Hậu Covid-19, nhiều F0 đối diện với tình trạng táo bón kéo dài. Nếu không điều trị sớm, chức năng vị tràng bị rối loạn, các chất cặn bã không được đào thải. Lâu ngày, những độc tố này tích tụ trong đại tràng, trực tràng có thể gây ung thư.
Chị Hồ Vi Lê (35 tuổi, quận Gò Vấp) đến BVĐK Tâm Anh TP HCM khám tình trạng táo bón kéo dài dù đã khỏi Covid-19 cách đây 2 tuần. Qua khai thác bệnh sử, chị Lê cho biết dấu hiệu táo bón xuất hiện sau 1 tuần nhiễm SARS-CoV-2. Chị Lê chia sẻ: “Những ngày F0, tôi chủ yếu đặt thức ăn nhanh cho qua bữa, tranh thủ thời gian giải quyết việc ở công ty. Dù uống nước bình thường nhưng không hiểu sao tôi có dấu hiệu táo bón. Đã khỏi Covid-19 nhưng bụng vẫn đau, ít đi cầu, có khi 4 ngày mới đi một lần và rất khó khăn khi đại tiện nên tôi đăng ký đặt hẹn khám bệnh để cải thiện sức khỏe.”
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP HCM thông tin: SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể người bệnh qua thụ thể ACE2 có nhiều ở đường hô hấp và đường tiêu hóa. Do đó, sau khi khỏi Covid-19, người bệnh đã bị rối loạn hệ thống lợi khuẩn của ruột – đây là tổn thương thường gặp ở đường tiêu hóa. Hậu quả, người bệnh bị táo bón, có trường hợp người bệnh sẽ bị tiêu chảy. Chính stress, lo lắng cộng thêm tình trạng rối loạn lợi khuẩn ruột và tác dụng phụ của thuốc điều trị Covid-19 nên chị Lê mất phản xạ đại tiện, làm tình trạng táo bón nặng thêm.
Một số nghiên cứu mới cho thấy các thành phần có trong các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ… Covid-19 cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón. Năm 2021, trong nghiên cứu kiểm tra các liệu pháp tiềm năng để điều trị Covid-19, các nhà khoa học nhận thấy táo bón là một tác dụng phụ của thuốc Famotidine và Bevacizumab. Một nghiên cứu vào tháng 5/2020 cũng cho thấy 14% người được điều trị bằng thuốc Remdesivir để kháng virus cũng gặp phải vấn đề táo bón. Các loại thuốc như Lopinavir, Ribavirin và một số thuốc điều hòa miễn dịch cũng có thể gây táo bón ở những người bị Covid-19.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón. Ngoài lý do bệnh lý thì nhiều người bị táo bón do thói quen sinh hoạt gây ra. Riêng trường hợp của chị Lê không có thời gian nghỉ ngơi cả khi bị Covid-19 nên bệnh táo bón sẽ trở nặng. Để tránh bị táo bón, trước hết người bệnh cần cải thiện chế độ ăn, sử dụng nhiều rau củ quả có chất xơ giúp quá trình tiêu hóa và co bóp dạ dày thuận lợi khi đại tiện.
Thứ hai lạc quan để tránh căng thẳng. Người bệnh căng thẳng sợ những điều không may sẽ xảy đến cho bản thân và gia đình cũng gây ra tình trạng táo bón nặng. Bởi theo cơ chế bảo vệ cơ thể, khi một người bị stress, lúc này hệ thống cơ thể sẽ kích hoạt ưu tiên bảo vệ chức năng cho hệ thần kinh, tuần hoàn, nội tiết chứ không phải hệ tiêu hóa. Chính vì không nằm trong diện ưu tiên hàng đầu nên chức năng tiêu hóa hoạt động chậm lại và góp phần gây ra tình trạng táo bón.
Thứ ba phải vận động, uống đủ 1,5 – 2 lít nước. Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển chất trong cơ thể và giúp thức ăn dễ tiêu hóa cho nên khi lượng nước không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, rất dễ gây táo bón. Mặt khác, người bệnh lười vận động, nằm ì một chỗ thì nhu động ruột ít được kích hoạt sẽ khó đại tiện hơn. Và như một vòng luẩn quẩn, yếu tố nguy cơ này sẽ kéo theo yếu tố nguy cơ khác như tác dụng phụ của thuốc điều trị Covid-19, hệ tiêu hóa bị rối loạn và cuối cùng táo bón tiếp tục kéo dài, trở nặng.
ThS.BS Nguyễn Văn Hậu khuyến cáo: một người bị táo bón khi quá 3 ngày không đi đại tiện (người lớn), hoặc không thể đi đại tiện 3 lần trong một tuần (trẻ em). Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu táo bón cần đi điều trị ngay; bởi táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân táo bón, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và có thể phối hợp xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp chiếu phim, nội soi đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, các xét nghiệm chức năng ruột khác… để chẩn đoán chính xác và điều trị tối ưu cho từng ca bệnh. Bác sĩ sẽ khoanh vùng các phương pháp điều trị bao gồm: tập vật lý trị liệu phục hồi các phản xạ đại tiện, hướng dẫn các bài tập đại tiện, phản hồi sinh học Valsalva – Kegel, thuốc hỗ trợ… bên cạnh hướng dẫn cải thiện chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai chương trình chăm sóc, khám tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng hậu Covid-19 với nhiều chuyên khoa sâu như: hô hấp, tim mạch, nội tiết, nội thần kinh, đái tháo đường, cơ xương khớp, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng… Bên cạnh tư vấn, tầm soát thể chất, tâm lý, bệnh viện còn dự phòng các nguy cơ sức khỏe cho người bệnh, phòng tránh di chứng nặng do Covid-19.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH