Ống thông tiểu là một ống rỗng, mềm mại được luồn qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Do cấu tạo niệu đạo nam và nữ khác nhau, niệu đạo nam dài hơn nữ, cho nên cách đặt ống thông tiểu nam có quy trình khác so với nữ. Vậy cách đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân nam có quy trình ra sao? Cần lưu ý những gì khi tiến hành đặt sonde tiểu nam, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn trong bài viết này.
Đặt ống thông tiểu nam là gì?
Đặt ống thông tiểu nam là thủ thuật điều trị xâm lấn, dùng một ống rỗng, luồn qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Khi ống thông đã được đưa vào, một quả bóng nhỏ ở đầu bên trong sẽ được bơm lên căng bằng nước vô trùng, giữ cho ống thông không trượt khỏi niệu đạo.
Khi nào cần đặt ống thông tiểu nam?
Ống thông tiểu thường được sử dụng trong các cơ sở y tế, hỗ trợ nhiều cho người bệnh tiểu không tự chủ, bí tiểu, không thể đi vệ sinh mà không có sự trợ giúp. Người bệnh sẽ được rút sonde tiểu khi nước trong bàng quang (bọng đái) đã đưa ra ngoài hoặc cho đến khi tự đi tiểu tự nhiên. Với những trường hợp bệnh nặng, chấn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể phải đặt sonde tiểu lâu dài. (1)
Ống thông tiểu nam giúp làm rỗng bàng quang qua đường niệu đạo
Chỉ định và chống chỉ định khi đặt sonde tiểu ở nam
1. Chỉ định
Hỗ trợ giảm bí tiểu cấp hoặc mạn tính do tắc niệu đạo hoặc tắc tuyến tiền liệt.
Phương pháp điều trị tiểu không tự chủ.
Theo dõi hoặc đo lượng nước tiểu tồn đọng sau khi đi tiểu.
Lấy nước tiểu vô trùng để nuôi cấy.
Chẩn đoán các bệnh về đường tiết niệu.
Truyền thuốc trực tiếp vào bàng quang.
2. Chống chỉ định tuyệt đối
Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp chống chỉnh định tuyệt đối trong việc đặt sonde tiểu nam. (2)
3. Chống chỉ định tương đối
Hẹp niệu đạo do sẹo.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Niệu đạo đã được tái tạo trước đó.
Tiền sử phẫu thuật niệu đạo trong thời gian gần đây.
Người có tiền sử khó đặt ống thông tiểu.
Một số trường hợp bị chấn thương niệu đạo hoặc chảy máu lỗ niệu đạo, không thể đi tiểu tự nhiên, xuất hiện máu bầm ở tầng sinh môn, bìu hoặc dương vật, có dấu hiệu phù nề. Khi muốn đặt sonde tiểu cần thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trước khi cố gắng đặt ống thông niệu đạo.
Các loại ống thông tiểu thường được sử dụng
Ống thông tiểu ngắt quãng: phù hợp cho các trường hợp thỉnh thoảng phải dùng ống thông khi cần thiết hoặc bệnh nhân không muốn đeo túi đựng nước tiểu. Ống thông sẽ được vô trùng, bôi trơn và đưa vào bên trong cơ thể để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài, ống được rút ra khi bàng quang không còn nước tiểu. Quá trình này có thể thực hiện nhiều lần trong ngày hoặc chỉ 1 lần, tần suất phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ và tình trạng của bệnh nhân.
Ống thông tiểu liên tục: trường hợp người bệnh cần sử dụng ống thông trong một khoảng thời gian dài, ống thông liên tục sẽ được đưa vào cơ thể và để 1 đầu lại bên trong bàng quang, 1 đầu gắn vào túi đựng nước tiểu hoặc xả trực tiếp vào bồn cầu. Ống thông liên tục có van để người bệnh chủ động trong việc xả nước tiểu. Ống này có thể được đưa vào bàng quang theo 2 đường: niệu đạo và xương mu. Ống thông bên trong có một quả bóng nhỏ được bơm phồng lên, ngăn ống thông trượt ra khỏi cơ thể. Khi rút ống thông, bóng được xì hơi.
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu: tương tự như ống thông tiểu liên tục nhưng thay vì luồn qua đường niệu đạo hay dẫn lưu bàng quang thì bác sĩ sẽ luồn một ống thông vào bàng quang qua một lỗ nhỏ ở bụng dưới (khu vực xương mu). Thủ thuật này được thực hiện ở bệnh viện bởi các bác sĩ có chuyên môn tiết niệu.
Tùy mục đích và tình trạng người bệnh nên lựa chọn loại ống thông tiểu phù hợp
Hướng dẫn cách đặt ống thông tiểu nam giới
Sau đây là quy trình thực hiện đặt ống thông tiểu ở nam giới gồm 4 bước
1. Chuẩn bị bệnh nhân
Đặt bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Đảm bảo giường có độ cao phù hợp để bạn có thể dễ dàng thực hiện thao tác đặt ống thông tiểu.
2. Chuẩn bị dụng cụ
Dụng cụ cần chuẩn bị trước khi đặt sonde tiểu cho nam giới bao gồm:
Săng vô trùng có lỗ.
Găng tay vô trùng.
Thuốc sát trùng Povidone- Iodine.
Tăm bông, bôi gòn hoặc gạc y tế.
Gel bôi trơn (loại có thể tan trong nước).
Bộ ống thông tiểu nam. Trường hợp người bệnh mắc chứng hẹp niệu đạo hoặc phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn ống thông có kích thước phù hợp.
Ống xilanh chứa 10ml nước vô trùng để bơm bóng catheter (bóng giữ cho ống tiểu thông trược khỏi niệu đạo).
Thuốc tê cục bộ (5 – 10ml thạch lidocain 2%) để làm căng và gây tê niệu đạo nam.
Túi đựng nước tiểu.
3. Các bước thực hiện đặt sonde tiểu nam
Đặt toàn bộ dụng đã chuẩn bị vào 1 khay vô trùng bên cạnh giường người bệnh để dễ dàng thao tác.
Lắp 1 đầu ống thông vào túi đựng nước tiểu, kiểm tra bóng lưu, dùng gel bôi trơn 1 đầu ống còn lại, độ dài khoảng 17 – 30cm.
Dùng bông gòn hoặc gạc y tế thấm thuốc khử trùng Povidone- Iodine.
Vệ sinh vùng kín nam giới. Thoa dung dịch sát trùng theo hình xoắn ốc, bắt đầu từ lỗ niệu đạo hướng ra ngoài.
Đặt săng vải phẫu thuật đã được vô trùng lên khu vực khung chậu.
Tiêm 5ml lidocain vào lỗ niệu đạo, sau đó kẹp chặt phần đầu lỗ niệu đạo để giữ lidocain chảy vào bên trong khoảng 1 phút. Loại thuốc này giúp căn phồng và gây tê niệu đạo, giúp quá trình đặt ống thông tiểu diễn ra dễ dàng hơn.
Đặt đầu ống thông đã bôi trơn từ từ vào niệu đạo, đầu ống hướng lên trên, đi theo thành niệu đạo.
Đẩy ống thông từ từ qua niệu đạo đến bàng quang, trong lúc thực hiện thao tác hãy yêu cầu người bệnh hít thở sâu, chậm rãi. Đưa ống thông vào từ từ cho đến khi thấy nước tiểu chảy ra. Nếu đặt ống thông ngắt quãng, khi nước tiểu ngưng chảy có thể rút ống ra.
Nếu đặt ống thông liên tục, dùng xilanh bơm 5 – 10ml nước vào cho bóng căng lên, sau khi bơm bóng thành công, rút từ từ ống thông ra cho đến khi cảm nhận được lực cản thì dừng lại.
Để tránh làm kẹt bao quy đầu, sau khi hoàn thành thao tác, nắn chỉnh bao quy đầu về vị trí cũ, không làm lệch ống thông tiểu.
Lau sạch nước tiểu tràn ra hoặc gel bôi trơn thừa và đắp tấm vải lên người bệnh.
4. Thu dọn dụng cụ
Tháo găng tay và thực hiện vệ sinh tay.
Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo người bệnh vẫn thoải mái sau khi đặt sonde tiểu.
Vứt bỏ thiết bị và găng tay đã sử dụng trong túi đựng, cho vào khu vực xử lý chất thải y tế. Ghi chép về tình trạng người bệnh và theo dõi liên tục sau khi thực hiện thủ thuật.
Quy trình đặt sonde tiểu cần được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật
Lưu ý quan trọng khi đặt sonde tiểu cho đàn ông
Chỉ nhân viên y tế chuyên về tiết niệu đã được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện thủ thuật đặt ống thông tiểu.
Vệ sinh tay trước và sau khi đặt ống thông tiểu.
Ống thông tiểu và dụng cụ đi kèm đã được tiệt khuẩn.
Bôi trơn đầu ống thông tiểu nhằm tránh gây tổn thương niệu đạo.
Cố định ống thông tiểu ngay sau khi đặt để tránh nguy cơ di lệch ống thông và kéo giãn niệu đạo.
Cần khóa đường dẫn nước tiểu khi dịch chuyển người bệnh để tránh nước tiểu trào ngược vào bàng quang.
Đặt ống thông tiểu ở nam có nguy hiểm không?
Người bệnh khi đặt sonde tiểu vẫn đối mặt với một số biến chứng, rủi ro có thể xảy ra như nhiễm trùng được tiết niệu.
Những rủi ro biến chứng khi đặt sonde tiểu nam có thể gặp
Biến chứng và rủi ro thường gặp khi đặt sonde tiểu nam bao gồm: nhiễm khuẩn đường tiết niệu do ống thông tiểu, chấn thương niệu đạo tạo ra một “lối đi” giả ở tuyến tiền liệt hoặc cổ bàng quang, hẹp niệu đạo. Trong đó, chấn thương niệu đạo là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp.
Ngoài ra, đặt sonde tiểu nam còn gây tổn thương niệu quản thứ phát sau khi đặt ống thông. Đây là kết quả của việc vô tình thắt, xoắn, tổn thương do nhiệt hoặc mất mạch máu của niệu quản trong quá trình đưa ống thông tiểu vào cơ thể.
Hướng dẫn theo dõi bệnh nhân sau khi đặt ống thông tiểu
Sau khi tiến hành xong thủ thuật đặt ống thông tiểu, cần theo dõi các biểu hiện của người bệnh. Đồng thời ghi chép lại một số thông tin cần thiết như:
Thể tích nước được bơm vào bóng ống thông.
Kích thước của ống thông được đưa vào.
Loại và liều lượng thuốc gây tê cục bộ được sử dụng.
Thể tích nước tiểu thoát ra.
Tình trạng nước tiểu, có lẫn máu hoặc có mùi lạ hay không.
Dán nhãn dính từ bao bì ống thông bên cạnh ghi chú của bạn.
Không quên chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi làm thủ thuật, nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng, viêm niệu đạo, sốt cao, nước tiểu lẫn máu, bệnh nhân cảm thấy đau, khó chịu,… cần sự can thiệp của bác sĩ ngay lập tức.
Thủ thuật đặt sonde tiểu nam cần được tiến hành tại bệnh viện, cơ sở y tế bởi đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, lành nghề. Bạn có thể đến Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh là nơi chuyên thực hiện các thủ thuật đặt ống thông tiểu nam. Bệnh viện quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, giúp bạn thực hiện quy trình đặt sonde tiểu chuẩn xác, hạn chế rủi ro, biến chứng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Đặt ống thông tiểu nam là thủ thuật đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật trong từng thao tác nên được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu. Hy vọng bài viết này mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về quy trình, lưu ý và cách đặt ống thông tiểu nam, chăm sóc sức khỏe hệ thống tiết niệu bằng cách thăm khám thường xuyên để nâng cao chất lượng cuộc sống.