Sau khi sinh con đầu lòng, nhiều đôi vợ chồng nghĩ rằng việc mang thai lần hai cũng sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát.
Vô sinh thứ phát là gì?
Vô sinh được chia thành 2 loại là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở các đôi vợ chồng đã từng sinh con (hay mang thai, kể cả các lần sảy thai). Vô sinh nguyên phát là tình trạng vô sinh ở các đôi vợ chồng mà người vợ chưa mang thai lần nào. (1)
Đối với các trường hợp vô sinh thứ phát, tâm lý chung các đôi vợ chồng thường khá chủ quan trong việc có thêm con. Vì họ nghĩ rằng mình đã sinh con rồi nên lần sau cũng sẽ tương tự. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều cặp đôi cảm thấy vô cùng bất ngờ, lúng túng khi phát hiện tình trạng vô sinh thứ phát của mình.
Vô sinh là tình trạng một đôi vợ chồng không có thai sau 12 tháng chung sống, quan hệ tình dục bình thường (không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào). Tuy nhiên, đối với trường hợp, nữ giới trên 35 tuổi, thời gian không có thai chỉ khoảng 6 tháng là đã được xem là vô sinh.
Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
1. Ở nam giới
Viêm nhiễm đường sinh dục: Nam giới bị viêm ở bộ phận sinh dục. Đây là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn đi tới tinh hoàn theo hệ thống dẫn tinh, gây viêm tinh hoàn. Trong một số trường hợp, nam giới buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
Tắc ống dẫn tinh: Tình trạng này có thể là do viêm sinh dục, viêm niệu đạo… gây ra. Đây là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh thứ phát ở nam giới.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh gia tăng sẽ làm tổn thương hiện tượng sinh tinh.
Nam giới làm việc trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất, tia bức xạ… cũng có thể gây tác động tiêu cực tới chất lượng tinh trùng, rối loạn hoạt động của bộ phận sinh dục. (2)
Viêm nhiễm đường sinh dục có thể gây vô sinh nam
2. Ở nữ giới
Nạo phá thai, lạm dụng thuốc tránh thai: Tình trạng nạo phá thai, sảy thai hay lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có khả năng làm thay đổi cấu trúc tử cung và ống dẫn trứng.
Viêm ống dẫn trứng: Tình trạng này làm tắc một phần hay tắc hoàn toàn ống dẫn trứng, gây cản trở quá trình thụ thai.
Viêm nhiễm tử cung: Lớp niêm mạc bên trong tử cung bị tổn thương, gây cản trở quá trình phôi di chuyển khi làm tổ.
Viêm buồng trứng: Buồng trứng bị nhiễm khuẩn, gây u nang buồng trứng, tắc ống dẫn trứng… gây cản trở quá trình rụng trứng, thụ tinh. (3)
Triệu chứng vô sinh thứ phát
1. Ở nam giới
Triệu chứng vô sinh thứ phát ở nam giới thường không rõ ràng, rất khó để nhận biết. Phần lớn người chồng đều không nghĩ đến tình trạng này bởi họ đã từng có con hoặc sảy thai. Điều này dẫn đến việc thăm khám chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả điều trị, quyết định bạn có khả năng có con hoặc không. Do đó, nếu nhận thấy những dấu hiệu sau, nam giới cần sớm đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời:
Không thể mang thai trên 1 năm dù cả hai vợ chồng khi giao hợp đều không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
Có bất thường về tinh trùng và tinh dịch như tinh trùng ít, lỏng như nước, màu sắc bất thường, tinh trùng vón cục, xuất tinh mỗi lần ít (dưới 2ml).
Rối loạn cương dương hoặc suy giảm ham muốn tình dục: Không thể cương cứng, cương cứng không đúng thời điểm, không có khoái cảm sinh hoạt vợ chồng, không đạt độ hưng phấn cao độ để xuất tinh… cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát.
Có bất thường ở cơ quan sinh dục: Dương vật bị sưng đỏ, đau nhức, xuất hiện mủ; teo tinh hoàn, tinh hoàn bị đau, sa tinh hoàn… Tất cả đều là dấu hiệu viêm nhiễm cơ quan sinh dục, bệnh lý gây vô sinh.
Rối loạn kinh nguyệt: Người vợ bị mất kinh, rong kinh trên 10 ngày; thống kinh, kinh nguyệt ra quá ít, kinh nguyệt chỉ kéo dài trong vòng 2 – 3 ngày rồi hết hẳn, kinh nguyệt có màu đen, bị vón cục…
Luôn cảm thấy mệt mỏi: Người vợ thường cảm thấy mệt mỏi; đang trong tình trạng béo phì hay quá gầy yếu; da xanh xao hay vàng vọt, nhức đầu chóng mặt… Đây đều không phải là dấu hiệu của tình trạng vô sinh nhưng lại là triệu chứng của các bệnh lý khác ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới như bệnh về gan, thận, tim mạch, nội tiết…
Đều đặn quan hệ tình dục nhưng không có thai: Trong trường hợp các đôi vợ chồng không có biểu hiện gì nêu trên, giao hợp đều đặn (2 – 3 lần/tuần) không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong một thời gian vẫn không có thai. Đây là dấu hiệu rõ nhất của tình trạng vô sinh.
Khi chẩn đoán vô sinh thứ phát, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định hai bạn tiến hành những xét nghiệm gồm:
Ở người chồng: Bác sĩ có thể chỉ định bạn xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm bìu, xét nghiệm hormone, xét nghiệm di truyền, chọc hút mào tinh, sinh thiết tinh hoàn…
Ở người vợ: Bác sĩ có thể chỉ định bạn chụp buồng tử cung, kiểm tra khả năng dự trữ của buồng trứng, xét nghiệm hormone, kiểm tra sự rụng trứng, siêu âm vùng chậu…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thông thường, các đôi vợ chồng sau một năm giao hợp đều đặn, không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thể thụ thai, hai bạn nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt là trường hợp nữ giới trên 35 tuổi thì nên đi khám sau 6 tháng chung sống. Với các trường hợp người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai có các bệnh lý nền ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, hai bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Vô sinh thứ phát có chữa được không?
Đa số những trường hợp vô sinh thứ phát đều có khả năng chữa được. Thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố của từng trường hợp. Trước hết, bác sĩ sẽ cần xác định nguyên nhân và tình trạng vô sinh cụ thể mà các đôi vợ chồng đang mắc phải, sau đó mới có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
=Tuy nhiên, các đôi vợ chồng cần đảm bảo tuân thủ quá trình điều trị một cách nghiêm túc và tích cực. Hai bạn nên tìm tới những bệnh viện có sự kết hợp giữa khoa phụ sản và khoa nam học để nâng cao khả năng có con.
Phương pháp điều trị
Tùy theo nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị thích hợp cho các đôi vợ chồng mong muốn có con. Chẳng hạn trường hợp vô sinh thứ phát do bệnh lý sẽ được điều trị nội khoa hay ngoại khoa; trường hợp vô sinh do lối sống sẽ được hướng dẫn thay đổi lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Khi đã thực hiện các phương pháp điều trị nhưng không có kết quả, bác sĩ có thể tư vấn các đôi vợ chồng áp dụng những phương pháp hỗ trợ sinh sản. Các phương pháp điều trị vô sinh thứ phát gồm:
Điều trị nội khoa: Tùy thuộc bệnh của lý của vợ/chồng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng những loại thuốc phù hợp. Với các trường hợp vô sinh thứ phát do các bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng thuốc để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm những loại thuốc hỗ trợ kháng viêm, tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản.
Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp như giãn tĩnh mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn, tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh; u xơ tử cung, buồng trứng đa nang…
Những phương pháp hỗ trợ sinh sản: Các phương pháp hỗ trợ sinh sản thường được chỉ định cho những đôi vợ chồng vô sinh thứ phát gồm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng (AH)…
Thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng: Để tăng khả năng thụ thai, các đôi vợ chồng nên cải thiện sức khỏe sinh sản thông qua việc thay đổi lối sống sao cho lành mạnh kết hợp chế độ dinh dưỡng phong phú như thường xuyên tập thể dục, kiểm soát tốt cân nặng, hạn chế sử dụng thức uống có cồn và các chất kích thích…
Phương pháp phòng ngừa
Tình trạng vô sinh thứ phát ngày càng gia tăng. Để phòng ngừa, các đôi vợ chồng nên áp dụng những biện pháp như:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của cả hai vợ chồng
Mang thai trước độ tuổi 35.
Khoảng cách giữa những lần mang thai và sinh con khoảng 3 – 5 năm.
Duy trì thói quen thăm khám phụ khoa định kỳ (6 tháng/lần).
Tránh tính trạng nạo hút thai và lạm dụng các loại thuốc khẩn cấp. Trong trường hợp bắt buộc phải nạo hút thai, bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín.
Thường xuyên vệ sinh vùng kín đúng cách.
Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín, hai bạn nên đi khám càng sớm càng tốt và cố gắng điều trị dứt điểm.
Quan hệ tình dục an toàn: Các đôi vợ chồng nên dùng những biện pháp tránh thai khi chưa muốn có con.
Nâng cao sức khỏe toàn diện thông qua việc tập luyện thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích, hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm độc hại…
Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu của Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, giỏi chuyên môn, tận tâm.
Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; Cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao… Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu. Từ các thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao.
Có thể kể đến phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu… Chẩn đoán – điều trị nội khoa và ngoại khoa tất cả các bệnh lý.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:
Gọi tổng đài 0287 102 6789 – 0287 300 6858 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
Tình trạng vô sinh thứ phát khi được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp các cặp vợ chồng nâng cao khả năng có con. Tuy nhiên, quá trình điều trị thường lâu dài và rất cần sự kiên nhẫn, hợp tác của cả người vợ lẫn người chồng.
Vì thế, hai bạn nên chuẩn bị tâm lý thoải mái, sẵn sàng cho việc điều trị, không nên nản lòng mà bỏ cuộc giữa chừng; thay vào đó cần tuân thủ nghiêm túc chỉ định từ bác sĩ và luôn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.