TP HCM – Bà Hường, 60 tuổi, cao 1,6 m, nặng 80 kg, bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ mổ bắc cầu từ đường ngực bên thay vì cưa xương ức do mỡ tích tụ nhiều.
Bà Hường béo phì độ 2, từ đầu tháng 8 thỉnh thoảng đau ngực nhẹ. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả đo điện tim, thử men tim và chụp mạch vành ghi nhận nhồi máu cơ tim ST không chênh lên (một dạng nhồi máu cơ tim).
Ngày 22/8, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực cho biết đây là tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính do tắc nghẽn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, dẫn đến hoại tử cơ tim.
Chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc ba nhánh mạch vành chính, chỉ còn một nhánh phụ nuôi toàn bộ tim. Theo bác sĩ Dũng, nếu không can thiệp nhanh chóng, nhánh còn lại tắc hẹp, bệnh nhân có nguy cơ suy tim, đột tử.
Ngoài béo phì, bà Hường còn mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao. Lớp mỡ tích tụ nhiều ở vùng ngực và bụng, bám xung quanh phổi cản trở thông khí. Bác sĩ phải tính toán phương án mổ an toàn nhất cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Dũng, trường hợp này, nếu mổ đường giữa ngực như bình thường có thể ảnh hưởng tới đường thở, vết thương khó lành, thậm chí bung xương ức. Bác sĩ quyết định mổ tim từ đường ngực bên trái, không cần mở xương ức, không làm liệt tim để tránh nhiễm trùng, giữ độ cứng thành ngực, hồi phục nhanh. Tuy nhiên, không dễ để thực hiện kỹ thuật này.
Bác sĩ Dũng giải thích nếu mổ tim đường ngực bên, khoảng cách đến tim xa hơn, thao tác tiếp cận và khâu nối mạch máu khó khăn hơn. Mạch vành phải nằm ở vị trí sau rất khó tiếp cận, phải có dụng cụ nâng tim. Khâu nối không tốt dễ gây tắc mạch nối khiến bệnh nhân đột tử. Trường hợp không tiếp cận được mạch vành để khâu nối, phải chuyển sang mở đường xương ức, bệnh diễn tiến nặng hơn.
Nhờ kết hợp kỹ thuật phẫu thuật tim và mạch máu, trong 5 giờ, ê kíp mở đường ngực bên trái với vết mổ 4-5 cm và bắc ba cầu nối thành công, cải thiện lưu lượng máu đến tim.
Sau mổ, bà Hường hết đau ngực, cử động nhẹ nhàng. 7 ngày sau, bà xuất viện, rút ngắn hơn một nửa thời gian hồi phục so với mổ tim từ đường xương ức.
Kỹ thuật mổ tim từ đường ngực bên có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân, nhất là người béo phì, có vấn đề đường thở, mở khí quản… để tránh nguy cơ khi mở xương ức.
Béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ đối với bệnh lý tim mạch. Lượng chất béo tăng lên, nhất là chất béo ở bụng, làm tăng mức độ viêm nhiễm, khả năng kháng insulin trong cơ thể. Cả hai yếu tố thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, diễn tiến nặng dẫn tới nhồi máu cơ tim. Cơ thể tích lũy nhiều mỡ đồng nghĩa với tăng thể tích máu, khiến tim đập mạnh hơn, lâu ngày gây suy tim.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, người thừa cân – béo phì cần kiểm soát trọng lượng cơ thể với chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 24. Nên có chế độ ăn lành mạnh, tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, carbohydrate tinh chế, muối, đường. Hoạt động thể chất với ít nhất 30 phút mỗi ngày, ngủ đủ 7-9 giờ mỗi ngày, tránh xa rượu bia, thuốc lá.
Người có yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim như rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, bệnh đái tháo đường, thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, ít vận động, hút thuốc lá, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch nên tầm soát bệnh 6 tháng một lần.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH