Phụ huynh e ngại đưa con đến bệnh viện vì lo dịch bệnh hoặc nhiều bệnh viện quá tải điều trị Covid-19 khiến nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết gặp nguy hiểm tính mạng do chậm trễ điều trị.
Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở các nước vùng nhiệt đới. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch lớn vào mùa mưa. Sốt xuất huyết được truyền qua muỗi vằn, loại muỗi này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động vào ban ngày. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thất thoát dịch ra ngoài mạch máu,xuất huyết ồ ạt, tổn thương đa cơ quan, và thậm chí trụy tim mạch gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bé Hoàng An (14 tuổi, ở Gò Vấp) bị sốt cao liên tục 3 ngày kém đáp ứng với thuốc hạ sốt nhưng do sợ dịch bệnh Covid-19 nên gia đình không cho bé đi khám mà chỉ uống thuốc theo đơn thuốc cũ của bác sĩ. Sang ngày thứ 4, bé vẫn sốt liên tục 39 độ, uống thuốc không hạ, nhợn ói nhiều, đau bụng và đặc biệt bé có biểu hiện ra kinh bất thường, bé được đưa tới thăm khám tại BVĐK Tâm Anh TP HCM và được chẩn đoán sốt xuất huyết.
BVĐK Tâm Anh TP HCM những ngày gần đây liên tục ghi nhận những ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết diễn tiến nặng do nhập viện muộn. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện cho biết: “Nhiều bé nhập viện trong tình trạng sốt cao tới 39-40 độ nhiều ngày không hạ mới được phụ huynh đưa tới viện. Sau khi thăm khám, chúng tôi chẩn đoán các bé mắc sốt xuất huyết Dengue và không ít trẻ có biểu hiện nặng, cần phải truyền dịch và theo dõi sát. Thực tế, hiện có rất nhiều phụ huynh trì hoãn đến bệnh viện hoặc tự chữa bệnh cho con tại nhà do lo ngại dịch Covid-19. Với bệnh sốt xuất huyết, không được theo dõi sát và điều trị muộn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong”.
Sau khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và điều trị trong 3 ngày, các triệu chứng của Hoàng An đã giảm dần, bé khỏe hơn, ăn uống khá. Tuy nhiên, bé vẫn còn tình trạng chảy máu kinh rỉ rả nên vẫn cần phải theo dõi sát. “Nếu xuất huyết nhiều sẽ dẫn đến mất máu, nên chúng tôi đã dự phòng sẵn trường hợp nếu bé xuất huyết âm đạo nhiều, cần phải truyền máu hay truyền các chế phẩm của máu để chủ động các phương án điều trị. Nhưng may mắn là tình trạng của bé không diễn tiến nặng, Hoàng An được xuất viện sau 6 ngày điều trị”, bác sĩ Thoa chia sẻ.
Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhi ở độ tuổi 3-7 tuổi mắc sốt xuất huyết. Bé Phương Tâm, 3 tuổi, ở Gò Vấp TP HCM bị sốt cao liên tục 2 ngày, đau bụng, nôn ói nhiều. Bé được truyền dịch, điều trị hạ sốt, nâng đỡ tổng trạng bé với Vitamin C; hiện tại bé tỉnh táo, ăn được, tiêu tiểu bình thường, hết sốt. Bệnh nhi Minh Anh (6 tuổi, ở quận Tân Bình) nhập viện từ ngày 2/9 trong tình trạng sốt cao liên tục từ 39-40 độ, nhợn ói, li bì, bỏ ăn, đau bụng; được điều trị nâng đỡ bổ sung nước điện giải, bé phục hồi: hết sốt, cải thiện ăn uống và tiêu tiểu, không còn đau bụng và xuất viện sau 3 ngày điều trị. Dự báo, con số bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng khi mùa mưa đang bắt đầu tại các tỉnh miền Nam và kéo dài đến hết tháng 1 năm sau, đỉnh dịch có thể xuất hiện vào những tháng cuối năm 2021. Các chuyên gia cảnh báo, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng ở trẻ có thể gia tăng do các ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người e ngại đến bệnh viện khám chữa bệnh.
Xem thêm: BỆNH TRỞ NẶNG, NGUY CƠ TỬ VONG DO TRÌ HOÃN KHÁM BỆNH MÙA COVID-19
Sau khi bi muỗi chích từ 4- 10 ngày, trẻ có biểu hiện bệnh. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn khởi bệnh, trẻ thường có các triệu chứng dễ nhầm với các loại siêu vi khác như sốt phát ban, tay chân miệng… Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ sốt cao đột ngột, liên tục trong nhiều ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; đồng thời có thể có các chấm/mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Khi trẻ diễn tiến nặng, trẻ có thể vật vã, li bì; buồn nôn, nôn, đau bụng vùng gan, da lạnh, tiểu ít… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy đa tạng như: tổn thương gan, suy gan, suy thận, suy hô hấp, tổn thương tim, hoặc tổn thương não và có thể dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, trẻ cảm giác thèm ăn và tiểu nhiều hơn.
Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, sốt xuất huyết khác với các bệnh siêu vi khác là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 4-6 của bệnh, thời điểm một số trẻ có thể giảm hoặc hết sốt nhưng lại diễn tiến nặng.Vì vậy, trẻ cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có phác đồ theo dõi, điều trị cho phù hợp, tuyệt đối không nên chủ quan khi thấy trẻ cắt sốt liền cho rằng bé đã khỏi bệnh. Khi trẻ sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng, tình trạng chảy máu hoặc thoát huyết tương có thể khiến trẻ bị sốc. Nếu không được, bù nước đầy đủ hoặc kiểm soát tình trạng chảy máu và thiếu máu, bệnh sẽ diễn tiến nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng.
Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn. Tuổi càng nhỏ, đặc biệt trẻ nhũ nhi, khả năng bệnh nặng càng cao. Ngoài ra, một số trẻ có cơ địa đặc biệt như trẻ thừa cân béo phì, trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, hen suyễn, bệnh mãn tính…thường có nguy cơ biến chứng nhiều hơn và tiên lượng nặng hơn. Tình trạng sốc của những trẻ này cũng diễn tiến nguy hiểm hơn và có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa cho biết, hiện chưa có vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết. Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tùy mức độ nặng nhẹ và mức độ tổn thương của các cơ quan khác nhau sẽ có hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên vì dịch Covid-19 mà ngại tới cơ sở y tế khám bệnh. Hiện các cơ sở y tế như BVĐK Tâm Anh đều thực hiện rất nghiêm ngặt việc phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã bố trí khu khám sàng lọc và khu cấp cứu sàng lọc tách biệt với khu khám bệnh và nội trú nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người bệnh.
Ngay khi phát hiện trẻ sốt cao liên tục từ hai ngày trở lên, phu huynh cần đưa trẻ đi thăm khám để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Cần chú ý khi trẻ có một trong các dấu hiệu quấy khóc, bứt rứt, li bì, ăn uống kém, nôn ói, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen,… phụ huynh cần đưa con tới ngay bệnh viện.
Bác sĩ Thoa khuyến cáo, mặc dù các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi và quyết định khi nào trẻ có thể dược điều trị tại nhà sẽ do bác sĩ chỉ định, nhất là sốt xuất huyết ở trẻ em. Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu nghi sốt xuất huyết phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và thực hiện xét nghiệm để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Khoa Nhi là một trong những chuyên khoa mũi nhọn của Hệ thống BVĐK Tâm Anh trên cả nước. Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành tận tâm, dịch vụ khám chữa bệnh đẳng cấp quốc tế, dưới sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị y tế chuyên dụng hiện đại hàng đầu thế giới, khoa Nhi khoa BVĐK Tâm Anh trở thành lựa chọn tốt nhất được nhiều cha mẹ gửi gắm niềm tin. Từ khi thành lập đến nay, Khoa Nhi đã chẩn đoán và chữa trị thành công cho hàng triệu trường hợp mắc các bệnh lý truyền nhiễm, hô hấp, thận – tiết niệu, tim mạch, cơ xương khớp… Trong đó có nhiều trẻ bị bệnh lý mạn tính hoặc trẻ gặp phải các vấn đề sức khỏe do sinh non.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Xem thêm: TÂM ANH TIÊM VẮC XIN NGỪA COVID-19 CẢ NGÀY THỨ BẢY, CHỦ NHẬT