Anh T. bị cường giáp biến chứng loạn nhịp tim do quên uống thuốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy hormone tuyến giáp TSH giảm 840 lần so với bình thường.
Anh T.P.T. (Quận 8, TP.HCM) thấy mệt, tim đập nhanh, tưởng làm việc lao lực nên về nhà nghỉ nhưng không đỡ. Anh vẫn tiếp tục bủn rủn tay chân, cơ thể yếu ớt nên người nhà đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ CKI Tôn Minh Trí, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhanh chóng đo nhịp tim, kiểm tra huyết áp, nhịp thở, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi), siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm đo định lượng hormone tuyến giáp…
Kết quả ghi nhận anh T. có nhịp tim nhanh đến 173 lần/phút (người bình thường dao động 60 – 100 lần/phút). Kết quả xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp TSH giảm còn 0.005 microIU/ml (bình thường 0.27- 4.2 microIU/ml, giảm 54 – 840 lần), hormone triiod-thyroxin (T3) tăng 39.9 pmol/l (bình thường 3.1 – 6.8 pmol/l, tăng 5.86 – 12,87 ần), hormone thyroxin (T4) tăng hơn 100 pmol/l (bình thường 12 – 22 pmol/l, tăng 4,5 – 8,3 lần).
Mặt khác, siêu âm tuyến giáp ghi nhận thùy phải có kích thước 37x49x117mm, giảm âm không đồng nhất, tăng tưới máu, có nhiều cấu trúc tăng trục âm ngang, nhiều cấu trúc hồi âm hỗn hợp. Thùy trái có kích thước 36x50x119mm có nhiều cấu trúc tăng âm và hồi âm hỗn hợp. Người bệnh được chẩn đoán bị đa nhân hai thùy tuyến giáp ở mức 2 – 3, theo bảng kiểm tra phân loại TIRADS (có 5 mức độ tổn thương của tuyến giáp).
Bác sĩ CKI Tôn Minh Trí nhận định: “Bệnh nhân biến chứng cường giáp gây loạn nhịp tim, cuồng nhĩ và tụt huyết áp. Nếu không cấp cứu kịp, người bệnh có thể hình thành huyết khối trong buồng nhĩ và gây tắc mạch, nguy cơ suy tim, tử vong cao”.
Ngay lập tức, anh T. được chỉ định siêu âm tim, màng tim ngoài, màng ngực và chụp X-quang ngực thẳng ngay tại giường bệnh. May mắn, tim chưa giảm sức co bóp, chưa có dấu hiệu phù phổi. Anh T. được dùng thuốc propranolol (1 thuốc beta-blocker) để làm chậm nhịp tim. Sau 30 phút, nhịp tim của anh T. về khoảng 140 lần/phút, sau 1 giờ còn 100 – 110 lần/ phút (người bình thường dao động 60 – 100 lần/phút).
Sau 2 tiếng theo dõi tại khoa Cấp cứu, nhịp tim anh T. giảm từ 173 lần/phút còn 100 – 110 lần/ phút (người bình thường dao động 60 – 100 lần/phút). Anh được chuyển lên khoa Nội tiết – Đái tháo đường.
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhận định anh T. có những triệu chứng điển hình của bệnh Basedow (một trong những bệnh điển hình của cường giáp) như tăng tiết hormone tuyến giáp và tiến triển thành bướu giáp to lan tỏa. Người bệnh bị cường giáp Basedow gần 1 năm nhưng kiểm soát không tốt hay do quên uống thuốc dẫn đến tình trạng cuồng nhĩ (dạng loạn nhịp nhĩ nhanh). Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể suy tim. Người bệnh được sử dụng thuốc kháng giáp ổn định. Anh T. khỏe, tim không còn đập nhanh, cường giáp được kiểm soát tốt. Sáng 24/5 – sau 2 ngày được bác sĩ Duy điều trị, anh T. được xuất viện.
Năm 2021, em gái sinh đôi của anh T. phát hiện bị cường giáp và đã phẫu thuật. Đến năm 2022, anh T. cũng được phát hiện cường giáp khi đi khám bệnh tổng quát. Nhận kết quả, anh bất ngờ vì không thấy dấu hiệu bất thường ở cổ, dù biết rằng em gái sinh đôi của mình đã mắc bệnh trước đó.
Sau 2 tháng phát hiện cường giáp, vùng cổ của anh có dấu hiệu phình to. Ban đầu chỉ to bằng nửa bàn tay, thấy rõ hình dạng cánh bướm của tuyến giáp. Vài tháng tiếp theo, bướu phình to và lan rộng gần bằng gang tay. Anh tái khám được bác sĩ chỉ định tiếp tục uống thuốc kháng giáp.
Anh T. cho biết bướu to nhưng không cảm thấy khó chịu, ăn uống bình thường, nuốt không vướng. Anh thường quên uống thuốc do phải dậy từ rất sớm để bán hàng ở chợ. “Đôi lúc cơm còn quên ăn, thuốc nhiều khi không nhớ để uống, có lúc nhớ lại quên mang theo.” anh T. kể lại.
Theo bác sĩ Duy, để điều trị cường giáp, tùy vào tình trạng hiện tại của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp nhất. Bước đầu, người bệnh được uống thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ. Nếu hai phương pháp trên không đáp ứng tốt, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Hiện anh T. được chỉ định sử dụng thuốc kháng giáp và cần tái khám để bác sĩ theo dõi.
Người bệnh cường giáp cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thực phẩm chứa nhiều iốt, đặc biệt là rau câu, rong biển. Để phát hiện và điều trị sớm các bệnh tuyến giáp, người dân nên khám sức khỏe định kỳ thường xuyên. Với người bệnh đang có vấn đề về tuyến giáp cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH