Táo bón ở trẻ em là một tình trạng thường bị các phụ huynh phớt lờ, tuy nhiên, theo thống kê, có ít nhất 30% trẻ bị táo bón cần được chăm sóc và điều trị tích cực. Các hậu quả của táo bón ở trẻ em không chỉ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ mà còn dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu với tần suất thấp hơn bình thường (dưới 3 lần/tuần) hoặc gặp khó khăn khi đi tiêu, kèm theo cảm giác đau, khó chịu và căng thẳng cho trẻ. Tình trạng này cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm ngăn chặn táo bón kéo dài ở trẻ (táo bón mãn tính) và những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. (1)
Chẩn đoán táo bón dựa trên tiêu chuẩn Rome IV 2016 như sau:
Táo bón ở trẻ < 4 tuổi có ít nhất 2 trong các tiêu chí sau đây và kéo dài trên 1 tháng:
Đối với trẻ đã được huấn luyện đi tiêu có thể thêm:
Đa số trẻ bị táo bón do các nguyên nhân chức năng (chiếm 95%), gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, quá nhiều protein, thiếu hụt chất xơ, thiếu nước hoặc do trẻ nhịn đi tiêu thường xuyên. Ngoài ra, trẻ có thể bị táo bón do nguyên nhân thực thể (chiếm 5%) gồm một số bệnh lý về thần kinh cơ bụng, cường giáp, phì đại tràng bẩm sinh, đái tháo đường,…
Táo bón là một tình trạng phổ biến ở trẻ ẩn chứa nhiều nguy hại đối với sức khỏe của trẻ, do đó, bố mẹ phải nhận biết và có phương pháp điều trị cho trẻ khi trẻ bị táo bón. Ngoài các biểu hiện về vấn đề đại tiện của trẻ (phân khô, cứng, đi tiêu ít, đau và gặp khó khăn khi đi tiêu), mẹ nên chú ý khi trẻ có các triệu chứng như đau bụng, biếng ăn, chậm phát triển, hay cáu gắt, khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, bồn chồn muốn đi vệ sinh, ngứa hậu môn, phân lẫn máu…
Táo bón khiến trẻ không thể đào thải được chất thải và độc tố ra ngoài, thay vào đó, chúng tích tụ bên trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm: (2)
Khi trẻ bị táo bón, phân thường rất khô, cứng và có bề mặt gồ ghề. Khi đi tiêu, phân sẽ cọ xát trực tiếp lên lớp niêm mạc của ống hậu môn trực tràng. Điều này có thể khiến lớp niêm mạc này bị tổn thương, chảy máu. Mức độ tổn thương này sẽ phụ thuộc vào độ cứng, độ sắc của phân, độ bền vững của lớp niêm mạc và khoảng cách giữa các lần tiếp xúc.
Ban đầu, lượng máu chảy ra ít, máu có thể xuất hiện ở dạng vệt máu nhỏ trên giấy vệ sinh. Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, máu có thể lẫn trong phân hoặc thậm chí máu nhỏ giọt hoặc thành tia khi trẻ bị đại tiện. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị đúng cách, máu chảy nhiều, kéo dài có thể khiến trẻ bị mất máu nghiêm trọng.
Nứt kẽ hậu môn hay còn gọi là rò hậu môn là biến chứng khiến trẻ cảm thấy đau đớn nhất trong các biến chứng do táo bón gây ra. Điều này được gây ra do táo bón kéo dài khiến phân tích trữ lâu ngày trong trực tràng dần trở nên to và rắn chắc hơn. Khối lượng phân lớn hơn mức độ giãn nở tối đa của ống hậu môn dẫn đến tình trạng nứt hậu môn.
Khi trẻ bị nứt kẽ hậu môn, trẻ không chỉ cảm thấy đau đớn mà còn đại tiện ra máu. Tình trạng này sẽ kéo dài dai dẳng ở những lần đại tiện sau đó nếu không được điều trị sớm.
Táo bón khiến trẻ cảm thấy đau đớn khi đi ngoài. Từ đó, trẻ cảm thấy sợ hãi mỗi khi đi đại tiện và thường có xu hướng nhịn đi đại tiện ngay cả khi trẻ đang có nhu cầu. Tuy nhiên, việc nhịn đi tiêu này là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón. Từ đó, táo bón ở trẻ em trở thành một vòng lặp không có hồi kết.
Thay vì đào thải phân ra ngoài, phân của trẻ bị táo bón sẽ bị ứ đọng trong trực tràng khiến trẻ cảm thấy đau vùng bụng dưới rốn. Trong trường hợp trẻ đau dữ dội ở khu vực này, trẻ có thể bị bán tắc ruột do “u phân”.
