Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết với sự nghiệp đeo đuổi việc học, nhìn vào profile của bác sĩ Trần Lâm Khoa có thể thấy suốt chặng đường tuổi trẻ của chị gắn bó nhiều với nước Pháp. Đó cũng là nơi nhen nhóm trong chị những ước mơ, những khát khao và là cái chạm tay đầu tiên trên con đường trở thành bác sĩ Y học bào thai.
Được gia đình hướng theo ngành Y từ nhỏ, cho đến lúc đăng ký nguyện vọng trường đại học, cô gái Lâm Khoa chỉ chọn duy nhất một trường đó là Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Đây tưởng chừng là quyết định liều lĩnh nhưng lại là khởi đầu cho cô tân sinh viên ngành y bắt đầu sự nghiệp “áo blouse trắng”.
Sau khi kết thúc 6 năm sinh viên trường y, bác sĩ Trần Lâm Khoa theo nội trú và lựa chọn chuyên ngành sản phụ khoa. Sau 3 năm là bác sĩ nội trú tại Đại học Y dược, bác sĩ Khoa xuất sắc giành được học bổng đi Pháp và đây là khoảng thời gian đầu tiên chị được tiếp xúc với Y học bào thai.
Năm 2008, lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, chị được theo học ở Trung tâm truyền máu bào thai lớn nhất của thủ đô Paris nằm trong Bệnh viện Saint Antoine. Điều bất ngờ nhất khi bác sĩ Lâm Khoa đặt chân đến nước Pháp là nhiều người ở châu Âu mang nhóm máu hiếm Rhesus âm. Nếu mẹ mang nhóm máu hiếm nhưng mang thai em bé có Rhesus dương thì dẫn đến tình trạng em bé bị tán huyết và thiếu máu nặng, phù thai và đối diện tử vong.
Lúc đó chuyện truyền máu bào thai ở châu Âu rất phổ biến còn y học bào thai Việt Nam lại vô cùng mới mẻ, ngay cả những xét nghiệm tầm soát hội chứng Down cũng chưa được phát triển. “Tôi qua đó với rất nhiều bỡ ngỡ, giống như một trang giấy trắng trong khi các bạn cùng học nội trú ở Pháp đã được học rất nhiều kiến thức đó. Để bắt kịp đồng nghiệp, tôi buộc phải cày nhiều hơn”, bác sĩ Lâm Khoa chia sẻ.
Sau khi kết thúc quá trình học tại Pháp, chị trở về Việt Nam với hy vọng có thể áp dụng được những kiến thức mình học để điều trị cho bệnh nhân trong nước. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm y học bào thai ở Việt Nam vẫn mới mẻ, không có thiết bị hỗ trợ, không có gì trong tay để triển khai. Lùi một bước, chị làm bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Từ Dũ.
Cùng thời gian đó, không để những kiến thức đã học ngủ yên, chị quyết định đi học chuyên sâu hơn về Y học bào thai. May mắn, chị gặp được Giáo sư đầu ngành về Sản phụ khoa – Professeur Yves Ville, một trong những người đầu tiên phát triển phương pháp đốt laser trong song thai 1 bánh nhau cho hội chứng truyền máu song thai. Sau khi xem qua hồ sơ, chị được Giáo sư Yves Ville nhận qua Pháp làm việc như một bác sĩ nội trú tại khoa đặc biệt của thầy.
Xem thêm: CHUYÊN GIA SẢN KHOA HƯỚNG DẪN PHÁT HIỆN THAI KỲ NGUY CƠ CAO
Một lần nữa đặt chân lên đất Pháp, vẫn trái tim tràn đầy nhiệt huyết mong học những điều mới mẻ, “Tôi luôn biết ơn vì thầy luôn luôn đốc thúc tạo điều kiện cho tôi vừa học và làm”. Càng làm bác sĩ Trần Lâm Khoa càng say mê Y học bào thai.
Tâm sự cùng chúng tôi, chị dùng từ “vật vã” để nói về quãng thời gian học bên Pháp. Ngày đó, chị vừa làm như một bác sĩ nội trú, vừa phải học nhiều thứ như siêu âm, chẩn đoán tiền sản… Thời gian làm việc kéo dài từ sáng cho tới tận hơn 9h đêm. Đó là khoảng thời gian chị vô cùng bận rộn, bận theo đúng nghĩa về đến nhà ăn lấy ăn để miếng cơm rồi lao vào làm việc. Ngày thì đi làm ở bệnh viện, tối về viết tài liệu, bệnh án. Thức khuya, dậy sớm, bán sức khỏe mình để chăm sóc sức khỏe cho người khác.
“Có những trường hợp đêm khuya mình vẫn phải chạy tới để siêu âm, cùng đồng nghiệp xem xét, chuẩn bị phòng mổ, rồi thực hiện ca mổ cho bệnh nhân. Vì Trung tâm can thiệp bào thai ở Pháp gần như lớn nhất châu Âu nên các ca bệnh đưa về đây rất nhiều, ngày nào cũng có ca mổ và những ca mổ khó. Thậm chí, bây giờ tôi không thể nhớ được đã thực hiện bao nhiêu ca giải cứu các em bé trong bụng mẹ.
Ngày trước, mọi người vẫn nghĩ rằng, bào thai là vùng “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận và thực hành các phương pháp can thiệp bào thai, tôi hy vọng có thể đưa những kiến thức này về nước để có thể hoàn thiện quy trình khám chẩn đoán và điều trị phù hợp với sản phụ.”, bác sĩ Lâm Khoa chia sẻ.
Từng từ bỏ cơ hội ở lại Pháp để làm việc, lần trở về này, bác sĩ Trần Lâm Khoa vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hoài bão phát triển Y học bào thai. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi việc đầu tư cho phòng mổ can thiệp bào thai cùng với việc thực hiện các ca mổ kỹ thuật cao ở bệnh viện cũ gặp nhiều khó khăn.
Không muốn “giậm chân tại chỗ”, chị quyết định về làm việc cho một bệnh viện tư với hy vọng sẽ có cơ hội phát triển Y học bào thai cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau 2 năm gắn bó nhưng không được đầu tư đúng như hứa hẹn, chị được bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM mời về làm việc. Đây là nơi chị có thể phát triển và thực hiện những ước mơ dang dở của mình.
Bác sĩ Lâm Khoa bật mí: “Sau khi về với Bệnh viện Tâm Anh, một động thái mà tôi rất vui mừng là bệnh viện đã đầu tư các loại máy móc cần thiết về như máy laser, bộ nội soi bào thai, kẹp đốt lưỡng cực, kẹp tắc dây rốn… Đây là các máy móc hiện đại và cần thiết trong can thiệp bào thai. Với sự đầu tư của bệnh viện, tôi nghĩ đây là nơi mình có thể phát triển và áp dụng được tối đa những kiến thức y khoa được học và thực hành trước đó.”
Theo bác sĩ Lâm Khoa, y học bào thai là sự kết hợp của nhiều nhánh khác nhau bao gồm chẩn đoán tiền sản và can thiệp bào thai. Một bác sĩ y học bào thai cần có kiến thức về siêu âm, về di truyền học, phải tự tay làm, tự tay siêu âm cho người bệnh bệnh thì mình mới phát hiện được có bất thường hay không. Bác sĩ sẽ tìm những dấu hiệu dù rất nhỏ trên siêu âm để củng cố chẩn đoán, đôi khi có những biểu hiện rất kín đáo và người bác sĩ phải có phản xạ lâm sàng để có thể phát hiện ra bất thường sau đó tiên lượng và giải thích cho bệnh nhân.
Nếu như trước đây, tỷ lệ cứu sống các thai nhi dị tật chỉ 10%, các bác sĩ day dứt khi nhìn thấy bệnh lý nhưng không thể cứu chữa, rồi chứng kiến các sản phụ dần bị nhấn chìm trong cơn tuyệt vọng. May mắn thay, với sự phát triển của y học bào thai, các phương pháp chẩn đoán tiền sản cùng kỹ thuật can thiệp bào thai giúp mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều thai phụ, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn dị tật và phát triển bình thường.
Được theo đuổi công việc mình yêu thích, bác sĩ Trần Lâm Khoa tâm sự: “Với tôi, công việc là niềm vui, và chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng khi làm việc.” Mỗi lần nhắc đến quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài, bác sĩ Lâm Khoa đều vô cùng hồ hởi, khi là một trong số ít người Việt đầu tiên được tiếp cận với một “vùng kiến thức” mới mẻ và đầy hấp dẫn đó.
Với bác sĩ Trần Lâm Khoa, y học là lĩnh vực không giới hạn mà phát triển từng ngày từng giờ. “Với sự đầu tư của Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi sẽ triển khai được các phương pháp can thiệp mới, ứng dụng nhiều kỹ thuật trong can thiệp bào thai ngay trong nước, cho mẹ bầu thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Lâm Khoa chia sẻ.
Xem thêm: THS NGUYỄN NGỌC QUỲNH – KHỞI TẠO SỰ SỐNG MỚI BÊN TRONG PHÒNG LAB
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH