Chăm sóc trẻ sinh non để trẻ phát triển khỏe mạnh là “cuộc chiến” của các y bác sĩ, không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm mà cần đến kỹ thuật cao, máy móc hiện đại.
Việt Nam đứng thứ 21 trên thế giới về số lượng trẻ sinh non. Trẻ sinh non luôn phải đối mặt với nguy cơ tử vong và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguy cơ được cải thiện khi tuổi thai lúc sinh tăng, mỗi tuần được ở trong bụng mẹ sẽ tăng thêm khả năng sống và giảm thiểu bệnh cho bé.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lúc 25 tuần là 12,1%, so với trẻ lúc 32 tuần chỉ còn 0,2% và con số này là 0% nếu trẻ được sinh lúc 34 tuần. Các bệnh như xuất huyết não thất, tăng áp lực động mạch phổi, viêm ruột hoại tử cũng giảm theo mỗi tuần tuổi thai, từ 54,8% lúc 25 tuần xuống chỉ còn 8,7% lúc 32 tuần.
Sinh non đang có chiều hướng gia tăng, trở thành hiện tượng phổ biến toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non, chiếm tỷ lệ hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ba phần tư trong số những trẻ kém may mắn đó có thể tiếp tục sống nếu được hỗ trợ can thiệp y tế ngay từ giai đoạn đầu.
Để hạn chế nguy cơ, việc điều trị dự phòng sinh non bằng các phương pháp y học hiện đại, kiểm soát tốt thai kỳ thực sự cần thiết. Trong đó, cần tập trung vào dự phòng sinh non ở thai phụ có nguy cơ sinh non cao, dự báo thời điểm chuyển dạ thật sự ở những trường hợp dọa sinh non để can thiệp, tối ưu hóa hiệu quả các can thiệp chính là cách để giảm số ca sinh non.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết: “Có một số yếu tố thường gặp có thể gây sinh non như do thai kỳ (vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng), do mẹ (có bệnh lý nguy cơ như cao huyết áp, viêm ruột thừa, hở eo tử cung, tiền căn sinh non hoặc lao động nặng nhọc quá sức, ăn uống kém dinh dưỡng…) và do nhau (nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau… Tại Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi xây dựng phác đồ tiếp cận các trường hợp dọa sinh non nhằm tiên lượng sớm nguy cơ sinh non. Đồng thời, bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên sâu, bác sĩ có thể lập kế hoạch can thiệp nhằm trì hoãn chuyển dạ, giảm thiểu tử suất và bệnh suất sơ sinh.
ThS.BS Cao Thị Thúy Hà – Bác sĩ khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo: “Việc theo dõi thai kỳ là rất cần thiết giúp phát hiện các diễn biến bất thường của cơ thể trong quá trình khám thai và siêu âm. Từ đó kịp thời phát hiện những biểu hiện dọa sinh non để nhanh chóng có biện pháp ứng phó. Thai phụ và gia đình nên tham vấn ý kiến chuyên môn của bác sĩ sản – nhi sơ sinh nếu có dấu hiệu bất thường để chủ động chuẩn bị kế hoạch sinh tốt nhất cho mẹ bà bé.
“Nếu cần thiết nên chuyển thai phụ có nguy cơ sinh non tới cơ sở y tế có hồi sức sơ sinh, không nên đợi sinh bé ra mới chuyển vì bé có thể tử vong trên đường đi. Việc hội chẩn kỹ giữa bác sĩ sản, hồi sức sơ sinh, điều dưỡng sẽ đưa ra phương án tốt nhất cho mỗi trường hợp tùy vào từng thể trạng của mẹ và bé”, ThS Cao Thúy Hà nhấn mạnh.
Xem thêm: TÂM THƯ XÚC ĐỘNG TỪ NGƯỜI CHA CỦA EM BÉ BỊ MẮC TIM BẨM SINH
Theo thống kê, cứ 100 trẻ sinh ra và sống được thì có tới 12 trẻ sinh non. Tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng thấp dưới 1000 gram và dưới 28 tuần có xu hướng gia tăng. Trẻ sinh non dưới 32 tuần thường đối diện với các nguy hiểm đe dọa tính mạng như hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp. Mỗi độ C thân nhiệt trẻ giảm làm tăng tỷ lệ tử vong thêm 28%.
