20h thứ Tư, ngày 17/11/2021, 3 chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ trực tiếp tư vấn về dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao, cách dự phòng các biến chứng nguy hiểm, giúp mẹ bầu và bé khỏe mạnh suốt thai kỳ.
Mang thai và làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, là niềm hạnh phúc vô bờ bến của mọi phụ nữ. Tuy mang thai là một hiện tượng sinh lý tự nhiên nhưng thống kê cho thấy, khoảng 20% trường hợp mang thai thuộc nhóm thai kỳ nguy cơ cao, có khả năng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Có thể thấy, mặc dù lĩnh vực chăm sóc tiền sản và tầm soát trước sinh với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại đã mang lại nhiều tiến bộ trong sàng lọc và dự phòng các biến chứng nguy hiểm liên quan đến mang thai và sinh nở, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở thai phụ và thai nhi nhưng vẫn còn nhiều biến chứng không thể can thiệp, xử trí hiệu quả nếu phát hiện muộn, bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị.
Vậy thế nào là thai kỳ nguy cơ cao? Bằng cách nào phát hiện sớm các dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao? Mẹ và bé có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm nào? Chăm sóc, quản lý thai kỳ và dự phòng các biến chứng như thế nào để mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ?…
Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong chương trình Tư vấn trực tuyến “THAI KỲ NGUY CƠ CAO & DỰ PHÒNG BIẾN CHỨNG” được phát sóng trực tiếp trên website tamanhhospital.vn; Livestream trên các fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, IVF Tâm Anh, VNVC – Trung tâm tiêm chủng, Trung tâm Sản Phụ khoa Tâm Anh và kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào lúc 20h thứ Tư, ngày 17/11/2021.
Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia tư vấn trực tiếp trong chương trình.
Xem thêm: BS.CKI TRẦN LÂM KHOA GIẢI CỨU EM BÉ TRONG BỤNG MẸ BẰNG Y HỌC BÀO THAI
Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có nhiều khả năng đưa đến kết cục xấu cho mẹ và/hoặc thai nhi hơn so với những thai kỳ khác nói chung. Thai kỳ nguy cơ cao khá phổ biến, chiếm khoảng 20% tổng số các thai kỳ và có thể gặp ở bất kỳ tuổi thai nào, gây nên các dị tật, dị dạng cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Nguy hiểm hơn, thai kỳ nguy cơ cao có thể đe dọa tính mạng, làm tăng tỷ lệ tử vong ở thai phụ, thai nhi và trẻ ở thời kỳ chu sinh và sơ sinh.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, có 5 nhóm yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng thai kỳ nguy cơ cao gồm:
Đầu tiên là độ tuổi của thai phụ: Thai phụ dưới 18 tuổi có nguy cơ cao bị sinh khó, sinh non, tỷ lệ trẻ sinh ra bị tử vong trong giai đoạn chu sinh khá cao; Thai phụ trên 35 tuổi dễ bị sinh khó, rối loạn nhiễm sắc thể, trẻ sinh ra bị dị dạng, tỷ lệ trẻ tử vong trong giai đoạn chu sinh cao.
Tiếp đến, thể trạng của thai phụ cũng ảnh hưởng rất lớn, thai phụ có thể trạng quá béo hoặc quá gầy; chiều cao dưới 145cm, nặng trên 70kg hoặc dưới 40kg dễ gặp khó khăn khi chuyển dạ…
Ngoài ra, những bất thường về giải phẫu của đường sinh dục nữ như thai phụ có tử cung đôi, tử cung hai sừng, vách ngăn tử cung… dễ bị sinh non, có vách ngăn âm đạo sẽ gây cản trở thai nhi trong quá trình di chuyển xuống dưới khi chuyển dạ.
Một số bệnh lý thai phụ đã mắc phải trước khi mang thai có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé gồm: Tăng huyết áp đe dọa tính mạng thai phụ lẫn thai nhi nếu không may bị tiền sản giật và sản giật; Bệnh thận làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp mãn tính, dẫn đến biến chứng tiền sản giật và sản giật; Bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim có biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi; Bệnh nội tiết như đái tháo đường, Basedow dễ dẫn đến biến chứng như làm thai nhi to lên, thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu.
Các bệnh lý do rối loạn hệ miễn dịch; bệnh lý ác tính như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung…; bệnh thiếu máu do hồng cầu lưỡi liềm, suy tủy; bệnh nhiễm khuẩn mạn tính hoặc cấp tính như lao phổi; bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia, Herpes sinh dục, Human Papilloma Virus (HPV), Human Immunodeficiency Virus (HIV), lậu, giang mai; bệnh do virus như Rubella, viêm gan; bệnh do ký sinh trùng như sốt rét; bệnh não như viêm não, tâm thần, động kinh…; bệnh có tính chất di truyền gia đình như Thalassemia…; bệnh ngoại khoa như bệnh trĩ, chấn thương, gãy xương chậu… cũng ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Nếu thai phụ có tiền sử thai sản nặng nề như sảy thai liên tiếp có liên quan bất thường di truyền của hai vợ chồng, bất thường ở tử cung, thiểu năng nội tiết; thai chết lưu, tiền sản giật, mổ lấy thai hoặc sinh con bằng forcep, giác kéo; bất thường nhiễm sắc thể; bất đồng nhóm máu ABO, yếu tố Rh; khoảng thời gian giữa các lần sinh nở quá gần hoặc quá xa… có nguy cơ cao lặp lại ở những lần mang thai tiếp theo.
Một số vấn đề phát sinh trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi. Cụ thể, ở thai phụ cần chú ý các bệnh sốt rét, tiền sản giật và sản giật, giảm tiểu cầu tự miễn trong thời gian mang thai, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu…; ở thai nhi cần chú ý các bất thường như thai to, thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu, ngôi thai bất thường, song thai, đa thai… Ngoài ra, cần chú ý các trường hợp nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau cài răng lược, u bánh nhau, sa dây rốn, rỉ ối, vỡ ối, thiểu ối, đa ối…
Trình độ văn hóa thấp, cơ sở y tế quá xa, giao thông không thuận tiện, đời sống nhiều hạn chế, không tiếp cận được với những tiến bộ trong chăm sóc tiền sản và tầm soát trước sinh… cũng đe dọa ít nhiều đến một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
“Ngoài ra, những thai phụ có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy và các chất kích thích…; tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ; làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, thường xuyên tiếp xúc hóa chất, tia X-quang… dễ rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết thêm.
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, hậu quả của một thai kỳ nguy cơ cao có thể rất nặng nề: thai nhi kém phát triển, thai chết lưu, sảy thai, suy thai cấp và mạn tính, trẻ sinh ra bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ, có nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh…; mẹ có nguy cơ cao cần can thiệp y tế trong và sau sinh, tăng tỷ lệ sinh mổ, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí bị đe dọa tính mạng.
“Việc chăm sóc và quản lý thai kỳ nguy cơ cao có vai trò vô cùng quan trọng. Những thai phụ có các yếu tố thai kỳ nguy cơ cao cần được thăm khám, tầm soát phát hiện sớm, theo dõi và can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”, BS.CKI Lê Thị Kim Ngân khuyến cáo.
Xem thêm: THS NGUYỄN NGỌC QUỲNH – KHỞI TẠO SỰ SỐNG MỚI BÊN TRONG PHÒNG LAB
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, các biện pháp chăm sóc và quản lý thai kỳ nguy cơ cao gồm thăm khám thực thể, thực hiện các sàng lọc, tầm soát cận lâm sàng để phát hiện thai kỳ nguy cơ cao, từ đó có hướng chăm sóc thai kỳ hiệu quả theo từng trường hợp, theo dõi và đánh giá dự phòng các nguy cơ lúc chuyển dạ.
“Ở những thai phụ không có nguy cơ, tình trạng sức khỏe tốt được khuyến cáo khám thai tối thiểu 3 lần trong thai kỳ. Ở những thai phụ có nguy cơ cao, thai kỳ cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn, do đó khuyến cáo thai phụ cần khám thai 4 tuần một lần đến tuần 28, sau đó 2 tuần một lần đến tuần 36 và đều đặn hàng tuần cho đến tuần 40. Với mỗi lần khám thai sẽ giúp đánh giá tổng thể, phát hiện các yếu tố nguy cơ đe dọa thai kỳ, từ đó có hướng can thiệp xử trí kịp thời và hiệu quả, bảo vệ mẹ tròn con vuông”, BS.CKII Lê Thanh Hùng chia sẻ.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, quá trình mang thai và sinh nở nhẹ nhàng, an toàn, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ một số mẹo nhỏ nhưng hữu ích cho thai phụ như:
“Mặc dù có nhiều yếu tố nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao nếu tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ đều kết thúc có hậu là mẹ tròn con vuông, gia đình đón em bé khỏe mạnh”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ.
Thai kỳ nguy cơ cao không có nghĩa là thai phụ và thai nhi sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm. Đơn giản là thai phụ cần được chăm sóc, quản lý thai kỳ chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ để giữ cho thai kỳ an toàn, mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về độ phổ biến và mức độ nguy hiểm của thai kỳ nguy cơ cao, các bác sĩ sản khoa tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng các phác đồ thăm khám, chẩn đoán, hội chẩn liên chuyên khoa để chăm sóc và quản lý thai kỳ an toàn, dự phòng các biến chứng có thể xảy ra.
Và để cung cấp những thông tin y khoa chính thống, cũng như giải đáp những băn khoăn, lo lắng của chị em trước và trong suốt thai kỳ, 3 chuyên gia sản khoa hàng đầu của Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ trực tiếp giải đáp chi tiết, cụ thể từng câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến vào lúc 20h tối thứ Tư, ngày 17/11/2021. Chị em có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH