Nữ hóa tuyến vú là sự phát triển ngực bất thường ở nam giới. Đây không phải là bệnh nghiêm trọng, không gây nguy hiểm nhiều cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khiến cánh mày râu cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống. Do đó, hiểu rõ dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh để thăm khám và có biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm là điều hết sức cần thiết.
Nữ hóa tuyến vú là gì?
Nữ hóa tuyến vú là sự gia tăng số lượng mô tuyến vú ở nam giới, gây ra bởi sự mất cân bằng giữa 2 nội tiết tố estrogen và testosterone. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên vú, đôi khi không đồng đều.
Nữ hóa tuyến vú không phải là tình trạng gia tăng mô mỡ thông thường trong tuyến vú (hay còn được gọi là giả nữ hóa tuyến vú).
Nguyên nhân nữ hóa tuyến vú ở nam giới
Theo các chuyên gia, mất cân bằng nội tiết là nguyên nhân chính gây nữ hóa tuyến vú ở nam giới. Nam giới bị mất cân bằng nội tiết có thể do một số nguyên nhân sau:
1. Thay đổi nội tiết tố tự nhiên
Trong cơ thể nam giới có cả hormone sinh dục nam testosterone và hormone sinh dục nữ estrogen. Testosterone kiểm soát các đặc điểm của nam giới như khối lượng cơ và lông trên cơ thể. Trong khi đó, estrogen điều khiển sự phát triển của tuyến vú. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể nam giới quá cao hoặc mất cân bằng với nồng độ testosterone có thể gây nữ hóa tuyến vú. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 giai đoạn sau:
Sơ sinh: Hơn 50% trẻ sơ sinh nam bị phì đại tuyến vú to do ảnh hưởng estrogen từ mẹ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ biến mất trong vòng 2 – 3 tuần sau sinh.
Tuổi dậy thì: Đây là tình trạng khá phổ biến, do nội tiết tố mất cân bằng trong quá trình dậy thì. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ biến mất sau sáu tháng đến hai năm mà không cần điều trị.
Trưởng thành: Khoảng 24 – 65% nam giới từ 50 – 80 tuổi bị nữ hóa tuyến vú.
Thay đổi nội tiết tố tự nhiên có thể gây nữ hóa tuyến vú ở nam giới lớn tuổi
2. Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng nữ hóa tuyến vú như:
Thuốc kháng androgen: Điều trị phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt và một số bệnh lý khác như flutamide, finasteride (Proscar, Propecia) và spironolactone (Aldactone, Carospir).
Steroid đồng hóa và androgen: Điều trị thiếu hụt nội tiết tố, dậy thì muộn hoặc mất cơ do bệnh lý khác.
Thuốc điều trị bệnh AIDS: Các đặc tính giống như estrogen của một số loại thuốc điều trị HIV có thể gây ra nữ hóa tuyến vú như Efavirenz (Sustiva).
Thuốc chữa tình trạng tăng động giảm chú ý (ADHD) có chứa amphetamine như Adderall.
Thuốc tim mạch: như digoxin (Lanoxin) và thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc làm trống dạ dày: như metoclopramide (Reglan)
Thuốc trị loét dạ dày: như cimetidine (Tagamet HB)
Thuốc chống lo âu: như diazepam (Valium)
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Thuốc kháng sinh
Thuốc trị ung thư
3. Sử dụng rượu, chất gây nghiện
Lạm dụng rượu bia; sử dụng Steroid đồng hóa để tăng khối cơ, nâng cao hiệu suất thể thao và một số chất gây nghiện như amphetamine, cần sa, bạch phiến, methadone được xác định là có thể gây nữ hóa tuyến vú ở nam giới.
4. Bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây nữ hóa tuyến vú ở nam giới do ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố như:
Thiểu năng sinh dục: Hội chứng Klinefelter hoặc suy tuyến yên có thể làm giảm sản xuất testosterone ở nam giới, từ đó gây nữ hóa tuyến vú.
Lão hóa: Thay đổi nội tiết tố xảy ra khi lão hóa có thể gây ra nữ hóa tuyến vú, đặc biệt là ở nam giới thừa cân.
Khối u: Khối u liên quan đến tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến yên có thể tạo ra các hormone làm thay đổi sự cân bằng hormone nam – nữ.
Cường giáp: Tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine.
Suy thận: Khoảng một nửa số người được điều trị bằng lọc máu bị nữ hóa tuyến vú do thay đổi nội tiết tố.
Suy gan và xơ gan: Những thay đổi về nồng độ hormone liên quan đến các vấn đề về gan và thuốc điều trị xơ gan có liên quan đến nữ hóa tuyến vú.
Suy dinh dưỡng: Khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nồng độ testosterone sẽ giảm xuống trong khi nồng độ estrogen vẫn giữ nguyên, từ đó gây mất cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, nữ hóa tuyến vú cũng có thể xảy ra khi chế độ dinh dưỡng bình thường trở lại.
Thảo dược: Một số loại dầu thực vật như trà hoặc hoa oải hương, sử dụng trong dầu gội đầu, xà phòng, kem dưỡng da được cho là có liên quan đến tình trạng nữ hóa tuyến vú do hoạt tính estrogen yếu của chúng gây ra.
Dấu hiệu nữ hóa tuyến vú ở nam giới
Khi bị nữ hóa tuyến vú nam giới có thể có một số biểu hiện lâm sàng như:
Ngực to hơn mức bình thường
Đau ngực, tình trạng này thường gặp ở thanh thiếu niên
Sưng mô vú
Vú đau khi sờ
Núm vú nhạy cảm khi cọ xát với quần áo
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám, điều trị sớm nếu có một trong các triệu chứng sau:
Ngực sưng tấy
Cảm thấy đau ở một hoặc hai bên vú
Núm vú tiết dịch
Đối tượng có nguy cơ cao bị nữ hóa tuyến vú?
Bé trai mới sinh, bé trai trong độ tuổi dậy thì (12 – 16 tuổi) và nam giới lớn tuổi là những đối tượng dễ bị nữ hóa tuyến vú do những thay đổi tự nhiên về nồng độ hormone trong cơ thể và một số nguyên nhân khác.
Chẩn đoán nữ hóa tuyến vú ở nam giới
Để xác định chính xác tình trạng nữ hóa tuyến vú ở nam giới, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng đánh giá cẩn thận mô vú, bụng và bộ phận sinh dục của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân có thể gây nữ hóa tuyến vú, sàng lọc ung thư vú và loại trừ các tình trạng có thể gây ra triệu chứng tương tự như nữ hóa tuyến vú (giả nữ hóa tuyến vú, ung thư vú, áp xe vú), bao gồm:
Xét nghiệm máu
Chụp nhũ ảnh (X-quang vú)
Chụp cắt lớp điện toán (CT)
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Siêu âm tinh hoàn
Sinh thiết mô
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán tình trạng nữ hóa tuyến vú ở nam giới
Cách điều trị nữ hóa tuyến vú như thế nào?
Hiện nay, việc điều trị nữ hóa tuyến vú tùy theo từng trường hợp như:
Thanh thiếu niên bị nữ hóa tuyến vú không có nguyên nhân rõ ràng, ngoài những thay đổi nội tiết bình thường trong tuổi dậy thì, bác sĩ có thể đề nghị tái khám định kỳ 3 – 6 tháng một lần để xem tình trạng có tự cải thiện hay không. Bởi hầu hết các trường hợp nữ hóa tuyến vú ở thanh thiếu niên thường biến mất mà không cần điều trị trong vòng hai năm.
Trường hợp nam giới sử dụng thuốc gây nữ hóa tuyến vú, bị nữ hóa tuyến vú do bệnh lý nền như thiểu năng sinh dục, suy dinh dưỡng, xơ gan,… chỉ cần loại bỏ nguyên nhân.
Điều trị đặc hiệu bằng thuốc hoặc phẫu thuật được xem xét khi tình trạng bệnh không tự cải thiện, gây đau đớn khó chịu hoặc ảnh hưởng đến tâm lý.
Điều trị bằng thuốc: Thuốc dùng để điều trị ung thư vú và các bệnh khác có thể hữu ích đối với một số nam giới bị nữ hóa tuyến vú như Tamoxifen, thuốc ức chế aromatase. Mặc dù, các loại thuốc này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt, nhưng chúng chưa được phê duyệt đặc biệt để sử dụng cho những người bị nữ hóa tuyến vú.
Phẫu thuật: Trường hợp tuyến vú ngày càng lớn, gây khó chịu ngay cả sau khi điều trị bằng thuốc hoặc theo dõi ban đầu, bác sĩ có thể khuyên người bệnh thực hiện phẫu thuật hút mỡ để loại bỏ mỡ vú hoặc phẫu thuật đoạn nhũ dưới da để loại bỏ các mô tuyến vú.
Cách phòng ngừa nữ hóa tuyến vú
Để ngăn ngừa tình trạng nữ hóa tuyến vú nam giới cần lưu ý một số vấn đề sau:
Hạn chế sử dụng rượu bia
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu estrogen như đậu nành, hạt lanh, quả hạch,…
Tránh sử dụng các loại thuốc có chứa hormone estrogen
Tái khám theo đúng lịch hẹn để theo dõi triệu chứng bệnh khi được chẩn đoán bị nữ hóa tuyến vú. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý bỏ thuốc.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Nữ hóa tuyến vú là bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng không phải vì vậy các anh có thể chủ quan, bởi nam giới bị nữ hóa tuyến vú có tỉ lệ mắc phải ung thư vú cao gấp mười lần người bình thường. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, có hướng điều trị hích hợp.