Các trẻ sinh non dưới 37 tuần và trên 22 tuần, với cân nặng dưới 2500 gram có thể xảy ra biến chứng ngay từ khi mới lọt lòng như suy hô hấp, viêm phổi, loạn sản phế quản phổi; viêm ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng máu, huyết áp thấp; chậm phát triển, hệ miễn dịch kém; kém phát triển về thị giác, thính giác: Bại não, xuất huyết não, dễ đối diện với hội chứng đột tử trẻ sơ sinh…
Trẻ sinh non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ nhanh, nguy cơ nhiễm trùng cao, tất cả các chức năng đều chưa hoàn thiện nên gần như không thể tự chủ. Ngay khi vừa sinh ra, nếu không được hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì trẻ khó giữ được tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề nếu may mắn sống sót.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh áp dụng phác đồ “giờ vàng”, tập hợp những biện pháp kỹ thuật cao cấp, kỹ năng hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non tích cực trong 60 phút đầu sau sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ di chứng về sức khỏe cho trẻ. Quy trình hồi sức được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác bởi các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm nuôi sống trẻ sinh non và cực non, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của thiết bị máy móc chuyên dụng, hiện đại. Đặc biệt, ekip hồi sức cấp cứu sơ sinh luôn hội chẩn và tiên lượng các khả năng xảy ra, chủ động chuẩn bị tất cả các phương án. Mục tiêu của các y bác sĩ không chỉ là cứu sống em bé mà còn đảm bảo giảm thiểu tối đa nguy cơ di chứng cho sức khỏe của trẻ về sau.
TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Phác đồ giờ vàng chưa được triển khai rộng rãi do nhiều đơn vị chưa có đầy đủ thiết bị máy móc chuyên dụng hiện đại, chưa có chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm thực hiện và quy trình gắn kết chặt chẽ giữa sản – nhi sơ sinh. Thực hiện hồi sức cấp cứu được thực hiện ngay trong giờ đầu tiên sau sinh, ngay tại phòng sinh và tại khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là quy trình lý tưởng giúp cứu sống và giảm thiểu các nguy cơ biến chứng thường gặp ở trẻ sinh non”.
ThS.BS Nguyễn Thu Vân – Phó trưởng khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: “BVĐK Tâm Anh làm chủ phương pháp điều trị, chăm sóc trẻ sinh non ít xâm lấn. Trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng tĩnh mạch. Bác sĩ đặt catheter rốn vào đường thở để bé thở bằng mũi, thay vì đặt nội khí quản hay cho bé thở máy bởi cai thở máy cho trẻ sinh non rất khó. Đồng thời, bác sĩ ổn định thân nhiệt, giúp bé không suy hô hấp, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dung dịch nuôi ăn…”
Bên cạnh phương pháp chăm sóc, yếu tố kiểm soát nhiễm khuẩn được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế tại nhiều bệnh viện, có nhiều trường hợp nuôi trẻ sinh non tới một tháng nhưng bé không qua khỏi vì nhiễm khuẩn. Do đó, tại BVĐK Tâm Anh, khâu chống nhiễm trùng là then chốt trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non. Trẻ được nuôi trong lồng ấp hiện đại, nhiều chức năng như hẹn giờ chiếu đèn vàng da, theo dõi cân nặng, cân bằng nhiệt độ cơ thể, cân bằng độ ẩm, hỗ trợ oxy trong trường hợp bị suy hô hấp… Các bác sĩ luôn túc trực chăm sóc 24/24 để kiểm soát tối đa ánh sáng và tiếng động, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trẻ.
Mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh là hành trình gian nan của người mẹ cũng như đội ngũ y bác sĩ. Để con phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, cha mẹ tận hưởng niềm hạnh phúc khi nhìn con vui khỏe mỗi ngày cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai, trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân, chăm sóc em bé đúng cách.
Nhằm giải đáp mọi băn khoăn, gỡ rối mọi thắc mắc cũng như kịp thời cung cấp thông tin khoa học, kiến thức hữu ích và dự phòng điều trị sinh non và chăm sóc trẻ sinh non, BV ĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề: “Tiến bộ trong điều trị dự phòng sinh non và chăm sóc trẻ sinh non”. Thời gian 20h Thứ Bảy ngày 23/10/2021. Chương trình được Phát trực tiếp trên Báo điện tử vtv.vn, thanhnien.vn, website vnvc.vn, website nutrihome.vn, website tamanhhospital.vn. Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 – Tin nóng miền Trung, VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Nutrihome – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, IVF Tâm Anh; Phát sóng trực tiếp trên kênh Youtube: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Báo Thanh niên; Tiếp sóng trên fanpage Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh Niên…
Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành: ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ Cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; ThS.BS Nguyễn Thu Vân – Phó trưởng khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS Cao Thị Thúy Hà – Bác sĩ khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội sẵn sàng giải đáp chi tiết tận tình thắc mắc của độc giả.
Xem thêm: VAI TRÒ CỦA CHỦNG NGỪA HO GÀ CHO TRẺ