Ba phần tư số ca tử vong vì biến chứng sinh non có thể được ngăn chặn hiệu quả bằng các biện pháp dự phòng và can thiệp hiện đại.
Thông tin trên được các bác sĩ chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến “Dự phòng và điều trị dọa sinh non”. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi (nguyên Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), việc dự phòng sớm và điều trị dọa sinh non có sự phối hợp liên chuyên khoa sản – sơ sinh – tim bẩm sinh – hồi sức cấp cứu cùng phác đồ “phút vàng sau sinh” đã giúp cứu sống nhiều trường hợp trẻ sinh non và cực non (từ tuần 27, 28, thậm chí 25 tuần tuổi).
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn “Dự phòng và điều trị dọa sinh non” tại đây
Hiện nay tình trạng sinh non ở nước ta đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ trẻ sinh cực non ở các tuần 24, 25, 26, 27 với cân nặng vỏn vẹn dưới một kg ngày càng nhiều, điều vốn xuất hiện rất ít ở chục năm trước.
Theo BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, một thai kỳ được xem là khỏe mạnh khi sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần thai 39-40. Những trường hợp trẻ sinh sau 22 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non. Nguy cơ sức khỏe đối với trẻ sinh non rất cao so với trẻ sinh đủ tháng.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới chuyển dạ sinh non có thể xuất phát từ mẹ: người mẹ mang đa thai, mắc bệnh mạn tính (như tăng huyết áp, đái tháo đường), bệnh nội tiết (như cường giáp, nhược giáp, suy giáp), tiền sản giật, dị dạng tử cung, từng nạo phá thai… cần lưu ý nguy cơ sinh non.
Một số trường hợp khác cũng có nguy cơ sinh non gồm: mẹ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn, có bất thường tử cung, tử cung dị dạng bẩm sinh, u xơ tử cung, hở eo tử cung, từng khoét chóp cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo; nhau tiền đạo, vỡ ối non, đa ối, đa thai, nhiễm trùng thai kỳ; thai chậm tăng trưởng… Để phòng ngừa nguy cơ sinh non, thai phụ cần được tầm soát trong quá trình thăm khám thai.
Bà bầu nên lưu tâm đến những dấu hiệu bất thường như các cơn co thắt tử cung nhưng ở tuổi thai sớm. Với người đã từng sinh non, để dự phòng ở lần mang thai sau, cần nêu rõ tiền thai của bản thân như sinh non bao nhiêu tuần, thời gian sinh (như vào bệnh viện là sinh liền, sinh ra một em bé còn sống…). Bởi đây là những dấu chỉ báo cho thấy có thể sinh non một lần nữa. Bác sĩ sẽ sàng lọc độ dài cổ tử cung ở tuần 18 và 20. Những phụ nữ từng một lần sinh non, ít nhất dưới 34 tuần, tiền căn sẩy thai liên tiếp, tuổi thai nhỏ dần… cần đặt thuốc, khâu eo (nếu dưới 24 tuần), trên 24 tuần thì vừa đặt thuốc vừa dùng vòng nâng.
Việc cứu sống và chăm sóc trẻ sinh non để trẻ phát triển khỏe mạnh là “cuộc chiến” vì mất nhiều thời gian, đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cao cũng như cần sự phối hợp Sản – Nhi chặt chẽ để tăng cơ hội sống cho trẻ.
Tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đội ngũ y bác sĩ có khả năng chẩn đoán cũng như xử trí những trường hợp có nguy cơ sinh non. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, nhiệm vụ của các bác sĩ sản khoa là sẽ điều trị dự phòng nhằm kéo dài thai kỳ đến thời điểm mà em bé có thể sống ngoài đời một cách dễ dàng và không cần nhờ tới các phương tiện hỗ trợ. Tuy nhiên, có những trường hợp bé chào đời rất non.
“Tôi nhớ vào khoảng tháng 4 năm 2021, tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM có một trường hợp thai phụ mắc rất nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, sau đó phát hiện tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ. Em bé này non tháng và đã xuất hiện dấu hiệu chậm tăng trưởng trong tử cung. Những biến đổi trên doppler siêu âm rất nguy kịch cho em bé. Tuy nhiên, toàn bộ ê kíp đã hội ý, có cả các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, quyết định theo dõi mỗi tuần và điều chỉnh tất cả các bệnh nền của thai phụ. Cuối cùng, thai kỳ này kết thúc ở tuần 32. Lúc này, em bé đối mặt với nhiều nguy cơ như suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, mù mắt… Nếu chỉ đơn thuần một chuyên khoa Sản thì chúng tôi không thể xử lý được các tình huống thế này. Cần có sự hỗ trợ của các bác sĩ Sơ sinh.
Ngay sau đó một tuần, có thêm một trường hợp khác nữa, đó là một bệnh viện bạn đã biết tại BVĐK Tâm Anh có sự phối hợp giữa Sản và Nhi nên đã liên hệ với chúng tôi để chuyển viện một thai phụ đang chuyển dạ. Khi đó, thai được khoảng 25-26 tuần. Ngay lập tức, chúng tôi tổ chức một cuộc hội chẩn và phối hợp Sản – Nhi để đón bé ngay tại phòng sinh. Khi bé chào đời, cân nặng chỉ hơn 700g. Ê kíp sơ sinh có mặt ngay để cứu em bé tại thời điểm “giờ vàng”. Nhờ được hồi sức tích cực, em bé được xuất viện và phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí não.
Như vậy, cần có sự phối hợp tốt giữa Sản và Sơ sinh để cứu được những trường hợp trẻ sơ sinh non tháng. Thai phụ cần được chuyển đến những bệnh viện có chăm sóc sơ sinh tích cực nếu có nguy cơ chuyển dạ sinh non. Vì em bé nếu được xử trí trong những “phút vàng” thì cơ hội bé sống và không gặp biến chứng là rất cao”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.
Cũng chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Hùng cho biết, có thể dự phòng và điều trị dọa sinh non bằng các biện pháp can thiệp hiện đại nếu thai phụ khám thai đúng lịch tại các cơ sở chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị tiên tiến. Bác sĩ Thanh Hùng khuyên thai phụ nên tránh làm việc nặng, tuân thủ khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm tầm soát sớm bệnh lý ở mẹ và bất thường thai có thể gây ra nguy cơ sinh non.
“Khi có bất thường trong thai kỳ, thai nhi cần được chuyển viện trong tử cung đến các cơ sở y tế có sự phối hợp liên chuyên khoa giữa Sản – Sơ sinh – Tim mạch, được đầu tư máy móc để hỗ trợ việc chẩn đoán cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và có hướng xử trí tích cực kịp thời, nguy cơ dọa sinh non.
Dưới đây là phần giải đáp thắc từ ba chuyên gia đến từ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM về vấn đề về điều trị và dự phòng sinh non của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn.
Nhờ bác sĩ tư vấn những dấu hiệu nào cảnh báo sinh non? Em mang thai tuần thứ 17, bị đau bụng ra máu. Có những nguyên nhân gì bị ra máu thưa bác sĩ? Có phải đây là dấu hiệu dọa sảy thai hoặc có nguy cơ sinh non không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Ở tuần thai 17, với những dấu hiệu bạn gặp phải như đau bụng, ra huyết thì cần nghĩ ngay tới tình trạng động thai, dọa sảy thai. Triệu chứng đau bụng từng cơn chứng tỏ tử cung đang co thắt làm cho nút nhầy cổ tử cung bóc ra và có thể có chảy máu. Đây là dấu hiệu gợi ý dọa sảy thai. Trường hợp chỉ ra huyết đơn độc, không có đau bụng từng cơn thì có thể bạn bị viêm nhiễm trong âm đạo hoặc tình trạng nhau bám thấp, nhau tiền đạo. Để khẳng định chắc chắn có nhau tiền đạo hoặc nhau bám thấp hay không, phải chờ đến tuần 32 trở đi thì mới chẩn đoán được. Tuy nhiên, có thể trong giai đoạn đầu, chúng ta đã nhìn thấy nhau này nằm ở rất thấp và tồn tại như vậy cho đến tuần thứ 32.
Thông thường, những đợt ra huyết của nhau bám thấp là máu đỏ tươi không kèm cơn đau bụng, và những đợt ra huyết sau này sẽ dày hơn, nhiều hơn. Như vậy, triệu chứng của bạn có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai to. Do đó, bạn nên đến bệnh viện sớm để được thăm khám và điều trị. Sẽ có những loại thuốc giúp giữ thai.
Nếu hai lần sinh đầu đều sinh non (dưới 35 tuần) thì lần thứ ba nguy cơ sinh non có cao không ạ? Em sinh mổ hai bé đều ở tuần thai 32-33, giờ bầu bé thứ 3 được 22 tuần, hiện chưa có dấu hiệu gì bất thường nhưng vẫn lo quá!
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Bạn từng có tiền sử sinh non 2 lần ở tuần thai 32-33. Tiền sử sinh non là một trong những yếu tố nguy cơ cực cao trong lần mang thai hiện tại. Khi bạn khám thai, thông thường trong những trường hợp có tiền sử sinh non hai lần, bác sĩ sản khoa sẽ có chiến lược tầm soát, cũng như dự phòng việc sinh non ở lần mang thai này.
Chúng tôi vẫn chưa biết được bạn đã được tầm soát, đo chiều dài kênh cổ tử cung ở tuổi thai từ 16-20 tuần hay không. Đó là một trong những phương tiện để chẩn đoán và có hướng điều trị dự phòng cho thai kỳ hiện tại. Nếu bạn chưa được tầm soát và đo chiều dài kênh cổ tử cung ở tuổi thai 16-20 tuần, ở tuổi thai hiện tại đã được 22 tuần, bạn nên nhanh chóng tới cơ sở sản khoa có thực hiện đo chiều dài kênh cổ tử cung để xác định xem chiều dài kênh cổ tử cung có bị ngắn hay không, hình dạng của kênh cổ tử cung là hình gì vì đó là một trong những yếu tố giúp bác sĩ sản khoa cho bạn cái điều trị dự phòng tốt hơn.
Nếu trường hợp kênh cổ tử cung của bạn ngắn hơn 25mm, có nghi ngờ hở eo tử cung thì bạn sẽ được điều trị dự phòng ngay từ thời điểm bây giờ. Ở thời điểm thai 22 tuần, nếu điều trị dự phòng cũng đã hơi muộn, bởi tình trạng tiền sử như vậy bác sĩ sản khoa sẽ can thiệp điều trị dự phòng từ lúc 14-16 tuần, không phải đợi đến 22 tuần.
Hy vọng bạn sẽ đến bệnh viện để thực hiện tầm soát, đo chiều dài kênh cổ tử cung để bác sĩ sản khoa điều trị dự phòng kịp thời cho bạn. Trong trường hợp có hở eo tử cung hoặc chiều dài kênh cổ tử cung ngắn trên một sản phụ có tiền sử sinh non hai lần như vậy thì chúng tôi sẽ điều trị dự phòng phối hợp cả 2 phương pháp. Tức là ở thời điểm 22 tuần mình không còn chỉ định khâu eo tử cung, mình có thể đặt vòng nâng kết hợp với điều trị progesterone cho tới tuổi thai 36 tuần. Hy vọng bạn sẽ đến bệnh viện sớm để tầm soát và điều trị dự phòng sớm.
Em mang thai 4 lần, 4 lần mất con em như người mất phương hướng, không biết còn cơ hội nào cho em không. 2 lần đầu thai lưu 12 & 19 tuần năm 2018. Năm 2019 tiếp tục sẩy thai 13 tuần. Vì ám ảnh nên 2 năm sau em mới thả để có thai, em hầu như nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng nhưng lần thứ 4 em tiếp tục mất con ở 23 tuần. Bác sĩ lúc đó nói em thai có vấn đề, nhưng không nói em cần phải làm gì để có thể sinh con đủ ngày đủ tháng. Em rất mong bác sĩ Mỹ Nhi giải đáp giúp em:
– Thai to mà bị sảy do nguyên nhân gì và cách khắc phục như thế nào ạ?
– Có phải em bị hở eo không ạ, cả 4 lần bác sĩ đều không nói em bị hở eo. Lần mang thai tới em có nên khâu eo sớm không?
– Liệu em có cơ hội sinh được bé khỏe mạnh không bác sĩ? Có phương pháp nào điều trị trường hợp sảy thai nhiều lần và sinh cực non không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Khi nghe qua bệnh sử của chị, chúng tôi cũng hiểu được tâm sự và nỗi buồn của 2 vợ chồng. Có thể chị phải cung cấp thêm thông tin là tình trạng thai ở những thai lớn ở 19 tuần hay 23 tuần thì lúc sinh sẽ có những đặc điểm như thế nào. Ví dụ: Đau bụng vào bệnh viện, vỡ ối ra rất nhanh, sinh ra một em bé còn sống sau đó em bé mất, hay bị rỉ ối, bị vấn đề gì đó mà bác sĩ phải sử dụng thuốc để gây ra cơn co tử cung và rất khó khăn mới đưa thai ra được… Tất cả những đặc điểm của cuộc sinh đó phải được mô tả chi tiết để các bác sĩ định hướng được do hở eo tử cung dẫn tới sảy thai to hoặc đây là tình huống buộc lòng do những bất thường về nhiễm trùng hoặc những bất thường ở cổ tử cung khiến vỡ ối sớm nhưng không phải sinh liền mà chờ đợi rất lâu thì em bé mới ra được.
Tuy nhiên, tiền sử có thai 12 tuần cũng là thai lưu, thai 13 tuần cũng là thai lưu có nghĩa là trong việc duy trì thai ở tuổi thai trong 3 tháng đầu không được trọn vẹn mà chúng ta mất em bé trong những tuần thai rất nhỏ. Trong những nguyên nhân gây mất thai liên tiếp thì có nguyên nhân liên quan đến bất thường di truyền và hơn 50-70% các trường hợp sảy thai, hư thai trong 3 tháng đầu liên quan tới đột biến gen. Do đó, với một tiền sử quá đau buồn như thế này thì tôi nghĩ chị Thảo Trần nên gặp lại bác sĩ Sản Phụ khoa và chúng ta mô tả chi tiết tất cả những lần mang thai. Ví dụ năm 2018, chị có 2 lần mang thai 12 tuần và 19 tuần thì lần nào trước lần nào sau và lần 19 tuần sinh như thế nào, nhanh hay không? Lần sảy thai 12 tuần thì các bác sĩ có ý kiến gì hay không, cũng như 2 lần khác cũng vậy.
Chung quy lại, ưu tiên trước hết là chúng ta cần đi khám để xem mình có bất thường trên đường sinh dục hay không như tử cung có dị dạng không, đó cũng là yếu tố lớn có thể dẫn tới mất thai ở thai lớn và thai nhỏ. Tiếp là cổ tử cung có bị hở eo hay không để chúng ta có phác đồ tầm soát hở eo như đo chiều dài kênh cổ tử cung khi có thai trở lại,bắt đầu kiểm tra từ tuần thai 16, 18. Và với tiền sử của chị, nếu có hở eo thì các bác sĩ sẽ đề nghị khâu eo luôn.
Cũng cần xem lại bộ NST của cha mẹ có bình thường không. Có những gen bệnh mà đơn phương cha hoặc mẹ mang thì không sao, nhưng khi cả hai gen của cha mẹ vào em bé thì có thể gây ra những bệnh rất nặng đơn cử như tan máu bẩm sinh, có thể làm cho thai chết hoặc thai phù…
Vì vậy, có rất nhiều công việc để tìm kiếm những bất thường trong việc dẫn tới sảy thai trong quý 1 và những bất thường dẫn tới sảy thai ở 19 tuần và 23 tuần. Rất mong được gặp lại chị Thảo Trần tại Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, lúc đó chúng tôi mong chị sẽ nhớ lại đặc điểm của cuộc sinh và chúng ta hình dung được những thai kỳ có những đặc điểm sinh như thế nào, kèm theo những xét nghiệm chuyên sâu để hy vọng lần thai sau sẽ giữ được thai lâu hơn và thuận lợi sinh bé ra đời.
Khá là tốn thời gian để tìm lý do giải thích lần mất thai trước, và có thể cũng không tìm ra lời giải; tuy nhiên ở lần mang thai tiếp theo, chúng ta phải theo dõi thai thật kỹ ngay từ khi cấn bầu, các mốc khám, xét nghiệm sàng lọc lệch bội, xét nghiệm đánh giá cổ tử cung hay khâu cổ tử cung… Rất mong gặp lại chị vì chúng tôi thấy có rất nhiều vấn đề mà các bác sĩ phải trực tiếp thăm khám và hỏi bệnh thì mới đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.
Hiện thai em được 29 tuần, có cơn gò dọa sinh non và bị rỉ ối, nhiễm trùng máu. Khả năng em giữ được bé cao không bác sĩ? Và nếu trường hợp xấu nhất là sinh non thì khả năng nuôi được cao không ạ. Bác sĩ nói làm em lo quá, bé nhà em 1,2kg ạ.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Vấn đề hiện tại của bạn vừa có dọa sinh non, vừa có rỉ ối, quan trọng nhất là tình trạng nhiễm ối của bạn có dấu hiệu nhiễm trùng thì theo khuyến cáo của các chuyên gia sản phụ khoa khi tình trạng ối có nhiễm trùng mình phải dừng thai kỳ, mình không nên dưỡng thai nữa. Lý do nếu giữ thai, mẹ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng nặng, mẹ có thể nhiễm trùng huyết và tử vong. Thai nhi cũng có nguy cơ nhiễm trùng như vậy. Do đó, tất cả các trường hợp như bạn đều nên chấm dứt thai kỳ.
Về khả năng nuôi sống bé, thai của bạn được 29 tuần, nếu như bé có dùng trưởng thành phổi trước đó hoặc có dùng thuốc để bảo vệ não thai nhi với cân nặng 1,2kg thì khả năng nuôi sống rất cao. Tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi đã từng nuôi sống thai nhi nặng 700g ở tuổi thai 25-26 tuần, do đó khả năng nuôi sống thai 29 tuần của bạn sẽ cao hơn. Nếu bạn tin tưởng mong sớm gặp bạn tại bệnh viện để chúng tôi xem xét và xử trí cho bạn.
Em bị tiền sử sinh non 2 lần lúc 22 tuần và 26 tuần. Cả 2 lần đều không khâu eo cổ tử cung, thông ối, cổ tử cung tự mở rồi sinh non. Hiện tại em đang mang thai 24 tuần đã khâu ở tuần 12. Em muốn hỏi là em cần theo dõi thế nào để phát hiện bất thường và cần vào viện? Thuốc giảm co dùng ra sao cho hợp lý và kịp thời ở tuần thai này ạ? Em hơi hoang mang khi gò và không biết dùng giảm co loại nào cho tốt cho đúng ạ. Em đang dùng No-spa.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Bạn có thông tin tiền sử 2 lần sinh non, một lần 26 tuần và một lần sảy thai to 22 tuần. Tôi đoán chừng, 2 lần sảy thai này thì thai 26 tuần sảy trước rồi đến 22 tuần, bởi cổ tử cung hở eo sẽ có tuổi thai nhỏ dần lại, ví dụ 28 tuần thì sau đó có thể 26 tuần rồi 24 tuần rồi 20 tuần. Bạn không có nói rõ nhưng tôi nghĩ đúng là như vậy. Bạn có nói là mở sinh, thường cổ tử cung mở nhanh và sinh nhanh thì cho ra đời em bé còn sống chứ không phải em bé đã mất. Đây là trình tự của chuyển dạ sinh non hoặc sinh thai to do cổ tử cung bị hở.
Như vậy là bạn đã được khâu eo tử cung rất sớm, hiện nay thai cũng đã giữ được đến 24 tuần thì trong phác đồ khám thai hiện tại và phác đồ xử trí hở eo tử cung đã khâu, hoặc những trường hợp có tiền căn sảy thai to hoặc là sinh non trước 34 tuần thì bắt buộc phải sử dụng thuốc nội tiết nhóm proges – progesterone. Loại thuốc này thông thường bác sĩ sẽ đề nghị bạn đặt âm đạo mỗi ngày 2 viên sáng – chiều, hàm lượng có thể dao động 100-200mg mỗi lần đặt, sẽ đặt đến thời điểm 36 tuần.
Các bằng chứng hiện tại có được từ các nghiên cứu y học cũng như khuyến cáo của các hiệp hội lớn về Sản Phụ khoa trên Thế giới đều đồng thuận các thuốc viên đặt âm đạo giúp duy trì thai kỳ có thể đặt đến thời điểm 36 tuần. Như vậy chúng ta thấy rằng hiện nay cổ tử cung bạn đã khâu rồi, các bác sĩ cũng đã cho thuốc rồi. Như vậy, từ 12-24 tuần đã khá rồi, nhưng mốc thời điểm sảy thai trước đó là 26 tuần nên mình cần phải rất thận trọng bởi vì chúng ta đang trong giai đoạn khá nguy hiểm mặc dù đã khâu eo cổ tử cung. Như vậy bạn cần tiếp tục theo dõi, tiếp tục đặt thuốc, lưu ý các triệu chứng có gò tử cung hay không. Ví dụ bạn thấy tử cung cứng lên và làm bạn đau, mỗi 10 phút bạn có 2-3 lần đau như vậy, lặp đi lặp lại liên tục, đều đặn từ giờ này qua giờ khác thì bạn nên lập tức đến bệnh viện ngay. Hoặc chúng ta có thêm dấu hiệu ra nước, hoặc ra nhớt hồng tăng dần thì đó là tất cả những dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.
Hiện tại bạn đang dùng No-spa. Trước đây, No-spa được cho sử dụng trong các phác đồ kinh điển để giảm co thắt để chế ngự các cơn co tử cung. Tuy nhiên, hiện nay No-spa không được chỉ định trong các phác đồ dự phòng và điều trị dọa sinh non, hiện nay chỉ có một nhóm được nhắc đến nhiều nhất là Progesterone, cho nên cũng xin bạn lưu ý về việc này. Nếu bạn chưa có sử dụng các thuốc đặt theo khuyến cáo của Y khoa thì cũng xin bạn tìm đến các cơ sở y tế, hoặc đến TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM để chúng tôi xem xét trường hợp này, có thể chỉ định các thuốc nội khoa, nội tiết đặt âm đạo hoặc đặt đường hậu môn hoặc uống để có thể cải thiện được thời gian duy trì thai trong tử cung xa hơn lần trước. Lần trước 26 tuần thì lần này cố gắng giữ xa hơn, đến 34 tuần và thậm chí là 36 tuần.
Cần lưu ý rằng việc bạn đi lại nhiều hoặc lấy tay xoa bung nhiều cũng không được khuyến cáo. Bởi khi chúng ta xoa bụng nhiều sẽ khởi phát cơn gò lên. Thành ra chúng ta nên nằm nghỉ, dĩ nhiên không phải tuyệt đối nằm 100% tại giường, vẫn nên di chuyển nhưng nhẹ nhàng, cũng như không có những hoạt động gắng sức, đồng thời hạn chế việc massage trên bụng nhiều để tránh kích thích cơn gò tử cung.
Lời khuyên không nên vận động quá nhiều, lao động quá sức hay massage quá nhiều có áp dụng cho các thai phụ bình thường hay không, hay chỉ dành cho thai phụ có tiền sử hay nguy cơ dọa sinh non?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Có nhiều thai phụ sợ đi lại nhiều quá sẽ sinh sớm hay là sẽ dẫn đến động thai. Tuy nhiên, trong y khoa, ngoại trừ những trường hợp được chẩn đoán là dọa sảy thai hoặc dọa sinh non thì chúng ta hạn chế đi lại. “Hạn chế đi lại” không có nghĩa là phải nằm một chỗ, vì nằm một chỗ không cải thiện được tình trạng dọa sảy thai hoặc dọa sinh non. Nhưng nếu chúng ta đi nhiều quá, hoạt động thể lực mạnh quá ví dụ như chạy lên chạy xuống cầu thang giống như lúc chưa mang thai, hoặc mang vác nặng, hoặc đi bộ quá nhiều thì có khả năng xảy ra các cơn gò tử cung nhiều hơn. Đó là dành cho các nhóm có dọa sảy thai hoặc dọa sinh non.
Với thai phụ bình thường vẫn có thể hoạt động thể lực nhẹ nhàng, như đi bộ, dạo chơi theo thói quen, đi dạo thư giãn, xả stress… Những hoạt động phải gắng sức như mang vác vật nặng, hoặc leo cầu thang lên xuống nhiều lần giống như khi chưa mang thai thì điều đó chúng tôi không khuyến khích. Chúng ta vẫn có thể đi bơi được, đi bơi là một hoạt động nhẹ nhàng. Hiện nay có một số lớp tiền sản được mở ra, có dạy cho chúng ta những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội như thế nào cho tốt, thậm chí chỉ khu vực massage như thế nào để thư giãn.
Chuyện massage trên bụng vẫn có thể có chứ không phải không, tuy nhiên, nếu chúng ta có chẩn đoán dọa sảy thai hoặc dọa sinh non thì không khuyến khích. Còn những trường hợp bình thường chúng ta vẫn có những bài tập tăng sức khỏe cho mẹ, có cả những bài tập massage tại vùng bụng. Việc này mẹ sẽ được các bác sĩ và các cô nữ hộ sinh hướng dẫn cụ thể.
Thai phụ không may hư thai 1 lần thì lần 2 mang bầu có nguy cơ sinh non hay nguy cơ gì khác không thưa bác sĩ. Và nên làm gì, khám tầm soát ra sao ở những mốc nào quan trọng ạ?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có tiền sử hư thai một lần, tuy nhiên bạn không nói rõ hư thai lần trước là ở bao nhiêu tuần. Tôi nghĩ lần hư thai trước là ở tam cá nguyệt 1, tức là dưới 3 tháng. Ở lần mang thai trước mình cũng chưa tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại hư thai. Để dự phòng cho lần mang thai tới được trọn vẹn hơn, thai kỳ được khỏe mạnh hơn thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra lại để xem mình có mắc bệnh lý nào ảnh hưởng đến việc mang thai hay không.
Bên cạnh việc điều trị, mình cũng nên tiêm ngừa đầy đủ các mũi khuyến cáo trước khi mang thai như Rubella, Viêm gan B… Đó là những mũi tiêm ngừa giúp dự phòng các vấn đề khi mang thai. Đồng thời, ngay khi trễ kinh, bạn nên đi khám thai ngay để xem có đúng là mang thai hay không, cũng như được chẩn đoán thai có ổn định hay không, có đánh giá kịp thời và dự phòng việc mang thai và dọa sinh non.
Em mang thai đôi. Tuần 14 có khâu cổ tử cung. Cổ tử cung ngắn 25, khâu chỉ 2. Sau khâu, cổ tử cung được 37. Nhưng sang 19 tuần 3 ngày thì còn 16, hở chữ Y. Vậy có khâu được lại lần 2 không và có nên khâu chỉ 4? Và nếu phải khâu thì nên khâu vào thời điểm nào ạ?
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Hiện bạn đang có khâu eo tử cung, đã khâu 1 lần, sau thăm khám nhiều lần, bác sĩ ghi nhận cổ tử cung ngắn lại. Thứ nhất, về nguyên tắc, đã khâu tử cung một lần thì hạn chế tác động lên cổ tử cung một lần nữa. Thứ hai, thai của bạn cũng đã lớn hơn, khuyến cáo nếu cần hỗ trợ thêm thì sẽ hỗ trợ thêm vòng nâng vì các nghiên cứu trong song thai việc đặt vòng nâng sẽ có hiệu quả hơn khâu eo. Nếu bạn vẫn còn lo lắng hoặc thắc mắc nhiều thì bạn có thể đến TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM để chúng tôi thăm khám kỹ lưỡng, và tư vấn cho bạn đặt vòng nâng hỗ trợ thêm cho thai kỳ của bạn.
Tôi xin hỏi các bác sĩ: năm nay tôi 42 tuổi, có u xơ ở thành trước eo cổ tử cung kích thước nhỉnh hơn 2cm khi không mang thai và tăng khi mang thai thỉnh thoảng đêm tự nhiên tôi bị co bóp cổ tử cung khi đang ngủ. Tôi nên làm gì để phòng tránh sảy thai hay sinh non ạ? Tiền sử thai lưu 8 tuần 2 lần, 1 lần sảy thai lúc 19 tuần sau chọc ối (kết quả chọc ối bộ NST của thai bình thường), chưa có con. Tôi nên mổ bóc tách u xơ (nhưng nhiều bác sĩ khuyên không nên mổ), hay uống thuốc dự phòng suốt thời kỳ mang thai, hay cứ để tự nhiên, nếu bị co bóp thì cấp cứu ngay? Xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ ạ!
Thanh Nguyen gửi tới fanpage IVFTA
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
U xơ tử cung là bệnh lý rất phổ biến, lành tính ở phụ nữ. Không phải tất cả u xơ tử cung đều phải mổ, hiện nay các nhà sản khoa đều cần phải biết u xơ nằm ở vị trí nào, có biến chứng hay chưa. Ví dụ u xơ tử cung 2cm giống như của bạn, tuy nhiên u xơ này làm ở vị trí L5, L6, nghĩa là nằm dưới thanh mạc thì sẽ không gây rối loạn kinh nguyệt như băng kinh, cường kinh. Nhưng nếu u 1cm mà nằm trong lòng tử cung là vị trí L0 hay u xơ type 0 thì sẽ bị ra kinh rất nhiều và thường bác sĩ phải lấy nhân xơ đó đi.
Trở lại với trường hợp của bạn, tôi đoán là u xơ nằm ngoài buồng tử cung nên bạn mới có thai được. Nếu đúng như vậy thì với kích thước 2cm có lẽ sẽ không mổ vì nhỏ quá. Trong khi có thai thì các nội tiết có thể làm cho kích thước u xơ tăng. Nhưng nếu u xơ nằm ở eo tử cung, đến những ngày thai kỳ cuối, u xơ lớn và có thể trở thành khối u tiền đạo thì lúc đó các bác sĩ sẽ mổ lấy thai và có thể lấy được u xơ tử cung luôn. Hiện tại không nên mổ trước, vô hình dùng tạo 1 sẹo không đáng trên cơ tử cung.
U xơ của bạn có 2cm thì không gây nên co thắt bụng dưới, vấn đề co thắt này có nhiều lý do, ví dụ hiện tượng trước khi có kinh. Hoặc có co thắt ở đường tiêu hóa nhưng lại nghĩ là có thể liên quan đến tử cung. Đối với u xơ tử cung không có biến chứng chèn ép, như đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày, đi cầu khó khăn, những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt ra máu quá nhiều chẳng hạn thì không cần phải quá lo lắng. Việc co thắt tử cung trước và sau khi có kinh là vấn đề bình thường.
Bạn đã có thai 2 lần mà bị hư thai thì xếp vào trường hợp sảy thai liên tiếp. Sảy thai liên tiếp cần đi tìm nguyên nhân trong đó có bất thường về cấu trúc giải phẫu trong tử cung như có nhân xơ dưới niêm. Hoặc có những đột biến NST, có thể tai nạn nào đó xảy trong quá trình hợp nhất trứng của mẹ và tinh trùng của cha có những đột biến, hoặc có thể do nhiễm trùng, thiếu nội tiết, bệnh lý di truyền từ ba và mẹ. Do đó cần được thăm khám tất cả với bác sĩ sản khoa đối với trường hợp sảy thai liên tiếp từ 2 lần trở lên.
Em 28 tuổi. Em bị u nang buồng trứng. Nếu mang thai có phải mổ u đi không ạ? Nếu không mổ có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Đây là câu hỏi chúng tôi thường gặp khi các chị em có thai và đi siêu âm tình cờ biết được mình có u nang hoặc trước đó đã có, biết rằng đã có u nang và bây giờ mang thai. Khi có u nang buồng trứng, điều đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi là mình biết u nang này từ bao lâu rồi, từ trước khi có thai hay biết khi đi khám thai. Mô tả trên siêu âm của u nang này là như thế nào. Trong thai kỳ sẽ có một nang của buồng trứng xuất hiện khi mang thai, nang đó được gọi là nang chức năng. Nang chức năng này sẽ tồn tại liên tiếp từ khi có thai, từ lúc cấn thai và tồn tại đến tuần 12, 14 thai kỳ và sau đó có khuynh hướng nhỏ dần và mất đi. Nang đó là nang chức năng nên chúng ta không có bất kỳ điều trị nào, bởi nếu chúng ta lấy nang chức năng này đi vô tình làm cho thai mất đi chất nuôi dưỡng, thai sẽ bị sảy.
Vì vậy, các gợi ý từ chẩn đoán hình ảnh là siêu âm sẽ cho biết nang này là nang chức năng, nang hoàng thể của thai kỳ hay là không. Nếu như trên siêu âm cho gợi ý đây là nang trồi, sùi, có tăng sinh mạch máu, có rất nhiều vách bên trong, xung quanh nang có rất nhiều thành phần gợi ý đến ác tính thì tổng thể các xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh cao cấp như MRI có thể được thực hiện để xác định xem u nang này có gợi ý đến ác tính hay không.
Nếu trường hợp thai có u nang buồng trứng và gợi ý ác tính, bác sĩ sẽ khuyến khích chúng ta mổ trong thai kỳ. Thời điểm mổ là 3 tháng giữa thai kỳ, tức là 16 đến 24, 26 tuần vì đó là thời điểm nang hoàng thể nuôi thai kỳ đã kết thúc và nuôi bằng bánh nhau. Lúc này mình sẽ giải quyết được u nang mà không phải lo sợ ảnh hưởng đến thai.
Ngoài ra, một số nang tồn tại trước khi có thai rất nhiều năm và bây giờ có thai thì những nang này sẽ không can thiệp trong thai kỳ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng khi không can thiệp, thai càng lớn, nang có thể bị chèn ép và gây đau, hoặc thậm chí bị vỡ và xoắn trong thai kỳ. Khi nào bạn có những triệu chứng như vậy thì mình sẽ giải quyết nang ở thời điểm cấp cứu.
U nang buồng trứng là vật thể nằm ngoài tử cung nên không ảnh hưởng đến đứa bé, đứa bé nằm trong buồng tử cung người mẹ, nằm trong bọc nước ối, được che chắn bởi màng quan trọng và rất tốt là cơ tử cung và nước ối. Thành ra chúng ta yên tâm là những u nang buồng trứng mà bác sĩ quyết định không mổ, không làm gì cả, chỉ theo dõi thôi thì bạn yên tâm là sẽ không ảnh hưởng lên em bé. Ngoại trừ trường hợp có xoắn, có vỡ hoặc chèn ép đau quá, bác sĩ chỉ định mổ thì lúc đó chúng ta phải mổ và có thể bác sĩ sẽ phải cho thêm thuốc để giảm cơn co tử cung, nếu không chúng ta có thể có sinh non vì u nang buồng trứng, phải mổ.
Em được chẩn đoán hở eo tử cung, bị sảy thai 3 lần đều ở tuần 16 đến 20 tuần. Lần thứ 3 mang thai, em có khâu nhưng 20 tuần vỡ ối, trước đó ra dịch, đi vệ sinh thấy như bị thỏng ối mà em đi khám ở bác sĩ bệnh viện gần nhà nói không sao. Nhưng về nhà nằm được 2-3 ngày là vỡ ối. Vậy lần sau em muốn có thai lại thì khả năng có bị sảy thai hay sinh non không? Trước khi có thai em có cần thăm khám gì không ạ?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Thật sự nghe các thông tin bạn cung cấp, tôi thấy rất tiếc cho bạn nhiều, vì bạn có tiền căn sảy thai tới 3 lần ở tuổi thai từ 16 đến 20 tuần do hở eo tử cung. Ở lần mang thai thứ ba, sau khi mình đã được điều trị dự phòng bằng cách khâu eo tử cung rồi nhưng sau đó vẫn vỡ ối và chuyển dạ, sinh non, sinh cực non. Với tiền sử sảy thai, sinh cực non 3 lần như vậy thì lần mang thai thứ 4 này đó là một thử thách.
Ở lần mang thai thứ 4 này, bạn phải đi khám thai và các bác sĩ sản khoa phải theo sát bạn rất kỹ, thậm chí đối với thai kỳ không có tiền căn như bạn thì có thể hẹn 4 tuần khám 1 lần. Với tiền căn như bạn bác sĩ sẽ phải hẹn khám thai gần hơn, bắt đầu từ 11-12 tuần đã phải có kế hoạch để dự phòng cho bạn rồi.
Để chuẩn bị cho lần mang thai thứ 4, bạn cần phải đi khám lại, tầm soát lại tất cả sức khỏe tổng quát của mình, cũng như tầm soát đánh giá lại cổ tử cung có toàn vẹn hay không để có kế hoạch mang thai lần thứ 4. Và khi mang thai lần thứ 4 bạn phải được tầm soát sớm từ tuần 11-12 tuần, và bắt đầu được dự phòng từ sau 13 tuần trở đi. Và việc dự phòng này sẽ kết hợp cả 2 phương pháp để điều trị, chứ không đơn thuần là mỗi cái khâu eo, có thể cần khâu eo kết hợp đặt progesterone như bác sĩ Nhi đã có nói về phác đồ dự phòng điều trị sinh non.
Hy vọng chúng tôi sẽ được đón tiếp bạn ở TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh khi bạn mang thai lần thứ 4.
Em mang thai đôi 14 tuần, cổ tử cung 50mm, có polyp ống cổ tử cung kích thước 1cm, u xơ 5cm ở eo tử cung. Trường hợp của em có nên khâu dự phòng sinh non không ạ và nên khâu ở thời điểm nào? Em có cần thăm khám thai thường xuyên hơn so với lịch khám bình thường không? Em muốn theo dõi thai và sinh con tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM ạ.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Nếu bạn cung cấp thêm thông tin là thai đôi một bánh nhau hay hai bánh nhau thì tôi sẽ tư vấn chi tiết hơn. Tại vì thai đôi là một thai kỳ nguy cơ, nếu bạn có một thai đôi một bánh nhau thì lại càng nguy cơ hơn nữa và khi khám thai thì chắc chắn các bác sĩ sẽ tư vấn rõ ràng cho bạn về nguy cơ.
Hiện tại bạn đang có polyp tử cung và một nhân xơ cổ tử cung 5mm ở đoạn eo thì đối với vấn đề polyp cổ tử cung có nguy cơ dẫn đến tình trạng xuất huyết, chảy máu trong thai kỳ, còn nhân xơ cổ tử cung 5mm thì không cần lo lắng. Tình trạng xuất huyết nếu không thăm khám cẩn thận, cứ nghĩ đó là động thai dẫn đến điều trị sai. Còn nếu cắt, phẫu thuật polyp thì cũng cần phải cân nhắc vì đây có thể yếu tố gián tiếp kích thích chuyển dạ sinh non hoặc sẩy thai xảy ra. Do vậy, chúng ta có thể thăm khám, tùy theo từng tình huống cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn rõ ràng.
Còn về thai đôi thì được khuyến cáo là đến gặp bác sĩ để thăm khám, đặt vòng nâng sẽ tốt hơn so với việc khâu eo tử cung. Kết hợp cùng với những dự phòng khác thì sẽ tốt hơn.
Bác sĩ cho em hỏi, em mang thai 30 tuần hay bị són tiểu, có nguy hiểm hay không? Và vì sao lại có tình trạng này? Có thể điều trị són tiểu hay không? Thai 30 tuần có thể tiêm ngừa Covid-19 hay không ?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Triệu chứng són tiểu trong thai kỳ hoàn toàn là một vấn đề bình thường. Nói một cách dễ hiểu thì són tiểu là tình trạng niệu đạo của nữ giới di động (chạy qua chạy lại) dẫn đến són tiểu và nguyên nhân thường gặp là tăng áp lực ổ bụng do thai kỳ, do rặn đẻ, táo bón,… Với những niệu đạo di động được khi ho, hắt hơi, mang nặng thì không giữ được nước tiểu vì nó không bị ép, ngăn nước tiểu thoát ra được.
Tuy nhiên, sau khi sinh xong tình trạng này sẽ được đánh giá lại, tại Trung tâm Sản Phụ Khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi luôn dặn các chị em phụ nữ trong thai kỳ nếu có vấn đề nào liên quan đến đường tiểu phải báo ngay với bác sĩ để chúng tôi biết được đó là tình trạng sinh lý hay đi kèm và có khả năng nặng lên rất nhiều vào thời điểm sinh. Nếu mà sau khi sinh hoặc mổ lấy thai xong vẫn phải đi khám hậu sản, hậu phẫu mổ lấy thai lại trong 4 – 6 tuần lễ sau đó để các bác sĩ đánh giá lại đường tiết niệu sinh dục để xem các vấn đề gặp trong thai kỳ đã được xử lý chưa hay vẫn nặng và có khuynh hướng nặng lên nữa. Từ đó có những bài tập và cách để hướng dẫn điều chỉnh. Còn nếu nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống thì có thể can thiệp bằng các biện pháp ngoại khoa.
Đối với việc són tiểu trong thai kỳ thì không có bất kỳ chỉ định điều trị nào cả, đối với việc són tiểu, tiểu lắt nhắt, bí tiểu,… luôn luôn có thể xảy ra trong thai kỳ nên bạn đừng quá lo lắng về việc này. Bởi vì bạn đang có thai, và tất cả những triệu chứng này có thể được cải thiện sau khi sinh xong, nhưng chắc chắn rằng bạn phải đi khám lại và các bác sĩ sản phụ khoa, đặc biệt là các bác sĩ có chuyên môn về sàn chậu sẽ hỗ trợ chị em rất nhiều trong việc này.
Hiện nay các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chích mũi 3 Covid-19, và tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã khởi động chiến dịch tiêm bổ sung mũi 3 cho tất cả người dân, kể cả phụ nữ mang thai, cho con bú.
Vì vậy bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, từ sau 13 tuần trở đi theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì chúng ta có thể chích ngừa Covid-19 được. Thành ra, thời điểm 30 tuần cũng là thời gian phù hợp để chúng ta chích ngừa, và mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
Thưa bác sĩ, lúc em mang thai được 25 tuần có bị nhiễm Covid-19. Vậy có ảnh hưởng gì đến em bé không ạ? Cảm ơn bác sĩ.
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Hiện tại, theo các nghiên cứu, Covid-19 chưa ghi nhận ảnh hưởng gì đến thai, tuy nhiên do dịch vừa xảy ra vào khoảng 2 năm nên các nghiên cứu về tác động lâu dài đến thai kỳ cần một thời gian dài hơn để đánh giá chính xác. Tuy nhiên đến hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào đối với một thai phụ nhiễm Covid-19, ít ảnh hưởng đến thai.
Hiện tại, Bộ Y tế có một khuyến cáo dành cho những thai phụ hoặc những người sau khi nhiễm Covid-19 vẫn nên được tiêm ngừa vắc xin nhắc lại. Mục đích là tăng thêm hiệu ứng kháng thể trong thời gian sau này.
Chào các bác sĩ, em thai đôi 21 tuần IUI lần 1, cân nặng tăng 10kg từ 50- 60 kg. Em muốn hỏi tăng cân như thế nào là phù hợp và phòng được sinh non?
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Vấn đề của bạn hiện tại là tăng 10kg cho đến tuần 21, nhưng bạn phải nói rõ là bạn tăng cân theo từng mốc thời gian nào là chủ yếu. So với một thai đơn đến lúc 21 tuần thì một người phụ nữ mang thai sẽ tăng từ 8-12kg, trong thai đôi thì có thể nhiều hơn. Tuy nhiên nếu bạn tăng cân nhiều quá thì vấn đề bạn có thể gặp phải chính là tiểu đường thai kỳ và sẽ gây ra thai to, đa ối và nguy cơ này sẽ dẫn đến sinh non.
Bây giờ bạn đợi thêm khoảng 3 tuần, đến tuần 24 để được thăm khám và làm thêm xét nghiệm sàng lọc tầm soát tiểu đường thai kỳ để từ đó tìm ra nguy cơ. Bản thân thai đôi đã là một thai kỳ nguy cơ sinh non rồi, đôi khi sinh non có thể do nguyên nhân là thai đôi chứ không phải do bạn tăng cân béo phì. Do đó bạn nên đi khám, tầm soát những yếu tố của nguy cơ dọa sinh non, ngoài bản thân thai đôi thì có thể có những nguy cơ khác, những bệnh lý đi kèm: tiểu đường thì tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Và khi kết hợp cùng thai đôi sẽ tăng nguy cơ dọa sinh non ở bạn. Do vậy bạn nên thăm khám và để ý những triệu chứng về đường tiết niệu, huyết trắng, âm đạo cũng như làm test đường để làm rõ yếu tố nguy cơ sinh non.
Em mang song thai IVF 22w, 2 bánh nhau, 2 buồng ối. Siêu âm hình thái học thai nhi hôm nay cho thấy 2 em bé phát triển bình thường, nhưng 1 bé bị dây rốn bám mép bánh nhau nên nhẹ cân hơn bé kia. Trọng lượng của 2 bé lần lượt là 425gr-550gr. Bác sĩ cho em hỏi bé dây rốn bám mép bánh nhau có ảnh hưởng và nguy hiểm gì nhiều ko ạ! Song thai nằm trong nhóm thai phụ có nguy cơ sinh non, vậy em phải làm gì để dự phòng sinh non ạ? Em cám ơn bác sĩ nhiều!
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Song thai là một thai kỳ nguy cơ cao, bởi vì song thai thường làm cho buồng tử cung căng lên rất nhiều và cổ tử cung có thể không chịu được với tình trạng tăng dần áp lực từ buồng tử cung do thai, nước ối. Do vậy song thai, tam thai, tứ thai thường sinh sớm hơn ngày dự sanh, và sớm hơn so với đa thai.
Với tình trạng của bạn thì sự chênh lệch giữa hai thai không quá lớn, tôi đoán em bé có dây bám mép có lẽ là em bé có trọng lượng 425gr. Dây rốn bám mép được định nghĩa là nó sẽ nằm ở tâm của bánh nhau, hoặc nó lệch ra lệch vô một xíu, nhưng nếu dây rốn nằm cách bờ bánh nhau dưới 1.5cm – 2cm thì người ta gọi là dây rốn bám rìa hay dây rốn bám mép. Theo lý thuyết dây rốn bám rìa hay dây rốn bám mép sẽ không cung cấp dinh dưỡng tốt giống như dây rốn bám đúng vị trí trung tâm. Do vậy có thể những em bé có dây rốn bám rìa hay dây rốn bám mép sẽ có cân nặng nhẹ hơn. Tuy nhiên với siêu âm em bé của bạn thì không có gì đáng quan ngại, thành ra bạn không cần lo lắng.
Song thai thì nguy cơ sinh non rất nhiều, do vậy hiện nay đối với đơn thai có một phác đồ rất cụ thể, chi tiết. Còn với song thai không áp dụng phác đồ này được, có một số trường hợp đa thai cổ tử cung ngắn, dưới 25mm thì các bác sĩ vẫn thực hiện khâu. Tuy nhiên theo các khuyến cáo hiện nay thì không cho thấy việc khâu cổ tử cung ở những phụ nữ đa thai sẽ có cải thiện về kết quả thai kỳ tốt hơn. Khi đi khám thai, chắc chắn các bác sĩ sẽ dặn dò lưu ý theo dõi về những cơn gò, ra huyết, ra nước, nếu có ba cơn gò trong 10 phút thì nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán, xử trí nếu có chuyển dạ sinh non. Và nên tìm đến những cơ sở có đủ Sản khoa & Sơ sinh như BVĐK Tâm Anh để không lòng vòng, chuyển viện. Trung tâm Sơ Sinh BVĐK Tâm Anh có nhiều kinh nghiệm trong việc cứu sống các em bé sinh non từ 25 – 26 tuần trở lên.
Khi mình có cổ tử cung bị ngắn và mang đa thai thì ngoài việc đặt thuốc nội tiết, các bác sĩ còn có thể chỉ định đặt vòng nâng để giúp đổi hướng cổ tử cung và phần nào giảm bớt áp lực tì đè trong buồng tử cung lên tử cung, cũng như hỗ trợ cho việc kéo dài thai kỳ. Tuy nhiên, so với đơn thai thì đa thai hiện ít được áp dụng những biện pháp như đơn thai.
Bạn Trang Đỗ sau khi nghe tôi nói cũng đừng quá lo lắng, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần có thể có những dọa sinh non, chuyển dạ sinh non. Và bạn cũng đi thăm khám tại những cơ sở uy tín để có những giải pháp thực tế cụ thể, đối với những trường hợp đó thì nên làm gì.
Thường các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh & bác sĩ Sản khoa đều phải luôn luôn đo chiều dài cổ tử cung cho dù đây là trường hợp song thai. Vì đôi khi những trường hợp song thai có thể biến đổi cổ tử cung từ rất dài (khoảng 50mm) sau 2 tuần rút ngắn lại còn 25mm hoặc thậm chí sau đó còn 5mm. Tại BVĐK Tâm Anh chúng tôi có những trường hợp đa thai, tam thai và đã đi đến được tuần 27, trường hợp tam thai ban đầu cổ tử cung dài (40mm), nhưng sau đó giảm còn dưới 30mm và cuối cùng là 5mm, rất mỏng. Khi nó bị kéo xuống còn 25mm, chúng tôi đã đặt vòng nâng để đổi trục cổ tử cung, và hiện tại thai kỳ này vẫn đang tiếp diễn, từ khi đặt vòng nâng đến nay cũng gần 6 tuần. Vì cổ tử cung còn 5mm, ngắn hơn 10 lần cổ tử cung bình thường nên chúng tôi đã đặt thai phụ này trong tình trạng báo động, khi nào đau bụng, ra nước, ra huyết phải tới ngay bệnh viện và phải thông báo cho chúng tôi trường hợp tam thai đã đến bệnh viện. Như vậy đội ngũ Sơ sinh cũng được chúng tôi thông báo có một trường hợp tam thai đến bệnh viện.
Bác sĩ cho em hỏi, thai đôi 22 tuần bị dư ối có nguy hiểm hay không? Và bây giờ em nên làm thế nào để giảm ối được ạ. E cảm ơn bác sĩ!
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Hiện tại bạn chưa cung cấp đủ thông tin là tình trạng thai đôi một nhau một ối hay là một nhau hai ối, vì đây là những thông tin để chúng tôi cho bạn những lời khuyên cụ thể hơn.
Với một trường hợp song thai kèm theo dư ối thì cần được đánh giá toàn diện khi đi khám thai, ví dụ cần được xem xét tình trạng hai em bé có bị thai chậm tăng trưởng hay có những bất thường nào khác hay không; được tầm soát những bất thường về nhiễm sắc thể, hình thai.
Ở tuổi thai 20 -24 tuần thì tại Trung tâm Sản Phụ khoa sẽ tiến hành siêu âm về hình thái em bé để đánh giá cân nặng, hình thái có bất thường nào hay không cũng như tình trạng một nhau một ối, một nhau hai ối và có bị dư ối, thiểu ối hay không. Nếu có trường hợp chênh lệch giữa hai khoang thai đối với song thai một nhau hai ối thì sẽ gia tăng nguy cơ cho thai kỳ rất nhiều.
Vì vậy tốt nhất bạn nên đến khám tại các sở y tế có kinh nghiệm về việc điều trị & theo dõi song thai kèm các biến chứng kèm theo. Cũng như các cơ sở y tế có khoa Sơ sinh có kinh nghiệm, hy vọng bạn sẽ đến BVĐK Tâm Anh để các bác sĩ ở đây theo dõi, đánh giá và tư vấn lại sau khi có đầy đủ thông tin cần thiết.
Thưa bác sĩ, nếu không khâu eo mà chỉ đặt vòng thì xác suất giữ thai có cao không ạ? Nếu đặt vòng nâng thì nên đặt ở tuần thai bao nhiêu và có trường hợp chống chỉ định nào không ạ? Em có tiền sử sinh non 30 tuần cách đây 2 năm. Mong mãi mới có thai nhưng lần này 14 tuần đo cổ tử cung được 34. Mong bác tư vấn.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Vấn đề của bạn chưa đủ để chỉ định khâu eo, do vậy bạn muốn đặt vòng nâng thì nên thăm khám đều đặn để các bác sĩ quyết định thời gian hỗ trợ đặt vòng nâng cho bạn. Hiện tại thời điểm thai 14 tuần, cổ tử cung 34mm thì vẫn chưa có chỉ định. Đặt vòng nâng thường được chỉ định vào 3 tháng giữa thai kỳ, chống chỉ định hay không thì trước hết bạn cần được thăm khám để xem có viêm nhiễm, xuất huyết không, nếu không thì bạn có thể đặt được.
Cho em hỏi Bác sĩ Mỹ Nhi: Em mang thai 1 thai tuần 26 đi khám cổ tử cung 20mm, được bác sĩ chỉ định đặt vòng nâng cổ tử cung cách đây 2 tuần và kết hợp đặt Cyclogest 400mg/ ngày. Nhưng sau khi đặt xong vòng nâng thì em ra dịch âm đạo rất nhiều. Bác sĩ cho em hỏi: làm sao để biết dịch đó có phải rỉ ối không? Nếu không phải rỉ ối thì làm cách gì để hạn chế ra dịch âm đạo. Đặt Cyclogest 400mg đường âm đạo có vòng nâng như thế bị ra dịch nhiều thì đặt hậu môn có được không? Đặt hậu môn thì có giảm tác dụng của thuốc hơn so với đặt âm đạo. Mong bác sĩ giải đáp
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Về mặt lý thuyết phác đồ xử trí đối với cổ tử cung từ 25mm trở xuống là cổ tử cung ngắn có nguy cơ sinh non, chỉ định đặt vòng pessary nh