Hiện nay, hội chứng thận hư ở trẻ em vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm. Vì vậy, sau khi điều trị, bố mẹ cần chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tổng quan về hội chứng thận hư ở trẻ
Thận được cấu tạo từ nhiều đơn vị lọc nhỏ được gọi là cầu thận. Khi trẻ mắc hội chứng thận hư, các tiểu cầu thận bị tổn thương và hoạt động không bình thường, khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu. Mặt khác, tình trạng này còn có thể khiến một lượng dung dịch dư thừa không được loại bỏ ra ngoài mà tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể. (1)
Bệnh có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó gồm:
Cầu thận bị tổn thương.
Tĩnh mạch thận bị tắc.
Trẻ mắc các bệnh gây ảnh hưởng đến màng cầu thận: sốt rét, viêm gan B, lupus, ung thư,… khiến màng cầu thận trở nên bất thường.
Xơ hóa cầu thận.
Mắc bệnh đái tháo đường.
Một số nguyên nhân khác: cơ thể tích tụ quá nhiều đạm, lạm dụng thuốc kháng sinh, tác dụng phụ của thuốc,… Trẻ được sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc hội chứng thận hư ở trẻ em thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Hội chứng thận hư ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi, phổ biến nhất là trẻ 3 tuổi. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng (viêm phổi, viêm phúc mạc, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu…), trụy mạch, tắc mạch, suy dinh dưỡng, suy thận mạn…
Cách nhận biết trẻ bị thận hư
Bệnh thường sẽ được phát hiện sớm qua hai nhóm biểu hiện chính là lâm sàng và cận lâm sàng.
Các triệu chứng dễ nhận biết gồm:
Cơ thể bị sưng, phù nề, xảy ra khi hàm lượng albumin trong máu quá thấp khiến nước thoát ra mô kẽ dẫn đến phù nề ở mắt và dần lan rộng ra các cơ quan khác như chân, bàn chân, mắt cá chân…
Tiểu ít.
Nước tiểu màu sẫm hơn bình thường, có bọt do lẫn protein, đôi khi, nước tiểu bị lẫn máu gây hiện tượng tiểu ra máu.
Trẻ tăng cân nhanh chóng do sự tích tụ các dung dịch dư thừa trong cơ thể.
Trẻ có biểu hiện mệt mỏi do chức năng của thận không hoạt động như bình thường, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Chán ăn, thường xuyên cảm thấy sợ hãi, căng thẳng do thiếu hụt hormone adrenaline.
Lưu ý, khi trẻ có những biểu hiện nguy hiểm như: tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao, mệt mỏi mất ý thức… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu ngay lập tức. (2)
Trẻ bị sưng phù mắt, môi do hội chứng thận hư.
Cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em
Bên cạnh việc tuân thủ theo các chỉ định điều trị hội chứng thận hư ở trẻ của bác sĩ, bố mẹ cần chăm sóc đúng cách nhằm tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát, trở nên nghiệm trọng.
1. Lập kế hoạch chăm sóc hợp lý
Việc lập kế hoạch chăm sóc hợp lý được xem là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Thông qua bảng kế hoạch chi tiết, bố mẹ có thể dễ dàng xác định được các nhu cầu của bệnh nhân và mức độ quan trọng của từng vấn đề, từ đó, đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt nhất và hiệu quả nhất. Một kế hoạch chăm sóc hợp lý thường sẽ bao gồm:
Cách chăm sóc cơ bản: gồm việc đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế các vận động mạch, chế độ dinh dưỡng phù hợp và được giữ ấm cẩn thận.
Đảm bảo tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ: bao gồm thuốc uống và các xét nghiệm định kỳ.
Thường xuyên theo dõi các triệu chứng: mạch đập, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, huyết áp, cân nặng, lượng nước tiểu, màu nước tiểu, tình trạng phù… nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc tác dụng phụ của thuốc (nếu có).
Trang bị các kiến thức cần thiết về bệnh: triệu chứng, cách điều trị và cách phòng ngừa biến chứng cho người thân và trẻ.
2. Chế độ sinh hoạt
Về chế độ sinh hoạt của trẻ mắc bệnh, bố mẹ nên lưu ý:
Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường nhiều hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn phù nhiều và thiểu niệu, khi trẻ nằm, đầu phải được kê cao hơn thân.
Giữ ấm cho trẻ cẩn thận, nhất là vào mùa đông.
Khi trẻ còn phù nhiều, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ vận động và đi lại nhiều.
Trẻ mắc bệnh nên được nghỉ ngơi tại giường nhiều hơn.
3. Chế độ ăn uống
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng hội chứng thận hư ở trẻ em là chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Vì vậy, đối với trẻ mắc bệnh này, mẹ cần thay đổi một số thói quen ăn uống như:
Hạn chế lượng muối (natri clorua) trong các bữa ăn hằng ngày.
Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm chất béo bão hòa và cholesterol.
4. Vệ sinh cho trẻ
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, bố mẹ cần chú ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ nhằm giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài việc vệ sinh răng miệng và tai mũi họng sạch sẽ, mẹ cần lưu ý:
Dựa vào tình trạng bệnh của trẻ, bố mẹ có thể làm sạch cơ thể bằng cách tắm hoặc chỉ rửa người bằng nước ấm.
Cắt móng tay, chân và làm sạch móng thường xuyên cho trẻ để tránh trẻ gãi gây tổn thương da.
Vệ sinh ga trải giường, quần áo, các vật dụng cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Khi trẻ bị tổn thương ngoài da, vết thương cần được sát trùng bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già, sau đó, bố mẹ theo dõi các triệu chứng và thông báo sớm cho bác sĩ khi có bất thường.
Các vấn đề khác cần lưu ý khi trẻ bị hội chứng thận hư
Khi chăm sóc trẻ bị hội chứng thận hư, bố mẹ nên lưu ý các vấn đề sau:
Đối với trẻ trong độ tuổi đến trường, trẻ vẫn có thể được đến đường học bình thường khi tình trạng bệnh ổn định, không gây các triệu chứng khó chịu, nguy hiểm.
Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhằm giúp xương chắc khỏe hơn và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Tham khảo ý kiến bác sĩ và tiêm chủng vacxin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.
Thường xuyên kiểm tra nước tiểu của trẻ vào sáng sớm để theo dõi tình trạng protein bị rò rỉ qua thận đã được cải thiện chưa, từ đó điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời phát hiện sớm nếu bệnh tái phát.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ vì đây là một trọng những yếu tố khiến hội chứng thận hư ở trẻ tái phát.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ về sau. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, bố mẹ đã hiểu rõ hơn về hội chứng thận hư ở trẻ và biết cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh.