Nút mạch gan là phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả với mức xâm lấn tối thiểu, giúp bảo tồn nhu mô gan lành và chức năng gan cho người bệnh. Hiểu về quy trình nút mạch gan giúp người bệnh chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào cuộc can thiệp.
Nút mạch gan hay nút mạch hóa chất động mạch gan (TACE) là phương pháp làm hoại tử khối ung thư gan theo hai cơ chế: ngắt nguồn nuôi dưỡng và tiêu diệt khối u. Bác sĩ sẽ tạo một lối vào nhỏ trên cơ thể người bệnh để tiếp cận động mạch đùi hoặc cổ tay, sau đó luồn ống thông trong lòng động mạch, tiếp cận khối u ở gan. Dưới sự dẫn đường của hệ thống máy chụp mạch DSA, bác sĩ tiến hành bơm hỗn hợp vật liệu tắc mạch vào khối u. Hỗn hợp này gồm chất tắc mạch giúp ngắt nguồn máu nuôi dưỡng u, kết hợp với hóa chất trị liệu giúp diệt khối u.
Mục tiêu của phương pháp nút mạch gan là kiểm soát sự phát triển của khối u, giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Nút mạch gan chỉ can thiệp tối thiểu, có chọn lọc, do đó bảo tồn được tối đa mô gan lành, giúp người bệnh duy trì được chức năng gan cần thiết cho các hoạt động của cơ thể.
Phương pháp nút mạch gan được chỉ định trong các trường hợp ung thư gan ở giai đoạn trung gian, chưa có di căn bên ngoài gan, chưa có huyết khối tĩnh mạch cửa hoặc chỉ tắc bán phần tĩnh mạch cửa, ung thư gan chưa ảnh hưởng nặng lên gan và toàn trạng. Phương pháp này thích hợp cho những bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật (u gan kích thước lớn, u gan đa ổ, nằm ở vị trí không thể phẫu thuật hoặc thể trạng không cho phép phẫu thuật).
Nút mạch gan chống chỉ định với bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, có bệnh lý não gan, chức năng gan không đảm bảo, dị ứng nặng với thuốc cản quang. Các trường hợp khác bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh để cân nhắc có nút mạch gan hay không.(3)
Trong quy trình nút mạch gan có một số lưu ý người bệnh cần nắm để chuẩn bị sức khỏe tốt, giúp quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi.
Nút mạch gan là xâm lấn tối thiểu, khá an toàn, nên về cơ bản người bệnh không cần chuẩn bị quá nhiều hoặc quá lo lắng trước khi bước vào can thiệp. Trước ngày làm nút mạch gan, người bệnh nên ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đủ giấc, không sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích để đảm bảo thể trạng tốt nhất.
Trước can thiệp, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng đông máu, chức năng gan, chụp cắt lớp vi tính hoặc MRI để đánh giá khối u. Sau đó, nếu đủ điều kiện nút mạch gan, người bệnh sẽ được sát khuẩn, gây tê tại vùng bẹn phải (nếu lối vào từ động mạch đùi), hoặc cổ tay (nếu lối vào từ động mạch quay), đặt máng đỡ lòng mạch.(1)
Bác sĩ sẽ chụp động mạch gan để đánh giá động mạch nuôi u, sử dụng vi ống thông để tiếp cận có chọn lọc những nhánh này. Sau đó bơm hỗn hợp vật liệu nút mạch gồm chất tắc mạch và hóa chất diệt ung thư vào dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch DSA. Kỹ thuật nút mạch gan không cần gây mê nên người bệnh tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp, quan sát được bác sĩ đang thực hiện thủ thuật. Điều quan trọng là người bệnh cần chú ý hợp tác, làm theo hiệu lệnh của bác sĩ khi được yêu cầu. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, chóng mặt, khó chịu cần báo ngay với bác sĩ. Kết thúc thủ thuật, người bệnh được băng ép tại chỗ và chuyển vào phòng nghỉ, theo dõi 1-2 ngày là có thể xuất viện.
Nếu thực hiện nút mạch tại động mạch đùi, người bệnh cần nằm bất động 6-8 tiếng để tránh chảy máu. Nếu thực hiện nút mạch tại động mạch quay, bệnh nhân có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng ngay sau can thiệp.
Trong khoảng 7 ngày đầu, phản ứng phổ biến nhất là đau bụng có thể xảy ra do nguồn máu nuôi khối u bị cắt đứt. Ngoài ra người bệnh còn có thể bị buồn nôn, nôn, sốt do tác dụng của hóa chất. Tuy nhiên phản ứng thường không nghiêm trọng và có thể kiểm soát bằng thuốc uống do bác sĩ kê. Hiện nay Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Hội đang triển khai đồng thời cả 2 kỹ thuật nút mạch qua động mạch đùi và động mạch quay, với tỷ lệ thành công cao, giảm tối đa biến chứng, ghi nhận phản hồi tốt từ hầu hết người bệnh.
Nút mạch gan chỉ xâm lấn tối thiểu lên cơ thể nên có độ an toàn cao, hiếm khi xảy ra biến chứng lớn nếu được chỉ định đúng và thực hiện bởi bác sĩ can thiệp có tay nghề tốt, hệ thống máy móc hiện đại. Một số biến chứng có thể xảy ra sau nút mạch gan gồm nhiễm trùng trong gan, huyết khối, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp và loét dạ dày…
Nút mạch gan có một số ưu, nhược điểm nhất định. Do đó bác sĩ và bệnh nhân cần cân nhắc kỹ giữa các ưu nhược điểm này để quyết định lựa chọn phương pháp.
Nút mạch gan có ưu điểm can thiệp tối thiểu vào khối u gan, điều trị làm hoại tử khối u mà vẫn bảo vệ tối đa phần gan lành. Biến chứng của phương pháp nút mạch gan so với phẫu thuật cũng ít hơn. Người bệnh không phải chịu cuộc mổ nên thời gian nằm viện ngắn, hồi phục sức khỏe nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị.(2)
Kỹ thuật nút mạch gan qua đường động mạch đùi đòi hỏi người bệnh phải nằm bất động 6-8 tiếng, gây cảm giác bất tiện, không thoải mái. Đối với những người bệnh không muốn nằm lâu thì có thể dùng dụng cụ đóng lòng mạch hoặc chọn đường vào từ động mạch quay. Người bệnh có thể gặp phản ứng dị ứng với vật liệu nút mạch, dù hiếm xảy ra. Suy gan có thể xuất hiện sau nút mạch ung thư gan ở những bệnh nhân có dự trữ gan kém, điều này đòi hỏi bác sĩ phải phân tích và cân nhắc kỹ trước khi chỉ định nút mạch cho bệnh nhân.
Ngoài ra nút mạch gan nếu không được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề bác sĩ cao và máy chụp mạch hiện đại, điều kiện vô khuẩn tốt, có thể dẫn tới những biến chứng không mong muốn như nhiễm trùng.
Nút mạch gan là phương pháp còn khá mới với một số người bệnh, do đó có nhiều vấn đề thắc mắc xung quanh phương pháp này, đặc biệt là vấn đề tiên lượng sống và chi phí điều trị.
Hiện chưa có một phương pháp nào giúp ngăn ngừa ung thư gan tái phát vĩnh viễn. Phương pháp nút mạch gan cũng có nguy cơ gây tái phát. Theo một nghiên cứu đăng trên BioMed Central, trong 148 bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan được điều trị bằng nút mạch gan, có 64% người đáp ứng hoàn toàn và 26% người đáp ứng một phần. Tỷ lệ tái phát ung thư gan sau 6, 12 và 24 tháng lần lượt là 27%, 42% và 65%. Một nghiên cứu khác được báo cáo tại Đại hội Ghép tạng Hoa Kỳ, tỷ lệ tái phát ung thư biểu mô tế bào gan là 15% sau khi điều trị bằng nút mạch gan.
Nút mạch là phương pháp kiểm soát sự phát triển khối u với mức can thiệp tối thiểu. Do đó khi khối u phát triển thêm hoặc xuất hiện khối u mới, bác sĩ sẽ cân nhắc tiếp tục thực hiện nút mạch cho người bệnh. Thời gian trung bình giữa hai lần nút mạch gan là khoảng 10-14 tháng. Nút mạch gan có thể lặp lại nhiều lần trong năm, miễn là đảm bảo về mặt kỹ thuật và người bệnh đủ sức khỏe để trải qua nhiều lần can thiệp.
Trước khi tạo một lối nhỏ trên da, bác sĩ sẽ tiêm gây tê cục bộ cho người bệnh, nhờ đó hầu như không gây đau. Khi ống thông được luồn trong mạch máu, người bệnh có thể có cảm giác áp lực, tuy nhiên không quá khó chịu. Trong 1-2 ngày sau nút mạch, một số người bị buồn nôn, đau tại vết can thiệp hoặc sốt nhẹ, gọi là hội chứng postembolization, sẽ giảm dần sau vài tuần.
Thời gian sống sau nút mạch gan khác nhau ở từng bệnh nhân, phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ đáp ứng với nút mạch và thể trạng của người bệnh. Một nghiên cứu tại Trung Quốc nhằm so sánh thời gian sống giữa 347 bệnh nhân nút mạch gan và 175 bệnh nhân không nút mạch, được chăm sóc hỗ trợ. Kết quả, thời gian sống trung bình của nhóm nút mạch là 8 tháng, dài hơn đáng kể so với nhóm không nút mạch với chỉ 2 tháng.
Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan sau khi điều trị bằng nút mạch với thuốc Lipiodol có thời gian sống thêm trung bình là 19.4 tháng, 30% trường hợp sống trên 5 năm. Tại Việt Nam, đã có những bệnh nhân nút mạch gan sống trên 15 năm.
Chi phí nút mạch gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, phương pháp nút mạch, các vật liệu nút mạch sử dụng, cơ sở y tế thực hiện nút mạch. Nút mạch gan nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, do đó người bệnh có thể được giảm một phần chi phí.
Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Nội quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành về can thiệp nút mạch, đặc biệt là nút mạch gan. Trong đó, TTUT.PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền – Giám đốc Trung tâm là một trong những người tiên phong đưa nút mạch gan ứng dụng phổ biến tại Việt Nam, là ân nhân của nhiều bệnh nhân ung thư gan. Trung tâm sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phòng can thiệp đáp ứng tiêu chuẩn vô khuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là robot chụp mạch Artis Pheno hiện đại bậc nhất hiện nay, giúp tăng tối đa hiệu quả điều trị.
Trung tâm có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều chuyên khoa sâu khác như Ung bướu, Tiêu hóa, giúp người bệnh được thăm khám, điều trị và chăm sóc toàn diện. Để liên hệ đặt lịch khám, tư vấn về kỹ thuật nút mạch gan với các chuyên gia đầu ngành tại BVĐK Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Trên đây là các thông tin về nút mạch gan – một trong những kỹ thuật điều trị ung thư gan hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Nút mạch giúp người bệnh kiểm soát khối ung thư gan không phát triển thêm, đồng thời bảo tồn chức năng gan và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.