Bệnh quai bị hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các phương pháp điều trị hiện có đều dựa trên nguyên tắc tập trung điều trị các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Vậy trẻ bị quai bị uống thuốc gì cho nhanh khỏi?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Quai bị là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, được gây ra bởi sự xâm nhập của virus quai bị (mumps virus), thường xảy ra ở trẻ trên 2 tuổi và thanh thiếu niên. Triệu chứng đặc trưng của bệnh quai bị là tình trạng sưng viêm các tuyến nước bọt mang tai. Bệnh còn gây ra một số triệu chứng khác như đau tai, sốt, khó nuốt, biếng ăn, đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ,… Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài trong khoảng 7-10 ngày nếu được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị quai bị không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt, tăng nguy cơ gặp biến chứng do phát hiện và điều trị muộn.
Bệnh quai bị chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn, dịch tiết từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, trẻ có thể bị nhiễm virus quai bị qua tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có chứa virus gây bệnh. Bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch và lây lan nhanh chóng ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ,.. nhất là vào khoảng tháng 4, tháng 5. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với dung dịch khử khuẩn đúng cách và tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch có tác dụng phòng ngừa bệnh hiệu quả. (1)
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh quai bị ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ không được điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có chuyển biến xấu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với các triệu chứng như khó nói, khó nuốt, phù nề thanh môn hay khó thở. Các biến chứng quan trọng do quai bị gây ra gồm:
Các triệu chứng của quai bị ở trẻ, đặc biệt là tình trạng sưng đau ở tuyến mang tai khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, gặp khó khăn khi nói chuyện và ăn uống. Lúc này, mẹ nên cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ nhằm giúp trẻ cải thiện các triệu chứng và nhanh chóng khỏi bệnh.
Lưu ý, quai bị là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh này. Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, có thể khiến trẻ kháng kháng sinh, tình trạng bệnh trở nên nặng, gặp phải các tác dụng phụ của thuốc và biến chứng của quai bị.
Quai bị khiến trẻ sưng đau tuyến nước bọt mang tai, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và sốt. Để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, đồng thời ngăn ngừa mất nước gây biến chứng nguy hiểm, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp.
Nếu trẻ sốt nhẹ, bố mẹ có thể dùng các biện pháp không dùng thuốc như chườm ấm, đặc biệt tại chỗ sưng, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, nghỉ ngơi trong phòng thông thoáng và uống nhiều nước. Tuy nhiên, nếu trẻ đau nhức nặng và sốt cao, bố mẹ cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng bác sĩ chỉ định. Tùy vào từng tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng paracetamol hoặc ibuprofen theo liều lượng phù hợp. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và hỗ trợ điều trị phù hợp.
Thuốc Corticoid thường được chỉ định trong các trường hợp trẻ bị quai bị có triệu chứng viêm tinh hoàn. Đây là một loại thuốc có tác dụng giảm đau và chống viêm hiệu quả. Thông thường, thuốc sẽ được bác sĩ kê toa với liều dùng cao và sau đó giảm dần trong 4 – 7 ngày, uống mỗi ngày 1 lần.
Tuy nhiên, Corticoid chỉ giúp giảm đau, kháng viêm và không có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ teo tinh hoàn ở trẻ bị quai bị. Phụ huynh lưu ý chỉ sử dụng corticoid khi có toa thuốc của bác sĩ vì thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ đối với các cơ quan và bộ phận trong cơ thể trẻ, ví dụ như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và ức chế miễn dịch.
Đối với các trường hợp trẻ bị quai bị nghiêm trọng, xuất hiện biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim,… bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc kháng sinh với liều lượng phù hợp.
Trẻ bị quai bị cần được duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất, đặc biệt bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, C và E. Điều này không chỉ giúp trẻ được cung cấp đủ năng lượng để chống chọi với tác nhân gây bệnh mà còn giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Các triệu chứng của quai bị có thể khiến trẻ mất nước, mất điện giải. Do đó, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại dung dịch có tác dụng bù nước, bù điện giải trẻ có thể dùng như oresol,…
Bên cạnh các loại thuốc, vitamin hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, bố mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ quai bị đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị quai bị:
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã có câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ bị quai bị uống thuốc gì mau khỏi, an toàn?”. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, do đó, phụ huynh không được tự ý cho trẻ dùng. Tốt nhất, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị quai bị, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.