Trong vòng 7 giờ kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được ekip bác sĩ bệnh viện Tâm Anh TP HCM hội chẩn, can thiệp đặt stent khơi thông dòng máu nuôi tim, chấm dứt cơn đau ngực dai dẳng.
Trước đó, bà Mai Thị Chính (72 tuổi, ngụ tỉnh Cần Thơ) đến thăm khám tại một bệnh viện địa phương khi có triệu chứng đau ngực lúc nghỉ. Qua kiểm tra dấu hiệu lâm sàng và thực hiện thủ thuật chụp mạch vành, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên; ghi nhận tình trạng hẹp trong lòng mạch máu ở cả 3 nhánh chính của động mạch vành, trong đó nặng nhất là động mạch liên thất trước khi hẹp lan tỏa đến 90%. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bắc cầu.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã lớn tuổi, đi kèm nhiều bệnh nền nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu; có nguy cơ cao nếu mổ tim hở. Vì vậy, gia đình đưa bà Chính đến bệnh viện Tâm Anh TP HCM, tìm cơ hội nong mạch máu và đặt stent.
ThS.BS Trần Thế Vinh, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thành viên ekip thực hiện ca can thiệp, cho biết ngay khi bệnh nhân nhập viện lúc 12 giờ, một cuộc hội chẩn khẩn giữa Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Can thiệp mạch nhằm đánh giá tình trạng bệnh nhân có nguy cơ rất cao do có những cơn đau ngực dai dẳng và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Ngay trong chiều cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng thủ thuật để tiến hành can thiệp đặt 2 stent ở động mạch liên thất trước.
“Để tối ưu kết quả cho ca bệnh này, bác sĩ phải làm nhiều thủ thuật có độ tỉ mỉ và chính xác cao; đồng thời cần thêm yếu tố không gian mạch máu rộng rãi để thực hiện các thao tác khó. Vì vậy ngay từ ban đầu, ekip lựa chọn tiếp cận tim thông qua động mạch đùi phải; bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong toàn bộ quá trình làm thủ thuật.
Hai loại stent có đường kích lần lượt là 3.5mm và 3mm được lựa chọn để đặt trong lòng động mạch. Bằng kỹ thuật Culotte, bác sĩ bắt đầu nong 2 bóng, sau đó đặt hai stent cùng lúc tại vị trí động mạch liên thất trước và nhánh bên dưới áp lực cao từ 12 – 14 atm. Sau gần 2 giờ, thủ thuật đặt stent thành công, tái thông dòng máu nuôi tim, trả lại kích thước lòng mạch máu nguyên thủy cho bệnh nhân và có tỷ lệ tái hẹp rất thấp”, bác sĩ Vinh cho hay.
Kỹ thuật Culotte, hay còn được gọi là đặt stent Y hoặc Trouser, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1998. Phương pháp này sử dụng 2 stent kim loại trần có kích thước tương đương để triển khai đặt ở nhánh chính và nhánh phụ của mạch máu, với một đoạn chồng lên nhau trong nhánh phụ trước khi phân nhánh. Ở những bệnh nhân có tổn thương phân nhánh mạch vành phức tạp, phương pháp đặt stent Culotte là một trong số ít kỹ thuật được dùng phổ biến trong can thiệp mạch vành qua da (PCI), nhất là khi có sự ra đời của stent phủ thuốc (DES).
Bác sĩ Vinh cũng lưu ý, ở bệnh nhân Chính còn có hiện tượng bóc tách mạch máu; là tình trạng nghiêm trọng khi có một vết rách ở lớp bên trong động mạch vành, máu tràn qua vết rách này, làm cho lớp trong và lớp giữa bị tách ra, tạo thành một lòng mạch máu giả. Lúc này, bác sĩ cần nhận định, loại trừ lòng mạch máu giả và xác định rõ đâu là lòng mạch máu thật để có thể đưa sợi dây chuyên dụng vào, đưa bóng và stent đến đúng vị trí cần nong, đặt stent.
“Tại bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi luôn nỗ lực để giải quyết các tình huống đau tim của bệnh nhân trong thời gian ngắn nhất theo hướng dẫn của thế giới. Điển hình là các ca nhồi máu cơ tim có ST chênh lên khi đến đây đều được xử lý, điều trị trong vòng 70 phút từ lúc nhập viện, chẩn đoán đến khi đặt stent xong. Trước đó, các công đoạn tiếp nhận, chẩn đoán, hội chẩn trước khi đưa bệnh nhân lên bàn thủ thuật cũng chỉ mất khoảng 30 phút”, bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH