Táo bón ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
29/08/2022
Táo bón là một trong những “bệnh lý” thường gặp ở trẻ em, báo hiệu hệ tiêu hóa trẻ không khỏe mạnh, chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thiếu nước. Táo bón ở trẻ em lâu ngày sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, gây khó khăn cho việc điều trị. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị táo bón, nguyên nhân là gì và có những phương pháp nào điều trị hiệu quả?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Thống kê cho thấy, ít nhất 30% trẻ bị táo bón cần được điều trị và chăm sóc một cách khoa học. Trẻ bị táo bón nặng và kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây khó khăn cho việc điều trị. Do đó, bố mẹ cần trang bị kiến thức cơ bản về triệu chứng của bệnh để sớm nhận biết, ngăn chặn bệnh kéo dài.
Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu không thường xuyên (ít hơn 3 lần/tuần) hoặc đi tiêu khó khăn, đau đớn, khó chịu gây căng thẳng cho chính bản thân trẻ và gia đình. Một số trường hợp táo bón ở trẻ không phải do bệnh tật hoặc nguyên nhân nào khác được gọi là táo bón vô căn. Do đó, bố mẹ cần sớm nhận biết táo bón ở trẻ để ngăn chặn tình trạng táo bón kéo dài (mãn tính). (1)
Theo tiêu chuẩn của NICE (National Institute for Health and Care Excellence) năm 2010, táo bón sẽ được xác định nếu có ít nhất 2 trong số các tiêu chí sau:
Có <3 lần/tuần đi tiêu hoặc số lần đi tiêu không thường xuyên so với bình thường;
Phân to, cứng hoặc phân rất to, có thể làm nghẹt toilet;
Trẻ khó chịu và căng thẳng mỗi khi đi tiêu;
Phân cứng cộng với gắng sức rặn làm chảy máu hậu môn;
Từng bị táo bón trước đây;
Tiền sử hoặc đang bị nứt hậu môn, đau và chảy máu do phân cứng.
Táo bón ở trẻ em là gì?
Nguyên nhân trẻ bị táo bón
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ được chia thành 2 nhóm chính là nguyên nhân thực thể (chiếm khoảng 5%) và nguyên nhân chức năng (chiếm khoảng 95%).
1. Nguyên nhân thực thể
Bao gồm các vấn đề ở cường giáp, vấn đề thần kinh cơ ở bụng, ruột…
Bệnh cường giáp: Trẻ mắc bệnh cường giáp sẽ gặp tình trạng giảm hoạt động ở cơ ruột và một số triệu chứng khác.
Bệnh phì đại tràng bẩm sinh: Hầu hết trẻ mắc chứng bệnh này sẽ nhẹ cân hơn trẻ bình thường, thường có triệu chứng ói mửa, đi tiêu phân có kích thước nhỏ. Khuyến cáo trẻ mắc bệnh này cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm như phình đại tràng nhiễm độc, thủng ruột, sốc nhiễm trùng…
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường): Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể gặp tình trạng táo bón.
Các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như bệnh bại não, chứng chậm phát triển tâm thần, các bệnh lý cột sống… cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón.
2. Nguyên nhân chức năng
Thường gặp nhất là tình trạng trẻ nhịn không chịu đi ngoài, nhịn càng lâu thì phân trong ruột càng to, việc đi ngoài gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân của chứng táo bón mãn tính.
Trẻ sơ sinh bị táo bón nếu ăn phải thức ăn đặc, nhất là những lần ăn thức ăn đặc đầu tiên. Hoặc chứng táo bón có thể gặp phải khi bé cai sữa mẹ do bé mất nguồn cung cấp nước.
Thành phần protein trong các loại sữa công thức cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ dùng quá nhiều sữa công thức, phân sẽ cứng và có màu xanh.
Trẻ bị thiếu nước hoặc mất nước cũng sẽ bị táo bón bởi cơ thể thiếu nước sẽ hấp thụ chất lỏng ở bất cứ đâu trong cơ thể, vô tình khiến phân cứng hơn.
Chế độ ăn thiếu hụt chất xơ từ các loại rau củ quả cũng là một trong nguyên nhân gây táo bón.
Dấu hiệu táo bón ở trẻ em
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bên cạnh việc đi đại tiện ít hơn bình thường, phân cứng hơn, trẻ bị táo bón có thể gặp các triệu chứng sau:
Đau ở vùng dạ dày (vùng bụng);
Biếng ăn, ăn không ngon miệng, không hấp thụ được dưỡng chất dẫn đến chậm phát triển thể chất và trí tuệ;
Khó chịu, thay đổi hành vi, không vui vẻ, hay cáu gắt;
Hay sốt ruột, bồn chồn cần phải đi vệ sinh;
Cảm thấy mệt mỏi, muốn nôn và nôn…
Một số trường hợp trẻ có biểu hiện ngứa ở hậu môn, khi đi đại tiện thấy máu tươi trong phân. Nguyên nhân là do phân cứng cọ xát với hậu môn dẫn đến hình thành các vết nứt ở trên da xung quanh hậu môn. Tình trạng này sẽ nguy hiểm hơn nếu vết nứt không được xử trí đúng cách mà biến chứng thành ổ viêm hoặc ổ áp xe. (2)
Bố mẹ cần phân biệt triệu chứng của tiêu chảy và táo bón ở trẻ để có biện pháp điều trị bệnh đúng cách.
Ở những trường hợp táo bón nặng có thể gây tắc ruột do cục phân lớn mắc kẹt trong trực tràng. Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng khác như thường xuyên thấy phân dính vào quần ở dạng bết (són phân), hoặc có chất nhầy dính trong phân. Bố mẹ cần lưu ý triệu chứng này, tránh nhầm lẫn với tiêu chảy, cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để được điều trị đúng cách.
Đặc biệt, một số trẻ gắng sức rặn hoặc căng thẳng, lo lắng vì không thể đi ngoài sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, hoặc kết hợp cả hai. Đây là bệnh lý gây ngứa, đau và có thể làm chảy máu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Táo bón thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bố mẹ có thể giải quyết bằng cách chăm sóc trẻ đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài và trẻ xuất hiện các triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp xử trí kịp thời: (3)
1. Táo bón kết hợp đau bụng kéo dài
Trẻ bị táo bón thỉnh thoảng có xuất hiện vài cơn đau bụng, mức độ nhẹ là phổ biến. Đó là kết quả của việc phân tích tụ trong đường ruột quá nhiều, trẻ cần đi đại tiện. Tuy nhiên, nếu trẻ đau bụng một cách đột ngột, đau dữ dội, liên tục kéo dài mà không thuyên giảm thì có thể đây là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như:
Thiếu máu cục bộ do lưu lượng máu đến ruột bị tắc nghẽn.
Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín nhanh nhất để có thể can thiệp kịp thời.
2. Táo bón kết hợp với nôn
Hiện tượng buồn nôn, nôn khi trẻ bị táo bón là do khối phân lớn, cứng bị chèn chặt trong đại tràng, không đẩy ra được. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín ngay lập tức.
3. Táo bón kết hợp với đầy hơi
Đau bụng và đầy hơi là một trong những dấu hiệu của chứng tắc ruột, bệnh lý dạ dày hoặc do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn gây hại trong đường ruột (SIBO).
4. Táo bón kết hợp với phân lẫn máu
Sau khi trẻ đi đại tiện, nếu bố mẹ thấy phân có màu đen hắc ín, hoặc phân lẫn máu, trong giấy lau có vệt máu đỏ tươi thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu của vết nứt ở hậu môn, bệnh loét dạ dày, bệnh Crohn hoặc bệnh lý ung thư ruột kết, ung thư hậu môn.
Tóm lại, táo bón có thể trở nên nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng trẻ, do đó ngay khi có các triệu chứng kể trên, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị khẩn cấp.
Phương pháp chẩn đoán
1. Hỏi thăm tiền sử và triệu chứng bệnh lý ở trẻ
Thời điểm xuất hiện các triệu chứng táo bón ở trẻ;
Số lần trẻ đi ngoài trong 1 tuần;
Tính chất phân: Cứng, to, máu lẫn trong phân, són phân…;
Hành vi nín nhịn đi ngoài ở trẻ: Ngồi xổm, gồng cứng người, bắt chéo hai chân, trốn đi ngoài…;
Các triệu chứng khác như đau bụng, chán ăn, bỏ bữa, khó chịu, cáu gắt…
2. Tiến hành thăm khám
Khám bụng: Xem các dấu hiệu bụng chướng, tắc ruột hoặc sờ để xác định khối phân;
Khám hậu môn – trực tràng: Xem hậu môn bình thường hay có lỗ dò, có nứt kẽ hậu môn không…;
Khám trực tràng: Xác định khối phân nằm trong trực tràng, sự co giãn của cơ thắt hậu môn, hẹp trực tràng.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung cần thiết.
3. Chẩn đoán cận lâm sàng
X-quang bụng không chuẩn bị: Nhằm tìm kiếm triệu chứng của hiện tượng ứ đọng phân, được áp dụng trong trường hợp không thăm khám hậu môn trực tràng (trẻ không chịu hợp tác hoặc bác sĩ nghi ngờ có tổn thương);
X-quang có thuốc cản quang: Chụp thẳng, nghiêng đại tràng khi nghi ngờ trẻ bị táo bón do nguyên nhân thực thể (ví dụ phình đại tràng bẩm sinh);
Chụp lưu thông đại tràng có đánh dấu phóng xạ: Kỹ thuật này ít sử dụng, nhằm phân biệt trẻ són phân do táo bón hay không do táo bón;
Đo áp lực ở hậu môn trực tràng: Dùng cho các trường hợp táo bón kéo dài, giúp phát hiện bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ.
Các xét nghiệm cận lâm sàng khác như sinh hóa máu, chụp CT cắt lát hoặc MRI… trong trường hợp nghi ngờ táo bón xuất phát từ nguyên nhân thực thể.
Biến chứng nếu tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài
Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết, táo bón là bệnh lý rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ nhỏ khiến nhiều bố mẹ chủ quan, không quan tâm điều trị đúng mức. Khi trẻ bị táo bón nặng và kéo dài sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Suy dinh dưỡng: Trẻ bị táo bón kéo dài hoặc thường xuyên tái phát sẽ có cảm giác bị đầy bụng, không thèm ăn, dẫn đến bỏ bữa. Về lâu dài, cơ thể trẻ sẽ không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cả thể chất và trí tuệ. Hậu quả là trẻ có thể phát triển không đồng đều và kém thông minh so với các bạn cùng trang lứa.
Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: Một số chất độc có trong phân như phenol, indol… được tạo ra sau quá trình tiêu hóa sẽ bị phân hủy nhờ các vi khuẩn yếm khí. Tuy nhiên, khi tích tụ quá lâu trong ruột mà không được phân hủy, các chất này sẽ được hấp thu vào máu, lan rộng đến các cơ quan bộ phận trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng nhiễm độc mãn tính. Hậu quả là gây những kích thích tác động xấu lên cơ quan thần kinh, tinh thần và trí não trẻ, khiến trẻ thường xuyên khó chịu, bực bội, không nghe lời. Một số trường hợp nhiễm độc mãn tính làm da trẻ xanh xao hơn, da tím tái, móng tay nhợt nhạt…
Nứt kẽ hậu môn: Trẻ bị táo bón sẽ mang tâm lý sợ đi ngoài, nín nhịn. Hậu quả là phân bị giữ lại lâu bên trong ruột, nước và các khoáng chất đi vào máu làm phân ngày càng cứng hơn. Phân cứng làm hậu môn không thể đẩy ra ngoài được, khi cố gắng sức rặn sẽ gây nứt kẽ hậu môn, làm chảy máu, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ…
Viêm ruột thừa: Tình trạng táo bón kéo dài sẽ làm cho ruột già suy yếu và bị giãn ra, dẫn đến nguy cơ thủng ruột. Một số trường hợp táo bón làm tăng áp lực bên trong ruột khiến trẻ có nguy cơ bị viêm ruột thừa.
