Sau 2 tiếng chạy đua với thời gian, các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã phẫu thuật thành công, hồi sinh bàn tay bị dập nát cho bệnh nhân Bùi Văn Hân (36 tuổi, Hà Nội).
Vốn là trụ cột gia đình, anh Bùi Văn Hân (sinh năm 1983) ở Hà Nội vừa trải qua một biến cố kinh hoàng ở tuổi 36. Trong lúc đang làm việc, anh sơ ý để máy ép nhựa đè nát bàn tay phải khiến 3 ngón tay gần như đứt lìa, phần mềm bị đẩy trượt sang bên, các mạch máu, dây thần kinh dập nát, không có dấu hiệu hồi lưu mao mạch.
Anh Hân được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng mất máu nhiều, 2 bàn tay được “gói” tạm để cầm máu. Đau đớn xen lẫn hoảng loạn, anh đã ngất xỉu còn người thân thì chết lặng…
Sau 30 phút được sơ cứu, sát trùng, xử lý giảm đau, cầm máu, băng bó vết thương và tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván, anh Hân được chuyển ngay đến phòng cấp cứu để phẫu thuật vết thương.
Qua thăm khám và kết quả chụp chiếu, bác sĩ nhận thấy phần tổn thương của bệnh nhân nằm ở gân gấp ở vùng cấm của bàn tay, vết thương vô cùng phức tạp, một phần chi thể đứt lìa, vết thương rách da lộ hoàn toàn gân gấp, phần thịt bị máy ép cán sang một bên. Vị trí thương tổn rất khó can thiệp và dàn trải trên diện rộng ở cả hai bàn tay.
“Phần tổn thương vô cùng phức tạp nên đòi hỏi bác sĩ dày dạn kinh nghiệm và giỏi chuyên môn mới có thể đánh giá chính xác độ dập, đồng thời đưa ra chỉ định ghép mạch, xử lý tinh tế các kỹ thuật cắt lọc các tổ chức hoại tử, bảo toàn chức năng chi thể để giữ lại đôi tay cho bệnh nhân”, TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến – Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình BVĐK Tâm Anh, Hà Nội chia sẻ.
Với kinh nghiệm 30 năm của một chuyên gia phẫu thuật vi phẫu, TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến cho biết thêm: “Ngón tay là vùng có cấu tạo vô cùng phức tạp, các vết thương ở vùng này – nếu tổn thương tới gân, dù nhỏ đều phải được coi là phẫu thuật lớn. Việc xử lý sớm, xử lý đúng sẽ giúp người bệnh có kết quả điều trị tốt nhất”.
Sau 2 tiếng đồng hồ, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh đã phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn tay cho anh Hân. “Vì phần tổn thương nặng và phức tạp, chúng tôi đã tiến hành tạo hình mỏm cụt đốt 2 ngón V, cắt lọc khâu vết thương ngón IV&l. Đội ngũ ekip mổ, từ bác sĩ đến nhân viên y tế đều rất cẩn trọng, bởi một vết thương chiếm đến ¾ chu vi của một ngón tay là rất nghiêm trọng”.
Nhờ sự tích cực cứu chữa của các bác sĩ Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh, may mắn đã mỉm cười với bệnh nhân và gia đình. Sau phẫu thuật, ngón tay của bệnh nhân hồng hào, có cảm giác trở lại và hoàn lưu mao mạch. Bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Công tác chăm sóc hậu phẫu cũng được để ý kỹ lưỡng, nhất là việc chống nhiễm trùng, hồi lưu mạch máu và kiểm tra độ tương tác, hồng ấm của các đầu ngón tay để giúp anh Hân có thể phục hồi nhanh và tốt nhất.
Người ta nói giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, nhìn ngắm bàn tay đã được băng bó và xử lý cẩn thận, anh Hân không khỏi xúc động: “Tôi như được sống thêm một lần nữa”. Sau ca phẫu thuật, xử lý thương tổn, bàn tay anh Hân đang dần hồi phục, các chức năng vận động được phục hồi, anh lại có thể tiếp tục làm việc, chăm sóc cho tổ ấm hạnh phúc của mình.
Đây không phải lần đầu tiên TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến cùng các cộng sự ở BVĐK Tâm Anh, Hà Nội thực hiện thành công một ca phẫu thuật nối liền, hồi phục chi thể đứt lìa phức tạp. Thành công lần này không chỉ đem lại niềm hy vọng cho anh Hân mà còn giúp cho hàng ngàn bệnh nhân đang gặp hoàn cảnh tương tự có thêm động lực để điều trị, giữ được cơ thể lành lặn, khỏe mạnh và hồi sinh các chức năng vận động tưởng chừng đã tê liệt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Châu Bùi
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH