Sáng 30/10/2021, hơn 50 chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Sản, Nhi khoa và Y học dự phòng đã tham dự Hội nghị khoa học “Vai trò của chủng ngừa ho gà khi mang thai trong phòng bệnh cho trẻ dưới 3 tháng tuổi”, nhằm tiến tới đề xuất với Bộ Y tế đồng ý triển khai hoạt động này tại Việt Nam.
Thông điệp của Hội nghị là: Tiêm vắc xin ho gà cho phụ nữ mang thai là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh ho gà trước khi trẻ đủ tuổi tiêm ngừa loại vắc xin này. Hội nghị do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Hội Sản Phụ khoa Việt Nam tổ chức tại 2 điểm cầu TP.HCM và Hà Nội, trực tuyến qua nền tảng Zoom Webinar, với sự đồng hành của Công ty Dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK Việt Nam).
Ban Chủ tọa và diễn giả tại Hội nghị gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan: GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến – Chủ tịch Hội Sản Phụ Khoa Việt Nam; TS.BS Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch Hội Sản Phụ Khoa Việt Nam; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Phó khoa Hồi sức Tích cực BV Nhi Đồng 1, Chủ Nhiệm Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM; TS.BS Gaurav Mathur – Giám Đốc Y khoa Vắc xin, GSK Việt Nam.
Xem thêm: TẦM SOÁT TRƯỚC SINH VÀ XỬ TRÍ BẤT THƯỜNG TRONG CHĂM SÓC TIỀN SẢN
Ho gà (whooping cough) là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp, gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Bệnh có mức độ lây nhiễm cao lên đến 80% và có thể gặp ở mọi độ tuổi. Trong đó, trẻ dưới 3 tháng tuổi khi mắc bệnh có nguy cơ nhập viện rất cao, dễ gặp phải các biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn huyết động và tử vong.
Tại Hội nghị, GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến tiếp tục cảnh báo:“Tất cả mọi độ tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn ho gà. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, những trẻ dưới 3 tháng tuổi do hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh trong giai đoạn đầu đời, nếu như bị ho gà sẽ có nguy cơ gây ra biến chứng suy hô hấp, tỉ lệ tử vong rất cao, việc điều trị tốn kém và vô cùng khó khăn. Trong thập kỷ qua, kể cả tại các nước phát triển tỷ lệ trẻ nhỏ mắc ho gà rất cao”.
Trong bài báo cáo “Thực trạng gánh nặng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ tại Việt Nam – Đề xuất các giải pháp phòng ngừa hiệu quả”, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên đưa ra những số liệu cụ thể về ảnh hưởng của bệnh ho gà đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nghiên cứu năm 2002 cho thấy, có đến 93% số ca mắc ho gà phải nhập viện, 23% có biến chứng (viêm phổi, tổn thương não, co giật) và 1,3-3% tử vong.
Ho gà đang được xem là một vấn đề sức khỏe toàn cầu hiện nay, với hơn 64.000 ca bệnh được báo cáo trên tất cả các châu lục năm 2020. Tại Mỹ, nhiều đợt bùng phát ca bệnh ho gà ở trẻ dưới 3 tháng tuổi từ 2005, với tần suất mắc bệnh lên đến gần 250/100.000 dân vào đỉnh dịch bệnh năm 2012. Tại Singapore, tần suất mắc bệnh ho gà ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chiếm đa số các ca được báo cáo năm 2017, với 103,9/100.000 dân. Tại Hồng Kông, số ca ho gà được báo cáo tăng cao vượt trội từ năm 2017, trong đó hơn 60% trường hợp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ho gà được báo cáo có chiều hướng gia tăng liên tục với 700 ca báo cáo năm 2018 và hơn 50% xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Năm 2019, 1030 ca ho gà báo cáo với hơn 45% tập trung ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tại bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội, số ca cần nhập viện vì ho gà tăng cao trong liên tục 3 năm 2016, 2017, 2018 hầu hết ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nhóm trẻ này thường xuyên gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, cao áp phổi nặng, v.v… Dẫn đến các thách thức trong điều trị như áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, chạy ECMO, thời gian nằm viện kéo dài (11 ngày +/- 8), và tỉ lệ tử vong cao (lên đến 4,9%).
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin có thành phần ho gà ở phụ nữ mang thai. Ông khẳng định, đây chính là biện pháp phòng bệnh ho gà ở trẻ dưới 3 tháng tuổi hiệu quả nhất hiện nay.
Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng nhận định, tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất giúp bảo vệ trẻ sơ sinh tránh mắc bệnh ho gà trước khi đến tuổi tiêm vắc xin.
Tuy nhiên hiện nay, các chiến lược tiêm phòng cho trẻ nhỏ và tiêm nhắc chưa đủ tạo hiệu quả bảo vệ nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi trước các truyền bệnh nguy hiểm như ho gà. PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin có thành phần ho gà cho phụ nữ có thai để phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi; tiêm nhắc bổ sung cho trẻ lớn và người lớn để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi báo cáo chủ đề: “Chủng ngừa vắc xin cho phụ nữ mang thai: Dữ liệu tính miễn dịch, an toàn của vắc xin Tdap trong thai kỳ và các khuyến cáo chủng ngừa mới”. Theo đó, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết phụ nữ mang thai, thai nhi, trẻ sơ sinh là các đối tượng rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Do đó, mục tiêu chủng ngừa vắc xin cho phụ nữ mang thai là giúp bảo vệ bà mẹ và bào thai trong suốt thai kỳ, cũng như giúp bảo vệ trẻ sơ sinh từ sớm cho đến khi trẻ đủ tuổi để chủng ngừa.
Rất nhiều tổ chức Y tế trên thế giới và nhiều quốc gia đã triển khai chủng ngừa vắc xin Tdap phòng bệnh ho gà cho phụ nữ đang mang thai, với các bằng chứng vững chắc chắn về tính hiệu quả cao và an toàn. Cơ chế chính giúp bảo vệ trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà khi tiêm vắc xin cho thai phụ là tỉ lệ chênh IgG truyền từ mẹ qua thai nhi.
Theo kết quả nghiên cứu tại Bỉ về vắc xin Tdap, những trẻ sinh ra từ bà mẹ được chủng ngừa lúc mang thai có nồng độ tập trung kháng thể chống lại bạch hầu, ho gà cao vượt trội và tồn tại kéo dài khi trẻ đến 2 tháng tuổi. Ngoài ra, chủng ngừa Tdap trong thai kỳ cũng mang lại kết quả nồng độ kháng thể cao ở trẻ sanh non: mức độ kháng thể chống lại tất cả kháng nguyên trong vắc xin Tdap cao hơn lúc trẻ 2 tháng tuổi.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi kết luận: “Tính an toàn được tổng hợp với tất cả các vắc xin Tdap sử dụng trong thai kỳ, vắc xin cho thấy khả năng dung nạp tốt; Không có báo cáo về biến cố nặng có liên quan đến vắc xin; An toàn, không có quan ngại về các biến chứng của thai, trẻ sanh ra so với tuổi thai; Trong 3 nghiên cứu đánh giá nguy cơ vỡ ối sau tiêm, chỉ cho thấy 1 nguy cơ viêm ối; Hơn 40 quốc gia khuyến cáo sử dụng vắc xin ho gà cho phụ nữ mang thai”.
Tham gia báo cáo tại Hội nghị, TS.BS Gaurav Mathur cho biết, hiệu quả và tác động thực tế của chương trình chủng ngừa vắc xin Tdap phòng ho gà trong thai kỳ đã được chứng minh tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế cộng đồng Anh khuyến cáo cần tiêm vắc xin Tdap-IPV cho thai phụ trong giai đoạn từ 16-32 tuần tuổi. Thế giới và Việt Nam cần chung tay bảo vệ trẻ sơ sinh trước bệnh ho gà tốt hơn, việc này đồng thời còn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa đủ tuổi tiêm vắc xin và chưa đủ miễn dịch phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như uốn ván, ho gà, bạch hầu, do đó tiêm vắc xin Tdap cho mẹ trong khoảng tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ là rất quan trọng, giúp kháng thể phòng bệnh được truyền trực tiếp từ mẹ qua nhau thai cho con, đủ giúp trẻ sinh ra ngừa nhiễm bệnh ho gà trước khi đến tuổi tiêm phòng các liều vắc xin DTPa cơ bản.
Xem thêm: PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT TRƯỚC SINH VÀ XỬ TRÍ BẤT THƯỜNG TRONG CHĂM SÓC TIỀN SẢN
Thực tế triển khai tiêm ngừa vắc xin ho gà Tdap cho thai phụ tại nhiều quốc gia trên thế giới đều khẳng định về tính sinh miễn dịch sau tiêm vắc xin, cụ thể tỉ lệ kháng thể chống lại các kháng nguyên ho gà, bạch hầu và uốn ván ở máu cuống rốn và huyết thanh của trẻ mới sinh, trẻ sơ sinh từ mẹ có tiêm ngừa vắc xin Tdap lúc mang thai cao hơn vượt trội so với nhóm chứng. Hiện tượng này cũng được chứng minh ngay cả với trẻ sinh non.
Tính an toàn sau tiêm Tdap cho phụ nữ mang thai cũng được ghi nhận: Không làm tăng biến cố bất lợi cho sản phụ và thai kỳ bao gồm sinh non, sảy thai, thai lưu…, ngay cả lập lại các liều vắc xin Tdap ở các thai kỳ kế tiếp; Không làm tăng các biến cố bất lợi cho trẻ sơ sinh bao gồm thai nhẹ cân, dị tật thai nhi, chậm trưởng thành thai và tử vong sơ sinh giữa nhóm sản phụ có tiêm Tdap và nhóm chứng. Các phản ứng phụ sau tiêm Tdap cho thai phụ thường cục bộ, nhẹ và tự giới hạn như sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm, sốt và mệt mỏi nhẹ.
Cũng theo TS.BS Gaurav Mathur, đến năm 2020, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm ngừa vắc xin Tdap cho phụ nữ mang thai.
Kết thúc Hội nghị, TS.BS Huỳnh Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, thay mặt Ban Chủ tọa đã trình bày các kết luận quan trọng của Hội nghị:
– Ho gà là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở mọi độ tuổi, trong đó trẻ em dưới 3 tháng tuổi là đối tượng cần đặc biệt quan tâm với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao.
– Việc tiêm phòng vắc xin có thành phần ho gà ở phụ nữ mang thai là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ trước khi trẻ đủ tuổi để được chủng ngừa; và có lợi cho chương trình tiêm chủng quốc gia.
– Cơ sở pháp lý là điều cực kỳ quan trọng để triển khai tiêm vắc xin Tdap trong thai kỳ. Đề nghị thành lập Hội đồng Chuyên môn & Ban soạn thảo của Hội Sản Phụ khoa Việt Nam về hướng dẫn tiêm chủng vắc xin Tdap trong thai kỳ, đề xuất với Bộ Y tế và đưa vào chương trình chuẩn quốc gia.
– Triển khai rộng rãi chương trình giáo dục y khoa và truyền thông với các Hội Y khoa trên toàn quốc: Hội Sản phụ Khoa Việt Nam, Hội Y học dự phòng, Hội Nhi khoa… về chủng ngừa vắc xin Tdap (ngừa bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván) cho phụ nữ mang thai.