//= SITE_URL ?>
Chị Hải bị lạc nội mạc tử cung trong lòng trực tràng, chèn ép gây tắc ruột, buộc phải nuôi ăn qua đường tĩnh mạch trước khi phẫu thuật can thiệp.
Chị Thái Thị Hải, 27 tuổi, (ngụ tại quận Tân Phú, TP HCM) thường xuyên đau bụng theo chu kỳ kinh nguyệt. Cách đây 3 tháng, cơn đau vượt ngưỡng chịu đựng, chị đến một phòng khám kiểm tra, bác sĩ phát hiện lạc nội mạc tử cung vùng chậu. Sau khi sử dụng thuốc tránh thai theo toa bác sĩ chỉ định, tình trạng đau có cải thiện nhưng 2 ngày gần cuối tháng 8, bệnh nhân chướng bụng không thể đi cầu nên vào BVĐK Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Từ kết quả thăm khám lâm sàng, hỗ trợ từ chẩn đoán hình ảnh trước mổ, bác sĩ nhận định người bệnh có khối u lạc nội mạc tử cung vùng chậu, chèn ép hậu môn trực tràng.
Trong khi nội soi ổ bụng thám sát, bác sĩ phát hiện nguyên khối dính tử cung, hai phần phụ vào trực tràng và túi cùng sau. Phần giữa tử cung và trực tràng thường là khoảng trống, còn ổ bụng chị Hải khoảng trống này chứa đầy máu nâu màu socola.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM đánh giá, trường hợp bệnh nhân Hải xác định lạc nội mạc tử cung cấp độ 4, cấp độ cao nhất trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung gây biến chứng dính ruột lên tử cung, làm gập góc ruột, là nguyên nhân khiến người bệnh đau đớn, không thể đi đại tiện. Trường hợp này rất khó phẫu thuật vì nguy cơ thủng ruột, tổn thương các cơ quan khác như niệu quản, mạch máu vùng chậu.
Êkip cẩn trọng cắt bỏ khối lạc nội mạc, gỡ dính trực tràng ra khỏi tử cung, gỡ dính hai phần phụ hai bên ra khỏi hố buồng trứng, vách chậu và ruột, dẫn lưu sạch máu kinh tồn đọng ra khỏi ổ bụng.
Sau cuộc mổ nội soi một ngày, chị Hải được nội soi trực tràng thám sát. Bác sĩ phát hiện chị có thêm khối u chứa máu to ở trong thành trực tràng, bác sĩ chích rạch khối máu tụ, giải áp ngay trong khi nội soi.
Người bệnh ngưng nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, tập ăn bình thường trở lại, tiếp tục điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết đặc hiệu trị lạc nội mạc tử cung, kháng sinh.
ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, đây là ca bệnh hiếm gặp. Chị Hải có 2 bệnh lý cùng lúc một là lạc nội mạc tử cung vùng chậu trong vách túi cùng sau gây dính vùng chậu làm gập góc trực tràng, hai là khối máu tụ trong lòng thành trực tràng nghi do lạc nội mạc tử cung xuất huyết hoặc do vỡ một mạch máu trong thành trực tràng.
Nhờ phối hợp hai chuyên khoa Sản và Trung tâm nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, bệnh lý được giải quyết triệt để, giúp hệ tiêu hóa của người bệnh hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, bệnh lý lạc nội mạc tử cung có nguy cơ tái phát nhiều lần, chị Hải được xuất viện, tiếp tục điều trị nội khoa, tái khám theo lịch hẹn.
BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi phẫu thuật nội soi bóc lạc nội mạc tử cung cho bệnh nhân Hải.
Bác sĩ Bình Lụa cho biết, theo ước tính thế giới có khoảng 10% phụ nữ có lạc nội mạc tử cung, tập trung độ tuổi 25-35. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung xuất hiện bên ngoài lớp nội mạc tử cung phụ nữ (hay còn gọi là lạc chỗ). Hay gặp nhất là lạc nội mạc tử cung vùng chậu gặp ở buồng trứng, trong cơ tử cung, lớp phúc mạc chậu. Nếu khối u lạc nội mạc phát hiện tại buồng trứng gọi là lạc nội mạc buồng trứng, ngoài ra chúng được phát hiện tại bàng quang, ruột, phổi, vết may tầng sinh môn, trực tràng, tại vết mổ lấy thai…Tuy là bệnh lý lành tính nhưng bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người phụ nữ, khả năng sinh sản, tâm sinh lý và có khả năng gây nhiều biến chứng.
Đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh là phụ nữ chưa sinh con, dậy thì sớm, người có chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn dưới 3 ngày hoặc kéo dài trên 7 ngày, cơ quan sinh sản có cấu trúc bất thường, người rối loạn hormone estrogen…
Bác sĩ Bình Lụa cho biết, dấu hiệu cảnh báo phụ nữ có lạc nội mạc tử cung thường đau bụng kinh nhiều, đau vùng chậu, xuất huyết tử cung bất thường. Trường hợp khối u lạc nội mạc to chèn ép cơ quan trong vùng bụng có thể gây táo bón, bí tiểu, đau khi giao hợp… Lạc nội mạc tử cung được xem như bệnh lý phụ khoa mãn tính và phức tạp cho đến nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, vì bệnh có khả năng tái phát cao kể cả người bệnh được phẫu thuật bóc tách.
Do đó, chị em có những triệu chứng cảnh báo cần đi khám ngay để được kiểm tra, theo dõi và điều trị. Phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình cần điều trị sớm vì các khối lạc nội mạc tử cung khả năng làm tổn thương vòi trứng, ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng, viêm dính vùng chậu, thay đổi nội mạc tử cung theo hướng bất lợi, giảm dự trữ buồng trứng, dẫn đến nguy cơ vô sinh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH