Bác sĩ Việt Nam đầu tiên trên thế giới thực hiện gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) trong mổ tim không đau
Với hơn 22 năm làm nghề trong chuyên ngành gây mê hồi sức, thạc sĩ bác sĩ CKII Hồ Thị Xuân Nga đã tham gia chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân tim mạch, tổng quát… Trong đó, số lượng bệnh nhân được áp dụng phương pháp giảm đau bằng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) trong phẫu thuật trên ngàn ca mổ.
Kỹ thuật ESP giúp người bệnh giảm đau tối đa toàn diện, không cần dùng morphin vốn gây nhiều tác dụng phụ: suy hô hấp, tăng đau, đau mạn tính, bí tiểu, buồn nôn, ngứa sau mổ. Điều thú vị bác sĩ Nga chính là người đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới thực hiện thành công kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống trên các bệnh nhân phẫu thuật tim hở vào năm 2017, chỉ một năm sau khi kỹ thuật này được phát minh tại Canada. Với sự thành công ngoạn mục này, chị được mời chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Hội nghị gây tê vùng và giảm đau thế giới lần thứ 42, tổ chức năm 2018 tại New York, Mỹ.
Thương những bệnh nhân phải dùng morphin
Năm 2017, bác sĩ Nga tình cờ chứng kiến giáo sư Philippe Macaire (người Pháp) thực hiện một “kỹ thuật gây tê lạ” cho những ca mổ bụng rất hiệu quả, chị liền đặt vấn đề với bác sĩ Philippe Macaire “Không biết tôi có thể áp dụng kỹ thuật giảm đau này cho bệnh nhân phẫu thuật tim mạch được không? Như ông biết đấy, bệnh nhân mổ tim luôn dùng kháng đông trước, trong và sau mổ. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp giảm đau nào hiệu quả thực sự và an toàn cả!”. Sau một đêm suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng bác sĩ Philippe và bác sĩ Nga “chốt đơn” bắt tay vào việc nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật gây tê này trên bệnh nhân mổ tim.
ESP là kỹ thuật gây tê giảm đau vùng rất an toàn, thay thế hoàn toàn nhóm thuốc giảm đau morphin trong mổ tim hở và các phẫu thuật lồng ngực ở người lớn và trẻ em. Người bệnh sẽ được đặt ống thông (catheter) vào lớp cân cơ dựng sống (nhóm cơ lớn ở nằm song song hai bên cột sống bắt đầu từ vùng chẩm kéo dài đến mào chậu) để rồi thông qua các catheter này, thuốc tê giảm đau sẽ được cài đặt liều lượng và nồng độ thích hợp đối với mỗi người bệnh nhằm mục đích cuối cùng là ngăn chặn hoàn toàn các tín hiệu đau trước khi nó được truyền tới cột sống, não bộ.
ESP khắc phục hàng loạt nhược điểm mà những phương pháp giảm đau hiện nay như giảm đau tĩnh mạch bình thường, kết hợp đa mô thức… còn khiếm khuyết do phải dùng nhiều loại thuốc; trong đó chủ yếu là morphin liều cao. Xu hướng thế giới không còn chuộng do những tác dụng phụ bất lợi của nhóm Opioids mang lại như: tăng đau sau mổ, suy hô hấp, bí tiểu, ngứa, buồn nôn, ảo giác, lệ thuộc thuốc nếu sử dụng kéo dài… Mặt khác, ESP là phương pháp gây tê khá an toàn vì được thực hiện dưới hướng dẫn rõ ràng của siêu âm, tránh được tất cả các biến chứng do tê mù như các phương pháp khác mang lại, đồng thời do không phải tiêm trực tiếp vào trục thần kinh như tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống nên nó không gây tổn hại và nguy cơ chảy máu, tụ máu, chèn ép tủy khi bệnh nhân đang có sử dụng kháng đông
Thấu hiểu nỗi đau đớn mạn tính, lệ thuộc thuốc giảm đau khi phải dùng morphin của bệnh nhân, hiểu rõ những cơ chế tác dụng và cấu trúc giải phẫu học của cơ dựng sống cho phép thực hiện kỹ thuật gây tê ESP khá an toàn, bác sĩ Nga đã tìm ra hướng đi riêng của mình khi không tiêm thuốc tê trực tiếp vào trục thần kinh trung ương mà đưa vào lớp cân cơ dựng sống quan sát được rõ ràng trên siêu âm. Do đó giúp giảm đau toàn diện, không biến chứng, rút ngắn thời gian nằm hồi sức tích cực,giúp bệnh nhân vận động và hồi phục sớm, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim.
