Bố mẹ bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ, chậm trễ đưa trẻ nhập viện do lo ngại lây lan Covid-19 là nguyên nhân khiến số bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm gia tăng, có nguy cơ làm bùng phát các dịch bệnh “truyền thống”.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, những ngày gần đây, khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm diễn tiến nặng do nhập viện muộn. Bé P.T (3 tuổi) sốt cao liên tục kèm đau bụng, nôn ói. Sau hai ngày triệu chứng không thuyên giảm, gia đình đưa bé đến viện thì mới phát hiện bé bị sốt xuất huyết, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết ồ ạt, tổn thương đa cơ quan, trụy tim mạch. Bé H.A (14 tuổi) cũng sốt cao liên tục 3 ngày, gia đình vì lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên không cho bé đi khám sớm. Đến khi nhập viện vào ngày thứ tư, bé được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, biến chứng ra kinh bất thường cần được theo dõi và điều trị tích cực.
Cùng với sốt xuất huyết, trẻ mắc các bệnh lý truyền nhiễm như cúm, sởi, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy do virus Rota… cũng gia tăng trong thời điểm giao mùa thu – đông này. Trong đó, nhiều trường hợp trở nặng vì chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết: “Từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay, số trẻ em và người lớn bị bỏ lỡ lịch tiêm ngừa lên đến hàng triệu người. 100 ngày giãn cách xã hội là 100 ngày trẻ bị lỡ lịch tiêm chủng, khiến hệ miễn dịch chưa được kích hoạt đầy đủ, làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Giai đoạn giao mùa khiến trẻ nhỏ nhập viện nhiều, song đáng tiếc không ít bệnh nhi đã bị bỏ lỡ ‘giai đoạn vàng’ trong điều trị. Nguyên nhân là do cha mẹ bé lo ngại lây nhiễm Covid-19 nên để con ở nhà tự chẩn bệnh và dùng thuốc. Đến khi triệu chứng chẳng những không hết mà trở nên trầm trọng thì trẻ mới được nhập viện. Lúc này, nếu không điều trị tích cực, trẻ dễ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: PHÒNG TRÁNH SỐT XUẤT HUYẾT GIẢM NGUY CƠ CHỐNG DỊCH
Thống kê từ Unicef cho thấy, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 1/3 quốc gia trên thế giới bị gián đoạn tiêm chủng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự gián đoạn này đe dọa thành tựu tiêm chủng mà các quốc gia đã nỗ lực duy trì và đạt được bằng vắc xin như thanh toán bại liệt, loại trừ sởi. Ước tính có hơn 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi tại 68 quốc gia bị ảnh hưởng bởi gián đoạn và có nguy cơ mắc các bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib, phế cầu và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng vắc xin giảm mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng này làm dấy lên mối lo về việc các dịch bệnh “truyền thống” có cơ hội bùng phát sau 100 ngày giãn cách. Nguy hiểm hơn, khi mắc cùng lúc “bộ đôi” Covid-19 và bệnh truyền nhiễm, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh và để lại di chứng nguy hiểm hơn rất nhiều.
Các chuyên gia khuyến cáo, dịch bệnh Covid-19 tuy đáng sợ nhưng trước đây, đã có nhiều dịch bệnh như cúm mùa, thương hàn, lao, sởi… từng gây ra những thiệt hại không kém. Vì thế, bố mẹ đừng vì sợ virus SARS-Cov-2 mà bỏ qua thời điểm vàng tiêm chủng các loại vắc xin quan trọng của trẻ, cũng như không đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời nếu chẳng may nhiễm bệnh. Có những loại vắc xin có giới hạn độ tuổi ngắn như lao, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus, phòng các bệnh do phế cầu khuẩn… Nếu bỏ mất cơ hội tiêm phòng, trẻ sẽ đánh mất đi cơ hội phòng bệnh bằng vắc xin duy nhất trong đời. Trong khi đó, nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh mà không được đưa đến viện sớm, trẻ sẽ không được chẩn đoán đúng bệnh, không có phác đồ điều trị phù hợp nên bệnh dễ tiến triển nhanh và để lại biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh trẻ em, trước sự tấn công của dịch bệnh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có các bệnh lý nền như viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng là những đối tượng dễ bị bệnh dịch tấn công nên rất cần được chủng ngừa đúng lịch. Phụ nữ mang thai nên được chích ngừa đầy đủ vắc xin sởi – quai bị – rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan B… để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sảy thai, sinh non… Người cao tuổi nên được chích vắc xin cúm hàng năm, vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu, thủy đậu, ho gà – bạch hầu – uốn ván… Việc tuân thủ đúng lịch chủng ngừa sẽ giúp phòng tránh nguy cơ đồng nhiễm nhiều căn bệnh cùng lúc, tránh được tình trạng bệnh trở nặng khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Nhằm giải đáp thắc mắc cho độc giả về vấn đề tiêm ngừa vắc xin để phòng tránh dịch bệnh, vào lúc 20h thứ 6, ngày 24/9/2021, VNVC phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Chích ngừa vắc xin trở lại sau 100 ngày giãn cách”.
Chương trình có sự tham gia của của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế dự phòng và tiêm chủng như:
Chương trình livestream trên fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, các nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử VnExpress, báo Thanh Niên.
Xem thêm: TẦM SOÁT, ĐIỀU TRỊ BỆNH TIM BẨM SINH TỪ BÀO THAI ĐẾN SƠ SINH
Mọi thắc mắc Quý độc giả có thể gửi về email: suckhoe@vtv.vn hoặc inbox cho Fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn để được các chuyên gia tư vấn và giải đáp.