Trẻ bị trĩ nội, trĩ ngoại là biến chứng thường gặp khi bị táo bón. Đây là hệ quả của việc trẻ rặn để tăng áp lực lên ổ bụng, đẩy phân ra ngoài. Điều này khiến các tĩnh mạch ở hậu môn và quanh trực tràng bị giãn ra, lâu ngày, bị sưng lên tạo thành các búi trĩ.
Các búi trĩ này có thể xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài hậu môn, thậm chí sâu trong trực tràng của trẻ. Táo bón kéo dài, trẻ phải rặn nhiều và thường xuyên hơn, khiến các búi trĩ ngày càng to ra, trẻ có thể đi tiêu ra máu do búi trĩ chảy máu, cảm thấy đau, ngứa khi đi vệ sinh.
Tình trạng phân to, khô, cứng là nguyên nhân khiến niêm mạc, hậu môn, trực tràng của trẻ bị tổn thương, từ đó, khiến trẻ bị viêm ống hậu môn trực tràng. Triệu chứng đặc trưng của biến chứng này là trẻ thường xuyên cảm thấy mót nhưng lại không đi tiêu được.
Phân ứ đọng lâu ngày trong đại trực tràng dần trở nên rắn chắc hơn tạo thành khối “u phân” dẫn đến tình trạng bán tắc ruột hoặc tắc ruột ở trẻ em. Trẻ bị tắc ruột sẽ có các biểu hiện đặc trưng sau: đau bụng theo từng cơn và xảy ra liên tục, chướng bụng, không trung tiện và tiêu tiện được, có thể sờ thấy khối rắn ở vùng góc đại tràng trái của trẻ. Đây là một biến chứng cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, bố mẹ nên chú ý thường xuyên kiểm tra bụng của trẻ nhất là khi trẻ bị táo bón.
Bên cạnh các biến chứng nguy hiểm kể trên, táo bón ở trẻ em còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng dưới đây:
Táo bón ở trẻ em gây ảnh hưởng đến các chức năng của hệ tiêu hóa, khiến trẻ giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Hơn nữa, trẻ thường có biểu biếng ăn, bỏ bữa khi bị táo bón. Từ đó, trẻ bị thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể, khiến trẻ phát triển không đồng đều về trí tuệ và thể chất, tốc độ phát triển chậm hơn trẻ bình thường.
Nỗi ám ảnh khi đi tiêu khiến trẻ cảm thấy sợ ăn vì mỗi khi ăn vào, trẻ sẽ phải đi vệ sinh. Không chỉ vậy, việc ăn vào nhưng lại không thể đi đại tiện được lại khiến trẻ cảm thấy đầy bụng, chướng bụng.
Phân của trẻ bị táo bón không chỉ khô, cứng mà một số nghiên cứu còn cho thấy trong phân của những đứa trẻ này còn chứa một lượng độc tố cao, trong đó có các chất gây ung thư như acid deoxycholic, acid lithocholic,… Táo bón khiến thời gian phân nằm trong trực tràng bị kéo dài, từ đó, tăng thời gian tiếp xúc giữa niêm mạc đại tràng và các chất gây ung thư.
Táo bón khiến trẻ rặn nhiều khi đi đại tiện như điều này làm tăng áp lực ổ bụng, tăng nguy cơ thoát vị ở trẻ thoát vị bẩm sinh. Hơn nữa, việc rặn này còn khiến nhiều trẻ hen bị khởi phát cơn khó thở cấp tính. Táo bón diễn ra thường xuyên ở trẻ bị hen, thoát vị bẹn, thoát vị hoành mà vấn đề khá nguy hiểm, khiến trình trạng bệnh lý của trẻ trở nên tồi tệ hơn.
Thống kê cho thấy đa số trẻ bị táo bón có nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cao, như: viêm ruột, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nhu động ruột, viêm trực tràng,…
Táo bón kéo dài gây suy giảm chức năng của các cơ quan tiêu hóa, từ đó, khiến trẻ thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết dẫn đến suy dinh dưỡng, suy kiệt ở trẻ. Hơn nữa, phân tích tụ lâu ngày bên trong cơ thể có thể khiến trẻ bị nhiễm độc mãn tính.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Để phòng tránh trẻ bị táo bón, bố mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, bổ sung nhiều vi khoáng chất và các loại vitamin cần thiết để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ để trẻ khỏe mạnh, ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Khi trẻ có các biểu hiện táo bón, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị sớm, tránh để táo bón kéo dài. Chủ động phòng bệnh táo bón là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng và hậu quả của táo bón ở trẻ em.
Giản Đơn