Hiện tại, không chỉ áp dụng thành công ESP trong phẫu thuật tim hở, bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga cũng áp dụng đại trà kỹ thuật này cho hầu hết người bệnh trong phẫu thuật lớn vùng ngực, bụng, chấn thương chỉnh hình, thẩm mỹ, sản phụ khoa, giảm đau cấp trong các chấn thương ngực kín gây gãy xương sườn kiểu mảng sườn di động…
Với việc kết hợp với bơm tiêm tự động cài đặt liều thuốc tê thích hợp cho từng bệnh nhân sẽ giảm thiểu tối đa những sai sót thuốc và giảm đáng kể thuốc giảm đau nhóm Opioids trong mổ, bảo đảm bệnh nhân không phải đau đớn vì chờ đợi truyền thuốc giảm đau kế tiếp do sự quá tải công việc của nhân viên y tế, mức độ đau sau rút ống nội khí quản, khi vận động và rút ống dẫn lưu đều chỉ ở mức rất nhẹ (từ 0 đến 1,2 điểm theo thang VAS), không có biến chứng tụ máu, tụt huyết áp hay tê quá mức, ức chế hô hấp, ngộ độc thuốc tê. Các kết quả này đã được thể hiện qua hai nghiên cứu RCT đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín quốc tế như JCVA, BMJ.
Mọi thứ khởi đầu từ chữ “Duyên”
Để gặt hái những thành quả hôm nay, bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga đã học tập, nghiên cứu không ngừng từ các bậc thầy trong nước đến những giáo sư hàng đầu tại Pháp, Mỹ. Những người Thầy đã truyền lửa, giúp chị đam mê, tìm tòi và hun đúc tình yêu nghề nơi chị. Bác sĩ Nga từng tham gia gây tê, gây mê cho các ca mổ tim hở ở Viện Tim TP.HCM, là bác sĩ nội trú của bệnh viện Haut- Leveque (Bordeaux- Trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn thứ 4 toàn nước Pháp), Hospital Universitaire Necker Enfants Malades (Paris, bệnh viện mổ nhi lớn nhất châu Âu, có 30% ca mổ tim nặng nhất châu Âu chuyển đến), Bệnh viện Hopital Europeen George Pompidou Paris (nơi thực hiện các ca ghép tim, ghép dụng cụ thất trái và ECMO nhiều nhất của Pháp) và là chuyên gia gây mê hồi sức của Bệnh viện Vinmec Central Park trước khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…
Để mỗi ca gây mê bệnh nhân cho phẫu thuật được thành công, chị luôn đòi hỏi bản thân phải đào sâu kiến thức về sinh lý bệnh, giải phẫu học, dược động học, dược lý của các loại thuốc… trên từng đối tượng bệnh nhân người lớn và trẻ em. Chị học từ gây mê hồi sức chuyên sâu, gây tê vùng và giảm đau dưới siêu âm như ESP, QL…Các tính chất dược động thuốc trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu chống độc, siêu âm tim qua thành ngực và thực quản trong Gây mê hồi sức, đặc biệt chị là chuyên gia có thể gây mê hồi sức trong tất cả các chuyên khoa trên cả hai đối tượng người lớn và trẻ em, một điều mà không phải tất cả bác sĩ gây mê hồi sức đều có thể đảm nhiệm tốt.
Với chị, bác sĩ gây mê đòi hỏi tư duy toàn diện, không chỉ am hiểu về sinh lý bệnh và điều trị như một bác sĩ nội khoa mà còn có bàn tay khéo léo như một phẫu thuật viên để có thể thực hiện những thủ thuật tinh vi như đưa catheter vào sâu trong tim, hay đặt catheter giảm đau ESP trong lớp cân cơ cạnh cột sống… Theo chị, gây mê cho trẻ em và người lớn luôn khác nhau hoàn toàn và gây mê nhi không phải là bản photocopy thu nhỏ của người lớn, hai đối tượng này khác về chỉ định, liều lượng thuốc, tác động của thuốc, sinh lý bệnh, giải phẫu cơ thể…
Nghề gây mê hồi sức vất vả, có khi phải đứng hơn 12 tiếng một ngày để chăm sóc người bệnh từ lúc vào phòng mổ đến khi thức tỉnh. “Chứng kiến nhiều người bệnh thoát khỏi cửa tử, bác sĩ gây mê có những niềm vui khó diễn đạt bằng lời. Chỉ cần kiên trì, làm việc có tâm thì người bệnh sẽ có dự hậu tốt”, bác sĩ Nga luôn tâm niệm.
Giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, cùng nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, bác sĩ Nga cũng đã tham gia đào tạo, hướng dẫn các kỹ thuật gây tê, gây mê cho nhiều bác sĩ trong và ngoài nước.
Với ước mơ giúp người bệnh được tiếp cận với nhiều phương pháp chữa trị tiên tiến, hiện đại ngang tầm thế giới, thạc sĩ bác sĩ CKII Hồ Thị Xuân Nga đã bén duyên về Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Với chị, “mọi thứ trên đời bắt đầu bởi chữ duyên. Cứ đi rồi sẽ đến!”
xem thêm