Vượt cạn thành công cho mẹ và thai giữa đại dịch Covid-19

05/11/2021

Người mẹ bị nhau tiền đạo có chảy máu, ngôi thai bất thường và thai nhi mắc dị tật bẩm sinh thoát vị rốn (là dị tật trong đó có ruột, có thể kèm cả gan, nằm ngoài khoang bụng thai nhi và nằm trong dây rốn) đã được hỗ trợ vượt cạn thành công, mẹ an toàn trong và sau mổ, bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh ở tuổi thai 38 tuần, tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.Hồ chí Minh.

Ngày 02/11/2021, thai phụ Trịnh Thu Hương (32 tuổi, ở Đắk Nông) nhập viện Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng mang thai 38 tuần, ngôi thai nằm ngang, nhau tiền đạo ra huyết, và thai nhi có dị tật bẩm sinh thoát vị rốn chứa gan và ruột. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cấp cứu cho thai phụ.

ca bệnh thoát vị rốn
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai cấp cứu vì nhau tiền đạo ra huyết và thai nhi có thoát vị rốn. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Ca mổ có một số khó khăn nhất định do mẹ có nhau tiền đạo có chảy máu, thai nằm ngang bất thường mà lại còn mang một khối thoát vị lớn ở bụng, nguy cơ mẹ bị mất máu nhiều trong mổ, nguy cơ thai bị sang chấn khi đưa thai ra khỏi tử cung… nhưng kíp mổ đã hoàn thành tốt ca mổ mà thai phụ không cần phải truyền máu, và sơ sinh ra khỏi bụng mẹ an toàn không sang chấn. 

Trước đó, ngay từ tuần thai thứ 12, thai phụ đã được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám và kết quả siêu âm 3 tháng đầu đã phát hiện có chồi nhỏ xíu ở phần bụng thai nhi tại vị trí rốn – tiền thân của thoát vị rốn. Trong quá trình theo dõi thai kỳ, khối thoát vị vùng bụng thai nhi ngày càng lớn, đồng thời sau 32 tuần phát hiện nhau thai nằm che một nửa lỗ trong cổ tử cung, nên thai phụ đã được các bác sĩ theo dõi sát thai kỳ và dự kiến mổ lấy thai chủ động.

ca bệnh thoát vị rốn
Bé gái có khối thoát vị được chuẩn bị phẫu thuật chào đời khỏe mạnh ở 38 tuần, nặng 2.930 gram.

Bé gái nặng 2.930 gram chào đời khỏe mạnh. Khối thoát vị rốn có đường kính 8x9x10 cm, trong khối thoát vị được ghi nhận sau sinh có chứa ruột, dạ dày, gan lộ ra ngoài thành bụng, nằm trong dây rốn… 

Ngay khi chào đời, tại phòng mổ, các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh đón bé, hồi sức và giữ ổn định mạch, huyết áp, thân nhiệt. Bé được bao trùm phần thân mình bằng một túi nylon vô trùng giúp giữ ấm và che chắn cho khối thoát vị tránh các va chạm bên ngoài, chuẩn bị cho bé được an toàn trên đường chuyển viện. Tình trạng sức khỏe bé được các bác sĩ sơ sinh đánh giá và duy trì ổn định tốt, nên chỉ vài giờ sau, bé đã được lên đường chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

ca bệnh thoát vị rốn
Bé sau sinh nằm tại phòng mổ BVĐK Tâm Anh trước khi chuyển viện.

“Nghe tiếng con khóc chào đời, bao nhiêu nỗi lo lắng căng thẳng từ đầu thai kỳ đã được giải tỏa, tôi bật khóc ngay trên bàn mổ”, chị Hương nói. Sản phụ cũng chia sẻ, sở dĩ chị quyết định từ Đắk Nông về TP.HCM sinh con vì biết Bệnh viện đa khoa Tâm Anh có đơn vị Sản-Nhi sơ sinh mạnh với nhiều chuyên gia giỏi, có thể xử trí những thai kỳ đặc biệt và chăm sóc sơ sinh tốt.

Trước đó, chị cũng đã theo dõi thai kỳ tại bệnh viện Tâm Anh và được các bác sĩ hội chẩn tiền sản quyết định cần phải thực hiện chọc ối để loại trừ các bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể, mặc dù trước đó chị đã làm xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn (NIPT) cho thấy thai nhi có nguy cơ rất thấp bất thường lệch bội nhiễm sắc thể (bất thường số lượng thừa hay thiếu nhiễm sắc thể) trước khi trở về quê tránh dịch Covid-19. 

“Lúc hay tin phải chọc ối để xét nghiệm về nhiễm sắc thể của con, cả hai vợ chồng tôi đều bang hoàng căng thẳng, liệu chọc ối có ảnh hưởng thai nhi hay không, có nguy cơ sảy thai làm mất con không?. Sinh con ở bệnh viện nào có đủ điều kiện để xử trí thai bất thường? Từ Đắk Nông xa xôi tìm đến TP.Hồ Chí Minh nên vợ chồng tôi muốn tìm một cơ sở y tế có đủ điều kiện để gửi gắm sinh mạng cả 2 mẹ con, nhất là cho con khi biết con bị thoát vị rốn”, chị Hương kể lại.

3 tuần trước thời điểm dự kiến mổ lấy thai, Trung tâm Sản phụ khoa và Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh đã hội chẩn liên khoa để có kế hoạch đón sơ sinh và chuẩn bị mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho bé, đồng thời hội chẩn với các đồng nghiệp chuyên khoa Ngoại Nhi bệnh viện Nhi đồng Thành phố để có sự phối hợp và lên kế hoạch hỗ trợ tiếp nhận sơ sinh bị thoát vị rốn chuyển viện đến.

Ngày 3/11 bé được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố đánh giá toàn trạng và khảo sát không thấy có bất thường nào khác đi kèm. Sáng ngày 4/11/2021, bé được phẫu thuật thành công, đưa toàn bộ khối thoát vị vào lại trong ổ bụng. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhi ổn định và theo dõi tiếp tục tại khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

ca bệnh thoát vị rốn
Bé gái con của sản phụ Hương được phẫu thuật thành công, đưa các tạng bị thoát vị trở lại đúng vị trí.

Thoát vị rốn là một dị tật bẩm sinh, cơ thành bụng tại lỗ rốn bị khiếm khuyết nên không khép kín được lỗ rốn và không đủ sức giữ các tạng dưới áp lực của ổ bụng, một số tạng trong ổ bụng bị thoát ra khỏi thành bụng thông qua chỗ cắm của dây rốn vào thành bụng. Tùy theo kích thước của lỗ này, một hay nhiều cơ quan bên trong ổ bụng (thường là ruột, có thể có cả gan, dạ dày…) sẽ thoát ra ngoài. Chúng được bao bọc bởi lớp thạch Wharton và bao của dây rốn. Trường hợp khối thoát vị quá lớn, túi thoát vị quá căng có thể nhìn thấy toàn bộ các thành phần bên trong túi, thậm chí có thể dẫn đến vỡ túi thoát vị. 

Khối thoát vị càng lớn việc sinh nở sẽ có các khó khăn nhất định, lại thêm nhau tiền đạo, thai nhi nằm ngang, nên việc theo dõi thai kỳ, siêu âm tiền sản, lựa chọn cách sinh, thời điểm sinh, nếu tình huống ra máu nhiều phải xử trí cấp cứu… là vấn đề không ít phức tạp căng não cho các bác sĩ Sản khoa và Sơ sinh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chưa kết thúc.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, thoát vị rốn có thể có thể có đi kèm hoặc là dấu chỉ điểm của bất thường về nhiễm sắc thể nên thai phụ được cần phải chọc ối để loại trừ những bất thường này. Rất may là kết quả xét nghiệm bộ nhiễm sắc thể thai nhi con của chị Hương hoàn toàn bình thường; vì vậy chị Hương trở về Đăk Nông và được các bác sĩ Sản khoa tại y tế địa phương theo dõi thai kỳ tiếp, đồng thời vẫn được các bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa của BVĐK Tâm Anh TP.HCM hậu thuẫn hỗ trợ theo dõi thai kỳ chị từ xa, trong nhiều tuần cao điểm của dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM. 

Và rồi 6 tuần trước ngày dự sinh, chị Hương đã quyết định khăn gói trở lại TP.Hồ Chí Minh và chọn BVĐK Tâm Anh là nơi mình sẽ sinh nở.

ca bệnh thoát vị rốn
Sản phụ Hương ngắm nhìn ảnh con gái, vui mừng khi nghe tin con đã trải qua ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Phong Lan.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, tỷ lệ trẻ mắc dị tật bẩm sinh ở nước ta còn khá cao. Nguyên nhân của các dị tật bẩm sinh có thể do di truyền, đột biến nhiễm sắc thể, thai phụ tiếp xúc với hóa chất hoặc tia xạ trong lúc mang thai, sử dụng thuốc không đúng…

Thai nhi là một “bệnh nhi” được bao quanh bởi nước ối và che phủ bởi tử cung và thành bụng của người mẹ, rất khó tiếp cận. Trước đây các dị tật của bào thai chỉ được nhìn thấy khi trẻ chào đời. Các thành tựu quan trọng và tiến bộ vượt bậc của Siêu âm tiền sản hiện nay đã góp phần rất quan trọng trong chăm sóc mẹ và bé trước sinh, giúp phát hiện dị tật thai ngay từ trong bụng mẹ, nhờ đó các bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời.

Siêu âm chẩn đoán trước sinh và xử trí các bất thường trong chăm sóc tiền sản là cuộc cách mạng lớn trong sản khoa nói chung và y học bào thai nói riêng. Siêu âm Doppler thai đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi, giúp can thiệp đúng thời điểm trường hợp thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong chu sinh. Kỹ thuật siêu âm 3D, 4D góp phần to lớn trong khảo sát hình thái học thai nhi giúp phát hiện sớm và gần như chính xác các dị tật hình thể thai từ 3 tháng giữa.

Hiện nay siêu âm quý 1, thời điểm 12-13 tuần đã có thể giúp phát hiện được một số các dị tật của hộp sọ, cột sống, tứ chi, thành bụng trong đó có thoát vị rốn… Nếu thai nhi được phát hiện có dị tật, bác sĩ sẽ thảo luận với thai phụ và gia đình để quyết định tiếp tục theo dõi hoặc nên dừng thai kỳ lại. Với các dị tật thai nhi liên quan tim mạch, hở thành bụng, nứt cột sống… bác sĩ sản khoa sẽ hội chẩn với các chuyên khoa liên quan để lên kế hoạch có thể điều trị tiếp tục cho bé sau sinh.

“Với thế mạnh là bệnh viện đa khoa với nhiều chuyên khoa như Sản Phụ khoa, Chẩn đoán hình ảnh với siêu âm tiền sản, Sơ sinh, Tim mạch và siêu âm tim thai, Hồi sức  tích cực, Phẫu thuật và gây mê hồi sức, Cấp cứu, Trung tâm xét nghiệm… bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã phối hợp hội chẩn và xử trí thành công nhiều trường hợp sơ sinh mắc  dị tật bẩm sinh được phát hiện từ trong bào thai, như bệnh tim bẩm sinh não úng thủy, thoát vị rốn,…”, bác sĩ Mỹ Nhi cho biết thêm.

ca bệnh thoát vị rốn
BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh thăm khám cho sản phụ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, trong quá trình mang thai, thai phụ cần được thăm khám ở các cơ sở có chuyên khoa Sản Phụ khoa, cần tuân thủ các hướng dẫn về lịch khám thai, thời điểm thực hiện các khảo sát bất thường cho thai và mẹ…

“Ý thức được tầm quan trọng và tuân thủ đúng lịch theo dõi thai định kỳ, thực hiện tầm soát trước sinh, xử trí bất thường trong chăm sóc tiền sản, được tham vấn với các bác sĩ Sản Phụ khoa, nhận diện được triệu chứng bất thường của mẹ và thai… sẽ giúp thai phụ an tâm và vượt cạn thành công, giúp thiên thần nhỏ chào đời bình an vô sự”, bác sĩ Mỹ Nhi cho biết.

Hằng năm, Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, và số trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/33. Nghĩa là, cứ 13 phút lại có một trẻ bị dị tật bẩm sinh chào đời. Trong đó, có tới 11% trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh còn cao là do nhiều thai phụ chưa quan tâm đến việc tầm soát, sàng lọc và chẩn đoán tiền sản, trong khi đây được xem là nền tảng quan trọng cho một thai kỳ an toàn và em bé chào đời khỏe mạnh.

Để giảm thiểu tỷ lệ này, các chuyên gia Sản Phụ khoa khuyến cáo thai phụ cần kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm, tận dụng “giai đoạn vàng” xử trí kịp thời các bất thường trong chăm sóc tiền sản.

Những dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh là gì? Yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh? Các mốc khám thai quan trọng nào giúp tầm soát và phát hiện sớm dị tật thai nhi? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề: “Tầm soát trước sinh & Xử trí các bất thường trong chăm sóc tiền sản” với sự tham gia của các chuyên gia Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM:

  • BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa
  • ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa
  • BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa

Chương trình diễn ra vào 20h thứ 6, ngày 5/11/2021, trực tiếp trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các fanpage VNVC – Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn; BVĐK Tâm Anh, IVF Tâm Anh, Trung tâm Sản Phụ khoa Tâm Anh, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh, cùng các kênh Youtube BVĐK Tâm Anh, VNVC.

Bạn có thể gửi câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

14:07 19/05/2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM