Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 vẫn bất an, khó ngủ và rơi vào trầm cảm. Bác sĩ CKI Hồng Văn In – Phó khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP HCM nhận định, đây là nhóm người bệnh bị tổn thương tâm lý, nhất là khi bản thân trải qua hoặc chứng kiến người thân bị Covid-19 nặng hoặc gia đình có người tử vong do Covid-19.
Di chứng tâm lý hậu COVID-19 là tình trạng người bệnh sau khi điều trị khỏi COVID-19 nhưng vẫn tiếp tục bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến người bệnh luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, khó ngủ, nặng hơn thì rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nếu như người bệnh rơi vào rối loạn lo âu sẽ có dấu hiệu cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ. Còn nếu bị trầm cảm, người bệnh đôi khi không có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất nhưng nhìn chung có dấu hiệu như: mất tập trung, thay đổi giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), thay đổi cảm giác ăn uống (không thèm ăn hay hứng thú khi ăn uống kể cả món từng yêu thích), khó chịu, kích động, ủ rũ.
Theo bác sĩ Hồng Văn In, có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh sau khi điều trị khỏi Covid-19 nhưng lại mắc các vấn đề về tâm lý.
Đầu tiên là do cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Khi bị nhiễm Covid-19, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus gây bệnh. Ở một số người, do hệ miễn dịch cơ thể không kiểm soát đúng cách đã gây hại cho tế bào thần kinh dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh, tổn thương hàng rào máu não, tế bào miễn dịch ngoại vi tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng dẫn truyền thần kinh… Một khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu, không tập trung, hạn chế sáng tạo, giảm khả năng học tập, làm việc…
Thứ hai do tâm lý căng thẳng khi nhiễm Covid-19, người bệnh cảm thấy bất ổn khi phải đi cách ly một mình, cảm giác tội lỗi khi vô tình lây bệnh cho người khác, lo người khác đánh giá về mình, sợ xã hội kỳ thị xa lánh, sợ mất việc làm, không có thu nhập… Đặc biệt, ở nhóm người vốn có vấn đề về tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, hoang tưởng… khi mắc Covid-19 đã chứng kiến người thân mắc bệnh, có di chứng hoặc tử vong do Covid-19 nên khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ rối loạn tinh thần, sợ bệnh nặng, sợ chết… Điều này cộng với thời gian cách ly và điều trị kéo dài khiến tình trạng căng thẳng tăng cao, người bệnh thao thức suốt đêm, không ngủ được, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.
Khi mới bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Các hormone này giúp cơ thể vượt qua “thử thách” stress trong vòng 24 giờ. Lúc này, tim sẽ đập nhanh hơn, hồi hộp, tăng huyết áp. Nếu cơ thể không vượt qua được thời gian vàng này mà để tình trạng căng thẳng tiếp tục kéo dài, lúc đó các hormone stress có cơ hội “phản pháo”. Các cortisol sẽ tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa… Căng thẳng kéo dài bắt đầu làm cho người bệnh bất ổn, dễ cáu gắt, buồn vu vơ hoặc lo lắng hay có những hành động lạ như: khóc, hét to hoặc uống rượu bia, các thuốc gây nghiện vô ý thức.
Một kết quả khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, Covid-19 khiến 63% người 18 – 24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.
Một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP HCM vào năm 2021 ghi nhận: 20% bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm, 53,3% rối loạn lo âu và 16,7% rơi vào tình trạng stress. Đặc biệt, những ca bệnh từng thở HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) có tỷ lệ trầm cảm cao nhất lên tới 66,7%, sau đó đến những trường hợp có thở oxy qua mặt nạ, thở máy…(1)
Cũng theo ghi nhận của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM, 67% bệnh nhân Covid-19 rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện. Do đó, nếu trong gia đình hay người quen chẳng may có người mắc Covid-19, điều đầu tiên là trấn an, động viên người bệnh. Trong trường hợp, người bệnh phải cách ly phòng riêng hoặc cách ly ở khu tập trung, người nhà thường xuyên dùng điện thoại từ xa để hỏi thăm an ủi. Việc an ủi cũng dùng từ ngữ tế nhị, tránh người bệnh cảm giác bị xa lánh, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý.
Theo bác sĩ Hồng Văn In, tại BVĐK Tâm Anh, ngay khi tiếp nhận ca bệnh, dù là bệnh nhẹ hay nặng cũng được chăm sóc tận tình và cố gắng dành nhiều thời gian tư vấn, động viên tinh thần để người bệnh lạc quan, phối hợp điều trị để người bệnh không phải rơi vào tình trạng hoảng loạn, trầm buồn, chán nản. Bởi nếu không làm như vậy, nhiều bệnh nhân rơi vào lo âu, nằm im không muốn nói, không giải tỏa được lo lắng, khó hợp tác và khiến cuộc điều trị khó khăn hơn.
Với những trường hợp xuất viện, nếu thấy người bệnh bị rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt trầm cảm sau khi khỏi bệnh Covid-19 thì nên đưa đi bệnh viện khám để được giúp đỡ và điều trị sớm, tránh bệnh nặng. Những bệnh nhân bị di chứng tâm lý nặng, không muốn nói chuyện với ai, không mở lòng ra thì nhân viên y tế và người nhà nên mát xa để các cơ người bệnh giãn ra, đồng thời, kiên nhẫn, khơi gợi để người bệnh dần chia sẻ những chuyện khó nói.
Ngoài ra, hiện nay, một nghiên cứu nhỏ tại Ý cho thấy những người bị trầm cảm sau khi hết Covid-19 có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến. Các bác sĩ đã điều trị bệnh nhân bằng một loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng rộng rãi thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Nhóm này bao gồm các thuốc như sertraline, paroxetine, fluoxetine… Nhóm thuốc SSRI có một số đặc tính chống viêm và kháng virus, giúp người bệnh phòng và tránh được các rối loạn tinh thần. Thông thường, khoảng 66% bệnh nhân trầm cảm cảm thấy cải thiện với SSRI. Tuy nhiên khi sử dụng SSRI với những người bị trầm cảm sau Covid-19, tỉ lệ này lên tới 91% sau 4 tuần điều trị. (2)
Ngoài trị liệu bằng cách trò chuyện, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo bác sĩ CKI Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh TP HCM, giai đoạn hậu Covid-19, người bệnh vẫn có thể còn những xáo trộn trong cơ thể về các chức năng chuyển hóa (thường gặp là tăng mỡ máu, tăng men gan, men tụy…), giảm chức năng hô hấp, tim mạch hay thận niệu, vì vậy nếu người bệnh cảm thấy có dấu hiệu “không khỏe” hoặc có gì bất thường thì cần tái khám và theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp hồi phục sức khỏe, cải thiện chức năng hoạt động, tăng cường sức đề kháng. Riêng bệnh nhân có bệnh nền mạn tính liên quan dinh dưỡng như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, gout… cần được theo dõi khẩu phần ăn phù hợp với chế độ dinh dưỡng tiết chế cho từng người bệnh.
Một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp hồi phục cơ thể, cải thiện tâm trạng gồm có nhóm các loại rau lá xanh (như rau ngót, mồng tơi, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền…); nhóm các loại củ quả có màu vàng cam hay đỏ (như cà rốt, đu đủ, khoai lang bí, cà chua, ớt chuông, dâu tây, trái bơ); flavonoid từ đậu nành, các loại hạt… Nhóm thịt, cá, trứng (đạm động vật nhiều dinh dưỡng), một ít rượu vang đỏ và chocolate đen cũng giúp giảm trầm cảm đáng kể.
BVĐK Tâm Anh triển khai chương trình chăm sóc, khám tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng hậu Covid-19 với đầy đủ các chuyên khoa sâu như: Hô hấp, Tim mạch, Nội tiết, Nội thần kinh, Đái tháo đường, Cơ xương khớp, Phục hồi chức năng, Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng… bên cạnh tư vấn, tầm soát thể chất, tâm lý, còn dự phòng các nguy cơ sức khỏe cho người bệnh, phòng tránh di chứng nặng của Covid-19. BVĐK Tâm Anh quy tụ các chuyên gia đầu ngành cùng hệ thống máy móc hiện đại, quy trình tầm soát bệnh lý, khám sức khỏe tổng quát hậu Covid-19 được thực hiện chuyên nghiệp, chất lượng và nhanh chóng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH