Đuối nước xảy ra do nước đi vào đường hô hấp và phổi, ngăn cản việc trao đổi khí, khiến các tế bào trong cơ thể không được cung cấp oxy nuôi dưỡng. Nếu nạn nhân đuối nước không được sơ cứu đuối nước kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như phù não, chết não, biến chứng thần kinh vĩnh viễn, viêm phổi, phù phổi thậm chí tử vong. Do vậy, khi phát hiện nạn nhân đuối nước cần được cấp cứu nhanh chóng để dành lại sự sống cho nạn nhân.
Đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả người biết bơi. Thông tin dưới đây sẽ giúp mỗi người biết cách sơ cấp cứu và xử trí khi gặp nạn nhân đuối nước.
Làm gì khi thấy người bị đuối nước?
Khi phát hiện một người đang chìm trong nước hay đang vẫy vùng bạn nên gọi to “Bạn đang làm gì vậy?”, “Bạn có ổn không?”. Nếu nghe thấy họ trả lời một cách rõ ràng chứng tỏ họ đang an toàn. Nhưng nếu nạn nhân không trả lời, hay kêu cứu tức họ đang gặp nguy hiểm, chúng ta cần lập tức hành động theo 4 bước sau.
Bước 1: Hãy gọi người hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Bước 2: Cùng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng nhiều cách như: bè, phao, sợi dây, hoặc sào dài… Nếu nạn nhân còn tỉnh, hãy ném cho họ 1 đầu dây hoặc 1 đầu sào dài để kéo họ vào bờ. Nếu nạn nhân bất tỉnh và bạn là người bơi giỏi đã được huấn luyện qua khóa sơ cấp cứu người bị đuối nước, hãy kéo nạn nhân vào bờ ở tư thế mặt và cổ hướng lên trên. Tuyệt đối không xuống nước nếu như bạn không biết bơi, hoặc bạn cảm thấy không an toàn.
Bước 3: Nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi khô ráo, bằng phẳng. Đặt nạn nhân nằm ngửa, nhanh chóng đánh giá tình trạng nạn nhân và tiến hành CPR (hồi sức tim phổi).
Khi một người bị chìm trong nước, họ sẽ trải qua 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Nạn nhân sẽ hít nước vào phế quản, dẫn đến phản xạ đóng thiệt hầu (là dây thần kinh thứ 9, xuất phát từ thân não bên trong hộp sọ, chi phối cảm giác ở cổ họng, lưỡi, tai) và gây ngưng thở
Giai đoạn 2: Nồng độ CO2 trong máu tăng nhanh, dẫn đến hôn mê và co giật, lúc này nạn nhân sẽ có phản xạ thở ngáp, hít thêm nước vào phổi.
Giai đoạn 3: Nạn nhân sẽ diễn tiến hôn mê sâu, trụy tim mạch nhanh chóng.
Giai đoạn 4: Nạn nhân sẽ ngưng tim hoàn toàn, tổn thương não không hồi phục.
Nguyên tắc cấp cứu đuối nước tại chỗ
Khi cấp cứu người bị đuối nước bạn cần nắm 4 quy tắc sau để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như giúp việc cấp cứu nhanh chóng hơn.
Đánh giá phương tiện đang có và tình hình nạn nhân: Nhìn nhanh xung quanh có những phương tiện gì có thể hỗ trợ cứu người, tình trạng nạn nhân trên nước đang mê hay tỉnh, đuối nước ở sông, hồ, biển, nước lặng hay nước chảy xiết, nước nông hay nước sâu, gần bờ hay xa bờ.
Sử dụng phương tiện phù hợp, hô hào cứu trợ: Dựa trên tình trạng của nạn nhân để lựa chọn các phương tiện phù hợp (có thể sử dụng sào dài, ném phao, thòng lọng, cánh tay, áo, để kéo hoặc vớt nạn nhân lên). Tốt nhất nên hô người đến hỗ trợ.
Cứu nhiều người cùng một lúc: Nếu gặp nhiều người bị đuối nước cùng một lúc, với khả năng hạn chế, nên cứu từng người một, ưu tiên cứu người gần bờ, gần thuyền trước, cứu người yếu trước.
Tiếp cận nạn nhân đuối nước: Khi bị đuối nước, nạn nhân thường mất kiểm soát, họ sẽ vung tay khắp nơi, tìm kiếm thứ gì đó có thể bám vào, vô tình nhấn chìm vật đó. Do vậy, việc tiếp cận người đuối nước từ phía sau với các tư thế như: Quàng một tay từ vai vòng qua nách đối diện với cơ thể, dùng 2 tay giữ 2 bên đầu nạn nhân, bơi ngửa bằng hai chân, hoặc túm lấy tóc hoặc cổ áo kéo nạn nhân về phía sau, để mặt và cổ nạn nhân hướng lên trên, mũi và miệng cao hơn mặt nước.
Không tự ý xuống nước cứu người nếu cảm thấy không an toàn.
Cách sơ cứu đuối nước tại chỗ đúng kỹ thuật
Trong khi chờ xe cấp cứu tới, hãy sơ cấp cứu cho người bị đuối nước bằng các bước sau:
Cách đánh giá tình trạng nạn nhân đuối nước
Khi nạn nhân lên bờ, hãy đưa đến nơi khô ráo, bằng phẳng và nhanh chóng đánh giá tri giác bằng 2 cách lay gọi và quan sát. Nếu nạn nhân còn tỉnh, chúng ta sẽ thấy có đáp ứng về mắt, tay chân cử động nhẹ, hoặc ho nôn ra những chất hít phải. Nếu nạn nhân không có bất kỳ phản ứng nào tức bị hôn mê.
Sơ cứu đuối nước với nạn nhân còn tỉnh
Sau khi nhận thấy nạn nhân còn tỉnh, còn thở hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn như sau: đặt 1 tay cao lên ngang vai, tay đối diện vòng qua và đặt lên má, chân đối diện cao lên gác qua chân còn lại, dùng tay đặt ở hông và vai và nghiêng nạn nhân về hướng của bạn. Sau đó, liên tục quan sát vẻ mặt của nạn nhân có tiếp tục thở tốt hay không. Tư thế an toàn giúp nạn nhân nếu có nôn ra các dịch tiết hít phải, sẽ không hít lại vào phổi. Sau đó gọi hỗ trợ cấp cứu 115.
Sơ cứu đuối nước với nạn nhân hôn mê
Nếu nạn nhân mê man, không có đáp ứng, hãy nhìn vào lòng ngực sẽ không có di động theo hô hấp. Lập tức dùng tay để kiểm tra mạch cảnh của nạn nhân (vị trí mạch cảnh ngay giữa đường hõm cổ, qua phải 2cm) dùng 2 ngón tay đặt nhẹ vào mạch cảnh và cảm nhận trong 10 giây. Nếu thấy không có mạch đập tức nạn nhân đã ngưng tim. Nếu nạn nhân ngưng tim, việc đầu tiên hãy gọi hỗ trợ cấp cứu 115. Tiếp theo tiến hành CPR (hồi sức tim phổi) cho nạn nhân theo các bước sau:
Bước 1: Quỳ gối, hai gối cạnh vùng ngực của nạn nhân. Tháo bỏ thắt lưng, áo khoác và trang sức.
Bước 2: Xác định vị trí ép tim là đường nối giữa hai núm vú.
Bước 3: Khai thông đường thở, dùng khăn sạch lau chất tiết nạn nhân nôn ra ở trên miệng và mũi, lấy những di vật có thể lấy được.
Bước 4: Hai bàn tay đan vào nhau đối với người lớn, một bàn tay đối với trẻ em dưới 8 tuổi, đặt ở đường nối hai núm vú, trục cánh tay thẳng với thân người, ép liên tục 30 cái với tần số 100 – 120 lần/phút, ấn sâu sâu xuống 5- 6 cm đối với người lớn, trẻ em từ 1- 8 tuổi ấn sâu 3-4cm, trẻ dưới 12 tháng tuổi ấn sâu 1- 2 cm.
Bước 5: Sau ép tim 30 cái, tiếp tục hô hấp nhân tạo. Dùng hai tay ngửa đầu và nâng cằm, dùng 2 ngón tay kẹp mũi nạn nhân. Dùng miệng áp sát miệng nạn nhân và thổi hai hơn thật mạnh trong khoảng 2 giây..
Bước 6: Tiếp tục thực hiện lại ép tim 30 lần, thổi ngạt mạnh 2 lần trong khoảng 2 giây cho đến khi nạn nhân có nhịp tim hoặc đội cứu hộ đến.
Có 3 sai lầm thường thấy khi sơ cứu đuối nước nên tránh:
Người cứu trở thành nạn nhân đuối nước: khi một người bị đuối nước, họ thường rơi vào trạng thái hoảng loạn ôm chặt tay và chân ở những gì vừa tầm với. Vì vậy nếu bạn không được huấn luyện cấp cứu nạn nhân đuối nước, bạn không nên bơi xuống cứu người, vì bạn có thể trở thành nạn nhân đuối nước nếu bị ghì lấy.
Một trong những tai nạn phổ biến khi sơ cứu người đuối nước là dốc nạn nhân lên và chạy vài vòng. Điều này hoàn toàn không có ích lợi, vì làm mất nhiều thời gian quý giá để cứu sống nạn nhân.
Sai lầm tiếp theo khi cấp cứu là ép vào bụng nạn nhân, gây nôn các dịch trong dạ dày và tăng nguy cơ hít sặc vào phổi.
Phòng ngừa đuối nước
Để phòng ngừa đuối nước, bà con hãy ghi nhớ và thực hiện các điều sau:
Học bơi và kỹ thuật sơ cấp cứu đuối nước.
Không nên đi bơi ở sông, suối, ao, hồ, vùng biển không có người giám sát, hay không có áo phao. Không bơi ra ngoài mực nước nguy hiểm có biển cảnh báo. Thực hiện đúng quy định về an toàn lao động, giao thông trên mặt nước khi đi thuyền, bè, phà, và không chở quá số lượng người quy định.
Giám sát con em, trẻ nhỏ, không để trẻ chơi ở khu vực có nước sâu mà khi nằm xuống có thể ngậm hết đầu. Trẻ nhỏ có thể vô tình té ngã, hay bị chuột rút khi chơi, do vậy vùng nước nông cũng có thể gây đuối nước.
Ba mẹ đưa con đi du lịch, tham quan các ao, bể cá cần chú ý đến con, không để con chơi một mình, phòng khi té ngã xuống nước.
Khi thấy người bị đuối nước cần kêu người tới giúp đỡ, không tự ý xuống nước cứu người khi không có đủ kỹ năng cấp cứu người đuối nước, hay ở dòng nước nguy hiểm.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Phòng tốt hơn chữa, bà con nên có ý thức tốt về việc phòng tránh đuối nước cho bản thân và gia đình, tránh những trường hợp nguy hiểm xảy ra. Nếu phát hiện người bị đuối nước, cần sơ cứu đuối nước và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.