Trẻ học Online tại nhà là điều bắt buộc để đảm bảo giãn cách phòng, chống Covid-19. Thế nhưng, thông tin bé trai H.H.D. (9 tuổi, Hà Nội) tử vong do lấy kéo chọc vào ổ điện khi học trực tuyến khiến nhiều phụ huynh không khỏi bàng hoàng. Vậy làm cách nào để giúp bé an toàn khi học Online? Hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp cho các vị phụ huynh biết thêm về những kỹ năng cần biết để cứu trẻ bị điện giật.
Nếu trẻ không may bị điện giật, cha mẹ hoặc những người xung quanh hết sức bình tĩnh để làm đúng các thao tác tách bé ra khỏi nguồn điện. Tuy nhiên, người ứng cứu phải nắm được những kỹ năng cơ bản để cứu người bị điện giật an toàn và cũng để bảo vệ cho bản thân.
Do đó, sau khi trẻ được tách khỏi nguồn điện, phụ huynh nên kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập không. Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu ngưng thở ngưng tim như: hôn mê, lay gọi không tỉnh, lồng ngực bất động, không thấy mạch cổ, mạch bẹn; nếu xung quanh chỉ có một mình, hãy gọi lớn để cầu cứu những người xung quanh và nhanh chóng bắt đầu thực hiện hồi sức tim phổi (CPR). Thực hiện phương pháp hồi sức CPR cho trẻ trong khoảng 2 phút rồi mới gọi cấp cứu.
BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một – Khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, nếu nạn nhân bị ngưng thở ngưng tim trên 4 phút thì não bị tổn thương, tình trạng này kéo dài tới 10 phút sẽ tử vong, dù cứu sống, bé cũng bị di chứng nặng nề. Do đó, quá trình sơ cấp cứu cho trẻ trước khi đưa đến bệnh viện rất quan trọng.
Lưu ý: Nếu trẻ có dấu hiệu tự thở bình thường, ho hoặc cử động thì không tiếp tục thực hiện phương pháp ép tim ngoài lồng ngực vì có thể làm tổn thương trẻ. Khi trẻ bắt đầu tự thở được, hãy đặt trẻ nằm ở tư thế hồi sức và nhớ thường xuyên quan sát kiểm tra hơi thở của trẻ cho đến khi bàn giao cho nhân viên y tế.
Trong trường hợp sau 2 phút thực hiện phương pháp CPR, trẻ vẫn chưa thể tự thở bình thường được, không ho, không có bất kỳ một cử động nào. Nếu chưa có ai đến trợ giúp, hãy gọi xe cấp cứu hoặc cõng trẻ đến bệnh viện. Lưu ý, không cõng trẻ trong những trường hợp nghi ngờ có chấn thương cột sống.
Các thao tác cấp cứu trên cũng áp dụng cho người lớn khi xảy ra những cơn ngừng tim hay rối loạn nhịp tim, tai biến hoặc những tình huống bất ngờ do bệnh lý khác gây ra.
Cấp cứu cho người lớn thường đến từ những cơn cơ tim, tai biến hoặc những tình huống bất ngờ, nhưng ở trẻ nhỏ đa phần xuất phát từ 1 tai nạn có thể phòng ngừa trước. Đặc biệt đối với thời gian giãn cách xã hội, trẻ học online tại nhà như hiện tại, cha mẹ cần cẩn thận trong việc sắp xếp góc học tập, ổ điện, bàn ghế và không gian để đề phòng những rủi ro bất ngờ.
Phụ huynh có thể bố trí ổ cắm điện có nắp đậy; Sử dụng phích cắm 3 chân chống rò rỉ điện…; Lắp đặt ổ cắm điện, công tắc ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không với tới; Nếu máy tính, ổ điện… gặp trục trặc, dặn bé gọi người lớn, không tự tay sửa chữa. Bên cạnh đó, hãy bắt đầu giáo dục và lý giải cho trẻ những nguy hiểm do điện giật.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, hãy lưu lại số hotline của cấp cứu hoặc bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ, cấp cứu kịp thời.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH