Phần lớn các trường hợp cúm A ở trẻ là lành tính nhưng bố mẹ không nên vì thế mà chủ quan khi trẻ mắc bệnh. Việc phát hiện, điều trị và chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách sẽ giúp trẻ rút ngắn thời gian mắc bệnh, nhanh chóng hồi phục sức khỏe và ngăn ngừa bệnh gây biến chứng nghiêm trọng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Cúm A là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh được người bệnh phát tán vào không khí khi ho, hắt hơi, nói chuyện,…Ngoài ra, người bệnh có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus như tay nắm cửa, điện thoại, quần áo, bát đũa, ly cốc,… bởi virus cúm A có thể tồn tại đến 48 giờ trên các bề mặt ở môi trường bên ngoài. (1)
Bệnh cúm A ở trẻ thường sẽ bắt đầu với các triệu chứng khá giống với cảm lạnh thông thường gồm: sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, viêm họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau mỏi cơ, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy,…. Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện sau khoảng 24-48 giờ kể từ khi trẻ bị nhiễm virus và kéo dài 3-6 ngày tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của từng trẻ khi được chăm sóc khoa học. (2)
A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9 là 3 chủng virus cúm A thường gặp. Tuy nhiên, virus cúm A có khả năng tự biến đổi thành các chủng virus mới khiến trẻ có thể tái nhiễm cúm A nhiều lần và gây ra nhiều đợt bùng phát dịch.
Hơn nữa, trong một số trường hợp trẻ bị cúm A không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn thứ phát, viêm cơ tim, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang,… với các biểu hiện nặng như sốt cao, khó thở, đờm lẫn máu, da tím tái, co giật, phù phổi, suy tim. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây ra nhiều hệ lụy về sau, thậm chí gây tử vong ở trẻ. Nguy cơ tử vong ở trẻ bị cúm A dao động trong khoảng 1-4% trường hợp mắc bệnh này.
Bệnh cúm A ở trẻ kéo dài bao lâu sẽ phục thuộc vào nhiều yếu tố như: thể trạng sức khỏe và cơ địa của trẻ, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tiền sử bệnh hay bệnh nền (nếu có), cách chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà, thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị bệnh,…
Thông thường, khi trẻ bị cúm A được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Một số triệu chứng, tổn thương do bệnh gây ra có thể kéo dài lâu hơn. Điển hình như: mệt mỏi (21-28 ngày), ho (14-21 ngày), chảy nước mũi (7-14 ngày) và sốt (5-7 ngày).
Bên cạnh việc tuân thủ theo các chỉ định điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc trẻ bị cúm A sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian mắc bệnh, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà an toàn, hiệu quả:
Khi trẻ bị cúm A, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là cho trẻ cách ly là chăm sóc tại phòng riêng ít nhất 7 ngày. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ gặp người khác khi không cần thiết.
Đồng thời, trẻ mắc bệnh không nên sử dụng chung đồ với người khác, vì vậy, bố mẹ nên chuẩn bị đồ dùng cá nhân riêng cho trẻ. Việc vệ sinh các đồ dùng của trẻ mắc bệnh như chăn, ga giường, khăn, ly cốc,… của trẻ mắc bệnh cần được tách riêng với các đồ vật của các thành viên khác trong gia đình và khử khuẩn cẩn thận.
Khi chăm sóc cho trẻ, bố mẹ và cả trẻ đều cần phải đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan bệnh. Sau đó, bố mẹ cần phải rửa tay cũng như vệ sinh các vật dụng tiếp xúc với trẻ bằng dung dịch khử khuẩn cẩn thận.
Trẻ có thể sẽ cần phải đeo khẩu trang trong thời gian dài, kèm theo các triệu chứng khó chịu của cúm A nên khẩu trang y tế sẽ là một lựa chọn tốt cho trẻ. Thay vì sử dụng khẩu trang vải, loại khẩu trang này có tác dụng ngăn ngừa tình trạng phát tán virus trong không khí khi trẻ ho, hắt hơi hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và độ thông thoáng, thoải mái, dễ thở.
Nhiều bố mẹ có quan điểm cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng máy lạnh sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Khi nhiệt độ phòng xuống thấp, trẻ rất dễ bị đau họng, ho, khô mũi, khó tiết mồ hôi hơn bình thường. Hơn nữa các triệu chứng của cúm A có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cản trở quá trình hồi phục sức khỏe. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ chỉ nên cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí, mát mẻ và sạch sẽ. Trong trường hợp thời tiết quá nóng, bố mẹ có thể dùng điều hòa hoặc quạt để làm mát không khí nhưng lưu ý tránh để quạt, điều hòa thổi trực tiếp vào trẻ.
Cúm A khiến trẻ cảm thấy khó chịu, sốt, đổ nhiều mồ hôi,… Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, được làm từ các chất liệu mềm, có độ thấm hút tốt để trẻ cảm thấy thoải mái,dễ chịu và thư giãn hơn, từ đó, hỗ trợ quá trình hồi phục bệnh.
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, nhất là khi trẻ đang mắc bệnh. Vì vậy, khi trẻ bị cúm A, bố mẹ nên chú ý tăng cường các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, cung cấp cho trẻ đủ các dưỡng chất cần thiết, cụ thể như:
Khi bị ốm, trẻ thường cảm thấy rất mệt và cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn bình thường. Lúc này, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ thực hiện các hoạt động mạnh, thay vào đó, hãy cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng, làm những điều trẻ thích. Lưu ý, bố mẹ không nên ép trẻ đi ngủ khi trẻ không buồn ngủ.
Triệu chứng nghẹt mũi khi trẻ bị cúm A là nguyên nhân chính khiến trẻ khó thở. Việc nhỏ mũi và vệ sinh mũi đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn. Hơn nữa, việc này còn giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn bên trong mũi của trẻ, từ đó, giúp bệnh nhanh khỏi. Do đó, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách nhỏ mũi và vệ sinh mũi cho trẻ khi chăm sóc trẻ bị cúm A.
Cúm A là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với cảm cúm thông thường khiến bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, từ đó, bệnh trở nên tồi tệ và gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và hỗ trợ ngay khi trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nhất là khi trẻ có các triệu chứng sau:
Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm A là một trong những điều cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa cúm A ở trẻ em được các chuyên gia khuyên cáo:
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách sẽ giúp tình trạng bệnh của trẻ được cải thiện nhanh chóng, ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, bố mẹ cần theo sát các triệu chứng của trẻ nhằm phát hiện sớm và có phương hướng xử lý kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bất thường, ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.