Nhìn các bé bệnh nhân khỏe mạnh, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình là niềm hạnh phúc lặng thầm của ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Sau khi hoàn thành chương trình nội trú tại Pháp, bác sĩ Kim Thoa đầu quân cho khoa Nội tiết – Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1; không lâu sau, chị chuyển về công tác tại khoa Nhiễm – Thần kinh và gắn bó mấy chục năm liền. Với cương vị Phó Trưởng khoa, chị cùng biết bao thế hệ bác sĩ đã trải qua nhiều mùa dịch bệnh như sởi, thủy đậu, bệnh tay chân miệng, viêm não, viêm màng não… ở nơi đây: khoa Nhiễm – Thần kinh, nơi “sóng gió” không bao giờ ngưng.
Trong mùa bệnh đông, dãy hành lang trước khu vực phòng khám khoa Nhiễm – Thần kinh luôn chật kín phụ huynh đưa con tới khám, ai cũng nóng lòng tới lượt con mình. “Một số bệnh truyền nhiễm diễn tiến rất nhanh, như bệnh tay chân miệng chỉ cần lơ là bỏ qua các triệu chứng chuyển độ là bệnh nhi có thể diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến tính mạng. Các bác sĩ không những phải cân nhắc dành thời gian khám từng bé sao cho phù hợp mà còn phải chẩn đoán chính xác, tư vấn đầy đủ cho ba mẹ hiểu cách theo dõi và chăm sóc bé. Thời gian, lúc này chính là áp lực của người bác sĩ”, chị nói.
Bác sĩ Kim Thoa cho biết bệnh truyền nhiễm ở trẻ em thường xảy ra theo mùa và theo chu kỳ, có mùa bệnh chồng bệnh nên dù đã tiên lượng trước nhưng vẫn không tránh khỏi quá tải, thậm chí có những đợt dịch bùng phát không tiên đoán được. Những đợt dịch như bệnh tay chân miệng, dịch sởi, viêm màng não,… mỗi ngày hơn trăm ca nhập viện, tập thể khoa làm việc không ngơi nghỉ, có lúc không kịp ăn trưa, kíp trực có những hôm thức trắng.
Nửa đêm, khi thành phố yên bình chìm vào giấc ngủ, tại bệnh viện, nhịp độ làm việc vẫn khẩn trương. Trong phòng cấp cứu khoa Nhiễm, nhiều bệnh nhi được bố trí nằm chung một giường. Không khí căng thẳng với tiếng trẻ quấy khóc bởi cơn sốt, cơn mê sảng, tiếng dỗ con, tiếng quạt tay của những ông bố, bà mẹ… Thân nhân bệnh nhi ai cũng rối bời, nhưng các bác sĩ dù ở bất cứ thời điểm nào luôn phải tỉnh táo, cố gắng không để xảy ra sai sót trong quá trình điều trị, bởi họ hiểu rằng sai sót đôi khi phải trả giá bằng tính mạng bệnh nhi.
“Chúng tôi không chỉ là bác sĩ, mà còn đã từng, hoặc đang, hoặc sẽ là những ông bố, bà mẹ có con nhỏ, con bệnh… Hơn ai hết, tôi hiểu rằng phía sau mỗi đứa trẻ là cả một gia đình, là hy vọng của ông bà, cha mẹ…”, bác sĩ Kim Thoa trăn trở.
“Cuộc chiến chống dịch có khi kéo dài cả tháng. Chúng tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, gặp bệnh nhân nhiều hơn gặp gia đình, chồng vợ, con cái. Thế nhưng chỉ cần thấy bệnh nhi hồi phục, nụ cười nở trên môi bọn trẻ, là lòng dịu lại. Chỉ có niềm đam mê với nghề, tình thương con trẻ mới vượt qua được những khó khăn vất vả trong công việc… Chúng tôi đã cùng nhau đi qua nhiều mùa dịch một cách can trường như thế”, bác sĩ Thoa cười hiền lành kể lại.
Xem thêm: BỘ Y TẾ THẨM ĐỊNH KHẢ NĂNG TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC TẠI TÂM ANH
Hơn 30 năm gắn bó với ngành y, hằng ngày đối diện với các bệnh nhân nặng, có bé phải nằm điều trị lâu ngày, có khi kéo dài cả năm, có bé sáng vẫn hoạt động bình thường, chiều bệnh đã trở nặng,… bác sĩ Lê Phan Kim Thoa chứng kiến rất nhiều cung bậc cảm xúc của gia đình người bệnh.
“Bệnh nhân còn nhỏ không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng người thân của các em luôn tin bác sĩ có phép màu. Chúng tôi rất trân trọng điều ấy, bởi nếu không có niềm tin, họ sẽ không thể cùng bác sĩ đi tới tận cùng của quá trình điều trị… Tuy nhiên, đôi lúc tôi cảm thấy mình không thể làm gì hơn, đành giải thích tình trạng nặng cho gia đình bệnh nhi. Đứng nhìn sự đau khổ tột cùng của thân nhân khi đứa trẻ dần lìa xa họ – tôi nghĩ đó là lúc bác sĩ chúng tôi cảm thấy bất lực nhất, đau lòng nhất – đó là khoảnh khắc tôi không thể nào quên”, giọng bác sĩ Kim Thoa lại chùng xuống khi chị kể về những trường hợp người nhà kiên quyết đưa bệnh nhi về khi bệnh trở nặng.
“Quan điểm của một số gia đình là muốn đưa con cháu mình kịp về nhà khi bệnh tình con diễn tiến nặng, nên bằng mọi giá, gia đình xin xuất viện. Tuy nhiên, lương tâm người thầy thuốc không cho phép tôi làm điều đó. Đối với tôi, trái tim non nớt của các con còn đập thì chúng tôi vẫn còn nỗ lực cứu chữa; nếu xin về, các con hầu như không còn cơ hội sống, trong khi đó, tại bệnh viện, đối với chúng tôi, còn nước là còn tát, các con vẫn còn cơ hội hồi phục.”, chị nhấn mạnh.
“Trái tim non nớt của các con còn đập thì chúng tôi vẫn còn nỗ lực cứu chữa” – chính vì tâm niệm đó, chị luôn nỗ lực không ngừng để trau dồi chuyên môn, kỹ lưỡng trong từng quyết định điều trị. Trên chặng đường y nghiệp hơn 30 năm qua, BS Kim Thoa đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đã đạt được nhiều khen thưởng, nhiều thành tích nhưng chị cho rằng những thành tựu nào đã qua rồi là thôi, ít khi nhắc đến. “Đối với tôi, không phải là mình đạt được điều gì, mà là bệnh nhân được điều trị tốt, an toàn, khỏe mạnh ra viện”, chị tâm sự.
Làm việc trong môi trường bệnh nhiễm nhiều năm, đã từng chứng kiến nhiều hậu quả đau lòng vì trẻ không được chích ngừa, nhiều trẻ đang khỏe mạnh bỗng trở nên lơ ngơ vì di chứng của viêm não, nhiều trẻ vì viêm phổi hậu sởi không cứu được,… bác sĩ Kim Thoa chia sẻ: “Ngày nay có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Lỗ hổng tiêm chủng hàng năm khiến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng phải gánh hậu quả. Chích vắc xin đầy đủ mới có thể bảo vệ các bé trước nguy cơ dịch bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Phòng bệnh hiệu quả sẽ giúp giảm gánh nặng sức khỏe lên các bé cũng như gánh nặng tài chính lên gia đình và xã hội”.
Không chỉ nặng lòng với bệnh nhân, bác sĩ Kim Thoa cũng dành nhiều tâm tư cho thế hệ đàn em. Đối với các bác sĩ trẻ, chị luôn khuyến khích hậu bối không những làm tốt chuyên môn còn dành nhiều thời gian tư vấn cho thân nhân bệnh nhi về bệnh và kế hoạch điều trị theo tiến độ bệnh.
Chị tin rằng khi người nhà có đủ thông tin về diễn tiến bệnh mới có thể đồng hành với các y bác sĩ, biết cần phải làm gì cho con ở từng giai đoạn bệnh, để “đón đầu” chăm sóc con tốt hơn.
Nhận lời về BVĐK Tâm Anh TP.HCM từ những ngày đầu, khi bệnh viện vẫn chưa thành hình, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa chia sẻ đây là một bước ngoặt, một cơ duyên mới trên chặng đường y khoa mà chị đang đi.
Với sự hỗ trợ từ Ban Giám đốc, chị chăm chút từng “viên gạch” nhỏ từ đội ngũ bác sĩ đến các quy trình kỹ thuật… khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 28/02/2021.
Trên cương vị mới, thử thách mới, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa – người nữ thuyền trưởng của khoa Nhi – vững tin lèo lái con thuyền “khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM” tiến về phía trước.
Với mong muốn tất cả các bệnh nhi đều được chăm sóc toàn diện, tránh lây nhiễm chéo khi nằm viện, bác sĩ Kim Thoa hy vọng với nguồn nhân lực vững chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại được đầu tư, khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ trở thành một trong những nơi phụ huynh có thể trao trọn niềm tin khi đưa con tới thăm khám và chữa trị.
Không ham danh vị, chỉ vì cộng đồng, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa không giữ lại cho mình niềm kiêu hãnh nào, ngoại trừ bệnh nhi khỏe mạnh, trở về vòng tay cha mẹ.
Đứng trước bệnh nhân, tôi chỉ biết tới bệnh nhân, không lo lắng bất cứ điều gì. Áp lực của tôi là thời gian, phải cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Vừa chu toàn cho bệnh nhân, vừa phải chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái. Nhưng ở một lúc nào đó tôi vẫn đau đáu mình chưa chu toàn, cho cả bệnh nhân và gia đình…
Xem thêm: VINH DANH “NGƯỜI ĐẾN TRƯỚC VỀ SAU” NƠI PHÒNG MỔ
Đối với bác sĩ, áp lực không đến từ chuyên môn mà đến từ những tình huống ngặt nghèo với hoàn cảnh bệnh nhân. May mắn, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa không gặp quá nhiều tình huống ‘bất lực’ này trong đời… Nhờ đó mà chị luôn sẵn sàng chiến đấu đem “phép mầu về nhà” cho nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm. Bệnh truyền nhiễm bao gồm rất nhiều bệnh, xuất hiện quanh năm, mỗi mùa có một loại bệnh “đặc trưng”. Như mùa hè sẽ có tay chân miệng, sởi và thủy đậu diễn ra sau Tết, viêm não và viêm màng não thì diễn ra quanh năm suốt tháng…
“Khi nhận bệnh, bác sĩ không bao giờ được quyền nói là hết giường. Bệnh vô là phải nhận”, bác sĩ Kim Thoa kể. Một hình ảnh rất thường thấy ở các bệnh viện tuyến cuối khi “mùa bệnh” tràn về, đó là sự quá tải của hệ thống y tế. Có lúc bác sĩ phải dùng băng ca cho bệnh nhân nằm, có lúc vài ba trẻ cùng bệnh phải xếp nằm chung một giường. Ba mẹ, người thân chỉ được ngồi ghế súp hoặc ngả lưng dưới gầm giường bệnh. Hành lang bệnh viện được các gia đình bệnh nhi tận dụng làm nơi ăn ngủ về đêm.
Lúc cao điểm dịch bệnh, lượng bệnh nhân tăng cao nên y bác sĩ và ca trực cũng tăng cường luân phiên. “Chỉ có đam mê với nghề, tình thương con trẻ là niềm an ủi với công việc”, bác sĩ Kim Thoa kể. Có những đợt dịch như tay chân miệng năm 2011, dịch sởi năm 2014 và 2019, các bác sĩ khoa Nhiễm làm việc không ngưng tay, có lúc không ăn trưa, trực ngày đêm đến 12h khuya mới ăn tối. Kíp trực 2-3 bác sĩ, có những hôm trắng đêm không ngủ, luôn chân luôn tay làm suốt cho đến sáng.
Năm 2018 – 2019, sau 4 năm không có ca bệnh nặng, bệnh sởi quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh theo chu kỳ 5 năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, thành phố ghi nhận 3.316 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó có 1.564 ca bệnh nhập viện, còn lại là ca bệnh ngoại trú. Có những tuần thành phố ghi nhận đến 350 ca bệnh nhập viện.
Dãy hành lang trước phòng khám của khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chật kín phụ huynh đưa con em tới khám bệnh sởi và tay chân miệng. Trang thiết bị ở bệnh viện Nhi đồng là đủ, nhưng sẽ không thể theo đúng chuẩn mỗi ngày khám cho số lượng bệnh nhi nhất định. Bác sĩ Kim Thoa cùng các cộng sự lúc ấy phải tăng năng suất, làm nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng phải sáng suốt, để dẫu thời gian cho bệnh nhân ít nhưng vẫn phải đảm bảo khám nhanh và chẩn đoán chính xác, tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân. Thời gian, lúc này chính là áp lực của người bác sĩ.
Nửa đêm, khi thành phố yên bình chìm vào giấc ngủ, các phòng ở bệnh viện vẫn sáng trưng. Tại khoa Nhiễm, không khí khẩn trương ngột ngạt với tiếng trẻ quấy khóc bởi cơn sốt hành hạ, tiếng dỗ con, tiếng quạt tay của những ông bố, bà mẹ. Trong phòng cấp cứu, 2-3 bệnh nhi được bố trí nằm ghép chung một giường, bệnh nhi tay chân miệng cột cố định chân tay vào thành giường để phòng tránh kích thích. Nhiều bé đau đớn, khóc suốt. Một bé có 2-3 người nhà chăm sóc, nét mặt ai cũng hằn lên vẻ lo âu mệt mỏi…
Ai cũng rối bời, nhưng các bác sĩ luôn phải tỉnh táo. 0h, mệt phờ phạc, nhưng đây mới là lúc tranh thủ vãn bệnh nhân tới khám, ekip trực gồm bác sĩ Lê Phan Kim Thoa cùng các y bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhiễm mới ăn uống, nghỉ ngơi để lấy sức tại khu vực phòng chờ.
Cuộc chiến xuyên đêm chống dịch sởi ở khoa Nhiễm có khi kéo dài cả tháng. Chúng tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, gặp bệnh nhân nhiều hơn gặp gia đình, chồng vợ, con cái. Nhưng chỉ cần thấy bệnh nhi hồi phục, tiếng khóc ngớt dần, nụ cười nở trên môi bọn trẻ, là lòng dịu lại…
“Chúng tôi đã cùng nhau đi qua nhiều mùa dịch một cách can trường như thế”, bác sĩ Thoa cười xòa hiền lành kể.
Bây giờ, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc cứu chữa bệnh nhi được đầu tư tốt hơn, thuốc men nhiều loại hơn, kháng sinh cũng có nhiều lựa chọn, bác sĩ dễ dàng áp dụng các phác đồ tiên tiến trên thế giới. Các phương pháp xét nghiệm cũng đa dạng hơn giúp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Máy thở cũng có nhiều, và đa dạng chức năng hơn giúp hỗ trợ bệnh nhi tốt hơn.
Thế nhưng, dù ở bất cứ thời điểm nào, người bác sĩ cũng không bao giờ chủ quan lơ là với dịch bệnh.
“Bệnh truyền nhiễm rất khó đoán. Như viêm não, thật lòng chúng tôi không đoán được, biến chứng bệnh diễn tiến đến đâu là bác sĩ chữa đến đó. Bệnh nhi nằm cả năm, chi phí lên tới cả tỷ bạc. Bệnh tay chân miệng chỉ cần lơ là bỏ qua triệu chứng giật nảy mình, tay chân chới với của bệnh nhi, là đã có thể diễn tiến tới độ III, huyết áp cao, suy hô hấp, co giật, phải thở máy và đặt ống nội khí quản. Không ít bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, da nổi ban, xét nghiệm dịch não tủy xác định bệnh nhân bị viêm não – màng não do sởi…
Lỗ hổng tiêm chủng hàng năm khiến nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng phải gánh hậu quả. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi phải không ngừng kêu gọi phụ huynh cho trẻ chích ngừa. Chỉ có vắc xin mới có thể bảo vệ chúng ta trước nguy cơ dịch bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh”, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa chia sẻ.
Chăm sóc trẻ đúng cách cũng là điều phụ huynh nên học. Bên cạnh điều trị bệnh cho trẻ, bác sĩ Kim Thoa thường dành nhiều thời gian tư vấn cho thân nhân bệnh nhi về bệnh và kế hoạch điều trị theo tiến độ bệnh. Người nhà có đủ thông tin về tiến triển bệnh đến 2-3 ngày sau để “đón đầu” chăm sóc con, và đồng hành với bác sĩ, biết cần phải làm gì cho con ở giai đoạn nào…
Chăm trẻ nhỏ đã khó, với trẻ lớn cũng phức tạp. Chỉ cần phụ huynh chủ quan, bỏ qua dấu hiệu quan trọng như trẻ bị tay chân miệng có bóng nước ở miệng, ngủ giật mình…, khi đưa vào bệnh viện thì đã trễ.
Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, bất cứ đứa trẻ nào cũng nên đi khám tầm soát bệnh ít nhất một lần trong đời. Chị từng siêu âm cho một bệnh nhi bị thiếu một quả thận mà cả bố mẹ đều không biết. Trường hợp khác là một cặp song sinh dư canxi khiến trẻ biếng ăn, còi cọc…
Không ham danh vị, chỉ vì cộng đồng, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa không giữ lại cho mình bất cứ tấm bằng khen nào, không nhớ đã được khen thưởng lúc nào, cho thành tích gì, không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu đề tài nghiên cứu… Với chị, những thành tựu nào đã qua rồi là thôi, không cần phải lưu giữ lại hoặc khoe khoang phô trương. “Đối với tôi, không phải là mình đạt được điều gì, mà là bệnh nhân được điều trị tốt, an toàn, khỏe mạnh ra viện”, chị tâm sự.
Ở bất cứ bệnh viện nào, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa cũng có thể làm tốt và mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Môi trường bệnh viện công cho phép chị tiếp cận được nhiều hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ có một con đường duy nhất là đến bệnh viện công điều trị. Do đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị giúp được nhiều người hơn, nhất là những người không có điều kiện. Chưa kể, môi trường bệnh viện công cho mình tiếp cận với nhiều dạng bệnh.
Khi công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị luôn đau đáu phải làm sao để bệnh nhân không bị lây chéo. Từ khi chuyển công tác sang Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với cương vị Trưởng khoa Nhi, chị bắt đầu hành trình tâm nguyện đã ấp ủ bấy lâu nay…
Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh