“Trẻ hóa” mạch máu tắc nghẽn nặng cho cụ bà 82 tuổi bị suy thận, suy tim

18/10/2022

Nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch dẫn đường, bác sĩ bệnh viện Tâm Anh TP HCM đã can thiệp đặt stent kích thước lớn, tái thông lòng mạch cho cụ bà bị xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn đến 90%. 

trẻ hóa mạch máu

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, ekip đã đặt stent thành công cho bệnh nhân Đoàn Ngọc Lam (82 tuổi, ngụ TP HCM) bị tổn thương nặng ở động mạch liên thất trước đoạn gần, giúp tái thông mạch vành và “trẻ hóa” mạch máu cho bệnh nhân, ghi nhận đường kính trung bình lòng mạch sau đặt stent lên đến 5.0 mm.

Trước đó, bệnh nhân Lam nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho khan, khó thở, suy hô hấp, được bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tích cực cứu chữa. Do bị viêm phổi nặng, bệnh nhân phải thở oxy lưu lượng cao (HFNC), sử dụng kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng; song song đó bệnh nhân được bác sĩ điều trị suy tim, rung nhĩ, lợi tiểu và kháng đông để phòng ngừa cục huyết khối di chuyển lên não gây đột quỵ.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, được biết bệnh nhân có biểu hiện bỏ ăn, nói khó; tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer), suy thận mạn và suy tim. Do đó sau khi được điều trị nội khoa có kết quả tốt hơn, ổn định sinh hiệu, bác sĩ chỉ định chụp mạch vành bằng kỹ thuật Cardiac Swing nhằm sử dụng tối thiểu thuốc cản quang, giảm ảnh hưởng đến thận.

Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị xơ vữa động mạch tại vị trí động mạch liên thất trước đoạn gần, gây hẹp lên đến 90%. Vì là mạch máu cung cấp nhiều máu nhất cho vùng cơ tim, bệnh nhân cần được can thiệp tái thông mạch vành càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong.

“Mặc dù bệnh nhân đã được điều trị nội khoa ổn định, tuy nhiên do mắc bệnh Alzheimer nên chúng tôi gặp một chút khó khăn trong giao tiếp, bệnh nhân không chịu hợp tác. Vì vậy, đáng lẽ chỉ cần gây tê cho thủ thuật đặt stent thì bệnh nhân được ekip thực hiện gây mê bằng phương pháp đặt mask thanh quản. Đây cũng là một phương pháp hay, hỗ trợ hô hấp tối ưu ít xâm lấn nhất, thay vì dùng phương pháp đặt nội khí quản”, bác sĩ Long chia sẻ.

Dưới sự hướng dẫn của IVUS – công nghệ siêu âm trong lòng động mạch, bác sĩ lựa chọn stent kích thước 4.0 mm và cẩn trọng luồn stent đến vị trí động mạch liên thất trước đoạn gần, thực hiện nong nóng với áp lực 18 atm. Trải qua hơn 30 phút can thiệp, mạch máu của bệnh nhân được tái thông thành công, với kích thước lòng động mạch liên thất trước đoạn gần đạt từ 4.8 mm đến 5.2 mm. Bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ra viện sau 3 ngày can thiệp.

lòng động mạch liên thất
Hình ảnh lòng động mạch liên thất trước đoạn gần sau khi được đặt stent (hình ảnh từ IVUS) có kích thước lên đến 5.2 mm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Áp dụng kỹ thuật mới tạo nên stent “khổng lồ”

Theo bác sĩ Trần Thế Vinh, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM – thuộc ekip thực hiện ca can thiệp, đây là một stent có kích thước “khổng lồ” đối với một bệnh nhân đã lớn tuổi như thế này và có độ hẹp đến 90%, nghĩa là kích thước lòng mạch trước can thiệp chỉ khoảng dưới 1.0 mm. Sau can thiệp, lưu lượng máu chảy qua đoạn gần động mạch liên thất trước gần như về bình thường, tại thời điểm bệnh nhân chưa bị xơ vữa động mạch.

“Ở những bệnh viện không được trang bị IVUS, hầu như các bác sĩ sẽ không dám chọn kích thước stent lớn như vậy bởi việc lựa chọn stent lúc này dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Ở phương pháp cũ, bác sĩ sẽ dùng phần mềm để đo thủ công kích thước lòng mạch và ước lượng kích thước stent đặt thông qua hình chụp CT. Điều này dẫn đến việc chọn stent không tối ưu và khả năng tái hẹp trong stent khá cao. Khi đó, bệnh nhân có thể gặp các cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim và thậm chí là tử vong nếu không được can thiệp tái đặt stent kịp thời.

Ở trường hợp của bệnh nhân Lam, nếu dựa vào hình chụp mạch vành thông thường, bác sĩ chỉ ước tính đặt stent cỡ 3.5 mm. Nhưng với sự giúp sức của IVUS, bác sĩ thấy được khả năng đặt stent lên đến hơn 4.5 mm với đường kính mạch máu thật sự của bệnh nhân có thể lên hơn 5.0 mm nên quyết định chọn stent cỡ lớn và nong lên kích thước 4.8-5.2 mm. Chọn lựa stent ngắn và lớn thì nguy cơ tái hẹp trong stent càng thấp”, bác sĩ Vinh cho biết.

Bác sĩ Vinh giải thích, sở dĩ chọn stent 4.0 mm nhưng có thể nong lên kích thước 5.0 mm là vì bệnh nhân được bác sĩ đặt loại stent thế hệ mới có độ đàn hồi thấp. Điều này giúp stent không bị gãy hoặc co lại do đàn hồi của mạch máu; thậm chí một stent kích thước 3.5 mm có thể nong lên thành stent 5.0 mm mà không bị gãy. Stent thế hệ mới có thuốc phủ chống viêm, chống tái hẹp hiệu quả hơn thế hệ cũ, do đó hạn chế tối đa tình trạng tái hẹp.

đặt stent thế hệ mới
Các bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện đặt stent thế hệ mới cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngoài ra, các bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM còn áp dụng công nghệ StentBoost Live trong quá trình nong bóng, can thiệp đặt stent để có được kết quả tốt nhất. Trước khi có công nghệ này, bác sĩ phải dựa vào kinh nghiệm của chính mình để biết được bóng nằm trong stent hay không, vì ở các thiết bị cũ hiển thị hình ảnh động mạch với chất lượng rất thấp. Với Stent Boost Live, bác sĩ có thể nong bóng dưới sự hướng dẫn của hình ảnh có độ phân giải cao, hỗ trợ trực tiếp trong thời gian thực. Bác sĩ hoàn toàn thấy rõ đầu stent, đầu bóng nằm trong stent, từ đó giúp thực hiện chính xác thao tác làm phồng bóng để đẩy stent áp sát vào thành mạch máu.

“Việc sử dụng công nghệ StentBoost Live để được hướng dẫn nong bóng trong quá trình đặt stent là điều rất quan trọng. Bởi nếu bác sĩ nong bóng ngoài stent thì sẽ có nguy cơ gây tổn thương (bóc tách) những mạch máu bình thường xung quanh, gây tăng nặng tình trạng bệnh. Áp dụng StentBoost Live để bác sĩ luôn cho bóng nằm trong vị trí của stent”, bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

10:28 18/10/2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM