Bệnh nhân sống chung với gout 20 năm đã khôi phục vận động tay, chân, trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày sau phẫu thuật tophi.
Ông Phạm Văn Ngọc (62 tuổi, Thanh Hóa) mắc bệnh gút hơn 20 năm. Mỗi khi thay đổi thời tiết ông lại bị đau đớn, không đi lại được, hai bàn chân sưng phù, hai bàn tay tấy đỏ khó cử động. Ông chia sẻ mặc dù đã điều trị nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh hầu như không thuyên giảm, các cơn đau thường xuyên hành hạ khiến ông mệt mỏi, mất ăn mất ngủ.
Với mong muốn cải thiện bệnh, ông Ngọc đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào cuối tháng 2/2023. PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết, qua thăm khám và xét nghiệm cho thấy, ông Ngọc mắc bệnh gout mạn tính. Ở khớp tay và chân có nhiều cục tophi kích thước lớn, ngón cái bàn chân hai bên đang viêm tấy, vỡ và chảy nhiều dịch trắng đục quánh.
Theo PGS Hoa, cục tophi thường xuất hiện ở những người đã mắc bệnh gout khoảng trên 5 năm mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Bệnh nhân thường có thói quen lạm dụng bia rượu, ăn các thức ăn giàu chất đạm gây quá tải cho cơ thể. Hơn nữa, khi bị viêm đau khớp do bệnh gout bùng phát, họ thường sử dụng các loại thuốc không phù hợp, tự ý mua thuốc điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng các thuốc có chứa hàm lượng corticoid cao không đúng cách, do đó làm tăng lắng đọng tinh thể urat. Đây là nguyên nhân xuất hiện nhiều cục tophi to nhỏ ở nhiều vị trí trên cơ thể, tập trung chủ yếu ở các khớp khuỷu, cổ tay, ngón tay, gối và bàn cổ chân hai bên.
ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình chia sẻ, trường hợp ông Ngọc sau khi điều trị tại khoa Cơ xương khớp, bệnh đã dần ổn định. Người bệnh ăn ngủ được, không còn bị các cơn đau hành hạ, các cục tophi giảm viêm tấy, khô sạch, không chảy dịch. Bác sĩ tiến hành mổ bóc các tổ chức tophi ở hai bàn tay và chân do các cục tophi lớn bám quanh các khớp gây biến dạng và mất vận động bàn tay.
Bác sĩ Tiệp nhấn mạnh, phẫu thuật tophi khá phức tạp bởi tinh thể urat găm vào các thớ xương, sụn, bao khớp, các tổ chức phần mềm quanh khớp, phá hủy cấu trúc khớp và tạo thành những kho chứa tinh thể urat. Do đó việc lấy tối đa lượng tinh thể nằm trong khớp và bao quanh khớp là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác để tránh gây tổn thương các dây chằng, mạch máu, dây thần kinh của bàn tay. Đồng thời bác sĩ phải tính toán chính xác các đường rạch da, sử dụng các biện pháp làm sạch vết thương đặc hiệu trong cuộc mổ để vết thương nhanh liền giúp người bệnh phục hồi vận động.
Sau phẫu thuật 7 ngày, người bệnh bắt đầu tập phục hồi chức năng các ngón và bàn tay. Sau 20 ngày, bệnh nhân cử động dễ dàng hơn, dùng được đũa để gắp thức ăn. Ông Ngọc tự làm mọi việc tuy chưa thật khéo léo nhưng cũng giúp tinh thần ông phấn chấn hơn. Theo bác sĩ Tiệp, hạt tophi là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị gout mạn tính. Phẫu thuật bóc hạt tophi giúp cải thiện chức năng vận động, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, tránh di chứng hoặc biến chứng của bệnh như vỡ, chèn ép mạch máu hoặc thần kinh, biến dạng khớp ảnh hưởng đến chức năng vận động.
PGS Hoa lưu ý, trong khoảng 20 năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh gout ngày càng tăng. Nếu không quản lý bệnh đúng cách có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe như biến dạng khớp, hạn chế vận động, nặng hơn nữa là tàn phế. Tinh thể urat lắng đọng dưới da tạo các u, cục gây đau và mất thẩm mỹ cho người bệnh. Các cục tophi bị vỡ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết…
Bệnh gout mạn tính gây lắng đọng muối urat trong thận gây sỏi thận, tăng nguy cơ ứ nước, ứ mủ dẫn đến suy thận, thậm chí tinh thể urat có thể còn lắng đọng ở cơ tim và thành các mạch máu lớn gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim… Vì vậy, người mắc bệnh gout nên đi khám và quản lý bệnh tại các cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên chữa các bệnh Cơ Xương Khớp và Chấn thương chỉnh hình để được điều trị sớm, đúng cách và toàn diện, nhằm đề phòng biến chứng, cải thiện chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.
Nhằm giải đáp mọi thắc mắc của quý độc giả về bệnh gout, nguy cơ mắc bệnh, các phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh mang lại hiệu quả tốt, cách chung sống hòa bình với gout, hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Bệnh gút – gout, từ điều trị bằng thuốc đến phẫu thuật”.
Chương trình livestream diễn ra vào lúc 20h ngày 21/3/2023 với sự tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Chương trình được phát sóng Trực tiếp trên Báo điện tử thanhnien.vn, website tamanhhospital.vn và vnvc.vn. Livestream trên ứng dụng VTVgo, THVLi và các fanpage: VTV24 – Trung tâm tin tức, VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh niên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC – Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn, Cơ xương khớp Tâm Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – BVĐK Tâm Anh TP.HCM; kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube Chấn thương Chỉnh hình Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên, Youtube Truyền hình Vĩnh Long.
Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH