Với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật y học hiện đại, các biến chứng đặt túi ngực được giảm thiểu tối đa, với chỉ 1% nguy cơ xảy ra [1]. Điều này đồng nghĩa, dù tỷ lệ rất thấp nhưng các biến chứng hoàn toàn có thể phát sinh. Trong bài viết này, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ chia sẻ những biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật đặt túi ngực và các dấu hiệu biến chứng cần lưu ý để có biện pháp xử trí kịp thời.
Có. Mọi phẫu thuật đều tồn tại tỷ lệ biến chứng nhất định. Phẫu thuật đặt túi ngực không phải ngoại lệ. Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật y khoa, tỷ lệ phát sinh biến chứng ngày càng thấp. Có khoảng 1% trường hợp đặt túi ngực gặp phải biến chứng sau phẫu thuật, phổ biến là:
Dù tỷ lệ thấp nhưng các biến chứng đặt túi ngực hoàn toàn có thể xảy ra sau phẫu thuật đặt túi ngực, bao gồm:
Co thắt bao xơ cũng là dạng biến chứng khi đặt túi ngực, xảy ra do phản ứng tự nhiên khi có vật thể lạ (ở đây là túi ngực) được đặt vào bên trong cơ thể. [2]
Khi túi ngực được đặt vào, cơ thể hình thành mô sẹo dạng sợi bao bọc xung quanh túi, gọi là bao xơ. Bao xơ là lớp vỏ bảo vệ được tạo ra mục đích bảo vệ cơ thể khỏi mối nguy tiềm ẩn của “vật thể lạ”, ngoài ra còn có tác dụng cố định vị trí túi ngực trong tuyến vú.
Bao xơ thường có đặc tính mềm hoặc hơi cứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bao xơ dày, cứng, siết, ép chặt túi ngực. Tình trạng này gọi là co thắt bao xơ, có thể làm biến dạng, thay đổi vị trí, thậm chí vỡ túi ngực. Co thắt bao xơ có thể gây ra đau tức ngực mạn tính. Các triệu chứng co thắt bao xơ thường xuất hiện sau vài tháng nhưng có trường hợp lên đến vài năm sau phẫu thuật. Để xử trí, bạn có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật lại.
Vỡ túi ngực là biến chứng khá phổ biến khi phẫu thuật đặt túi ngực. Nguyên nhân chủ yếu do co thắt bao xơ nặng, ngực bị chèn ép mạnh, chất lượng túi ngực không đảm bảo, tai nạn trong quá trình phẫu thuật. Thời gian đặt túi ngực càng lâu, nguy cơ vỡ túi càng cao do lớp vỏ bao túi bị bào mòn. [3]
Biểu hiện vỡ túi ngực có sự khác biệt ở chất liệu làm túi. Đối với túi ngực chứa nước muối (loại túi ngực ít được sử dụng phổ biến hiện nay, được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt), khi bị vỡ, bạn dễ dàng nhận thấy túi ngực bị xẹp, khiến bầu ngực hai bên không đều. Do dung dịch nước muối lành tính nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn ngực của bạn.
Ngược lại, đối với túi ngực silicone (loại túi ngực phổ biến), bạn khó nhận biết túi bị vỡ vì không có triệu chứng biểu hiện ngay, nên vỡ túi ngực silicone còn gọi là “vỡ thầm lặng”. Bạn sẽ không nhận thấy dáng ngực, cảm giác ngực thay đổi nên ngay cả khi khám lâm sàng, bác sĩ cũng khó phát hiện, cần nhờ sự trợ giúp của các máy móc chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ MRI.
Mặt khác, một số ít trường hợp vỡ túi ngực silicone có biểu hiện giảm kích thước, thay đổi hình dáng ngực, xuất hiện các cục cứng trên túi ngực. Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện tình trạng đau tức ngực, ngứa, sưng, tê, rát, thay đổi cảm giác ở ngực.
Khi túi ngực silicone bị vỡ, gel bên trong túi có thể tràn ra ngoài bao mô xung quanh túi ngực và lan ra các vùng xung quanh gây kích ứng, hình thành sẹo.
Chảy máu thường xuất hiện ở mọi ca phẫu thuật, bao gồm phẫu thuật đặt túi ngực. Thông thường, chảy máu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sẽ hết khi vết thương phục hồi hẳn. Nếu nhiều ngày sau phẫu thuật, máu tiếp tục rỉ ra ở vết thương thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú khám, tìm ra nguyên nhân và xử trí kịp thời.
Nhiễm trùng là biến chứng đặt túi ngực nặng nề do vết thương phẫu thuật bị vi khuẩn, nấm tấn công. Các triệu chứng nhiễm trùng thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật. Có thể điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh nhưng một số trường hợp nghiêm trọng cần phẫu thuật lấy túi ngực ra.
Hoại tử da vú là biến chứng không thường gặp, xuất hiện chủ yếu ở các trường hợp đặt túi ngực tái tạo sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú. Nguyên nhân do da vú không được cung cấp đủ lượng máu vì có quá nhiều mô vú bị cắt bỏ. Khi da vú thiếu máu trong một thời gian sẽ xuất hiện tình trạng khô, đóng vảy, cuối cùng chết mô (hoại tử).
Các dấu hiệu hoại tử da vú bao gồm: da chuyển sang màu xanh đậm hoặc đen, đang dần đóng vảy, xuất hiện vết thương hở trên da, sốt cao. Nếu phát hiện các triệu chứng này, bạn cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú để sớm điều trị.
Xem thêm: 10 dấu hiệu cần thay túi ngực hoặc loại bỏ: Chỉ định và quy trình
Cơn đau thường xuất hiện xung quanh khu vực phẫu thuật và quầng vú. Đây là hiện tượng thường xảy ra sau bất kỳ cuộc mổ nào, sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài dai dẳng đi kèm với hiện tượng tụ máu, sưng tấy, bầm tím… thì bạn nhanh chóng đến cơ sở y tế có khoa Ngoại Vú uy tín để bác sĩ chuyên khoa khám, xác định nguyên nhân gây đau và có phương án xử lý phù hợp.
Vú không cân xứng hay không đều nhau là biến chứng xảy ra khi lựa chọn kích cỡ túi ngực cho những trường hợp bản thân hai vú tự nhiên đã không đều nhau.
Sưng, bầm tím là hiện tượng thường gặp sau phẫu thuật, sẽ hết khi vết thương phục hồi. Tuy nhiên, một số trường hợp sưng, bầm tím kéo dài do gặp biến chứng như nhiễm trùng, xuất hiện cục máu đông ở vùng phẫu thuật… cần gặp bác sĩ tái khám sớm.
Cảm giác căng tức bầu vú xảy ra do mô vú bao chặt, siết, chèn ép túi ngực, có thể kèm theo cơn đau âm ỉ.
Sẹo là không thể tránh khỏi khi phẫu thuật đặt túi ngực. Tuy nhiên, các kỹ thuật phẫu thuật hiện đại luôn cố gắng giấu sẹo vào những khu vực khó thấy như dưới nách hay nếp gấp bầu ngực. Theo thời gian, vết sẹo sẽ thu nhỏ kích thước, mờ dần đi nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp, sẹo tiếp tục dày và đậm lên có thể do cơ địa, chăm sóc vết sẹo chưa tốt, trầy xước vết mổ…
Bệnh mô liên kết là tình trạng các mô liên kết, cấu tạo từ collagen và elastin, bị viêm. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như: di truyền, cơ chế tự miễn của cơ thể (kháng thể tấn công tế bào trong cơ thể thay vì bảo vệ), tiếp xúc hóa chất, tia cực tím, thiếu vitamin D và C, nhiễm trùng. Trước đây, túi ngực silicone được cho là “thủ phạm” gây ra bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng toàn thân của bệnh được ghi nhận xảy ra cả ở người đặt túi ngực silicone và nước muối sinh lý.
Mô vú cứng lại là biến chứng đặt túi ngực xảy ra do sự hình thành mô sẹo bao xung quanh khu vực cấy ghép túi.
Biến chứng này chỉ xảy ra với trường hợp đặt túi ngực silicone bị vỡ. Khi đó, dung dịch silicone tràn ra mô vú, tạo thành các cục u cứng bao quanh túi ngực.
Túi ngực hình thành nếp nhăn, gợn sóng là biến chứng khá phổ biến ở cả những ca đặt túi ngực lần đầu lẫn đặt túi tái tạo ngực. Ước tính có khoảng 10% trường hợp đặt túi ngực gặp biến chứng này. Nguyên nhân do mô tuyến vú bao bọc và dính chặt lấy bề mặt túi ngực, tạo thành nếp gấp giống gợn sóng có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Ngoài ra, sụt cân đột ngột, mang thai và cho con bú cũng có thể gây ra tình trạng này.
Một thời gian sau phẫu thuật đặt túi ngực, bạn nhận thấy túi ngực không còn nằm ở vị trí ban đầu, thậm chí có trường hợp túi ngực lật ngược hoặc xoay xung quanh như bánh xe làm biến dạng khuôn ngực, đau. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng này do sai sót trong quá trình đặt túi ngực, chấn thương, va đập, ép ngực hoặc tác dụng của trọng lực.
Việc đặt túi ngực không ảnh hưởng đến khả năng cho con bú của người phụ nữ. Dòng sữa tiết ra sau khi đặt túi (kể cả túi ngực silicone) không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Tuy nhiên, sau phẫu thuật đặt túi ngực, sản lượng sữa của một số chị em có thể sụt giảm đáng kể. Do đó, chị em nên thực hiện đặt túi ngực trước khi sinh hoặc sau khi cai sữa cho con.
Thay đổi cảm giác ở núm vú và bầu vú, bao gồm tăng cảm giác hoặc mất cảm giác, là biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật đặt túi ngực do các dây thần kinh cảm giác ở vú bị tổn thương. Mức độ thay đổi, thời gian kéo dài của biến chứng này ở mỗi người không giống nhau. Tình trạng này ảnh hưởng đến phản ứng tình dục và việc cho con bú.
Ung thư hạch tế bào lớn bất sản liên quan đến cấy ghép vú (BIA-ALCL) là bệnh ung thư hạch tế bào T (tế bào thuộc hệ thống miễn dịch) có thể hình thành sau phẫu thuật đặt túi ngực. Ung thư này không phải ung thư vú, được tìm thấy chủ yếu trong mô sẹo và dịch bao xung quanh túi ngực, nhưng có thể di căn khắp cơ thể.
Tỷ lệ mắc ung thư này thấp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Phẫu thuật cắt bỏ túi ngực, mô sẹo xung quanh và khối u là phương pháp điều trị hiệu quả, tuy nhiên một số trường hợp cần điều trị thêm bằng xạ trị và hóa trị.
Các triệu chứng phổ biến của ung thư BIA-ALCL là sưng tấy dai dẳng, xuất hiện khối u hoặc đau ở vùng cấy ghép vú. Những triệu chứng này có thể xảy ra sau khi vết mổ đã lành, thường là nhiều năm sau khi đặt túi ngực. Bạn cần đến gặp bác sĩ khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu này để khám, chẩn đoán, điều trị phù hợp và kịp thời.
Bệnh cấy ghép vú (breast implant illness) là loạt bệnh xảy ra sau phẫu thuật đặt túi ngực. Đơn cử như tình trạng mệt mỏi hay phát ban toàn thân, suy giảm trí nhớ, đau nhức xương khớp, hội chứng sương mù não (rối loạn trí não ngắn hạn gây suy nhược tinh thần, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống). Bệnh có thể xảy đến bất kỳ chị em nào đã từng đặt túi ngực. [4]
Nếu gặp tình trạng này, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có khoa Ngoại Vú để được bác sĩ khám và đưa ra cách xử lý an toàn, có thể phải loại bỏ túi ngực.
Bệnh cấy ghép vú biểu hiện bằng các triệu chứng như:
Một số biến chứng cực kỳ ít xảy ra khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực bao gồm:
Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng khiến người bệnh chảy máu. Lượng máu người bệnh mất đi trong quá trình phẫu thuật phụ thuộc vào phương pháp, kỹ thuật phẫu thuật, mức độ xâm lấn. Chảy máu nhiều thường xảy ra với các cuộc phẫu thuật lớn, áp dụng phương pháp mổ hở. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật cần ước lượng được lượng máu có thể mất và có biện pháp cầm máu phù hợp.
Dị ứng với thuốc gây mê là biến chứng đặt túi ngực rất hiếm gặp. Ước tính chỉ có 1 trường hợp xảy ra trong 1.250 – 100.000 ca đặt túi ngực. Biểu hiện phổ biến khi bị dị ứng thuốc gây mê gồm: phát ban da, ngứa, sưng phù mặt, môi, lưỡi. Trường hợp nguy hiểm hơn là sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, cần được cấp cứu ngay lập tức.
Tụ máu là biến chứng hiếm xảy ra trong phẫu thuật đặt túi ngực. Biểu hiện đặc trưng là sưng tấy, bầm tím và đau đớn ở khu vực phẫu thuật. Khối máu tụ thường xảy ra ngay sau phẫu thuật nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào có tổn thương ở vú. Cơ thể có thể hấp thụ các khối máu tụ nhỏ nhưng những khối máu tụ lớn có thể cần sự can thiệp phẫu thuật để loại bỏ cục máu tụ.
Chị em có thể phát hiện biến chứng sau phẫu thuật đặt túi ngực từ những dấu hiệu ban đầu như:
Vùng da xung quanh vú, vết thương bị đỏ là hiện tượng bình thường sau phẫu thuật, sẽ giảm dần sau vài ngày. Nếu vết thương tiếp tục đỏ lên nhiều ngày sau phẫu thuật, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có khoa Ngoại Vú để khám, tìm ra nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Sưng tấy xung quanh vết mổ là phản ứng bình thường của cơ thể sau bất kỳ cuộc phẫu thuật nào. Thường sẽ hết trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật. Trường hợp sưng tấy lâu hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn, đi kèm đau nhức, tiết mủ, chảy máu… cần sớm gặp bác sĩ để xử lý phù hợp.
Sau phẫu thuật đặt túi ngực, bạn có thể cảm thấy nóng rát ở bầu vú do các dây thần kinh cảm giác tại vú bị căng quá mức và do tình trạng sưng tấy sau phẫu thuật. Có thể mất từ 6 tháng trở lên để cảm giác nóng rát này thuyên giảm. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng rủi ro sau đặt túi ngực chị em cần lưu ý.
Các yếu tố thúc đẩy phát sinh biến chứng sau khi phẫu thuật đặt túi ngực bao gồm:
Bản thân kỹ thuật phẫu thuật đặt túi ngực cũng có thể gây ra biến chứng. Chủ yếu do lựa chọn loại túi ngực không tương thích, kích thước túi ngực quá lớn, tay nghề bác sĩ phẫu thuật yếu kém.
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng sau phẫu thuật đặt túi ngực lên 40% – 60%. Nicotine trong khói thuốc làm tăng huyết áp, khiến mạch máu co lại, cản trở lưu thông máu đến các mô. Hậu quả là vết thương sau phẫu thuật khó lành, gây ra nhiều biến chứng như: nhiễm trùng, hoại tử, lộ rõ sẹo, các cục máu đông, đau dai dẳng.
Trong trường hợp phát hiện túi ngực gặp biến chứng, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp xử lý phù hợp. Phần lớn trường hợp, bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật lấy túi ngực cũ ra và thay thế bằng túi ngực mới (nếu bạn mong muốn tiếp tục đặt túi ngực).
Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật đặt túi ngực, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Phẫu thuật đặt túi ngực có hiệu quả lâu dài nhưng không thể duy trì trọn đời. Thời gian túi ngực tồn tại trong cơ thể càng lâu, nguy cơ xảy ra biến chứng càng lớn. Do đó, bạn nên kiểm tra túi ngực định kỳ mỗi 2 năm một lần bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI để sớm phát hiện bất kỳ sự cố nào xảy ra với túi ngực để sớm can thiệp, xử trí phù hợp, tránh biến chứng nặng hơn. [5]
Biến chứng sau khi đặt túi ngực là trường hợp không mong muốn xảy ra. Dù vậy, nếu bạn xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ biến chứng, bạn có thể đến khám với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tại địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Dù biến chứng đặt túi ngực hiếm khi xảy ra nhưng luôn để lại tổn thương nặng nề cho khuôn ngực phụ nữ. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu sớm của biến chứng sẽ giúp chị em phát hiện, đến gặp bác sĩ khám và điều trị kịp thời, tránh rủi ro nghiêm trọng hơn.