Bác sĩ ICU như một quyển sách, mỗi trang giấy chứa một câu chuyện tóm tắt về 1 người bệnh.
Ngồi lắng nghe bệnh nhân hàng giờ
Câu hỏi mà nhiều người bệnh khi nhập viện đều hỏi bác sĩ Khương: “Bác sĩ ơi, tôi còn sống được bao lâu? Tiêm thuốc mê xong tôi có tỉnh lại được không?”. Điều anh có thể làm ngay lúc đó là vận dụng mọi kiến thức và kinh nghiệm của mình để ra sức cứu sống bệnh nhân.
Sau những giờ căng thẳng chiến đấu với tử thần, anh sẽ ngồi cạnh bệnh nhân của mình để nghe họ kể chuyện. “Có những người sống hơn 60 tuổi đời, nhưng khi chắt lọc lại, bệnh nhân chỉ nói ra vỏn vẹn vài ba câu là đủ.
Cũng có những người lại kể rất nhiều, người bệnh muốn kể cho mình nghe những thứ đáng giá nhất của cuộc đời họ, từ quá trình trưởng thành cho đến khi lấy vợ sinh con. Dường như họ đang tóm tắt lại cuộc đời của mình.” Những mẩu chuyện ấy được bác sĩ Nguyễn Duy Khương cất giữ trong mình, sắp xếp và trân quý.
Hơn 2 năm làm việc tại khoa ICU, giành lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh trong cơn nguy kịch. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất với bác sĩ Khương có lẽ là cảnh gia đình bệnh nhân đoàn tụ, đón người thân mạnh khỏe về nhà.
Tuy nhiên, cũng có những lúc khiến anh phải chững lại, đó là câu chuyện của một bệnh nhân ở tỉnh xa. Người bệnh đến cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, đái tháo đường lâu năm, suy tim, suy thận mạn. Trên kết quả X-Quang, lá phổi người bệnh hầu như đã hỏng toàn bộ, kết quả xét nghiệm các cơ quan khác cũng trong tình trạng tương tự.
“Chính người bệnh họ có thể tự cảm nhận vấn đề của cơ thể mình. Tôi không thể quên được ánh mắt của người bệnh ấy, chứa đầy hy vọng và khao khát được sống. Mỗi lần nhớ lại, nó thôi thúc tôi học và nghiên cứu, để giúp đỡ nhiều bệnh nhân hơn.”, bác sĩ Khương ngậm ngùi kể lại.
Bác sĩ ICU và những thử thách
Đam mê với bộ môn sinh học khi còn nhỏ, cùng tính cách ham học hỏi, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Khương đã xác định theo đuổi ngành Y. Mục tiêu đã quyết không hề do dự, anh liên tục đậu trường chuyên cấp 2, cấp 3 ở tỉnh Tây Ninh. Năm 2016, anh tốt nghiệp Bác sĩ Y Đa khoa tại Đại học Y Dược TP.HCM.
Vì mong muốn được cọ xát và làm việc trong môi trường năng động, là sinh viên mới ra trường, anh đã xin làm tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Hàng ngày, anh tiếp nhận hơn 100 ca bệnh nguy kịch, khẩn cấp, từ một người ít nói trở thành người hoạt ngôn, nhanh nhẹn lúc nào không hay.
Hơn 2 năm làm tại khoa Cấp cứu, anh chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, làm việc liên tục trong 12 tiếng, có khi làm xuyên đêm. Những khó khăn vất vả không làm anh nản lòng. Nhận thấy nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục tại khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU). Ngưỡng mộ cùng sự thôi thúc học hỏi kiến thức, anh đã xin được làm việc tại khoa ICU.
Nhiều kiến thức chuyên sâu về y khoa, kèm hàng chục loại máy móc trở thành những thách thức bước đầu của anh. Là người ham học hỏi lại không ngại khó khăn, vừa làm vừa học từ những bác sĩ “cây đa, cây đề” trong ngành. Anh dành trọn thời gian của mình để làm, học và nghiên cứu về ICU.
Năm 2020 anh tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 1, chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu tại Đại học Y Dược TP.HCM. Với anh, học hỏi sẽ tạo sự mới mẻ trong cuộc sống, kiến thức nhiều vô tận nên việc học sẽ không bao giờ ngừng.
Thử thách thứ hai anh phải đối diện khi làm việc tại khoa ICU là vững tâm lý. Hàng ngày, anh tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nguy kịch như suy tim, suy thận, biến chứng đái tháo đường, suy phổi, có nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng phổi, thận gần như không còn khả năng hoạt động, hoàn toàn phải phục thuộc vào máy chạy thận, máy ecmo (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể)…
Hiện bác sĩ CKI Nguyễn Duy Khương đang công tác tại khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Với anh, được làm việc cùng các chuyên gia giỏi hội tụ và hệ thống máy móc hiện đại chuẩn Âu – Mỹ, là niềm tự hào và mong ước để anh có thể cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa.
xem thêm