Trẻ bị táo bón kéo dài không được điều trị đúng cách có nguy cơ gặp biến chứng nứt kẽ hậu môn, viêm ruột thừa,…
Cách xử trí khi trẻ bị táo bón
Khi trẻ bị táo bón, bố mẹ không nên quá lo lắng mà hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi uy tín để được thăm khám và hướng dẫn xử trí đúng cách. (4)
1. Làm rỗng đại tràng
Để điều trị táo bón ở trẻ, bước đầu tiên cần làm là làm rỗng đại tràng. Bác sĩ có thể hướng dẫn bố mẹ làm rỗng đại tràng cho trẻ bằng một trong các cách sau:
Thụt hậu môn: Bơm nước vào trực tràng để tạo ra cơn mót đi ngoài.
Thuốc đút hậu môn: Sử dụng thuốc đút hậu môn nhằm kích thích ruột đẩy phân ra bên ngoài.
Thuốc nhuận tràng: Nhằm rửa sạch đại tràng và trực tràng.
Dùng tay tháo phân: Đối với những khối phân có kích thước quá lớn và cứng, cần dùng tay để loại bỏ.
2. Thuốc chống táo bón
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thuốc chống táo bón để trẻ đi ngoài bình thường. Thuốc này được sử dụng hằng ngày nhằm làm phân mềm, trẻ đi ngoài không đau đớn, không sợ hãi, khôi phục thói quen đi ngoài đều đặn. Bố mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.
Cách chăm sóc trẻ bị táo bón
Để trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi bị táo bón, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng khuyến cáo bố mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ
Cân đối các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ thông qua các bữa ăn hàng ngày.
Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ ngọt, đồ nhiều chất béo để hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Bổ sung các loại sinh tố để cơ thể trẻ hấp thu được các vitamin và khoáng chất cần thiết.
Cho trẻ uống nhiều nước, đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc tăng cường nhu động ruột cho trẻ.
Bố mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi uy tín để được thăm khám và hướng dẫn chăm sóc trẻ bị táo bón đúng cách.
2. Thay đổi hành vi của trẻ
Theo dõi và hướng dẫn trẻ các tư thế đi ngoài đúng, tốt nhất nên điều chỉnh cho đầu gối cao hơn hông hoặc cho bé ngồi xổm.
Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn 1 lần/ngày vào mỗi buổi sáng hoặc buổi tối.
Phòng ngừa bệnh táo bón ở trẻ em
Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng chia sẻ một số biện pháp góp phần phòng ngừa hiệu quả bệnh lý táo bón ở trẻ, gồm:
Cần theo dõi sát sao việc đi vệ sinh mỗi ngày của trẻ, nhắc trẻ đi vệ sinh đều đặn, không nên nín nhịn.
Cho bé ăn nhiều rau củ quả bổ sung chất xơ, uống nhiều nước.
Khuyến khích bé tham gia các hoạt động tập luyện thể dục thể thao, tích cực vận động, không nên ngồi lì trong nhà.
Khi thấy những triệu chứng bất thường ở trẻ, bố mẹ không nên chủ quan tự điều trị mà hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, tránh nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.
Được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại nhất thế giới, quy tụ đội ngũ y bác sĩ là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi – Sơ sinh… Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cam kết mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ một cách toàn diện và tối ưu. Không gian bệnh viện, phòng khám, khu vui chơi cho trẻ được bố trí thân thiện, giúp trẻ vui chơi thoải mái, quên đi các triệu chứng khó chịu của bệnh. Thêm vào đó, hệ thống chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế… đảm bảo trẻ được bảo vệ hoàn toàn trong suốt thời gian tại bệnh viện, tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
Khu vui chơi cho trẻ tại Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh.
Để được tư vấn và đặt lịch hẹn với các chuyên gia Nhi – Sơ sinh hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Táo bón ở trẻ em là một trong những bệnh lý rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về cách xử trí và chăm sóc trẻ đúng cách giúp bố mẹ có hướng điều trị táo bón ở trẻ hiệu quả, bảo vệ trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển thông minh.