Đặt 5 stent tái thông 3 nhánh mạch máu tim hẹp nặng

28/03/2023

Bệnh nhân đau thắt ngực từng cơn, được phát hiện hẹp nặng toàn bộ mạch máu chính nuôi tim, tiên lượng tử vong nếu không kịp thời tái thông dòng máu.

đặt 5 stent hồi sinh mạch máu

Một ngày sau ca can thiệp đặt 5 stent tái thông mạch máu tim, ông Nguyễn Văn Dinh (65 tuổi, ngụ Ninh Thuận) không còn bị những cơn đau ngực hành hạ. Ông đi lại, sinh hoạt bình thường và ăn uống ngon miệng hơn, liên tục cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực giúp ông vượt cửa tử.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: “Từ triệu chứng đau ngực của bệnh nhân, chúng tôi nhanh chóng kiểm tra thì nhận thấy tim bị thiếu máu nuôi trầm trọng. Tiến hành chụp mạch vành phát hiện các mạch máu chính nuôi tim hẹp nặng, nếu không tái thông có nguy cơ tắc hoàn toàn, bệnh nhân sẽ bị đột tử”.

Từ đầu tháng 3, ông Dinh thường xuyên đau ngực trái từng cơn khi nghỉ, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút, lan sang hai bên ngực kèm khó thở, mỗi ngày 3-4 cơn. Nhập viện tại địa phương, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh mạch vành. Bác sĩ điều trị nội khoa, theo dõi đau ngực, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân kiểm tra chuyên sâu ở bệnh viện tuyến trên.

Sau vài ngày uống thuốc theo toa, tình trạng đau ngực không cải thiện, ông Dinh vào TP.HCM thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau khi siêu âm tim, chụp CT và chụp mạch vành, bác sĩ phát hiện ông bị hẹp nặng thân chung và cả 3 nhánh mạch vành (trên 90%). Ngoài ra, các nhánh mạch máu nuôi tim còn bị vôi hóa rất nhiều. Nếu để thêm một thời gian nữa, “ngã ba” thân chung có nguy cơ tắc hoàn toàn, ngăn máu đến nuôi tim, bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim và tử vong trước khi đến viện.

hình ảnh mạch máu bị tắc hẹp
Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy các mạch máu chính nuôi tim hẹp nặng (hình A) và được nong mở rộng tái thông dòng máu sau can thiệp (hình B)

Trường hợp hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành, các bác sĩ Nội tim mạch, Ngoại tim mạch và Can thiệp mạch hội chẩn khẩn, quyết định thực hiện phẫu thuật bắc cầu cho bệnh nhân. Chỉ trong một cuộc mổ, bác sĩ có thể tạo nhiều cầu nối qua những đoạn mạch bị hẹp đưa máu đến nuôi tim. Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ của cuộc mổ, bệnh nhân mong muốn được đặt stent tái thông mạch máu bằng kỹ thuật ít xâm lấn.

Nhờ hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ bác sĩ thực hiện những kỹ thuật phức tạp cùng kinh nghiệm đặt stent thành công cho những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, hẹp nghẽn nặng trước đó, các bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch tự tin thực hiện ca thủ thuật đặt 5 stent cho bệnh nhân. Theo đó, bác sĩ tiến hành đặt 4 stent tái thông hai nhánh mạch vành bên trái trước, và 1 stent còn lại nong mạch vành phải được đặt sau 1 tuần khi sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Với sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), các bác sĩ đo đạc chính xác kích thước lòng mạch, chọn stent đường kính lớn và lần lượt nong 4 stent đến kích thước tối ưu tại vị trí thân chung, động mạch mũ và động mạch liên thất trước phòng ngừa tái hẹp.

Tại đoạn hẹp thân chung vị trí chia nhánh, bác sĩ cẩn trọng sử dụng kỹ thuật DK Crush (Double Kissing Crush) cùng lúc nong cả 2 nhánh mạch máu. Đầu tiên, bác sĩ tiến hành đưa dây dẫn vào cả 2 nhánh hẹp và nong bóng, sau đó đặt stent từng nhánh ngay tại chỗ phân chia. Sau đó, ekip tiến hành nong cùng lúc cả 2 stent ở cả 2 nhánh nhằm đảm bảo chúng đều nở tốt, áp sát thành mạch, phòng ngừa tái hẹp sau đặt stent. Đây là kỹ thuật tối ưu để can thiệp những trường hợp hẹp thân chung phức tạp mà bắt buộc phải giữ đường vào cả hai nhánh mạch vành.

đặt stent nong mạch máu
Các bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch tiến hành đặt stent nong mạch máu tim hẹp nặng cho bệnh nhân.

ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trường hợp hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành như ông Dinh có nhiều rủi ro khi đặt stent. Chẳng hạn, khi đưa dây dẫn vào nong mạch, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim; đồng thời đưa bóng vào chỗ hẹp khít có thể làm ngưng tim. Do đó, quá trình đưa bóng vào – rút bóng ra phải tiến hành thật nhanh và nong nhiều nhát, tức là vừa nong bóng phải vừa theo dõi huyết áp có tụt không, nhịp tim có chậm hay không. Đồng thời, cần chọn bóng có kích thước vừa phải, vì nếu bóng to quá sẽ dễ gây tổn thương mạch máu, và ngược lại bóng nhỏ quá sẽ không nong stent mở rộng tối đa phòng tái hẹp sau này.

Một nguy cơ nữa xảy ra trong lúc can thiệp, đó là tắc nhánh mạch máu bên (nhánh phụ). Nguyên do là khi đưa stent vào nhánh chính và nong bóng, stent sẽ nở to đè ép nhánh phụ. Nhiều trường hợp nhánh phụ bị tắc gây nhồi máu cơ tim dẫn tới vỡ tim. Cho nên, ekip thao tác khéo léo để vừa cứu được nhánh chính vừa bảo tồn được nhánh bên. “Đây là thách thức lớn nhất của cả êkip, và chúng tôi vượt qua bằng cách đặt một dây wire bảo vệ vào nhánh phụ nhằm tạo một khoảng không gian, giúp nhánh này không bị stent đè ép hoàn toàn. Bên cạnh đó, nếu chẳng may nhánh phụ bị ép chặt thì vẫn còn dây wire dẫn đường cho bác sĩ nong bóng lên trở lại, tránh không bị tắc”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Ca thủ thuật thành công, bệnh nhân được đặt 3 stent đường kính 4.0mm và 1 stent có đường kính 3.5mm ở 2 nhánh mạch vành bên trái. Một tuần sau đó, bác sĩ tiếp tục đặt stent thứ 5 tái thông nhánh mạch vành phải. Kết quả chụp mạch vành kiểm tra sau thủ thuật cho thấy cả 5 stent hoạt động hiệu quả, máu lưu thông tốt, bệnh nhân hết hẳn đau ngực.

Bác sĩ Minh thông tin, stent sau đặt vẫn có nguy cơ tái hẹp (tỷ lệ 5 – 10% đối với stent phủ thuốc thế hệ mới, chủ yếu từ 3 – 12 tháng sau khi đặt). Để giảm thiểu nguy cơ này, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ, uống thuốc theo toa của bác sĩ, tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ ăn có lợi cho tim mạch, tránh thừa cân – béo phì, kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…

09:30 28/03/2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM