời mỗi người cần trang bị các biện pháp sơ cứu người bị ngất xỉu để đảm bảo an toàn cho bản thân và có thể hỗ trợ người khác.