Bị ung thư cổ tử cung khi mới 25 tuổi; bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết chị T. được phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ vô tình khám sau sinh.
Sau 4 tháng sinh con đầu lòng, chị T.N.A.T. (25 tuổi, TP.HCM) đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám sau sinh và tầm soát ung thư cổ tử cung.
Các bác sĩ sản khoa phát hiện chị T. có khối sùi nhỏ ở cổ tử cung, chạm vào dễ chảy máu. Ngay lập tức bệnh nhân được bấm sinh thiết để gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đồng thời, chị cũng được xét nghiệm để chẩn đoán xem có nhiễm các tuýp HPV nguy cơ cao (16, 18, 31, 33, 35, 39, 45…) hay không. Đây là các tuýp HPV có khả năng gây ung thư cổ tử cung.
Kết quả ghi nhận chị T. bị ung thư cổ tử cung loại carcinôm tuyến, đồng thời dương tính với virus HPV type 18, vốn gây khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Để có kế hoạch điều trị phù hợp, bác sĩ tiếp tục tư vấn chị T. chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu để đánh giá kích thước khối u được chính xác hơn và khảo sát tình trạng di căn hạch.
Điều bất ngờ là trên hình ảnh MRI, ngoài tổn thương ở cổ tử cung có kích thước 1,8cm thì trong lòng tử cung của chị T. còn có thêm một khối bất thường ở đáy với kích thước 8x20x11mm nghi ngờ ác tính, nhưng may mắn chưa di căn hạch. Bác sĩ xác định đây là trường hợp bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1 và có thể kèm theo ung thư nội mạc tử cung.
Bàng hoàng khi tiếp nhận hung tin bị ung thư ở hai vị trí cùng lúc nhưng sau khi được thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư vú – phụ khoa thuộc khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tư vấn và trực tiếp phẫu thuật; chị T. sẵn sàng vào cuộc chiến “ung thư không phải là dấu chấm hết”.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại khoa ung thư, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn lên phương án chi tiết, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung tận gốc và nạo hạch chậu hai bên nhưng chừa lại hai buồng trứng để giữ chức năng nội tiết và sinh sản cho bệnh nhân.
Ngày 19/5, bác sĩ Tấn thực hiện ca phẫu thuật qua đường mổ ngang trên xương vệ thay vì đường mổ dọc giữa bụng để bệnh nhân ít đau sau mổ và bảo đảm tính thẩm mỹ. Cuộc mổ kéo dài 90 phút nhanh chóng trôi qua, không xảy ra bất cứ tai biến nào. Sau đó bệnh nhân được chuyển về khoa và được bác sĩ Tấn thăm khám mỗi ngày.
Đến ngày hậu phẫu thứ ba, bệnh nhân hoàn toàn bình phục, có thể đi đứng, sinh hoạt bình thường. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và chu đáo của các cô nữ hộ sinh Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, vết thương chị T. lành tốt và không còn đau nữa. Bác sĩ Tấn thăm khám lại vết thương, dặn dò bệnh nhân cẩn thận và cho xuất viện sớm để về chăm sóc đứa con mới sinh của mình.
Ngày xuất viện, chị T. kể lúc nhận kết quả ung thư, chị chỉ biết ôm chồng khóc nức nở vì “25 tuổi, mới có con nhỏ – mọi thứ như sụp đổ”. Chị may mắn có chồng bên cạnh, an ủi: “Cố lên em, mình sẽ vượt qua hết.”
Nhìn con gái đang ngủ say, chị không cầm được nước mắt, ôm con vào lòng, hát: “À ơi, con ngủ cho ngoan. Thương con lắm, mẹ sẽ chiến đấu để bảo vệ con 1 đời”.
Chị bình tâm chuẩn bị ký giấy vào ca mổ. “Ung thư không ai mong muốn nhưng tôi may mắn được phát hiện sớm. Trong rủi có may”.
Bác sĩ Tấn cho biết, hiện nay ung thư cổ tử cung xuất hiện ở người trẻ ngày càng nhiều. Nguyên nhân gây bệnh được xác định do nhiễm vi rút HPV nguy cơ cao. Đây là một loại vi rút lây truyền qua đường tình dục và là nguyên nhân gây nhiều bệnh khác ngoài ung thư cổ tử cung như: ung thư dương vật, ung thư ống hậu môn, ung thư hốc miệng.
Độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục càng sớm thì nguy cơ nhiễm HPV càng sớm và do đó ung thư cổ tử cung xuất hiện ở độ tuổi càng trẻ hơn. Tuy nhiên, đa số trường hợp nhiễm HPV sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng cũng như bệnh lý gì và cơ thể tự đào thải vi rút trong vòng 12 – 24 tháng. Một số ít trường hợp còn lại, vi rút tiếp tục tồn tại trong cơ thể và tiến triển thành những tổn thương tiền ung thư rồi thành ung thư.
Phụ huynh nên cho con mình tiêm ngừa HPV sớm, tốt nhất là trước khi trẻ có quan hệ tình dục. Theo khuyến cáo của Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tất cả trẻ em trong độ tuổi 11 – 12 tuổi (có thể bắt đầu từ năm 9 tuổi), cả nam lẫn nữ, đều nên được tiêm ngừa 2 liều vắc xin HPV cách nhau 6 – 12 tháng. Còn nếu sau 15 tuổi mới bắt đầu tiêm ngừa thì phải tiêm 3 liều và cách nhau 6 tháng. Tiêm ngừa HPV vẫn còn hiệu quả cao cho đến năm 26 tuổi.
Sau tuổi này, có thể đã nhiễm HPV rồi, do đó việc tiêm ngừa chỉ còn giá trị để phòng ngừa nhiễm những tuýp HPV khác với tuýp đã nhiễm. Cần chú ý là việc tiêm ngừa HPV không thể thay thế cho tầm soát ung thư cổ tử cung. Do đó, cho dù có tiêm ngừa HPV đủ liều rồi thì vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Nhiều chị em phụ nữ không có điều kiện đi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ thì khám thai là một cơ hội (có khi là duy nhất) để được tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý e ngại cho cả thai phụ và bác sĩ khi quyết định tầm soát ung thư cổ tử cung trên phụ nữ đang mang thai vì sợ có nguy cơ sảy thai.
Bác sĩ Tấn nhấn mạnh, hiện đã có đủ bằng chứng y khoa để khẳng định tầm soát ung thư cổ tử cung khi đang mang thai không làm tăng nguy cơ sảy thai cho dù ở tuổi thai nào. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ giống như một cái chổi để lấy tế bào ở cổ tử cung mà không ảnh hưởng gì đến bào thai nằm trong lòng tử cung.
Bác sĩ Tấn khuyên chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ đầy đủ trước khi quyết định sinh con và trong khi mang thai để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hầu hết các tổn thương tiền ung thư được phát hiện trong thai kỳ không cần can thiệp gì cho đến sau khi sinh. Còn nếu như chẳng may phát hiện ra ung thư cổ tử cung thì tùy theo giai đoạn bệnh, tuổi thai và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ ung thư phụ khoa phối hợp với bác sĩ sản khoa lập kế hoạch điều trị hợp lý cho từng trường hợp cụ thể.