Bệnh ho gà có lây không? Ho gà – một bệnh lý viêm đường hô hấp thường xảy ra vào mùa hè. Bệnh khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng và đe dọa tính mạng, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Ho gà là bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn Bordetella Pertussis. Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, vi khuẩn ho gà sẽ bám vào lông mao ở đường hô hấp trên, giải phóng độc tố gây tổn thương, sưng, viêm tại các khu vực này. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được gây nên tình trạng khó thở khi ho và nôn mửa sau cơn ho.
Ban đầu, bệnh nhân ho gà có các biểu hiện khá giống với cảm lạnh thông thường, gồm: sổ mũi, nghẹt mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, sốt và ho khan. Sau đó khoảng 1 – 2 tuần, các triệu chứng trở nên nặng hơn. Dịch nhầy đặc tích tụ đặc bên trong đường thở. Cơn ho dữ dội, kéo dài có thể kích thích nôn ói, thở nhanh, thở gấp. Sau cơn ho, bệnh nhân có thể phát ra âm nhanh nghe như tiếng rít khi hít vào. (1)
Một số trường hợp bệnh không có triệu chứng điển hình. Tình trạng này thường xảy ra ở thanh thiếu niên, người trưởng thành, có hệ miễn dịch tốt. Lúc này, cơn ho dai dẳng có thể là dấu hiệu nhiễm bệnh duy nhất.
Có. Cơ thể người là vật chủ duy nhất của vi khuẩn ho gà. Trong đó, trẻ em là nguồn bệnh chủ yếu. Nguy cơ bị nhiễm bệnh lên đến 80% khi sinh sống trong cùng một hộ gia đình với người bệnh. Ho gà là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng với nguy cơ bùng phát thành dịch cao. (2)
Trước khi có vaccine phòng ngừa ho gà, dịch bệnh ho gà được ghi nhận có tính chu kỳ khoảng 3 – 4 năm ở nhiều nước. Vào năm 1970, với sự hỗ trợ tích cực của các loại vaccine, tỷ lệ mắc ho gà đã giảm xuống 100 – 150 lần. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XX, số bệnh nhân mắc ho gà không ngừng tăng. Từ năm 1992 – 1994, trên Thế giới đã ghi nhận có hơn 15.386 trường hợp mắc phải với tỷ lệ tử vong lên đến 0.2%. Trong đó, có đến 50% bệnh nhân chưa chích ngừa vaccine phòng bệnh ho gà.
Tại Việt Nam, trước khi thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), dịch bệnh ho gà thường xuất hiện ở vùng núi và những khu vực có trình độ kinh tế – xã hội còn thấp. Đa số các ca mắc có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong do bội nhiễm cao, xuất hiện biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Từ năm 1986, khi chương trình TCMR được triển khai trên phạm vi cả nước, hầu hết trẻ dưới 1 tuổi đều đã được tiêm đủ 3 mũi phòng ngừa 3 bệnh (bạch hầu – ho gà – uốn ván). Điều này giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh ho gà một cách rõ rệt. Thống kê cho thấy, số ca mắc trung bình của cả nước trong giai đoạn 1991 – 1995 giảm còn 7.7/100.000 dân.
Bệnh ho gà chủ yếu lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa tác nhân gây bệnh được phát tán ra bên ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Ngoài ra, bệnh có thể được lây lan do tiếp xúc với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi nôn, khạc nhổ.
Bệnh ho gà bắt đầu lây lan khoảng từ 2 tuần trước khi xuất hiện triệu chứng ho. Giai đoạn này được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm nhất. Người bệnh không có biểu hiện bệnh, do đó không nhận ra mình mắc bệnh để thực hiện các biện pháp cảnh pháp, phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng. Nguy cơ lây bệnh sẽ giảm xuống, gần như không còn khả năng lây lan khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng kháng sinh đủ 5 ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên Thế giới có khoảng 30 – 50 triệu ca mắc ho gà và có đến 300.000 người tử vong do bệnh này. Phần lớn các trường hợp tử vong do bệnh ho gà là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, ho gà ở trẻ sơ sinh có thể không có biểu hiện ho. Thay vào đó, trẻ sẽ có biểu hiện khó thở, thậm chí rơi vào tình trạng ngưng thở. Điều này cho thấy, bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là vô cùng nguy hiểm. Bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao, điển hình như viêm phổi, co giật, tổn thương não, thậm chí là đe dọa tử vong.”
Tiêm phòng vaccine đầy đủ là đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà. Một số vaccine phòng ngừa ho gà hiện có:
Vaccine ngừa bệnh ho gà được tiêm phòng sớm nhất khi trẻ được 2 tháng tuổi. Do đó, đối với thai phụ, khi bước vào 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ nên tiêm phòng vaccine ngừa ho gà nhằm bổ sung kháng thể cho trẻ, bảo vệ trẻ trong những ngày đầu đời cho đến khi trẻ đủ tháng để tiêm vaccine. Thanh niên, người lớn, đặc biệt là các thành viên trong gia đình cần chú ý tiêm nhắc bệnh ho gà để giảm nguy cơ mắc cho trẻ.
Hiện các loại vaccine này đang có sẵn tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo các yếu tố vệ sinh cũng giúp ngăn ngừa ho gà hiệu quả. Bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, sau đó, vứt giấy đã dùng vào thùng rác ngay lập tức. Trẻ nên rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn đúng cách, đặc biệt trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi, hay đi vệ sinh. Ngoài ra, trẻ cần được ăn uống đủ chất mỗi ngày, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, cân bằng giấc ngủ để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Có. Trẻ đã tiêm phòng vaccine ngừa bệnh ho gà vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh này. Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bệnh ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khảo sát cho thấy ở những người đã tiêm vaccine ngừa bệnh ho gà, các triệu chứng thường không có diễn tiến nặng, cơn ho không kéo dài nhiều ngày, ít khi gặp tình trạng rít sau khi ho, nôn, ngừng thở hay da tím tái. Do đó, tiêm phòng vaccine là vô cùng quan trọng. Mặc dù vaccine không mang lại hiệu quả ngừa bệnh 100%, cần được tiêm nhắc định kỳ như việc tiêm phòng đủ mũi và đúng lịch sẽ giúp giảm nguy cơ mắc và các rủi ro khi mắc bệnh.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ về mức độ nguy hiểm cũng như có câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh ho gà có lây không?”. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh ho gà. Do đó phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp ngừa bệnh và nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.