Thông tin trên được giáo sư Park Sung Hun (Sean) – Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Sewum đưa ra tại báo cáo chuyên đề Nam học nằm trong khuôn khổ Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á – FAUA 2023.
Chuyên đề Nam học diễn ra tại hội trường 2 ở Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) với nhiều bài báo cáo thu hút hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước theo dõi, bàn luận, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán, điều trị như: Bệnh cong dương vật Peyronie, Kỹ thuật chỉnh cong dương vật sử dụng mảnh ghép màng ngoài tim bò; IPP: 10 năm kinh nghiệm ứng dụng tại Hàn Quốc; Tình trạng vô tinh; Nội soi túi tinh qua niệu đạo trong chẩn đoán và điều trị xuất tinh máu….
Bài báo cáo IPP: 10 năm kinh nghiệm ứng dụng tại Hàn Quốc của giáo sư Park Sung Hun thu hút quan tâm của giới chuyên môn. Ông cho biết hơn 40% nam giới tại Hàn Quốc trong độ tuổi 20-50 mong muốn cải thiện kích cỡ dương vật. Theo ông, nam giới sở hữu “cậu nhỏ” khiêm tốn hay trời phú cũng không ảnh hưởng đến khả năng tình dục, tuy nhiên đây là nỗi trăn trở của nhiều “cánh mày râu” tại Hàn Quốc nói chung và thế giới nói riêng. Vì vậy, họ có xu hướng tìm đến những phương pháp cải thiện kích cỡ.
Cũng tại hội nghị, giáo sư Park Sung Hung chia sẻ tại Hàn Quốc cũng đang ứng dụng kỹ thuật IPP (Impotence Penile Prosthesis) là phương pháp điều trị rối loạn cương dương bằng cách đặt thể hang nhân tạo vào trong dương vật để giúp khôi phục chức năng cương dương. Việc đặt thể hang nhân tạo đã giúp nhiều bệnh nhân khôi phục được chức năng sinh lý, giảm thiểu sự tự ti và giúp tăng cường sức khỏe tinh thần. Để thực hiện ca phẫu thuật bằng phương pháp IPP, cả ekip bác sĩ cần phải có nhiều kinh nghiệm và phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Tuy nhiên, để xây dựng được một đội hình như vậy thật không dễ dàng nhưng bù lại khi nhìn thấy được sự hài lòng trên gương mặt khách hàng với tỷ lệ lên đến 99%, ông cảm thấy hoàn toàn xứng đáng. Nhưng đáng tiếc là chi phí để thực hiện kỹ thuật này còn khá cao và không được bảo hiểm chi trả nên số lượng người dân tiếp cận được với kỹ thuật này còn hạn chế.
Cũng trong chuyên đề Nam học, giới chuyên gia còn quan tâm đến bài báo cáo của bác sĩ Sanjay Pandey – chuyên về lĩnh vực Tiết niệu kiêm Thư ký Hiệp hội Bàng quang toàn cầu (GIBS) về chủ đề: Bệnh cong dương vật Peyronie – Kỹ thuật chỉnh cong dương vật sử dụng mảnh ghép màng ngoài tim bò.
Ông cho biết: “Bệnh Peyronie được phác thảo chi tiết bởi François Gigot de la Peyronie vào năm 1743, một bác sĩ phẫu thuật dưới triều đình vua Louise XV của Pháp. Để điều trị, cần thực hiện phương pháp kích thích cương dương nhân tạo trên bàn mổ, vết mổ phải được đóng kín hoàn toàn không rò rỉ nước”. Ngoài những báo cáo trên, ông cũng mô phỏng quá trình thực hiện chi tiết bằng video để các chuyên gia, bác sĩ đang tham dự có thể quan sát.
Bên cạnh những chuyên gia đến từ nước ngoài, các bác sĩ đầu ngành về Nam học tại Việt Nam cũng có những chuyên đề báo cáo đáng chú ý. ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng – Ủy viên Thường trực Hội Niệu & Thận TP.HCM (HUNA) và Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đưa ra báo cáo với chủ đề: Điều trị bệnh Peyronie bằng mảnh ghép Dermagraft.
Bác sĩ Dũng cho biết nhóm bệnh nhân mắc bệnh Peyronie rơi vào độ tuổi từ 25 – 50 và tỷ lệ người bệnh Việt Nam điều trị bằng mảnh ghép Dermagraft này không cao, chủ yếu được thực hiện tại Australia và những nước khác trên thế giới. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2021, số bệnh nhân đến thăm khám và điều trị phương pháp này chỉ có 52 ca, rất ít so với các nước.
“Không có phương pháp điều trị nào là tuyệt đối và người bệnh nên thực hiện với một bác sĩ trong suốt quá trình điều trị để mang lại kết quả tốt nhất”, ThS. BS Mai Bá Tiến Dũng khuyến cáo.
Phiên báo cáo cuối cùng đến từ ThS.BS Nguyễn Nhật Minh, Phó Chủ tịch Hội Xương chậu Việt Nam; Ban Chấp hành Hội Y học giới tính Việt Nam; Phó Chủ tịch Khoa Tiết niệu và Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế với chủ đề: Nội soi túi tinh qua niệu đạo trong chẩn đoán và điều trị xuất tinh máu.
Trong báo cáo, ThS.BS Nguyễn Nhật Minh đưa ra nhận định xuất tinh ra máu là tình trạng có lẫn máu trong tinh dịch, bệnh không thường gặp, thường chủ xuất hiện sau khi gặp tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục, đồng thời chỉ ra nguyên nhân đến từ viêm và nhiễm khuẩn gây kích thích niêm mạc dẫn tới hiện tượng sung huyết, phù nề những ống, tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, niệu đạo, tuyến tiền liệt, ụ núi từ đó làm lẫn máu trong tinh dịch. Các dạng nhiễm khuẩn thường gặp gồm enterobacteria, chlamydia, gram dương, trực khuẩn lao, một số loại virus. Đến 80% bệnh nhân trên 40 tuổi dễ mắc bệnh này.
Hội nghị khoa học FAUA 2023 với chủ đề Kết nối – Đổi mới – Phát triển, diễn ra trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 7 đến 9-9) tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) – thành viên Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài nước. Đây là cơ hội quý giá để các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành đến các nước khu vực ASEAN, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ… gặp gỡ, trao đổi, cập nhật những xu thế mới cũng như các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Đây là lần thứ 2, Hội nghị khoa học FAUA quay trở lại Việt Nam sau lần đầu tiên cách đây 14 năm.
Hội nghị khoa học FAUA 2023 có hơn 90 bài báo cáo của 9 chuyên đề: Ung thư, Sỏi, Ghép tạng, Phẫu thuật bằng Robot, Phẫu thuật Nội soi, Nam học, Tạo hình đường tiết niệu, Niệu nữ/niệu chức năng và niệu động lực học, viêm bàng quang kẽ và hội chứng đau bàng quang…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH